Sài·gòn·eer

Back Đồng Sáng Tạo » Đồng Sáng Tạo » Dịch Vụ » Rừng ngập mặn: Giải pháp ‘xanh’ để ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Đôi khi, giải pháp cho vấn đề cấp bách biến đổi khí hậu không ở đâu xa mà hiện hữu ngay trước mắt.

Theo dự báo của các nhà khí tượng, tình trạng thiên tai và lũ lụt ở miền Nam nước ta sẽ tăng đột biến trong những thập kỷ tới do biến đổi khí hậu. Do đó, các khu vực duyên hải cần chuẩn bị những biện pháp phòng hộ vững chắc để ứng phó kịp thời trước những nguy cơ này.

Trong khi những giải pháp thường được nhắc đến là đê biển, cửa xả lũ và các cấu trúc “bê tông cốt thép” khác thì bên cạnh đó, có một giải pháp “xanh” đã luôn hiện diện ngay trong môi trường tự nhiên — đó chính là các cánh rừng ngập mặn.

Rừng ngập mặn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các hệ sinh thái ven biển vùng nhiệt đới. Chúng không chỉ cung cấp môi trường sống cho các loại sinh vật trên cạn và dưới biển, mà còn giảm thiểu tác động của bão lũ và sóng dữ, đồng thời hấp thụ và lưu trữ một lượng các-bon lớn trong khí quyển.

Có thể nói, rừng ngập mặn là một trong những lá chắn tự nhiên tốt nhất để bảo vệ con người khỏi thiên tai. Tại Trà Vinh, những nỗ lực mở rộng hệ sinh thái ngập mặn đang giúp khu vực này đẩy mạnh đa dạng sinh học, đồng thời góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Góp phần vào sứ mệnh này là MangLub, một doanh nghiệp xã hội được tài trợ bởi tổ chức SK Innovation và Hiệp hội Môi trường Liên hợp quốc Hàn Quốc. Năm 2018, MangLub khởi động dự án trồng rừng ngập mặn của mình tại Cồn Bần, một cù lao nhỏ thưa dân nằm gần cửa sông Cổ Chiên. Đến nay, công tác trồng rừng của MangLub đã được nhân rộng ở nhiều địa phương khác. Khi Saigoneer ghé thăm Trà Vinh vài tháng trước, những cánh rừng ngập mặn ấy đã sinh trưởng mạnh mẽ và phủ xanh nhiều ki-lô-mét đường bờ biển.

Với chuỗi hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái địa phương, MangLub đã thu hút được sự chú ý của nhiều học sinh, sinh viên tại khắp tỉnh Trà Vinh. “Ngày càng có nhiều bạn chủ động tìm tới chúng tôi, và việc trồng rừng cũng giúp nâng cao ý thức về môi trường cho thế hệ trẻ tại đây,” trích lời chia sẻ của chị Thy Phạm, một thành viên của MangLub. “Với các bạn trẻ, đây không đơn thuần là một hoạt động thú vị, mà còn là một nỗ lực cần thiết để cải thiện môi trường sống cho các thế hệ mai sau.”

Từ một doanh nghiệp xã hội ít được biết đến, MangLub đã phát triển thành một tổ chức có danh tiếng trong cộng đồng bằng những nỗ lực bền bỉ trong việc trồng rừng và tuyên truyền về giá trị của hệ sinh thái ngập mặn. Nhiều người đã liên lạc với MangLub qua Facebook và thể hiện mong muốn tham gia vào hoạt động trồng rừng. Chương trình cũng giúp nhiều bạn trẻ tại Trà Vinh đã có thêm một hoạt động bổ ích ngoài thời gian học tập trên trường.

Các em học sinh đóng góp công sức của mình theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, có những bạn đang nộp đơn xin học bổng vào các trường đại học nước ngoài và cần bổ sung hoạt động tình nguyên cho hồ sơ của mình. Các em hỗ trợ bằng cách viết nội dung, chỉnh sửa hình ảnh v.v. và được nhận chứng chỉ từ MangLub cho những đóng góp của mình.

Một số học sinh khác sẽ trực tiếp tham gia trồng cây để tìm hiểu về hệ sinh thái, hay vận dụng một kỹ năng nổi bật của Gen Z — chụp ảnh và lưu giữ lại những khoảnh khắc thú vị. MangLub sẽ sử dụng những tư liệu này để quảng bá các thông điệp của mình.

Ngoài thu hút học sinh, sinh viên, MangLub còn nhận được sự quan tâm của nhiều công ty và hiệp hội từ nhiều lĩnh vực. Một công ty kiến trúc cảnh quan có trụ sở tại Sài Gòn đã đề nghị hỗ trợ MangLub xây dựng một đường đi bộ trên cao để khách tham quan có thể đến tìm hiểu về rừng ngập mặn mà không gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái ở đây.

Một số tổ chức khác cũng đã hợp tác cùng MangLub kêu gọi tài trợ quốc tế để trồng thêm nhiều giống cây ngập mặn mới tại Trà Vinh. Bên cạnh đó, MangLub cũng làm việc với trường Đại học Nữ sinh Ewha của Hàn Quốc để thực hiện các dự án về giáo dục và rủi ro thiên tai.

Ngoài ra, vào ngày 9/8/2021, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh đã chính thức công nhận thành tích trồng rừng của MangLub.

MangLub cũng đạt được một bước tiến quan trọng trong công tác nghiên cứu khi ươm thành công những cây gõ nước đầu tiên, một giống cây thân gỗ cao đến gần 50 mét hiện nằm trong danh sách thực vật nguy cấp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và gần như đã bị xóa sổ ở Trà Vinh. Việc hoàn thành thử thách khó khăn này không chỉ giúp khẳng định vị thế của MangLub ở Việt Nam mà còn trên toàn Đông Nam Á.

Cũng như các tổ chức khác tại Việt Nam, các công tác của MangLub đang gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Từ giữa tháng 7, tỉnh Trà Vinh cùng các tỉnh thành miền Nam khác đã phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Do đó, đội trồng rừng của MangLub hiện chỉ đang duy trì ở số ít thành viên nòng cốt, nhưng công tác trồng rừng vẫn được thực hiện đều đặn theo chu kỳ lên xuống của thủy triều.

Trong tháng 9 này, MangLub sẽ tái khởi động các sự kiện giáo dục về môi trường theo hình thức trực tuyến, đồng thời xây dựng nền tảng cho các khóa học trong tương lai. Khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động gặp mặt trực tiếp sẽ được tổ chức trở lại trên địa bàn Trà Vinh.

Qua những hoạt động ý nghĩa của mình, MangLub mong muốn trở thành một người đồng hành đáng tin cậy của người dân và hệ sinh thái ở Trà Vinh, từ đó xây dựng một mô hình hữu ích mà các địa phương khác cũng có thể áp dụng.