Sài·gòn·eer

Back Đồng Sáng Tạo » Đồng Sáng Tạo » Dịch Vụ » Việt Nam chung tay với doanh nghiệp quốc tế để phát triển dự án trồng rừng ngập mặn ở Trà Vinh

Trong năm qua, những bộ rễ tua tủa của hằng hà cây con đã vươn mình khắp cánh rừng ngập mặn dọc bờ sông Cổ Chiên ở tỉnh Trà Vinh.

Mảng rừng ngập mặn này là vùng đệm tự nhiên góp phần bảo vệ cộng đồng dân cư trong khu vực trước viễn cảnh mực nước biển dâng cao trong vài năm tới. Vì đây cũng là tình trạng chung của các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nên giải pháp mở rộng diện tích rừng ngập mặn càng trở nên cấp bách.

Mảng rừng ngập mặn này là vùng đệm tự nhiên góp phần bảo vệ đất canh tác nông nghiệp ở Trà Vinh.

Trong những năm gần đây, chúng ta thấy tin tức về nạn phá rừng trên quy mô toàn thế giới tràn ngập trên truyền thông. Tất nhiên Việt Nam cũng được nhiều lần gọi tên. Trước tình hình đó, những khu rừng ngập mặn này đang viết nên một câu chuyện theo chiều hướng ngược lại. Dự án là sự hợp tác sâu rộng giữa MangLub, một doanh nghiệp xã hội được tài trợ bởi SK Innovation, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Hàn Quốc, Dreamsharing.

Công tác trồng rừng ngập mặn đang được tiến hành.

MangLub và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh đã phối hợp khởi động dự án này vào năm 2019 tại mũi Cồn Bần. Đây là một cù lao nhỏ trên sông Cổ Chiên và là nơi sinh sống của một vài hộ nuôi tôm. Kể từ đó, MangLub và các đối tác đã tiếp tục trồng 147 hecta rừng ngập mặn trên khắp Trà Vinh, và sẽ trồng thêm 60 hecta vào cuối năm 2022. Diện tích này đã bao gồm 1 hecta thí điểm trồng giống cây Bần trắng (Sonneratia Alba.)

Ông Kim Hangsok, Giám đốc Điều hành MangLub cho biết: “Cho đến nay, dự án đã rất thành công. Ngày càng có nhiều công ty, trường học và nhiều tổ chức từ khắp nơi trên thế giới đề xuất nhiều dự án hợp tác bảo tồn thiên nhiên với chúng tôi.”

Trong số họ, không thể không kể đến Gemalink, nhà điều hành Cảng Quốc tế Gemalink tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Benoit Klein, Giám đốc Điều hành của cảng, biết đến MangLub khi đang tìm cách khắc phục phần nào lượng carbon thải ra từ hoạt động của cảng. Mô hình kinh doanh này vốn tiêu thụ rất nhiều năng lượng và vì thế có lượng phát thải khí nhà kính cao. Gemalink còn hợp tác với các công ty vận tải biển khác như Hapag Lloyd và Forto. Ông Klein đã khởi xướng chương trình Seed for Sea với mục đích liên kết các công ty đa quốc gia phương Tây với MangLub để mở rộng nguồn tài trợ cho công tác trồng rừng ngập mặn.

Đội ngũ trồng rừng ngập mặn của Gemalink cùng ông Benoit Klein (bên trái) và các thành viên (bên phải).

Trọng tâm Sead for Sea lúc này là cây Gõ nước (Intsia bijuga), một loài cây ngập mặn cao tới 50 mét, được biết đến cái tên khác là Bần ôi. Gõ nước được liệt kê trong Sách Đỏ của IUCN là loài nguy cấp. Hiện có chưa đến 100 cây đang sinh trưởng tại Trà Vinh. Công tác trồng cây đã được khởi động vào ngày 10/6.

Cho đến nay, Gemalink đã đồng ý tài trợ trồng 2 hecta Gõ nước, và ba tập đoàn châu Âu khác đã đồng ý tài trợ trồng thêm 3 hecta. Ông Klein cho biết: “Chúng tôi muốn thuyết phục thêm nhiều công ty tư nhân tài trợ trồng nhiều hecta rừng ngập mặn hơn nữa. 5 hecta này đã rất tốt rồi, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thảo luận chương trình hợp tác với một số công ty khác."

Những cây Gõ nước được ươm trong vườn trước khi mang đi trồng.

Việc trồng Gõ nước bắt đầu vào giữa tháng 6 tại vườn ươm của MangLub. Ông Klein hy vọng Seed for Sea có thể tài trợ trồng thêm 40 hecta trong vài năm tới. Vào hôm 9/6 vừa qua, SK Innovation cũng cử một đội nhân viên đến khu vực này để tiến hành trồng rừng. Nhiệm vụ này vốn được MangLub cùng các đối tác trong Chi cục Kiểm lâm địa phương thực hiện. Ở Việt Nam, hình ảnh doanh nghiệp tư nhân đứng ra tài trợ cho chương trình bảo tồn thiên nhiên có thể còn tương đối mới lạ, nhưng đây từ lâu đã là một phần trong các mục tiêu ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) của các tập đoàn quốc tế.

Ông Klein cho biết thêm: “Dự án này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của các công ty lớn ở phương Tây. Họ đang tìm kiếm các dự án tương tự nhưng không dễ dàng gì. Dự án của chúng tôi có độ tin cậy cao và có sự chấp thuận từ các chuyên gia CSR [Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp] sau nhiều cuộc kiểm toán.”

Một trong những công ty này là Hapag Lloyd, gã khổng lồ của Đức trong ngành vận tải biển quốc tế. Công ty đã tham gia Seed for Sea bằng cách khởi động một dự án trồng cây Bần chua (Sonneratia Caseolaris) vào ngày 16/6 vừa qua. Bần chua có thể cao đến 20 mét và có phạm vi phân bố trải dài từ Châu Phi đến Indonesia. Ông Kim nói thêm: “Chúng tôi tập trung vào các cam kết ESG của doanh nghiệp với mục tiêu chính là giảm thải carbon. Rừng ngập mặn là một giải pháp hoàn toàn tự nhiên cho vấn đề đó. Cây ngập mặn hấp thụ lượng khí cacbonic gấp 4 lần những loài cây khác.”

Vào một ngày trồng cây, vài người dân địa phương sử dụng mông, một phương tiện di chuyển tại những vùng đầm lầy nông.

Ông Kim đang ấp ủ những mục tiêu lớn hơn cho MangLub trong những thập kỷ tới. Ông chia sẻ mong muốn trồng 30.000 hecta rừng ngập mặn và 10.000 hecta cây rừng ngập mặn đang được phân loại nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN “trước khi tôi không còn nữa.”

Cả ông Kim và ông Klein đều hy vọng rằng công tác trồng rừng ngập mặn sẽ mở rộng ra ngoài tỉnh Trà Vinh, mặc dù chưa có thông tin nào được xác nhận. MangLub cũng nỗ lực đào tạo các nhà bảo tồn rừng ngập mặn tương lai và cho đến nay tổ chức đã có 5 nhóm thực tập sinh. Ông Kim chia sẻ: “Tôi thực hiện dự án này để giúp các con tôi có môi trường sống tốt hơn. Ban đầu, chúng tôi chỉ có một nhân viên, đến bây giờ đã có các công ty ở Hàn Quốc, Pháp, Đức và Ý liên hệ với chúng tôi, cũng như nhiều trường học ở Hoa Kỳ. Tôi rất mãn nguyện và cảm thấy được khích lệ để nỗ lực hơn nữa.”

Rừng ngập mặn sinh trưởng tốt sẽ thu hút một hệ sinh thái đa dạng, gồm những chú cá thòi lòi này.