Sài·gòn·eer

Back Đồng Sáng Tạo » Đồng Sáng Tạo » Dịch Vụ » Hành trình ‘xanh hóa’ rừng ngập mặn ở Trà Vinh của MangLub

Hành trình ‘xanh hóa’ rừng ngập mặn ở Trà Vinh của MangLub

Khi nhắc đến rừng phòng hộ, có lẽ những hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí mọi người là dáng tùng vững chãi hay hàng thông xanh rì trên non cao, mà ít ai nghĩ ngay đến những loài cây ngập mặn bao bọc miền duyên hải.

Thế nhưng, những cánh rừng sinh trưởng nơi đầm lầy lấm lem này vẫn luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái địa phương, cũng như bảo vệ môi trường sống khỏi những tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các loài cây ngập mặn có bộ rễ phụ rất lớn, mọc tua tủa quanh gốc cây, bám sâu vào lòng đất nhão để giữ cho cây luôn đứng vững trên sình lầy. Cấu tạo đặc biệt này của bộ rễ cũng giúp giữ lại phù sa ở cửa sông, và dần dần bồi tụ thành các cồn bãi mới, tạo ra môi trường sống cho các loài giáp xác, rái cá, và chim chóc. Không chỉ vậy, rừng ngập mặn cũng là hàng rào kiên cố che chắn miền duyên hải khỏi thiên tai bão dữ đến từ Biển Đông. Và cũng như mọi cánh rừng khác, những mảng xanh này còn là bể các-bon, góp phần loại bỏ hàm lượng CO2 trong khí quyển và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ở nước ta, rừng ngập mặn xuất hiện nhiều tại các tỉnh ven biển, từ mũi Cà Mau cho đến huyện Cần Giờ ở thành phố Hồ Chí Minh, và có mặt cả ở khu vực Đảo Cát Bà ở phía Bắc vốn nổi tiếng với thảm thực vật và động vật đa dạng.

Tại Trà Vinh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, rừng ngập mặn mọc dày đặc ở cửa sông Cổ Chiên, nơi ngăn cách Trà Vinh và Bến Tre. Và cũng tại đây, một doanh nghiệp xã hội có tên gọi MangLub đang nỗ lực mỗi ngày để góp phần mở rộng hệ sinh thái ngập mặn.

MangLub là doanh nghiệp xã hội đầu tiên thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn tại Trà Vinh, với nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như SK Innovation, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tại Hàn Quốc, Dreamsharing và Afoco. Trong đó, đơn vị tài trợ chính là SK Innovation, tập đoàn Hàn Quốc chuyên tập trung giám sát và nâng cao các quy chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.

Những hàng cây giống đạt chuẩn do MangLub mới trồng (trái) dần vươn mình bên cánh rừng ngập mặn lâu năm (phải).

Chị Phạm Hải Thy, một thành viên của MangLub, chia sẻ: “Ở Việt Nam, đặc biệt là tại Trà Vinh, có rất ít các tổ chức hay cá nhân quan tâm tới rừng ngập mặn. Ngay cả người dân địa phương sinh sống tại đây cũng không hiểu rõ về tầm quan trọng của các loài cây này, bà con vẫn thường xuyên chặt cây rừng để lấy gỗ và thức ăn.”

Từ năm 2019, MangLub đã bắt đầu trồng rừng ngập mặn ở cù lao Cồn Bần nằm gần cửa sông Cổ Chiên, nơi đây chỉ có một vài gia đình sinh sống bằng nghề nuôi tôm. Trong cùng năm, doanh nghiệp này đã trồng được 1.500 cây trên diện tích gần 1 héc-ta, và vào năm 2020, MangLub trồng thêm 180.000 cây trên 30 héc-ta ở Cồn Bần và vùng bờ biển lân cận.

Saigoneer gần đây đã có dịp đến thăm tỉnh Trà Vinh và tận mắt nhìn thấy thành quả trồng rừng của MangLub trong những năm qua.

Dù hàng cây non vẫn còn thấp và chỉ nhìn thấy được khi triều xuống, nhưng cánh rừng mới này đã giúp tăng độ bao phủ của rừng ở hòn đảo, củng cố “hàng rào bảo vệ tự nhiên” của cộng đồng dân cư nơi đây.

Có thể nhìn thấy rõ hàng cây mới trồng khi thủy triều rút.

Băng qua sông trên chiếc ghe gỗ vốn là tàu bè cũ được tái sử dụng chúng tôi lặng người nhìn ngắm cánh rừng hoang sơ xanh mướt trải dài trước tầm mắt, thi thoảng lại bắt gặp một vài người dân đang bắt ốc trên những bãi đồi để đem bán.

Chúng tôi cũng có cơ hội đến thăm vườn ươm của MangLub, nơi những cây non được chăm sóc và bảo vệ dưới những tán cây cao lớn hơn. Chuyến tham quan này hóa ra lại “trắc trở” hơn tưởng tượng khi chúng tôi phải lội qua lớp bùn đất đặc quánh và cao đến hông, vừa nơm nớp lo sợ đánh rơi chiếc máy ảnh.

Khi đủ lớn, các cây non trong vườn sẽ được chuyển đến trồng ở Cồn Bần hay một khu vực tương tự để cây bám rễ và phát triển tự nhiên.

 

Vườn ươm của MangLub.

Cánh rừng MangLub vừa trồng tuy vẫn còn non trẻ nhưng đã cho thấy ảnh hưởng tích cực tới hệ sinh thái trong khu vực. “Diện tích rừng này đã tạo ra một môi trường kiếm ăn, sinh sản và nuôi dưỡng lý tưởng của nhiều loài thủy sinh,” chị Thy cho biết. “Lá và thân cây khi phân hủy sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho tảo và một số động vật có vỏ sinh sống ở thân và rễ cây.”

Ngoài ra, MangLub còn hợp tác với Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Trà Vinh để tổ chức các hội thảo tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo tồn rừng ngập mặn, khuyến cáo người dân về tác hại của việc chặt phá rừng nhằm lấy gỗ hay thức ăn. Bên cạnh đó, MangLub cũng đang thử nghiệm một hướng đi mới, đó là đề xuất chương trình hợp tác trồng rừng với các doanh nghiệp trong nước — cung cấp một phương án mới để các đơn vị này thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Trong tương lai, MangLub đặt mục tiêu trồng ít nhất 30 héc-ta rừng ngập mặn mỗi năm trong vòng năm năm tiếp theo trên khắp Trà Vinh và các tỉnh đồng bằng lân cận.

MangLub hiện cũng đang kêu gọi tài trợ quốc tế để tiến hành trồng cây gõ nước, một giống cây thân gỗ cao đến gần 50 mét sinh trưởng được trong rừng ngập mặn và hiện nằm trong danh sách thực vật nguy cấp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Theo chị Thy, Trà Vinh chỉ còn chưa đến 100 cây gõ nước do tình trạng khai thác gỗ không kiểm soát. MangLub đang ươm trồng giống cây này tại vườn ươm của mình, với hy vọng sẽ sớm có thể mang cây giống đạt chuẩn đến trồng dọc bờ biển trong năm tới.

Bên cạnh mục đích bảo tồn một giống cây quý hiếm của Việt Nam, việc trồng gõ nước miền duyên hải cũng giúp tăng cường bảo vệ đất cho khu vực này.

Một chú chim sải cánh chao liệng quanh cánh rừng ngập mặn đang vươn mình. 

“Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là trồng được 10 triệu cây ngập mặn trong vòng 10 năm tới,” chị Thy chia sẻ. “Chúng tôi biết rằng việc này rất khó, nhưng không có gì là không thể. MangLub muốn nâng cao nhận thức của người dân địa phương về rừng ngập mặn, và biến vườn ươm của mình thành một trung tâm thí nghiệm và chào đón các giáo viên, học sinh hay bất cứ cá nhân nào quan tâm tới việc nghiên cứu và tìm hiểu về thực vật ngập mặn.”

Các tổ chức hoạt động vì môi trường trên thế giới đã không ngừng đề xuất và thực hiện rất nhiều phương án thích nghi nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như sự đe dọa của thảm họa thiên nhiên. Trong đó có một số giải pháp đòi hỏi nguồn vốn lên đến hàng tỷ đô la cùng công nghệ tối tân nhất.

Thế nhưng, cũng không thiếu các giải pháp ít tốn kém hơn nhờ tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà sáng kiến trồng rừng ngập mặn của MangLub chính là một ví dụ. Những nỗ lực mở rộng và bảo tồn hệ sinh thái ngập mặn của doanh nghiệp này đã và đang tiếp thêm niềm tin về một tương lai xanh, sạch hơn cho người dân của mảnh đất Trà Vinh.

Đội ngũ MangLub đang hăng say làm việc.