Ecobrick, hay gạch sinh thái, là một phong trào toàn cầu đang ngày một lan tỏa tại Việt Nam
Nguyên liệu để làm nên một viên gạch sinh thái (ecobrick) vô cùng đơn giản: một vỏ chai nhựa đã qua sử dụng, rác thải nhựa khó phân hủy (túi nilon, ống hút, bao bì bánh kẹo…), và cuối cùng là một chiếc que dài. Dùng chiếc que này để tự tay nhồi thật chắc và chặt rác thải nhựa đã được rửa sạch và phơi khô vào trong chai nhựa. Chỉ tầm hai tiếng sau, bạn sẽ có trên tay một viên gạch ecobrick cứng cáp, với khả năng chịu được sức nặng của một người bình thường mà không hề biến dạng.
Khởi điểm là một ý tưởng nhỏ bắt nguồn từ Guatemala, nay ecobrick đã trở thành phong trào khá phổ biến trên toàn cầu. Từng viên gạch ecobrick làm ra không chỉ giúp tái chế rác thải nhựa vốn đầy rẫy, tồn đọng trong đời sống và dẫn đến những hệ quả xấu đến môi trường và con người vốn đã được khoa học chứng minh, mà còn có khả năng thay thế cho gạch truyền thống. Những viên gạch này có thể được sử dụng để làm bàn ghế, kệ, tường, nhà ở, hay trường học. Tưởng chừng bất khả dĩ, nhưng các dự án cộng đồng giúp xây nhà và trường học từ ecobrick ở Philippines, Nam Phi hay Ấn Độ trong vài năm qua là minh chứng cho ứng dụng thành công của loại “vật liệu mới” này nhằm tạo nên các công trình mang kết cấu vững bền.
Ecobrick đã nhen nhóm ở Việt Nam từ năm 2018. Gần đây nhất, mô hình trên hiện đang được áp dụng trong dự án đặc biệt Eco-brick School Vietnam do Build a School Foundation và Wholistik Permaculture phối hợp thực hiện. Mục tiêu của dự án là xây nên một ngôi trường dành cho trẻ em nghèo tại Trà Vinh làm hoàn toàn từ 8.000 viên gạch ecobrick. Dù đã bước vào công đoạn làm nền móng, nhưng để đạt số lượng gạch đề ra trước đó, dự án đã nhận được sự quyên góp của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng từ Bắc chí Nam. Một trong số đó là nhóm bạn trẻ đến từ Ecobrick Saigon.
Điều khá thú vị ở Ecobrick Saigon là nhóm được sáng lập và vận hành bởi các bạn học sinh cấp 3 từ một trường quốc tế ở TP.HCM, cùng với đó là Nguyễn Vũ Bích Ngọc hiện đang là sinh viên của trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Gặp gỡ Bích Ngọc cùng hai thành viên chủ chốt còn lại là Nguyễn Minh Anh và Lê Đức Minh, chúng tôi không chỉ ấn tượng bởi độ tuổi còn rất trẻ của các bạn, mà còn là nhiệt huyết và thái độ nghiêm túc khi bàn đến những vấn đề môi trường. “Bọn em thật sự ngỡ ngàng về tác động tràn lan của rác thải nhựa sau chuyến đi thu gom rác trên bãi biển do trường tổ chức,” Minh Anh chia sẻ. “Nhưng điều đó cũng càng thôi thúc mọi người trong nhóm cùng nhau hành động, vì dù là hành động nhỏ thôi, nhưng em hy vọng điều ấy cũng giúp ích được phần nào.”
“Việc lập ra Ecobrick Saigon trước hết là một câu lạc bộ vì môi trường để các bạn trong trường cùng tham gia. Nhưng ý tưởng Ecobrick lại đến từ vlog của chị Giang Ơi mà bọn em từng có dịp xem,” Bích Ngọc cười bảo. Lợi thế của ecobrick đến từ việc ai ai, ở bất kỳ đâu, cũng có thể dễ dàng bắt tay thực hiện để làm ra một viên gạch hoàn chỉnh mà không cần trải qua quá trình "đào tạo" quá phức tạp. Lượng chất thải nhựa để nhồi kín mỗi vỏ chai 2 lít cũng sẽ gần tương đương với lượng rác thải ra sau một tuần sinh hoạt. Giải pháp EcoBrick tuy không nhanh chóng giải quyết được vấn đề một cách diện rộng hay vĩ mô, nhưng cũng phần nào giúp nâng cao nhận thức của mọi người về khối lượng lớn rác thải nhựa đang hàng ngày sản sinh nhưng không được tái chế và xử lý bài bản.
Dù bắt nguồn là một câu lạc bộ nhỏ trong trường thành lập vào tháng 3, 2019, Ecobrick Saigon đã nhận được hỗ trợ từ các mô hình sống xanh khác như Nulla và Evol Vietnam trong việc hợp tác tổ chức workshop, tìm kiếm dự án phù hợp và kêu gọi gây quỹ cho việc xây nhà ecobrick. Cùng nhau, họ đã thực hiện thành công mục tiêu dùng gạch ecobrick để xây nên căn nhà tình thương dành tặng cho gia đình của bà Tô Thị Nguyệt (60 tuổi) tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào tháng 7, 2020.
“Bọn em rất mừng khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn trong trường và cộng đồng xung quanh,” Bích Ngọc bảo. “Dù bảo vệ môi trường vẫn còn là một vấn đề mà một người làm nghề kinh doanh, buôn bán thông thường chưa dành sự lưu tâm đúng mức vì bài toán kinh tế, bọn em vẫn lạc quan khi nhận thấy vẫn càng có nhiều người thực sự quan tâm và muốn tạo ra thay đổi trong xã hội.”
Dù mang nhiều giá trị nhân văn và có tiềm năng giải quyết một phần lớn vấn đề ô nhiễm rác thải, ecobrick là một khái nhiệm khá mới mẻ ở Việt Nam, chính điều này đã mang lại không ít khó khăn cho nhóm bạn trẻ trong quá trình thực hiện. Bích Ngọc chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất chính là tìm được những dự án cần hỗ trợ gạch vì ở Việt Nam chưa nhiều người biết tới ecobrick và tính hữu ích của nó. Chúng em chưa biết nhiều cá nhân và tổ chức cần sự giúp đỡ xây dựng nhà tình thương như cô Nguyệt."
“Bọn em luôn mong muốn có cơ hội làm được nhiều dự án hơn trong tương lai gần,” Đức Minh bộc bạch. “Chính vì bọn em còn trẻ, nên việc tích lũy và học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị trong những tổ chức trên là điều vô cùng hữu ích. Dù sau này đã tốt nghiệp, nhóm bọn em vẫn sẽ dành thời gian hỗ trợ và tìm cách phát triển EcoBrick Saigon. Ngay tại thời điểm này, nhóm đã ‘để ý’ một vài thành viên tiềm năng để dẫn dắt câu lạc bộ sau khi bọn em ra trường.” (cười)
Bạn đọc có nhu cầu quyên góp gạch sinh thái hoặc hợp tác trong các dự án xây trường học, nhà tình thương có thể liên hệ Ecobrick Saigon tại đây.