Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Môi Trường » Người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực và hành trình truyền cảm hứng về bảo vệ môi trường

Sự nghiệp hoạt động vì môi trường ở Việt Nam của chị Minh Hồng bắt đầu từ chuyến thám hiểm đến vùng đất Nam Cực năm 1997. 

Năm 1996, chị Minh Hồng đang làm việc ở bộ phận marketing cho tờ báo tiếng Anh Vietnam Investment Review tại Hà Nội. Thật tình cờ, một người bạn thời thơ ấu của chị lại làm việc cho Ngân hàng ABN AMRO, một trong những nhà tài trợ cho chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên dành cho các thanh niên ưu tú do nhà thám hiểm Robert Swan dẫn đầu.

“Đây là chuyến thám hiểm phù hợp với một người điên rồ như Hồng” là lý do bạn chị đưa ra và điều đó đã thúc đẩy chị đăng ký tham gia. Kết quả là chị đã nộp đơn đăng ký thành công và lên đường đến Nam Cực vào năm sau. Chị Minh Hồng chia sẻ “Chúng tôi đã tập luyện trong vòng ba tuần. Tôi đã tự hỏi bản thân: ‘Ôi trời, sao tôi lại tự làm khó mình vậy?’ Đó thực sự là một khóa đào tạo chuyên nghiệp dành cho các nhà thám hiểm vùng cực. Đoàn thám hiểm gồm có 35 thanh niên đến từ 25 quốc gia khác nhau và chúng tôi đã luôn sát cánh bên nhau trong những điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt.”

Chị Hồng và nhà thám hiểm Robert Swan ở Nam Cực. Ảnh do chị Minh Hồng cung cấp.

Là người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực, chị Minh Hồng đã được tiếp cận với những vấn đề về sự nóng lên toàn cầu và chính trải nghiệm này đã truyền cảm hứng cho các hoạt động của chị sau khi về nước. "Chúng tôi chỉ ở Nam Cực trong 16 ngày nhưng đó thực sự là một trải nghiệm đã thay đổi cuộc sống của tôi," chị Hồng chia sẻ.

Tại Việt Nam, nhiều người vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm với các nhà hoạt động xã hội, vì thế chị Hồng đã phải dốc hết sức mình trong một trận chiến đầy khó khăn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường từ những điều cơ bản nhất. Giờ đây, khi cả thế giới đang lo lắng về các dịch bệnh lây lan từ động vật hoang dã sang người, chị Hồng đã nỗ lực khuyến khích các nhà báo đưa tin về nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam — một vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người cầm bút.

Chị Hồng ngồi tựa lưng vào hình vẽ một cái cây lớn trên tường và kể cho chúng tôi nghe về con đường hoạt động bảo vệ môi trường của chị bên trong phòng họp của CHANGE — tổ chức phi chính phủ về môi trường mà chị sáng lập ở Sài Gòn. CHANGE được cấp giấy phép hoạt động vào năm 2013 và đã thực hiện nhiều dự án về môi trường — từ nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu đến chống buôn bán động vật hoang dã và hỗ trợ người dân địa phương thành lập các nhóm bảo tồn thiên nhiên.

Chị Hồng (mặc váy đỏ đứng giữa) tạo dáng cùng đồng đội tại CHANGE trong đợt giáng sinh vừa qua. Ảnh do chị Minh Hồng cung cấp.

Nghe chị Hồng hào hứng nói về công việc của mình, chúng tôi mới hiểu tại sao chị ấy lại thành công trong việc khuyến khích người dân bảo vệ môi trường, một lĩnh vực ít được quan tâm ở Việt Nam.

“Năm 2009, tôi chuyển vào Sài Gòn và muốn tìm việc làm trong một tổ chức phi chính phủ về môi trường, nhưng tôi không có cơ hội vì ở đây không có tổ chức nào như vậy cả,” chị Hồng chia sẻ. “Tôi nghĩ, nếu không có thì tôi sẽ thành lập một tổ chức của riêng mình.”

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chính phủ đã nỗ lực kiểm soát việc tiêu thụ thịt thú rừng ở trong nước, kiểm soát việc sử dụng các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng làm dược liệu trong đông y, buôn bán vật nuôi ngoại lai và trung chuyển trái phép động vật hoang dã qua lãnh thổ Việt Nam.

Vào tháng 3 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu khẩn trương soạn thảo Chỉ thị cấm mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Tuy nhiên chỉ thị trong tháng 7 của chính phủ chỉ kêu gọi tăng cường thực thi pháp luật hiện hành về buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam.

CHANGE đã nắm bắt tình hình và tập trung mọi sức lực trên “đấu trường” cam go này kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chị Hồng chia sẻ: “Mọi người đang dần nhận ra rằng vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến động vật mà còn tác động đến nền kinh tế.”

Năm 2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 30 năm qua do đại dịch. Mối liên hệ giữa COVID-19 — một dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người — và sự suy thoái kinh tế đã buộc chính phủ phải hành động sau nhiều năm chần chừ trong việc ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã.

Chị Hồng chia sẻ “Chính phủ thực sự đang đối mặt với với áp lực phải hành động. Và bởi vì chính phủ đã làm rất tốt việc kiểm soát đại dịch nên muốn chứng tỏ cũng có thể ngăn chặn được vấn đề này.”

Một trong những chiến lược của CHANGE là khuyến khích các nhà báo đưa tin về vấn đề này bằng cách phát động Cuộc thi báo chí về môi trường mang tên VIEWS Award — Giải thưởng Thông tin về Môi trường – Động vật hoang dã – Phát triển bền vững tại Việt Nam — với chủ đề “Toàn cảnh cuộc khủng hoảng động vật hoang dã."

Loài Voọc chà vá chân xám có nguy cơ tuyệt chủng ở mức nguy cấp do nạn săn bắn. Ảnh nằm trong bài dự thi đoạt giải của Tuấn Ba Gấu trong cuộc thi VIEWS. Ảnh: Tuấn Ba Gấu.

“Toàn bộ cuộc thi đều xoay quanh dịch bệnh Covid vì chúng ta phải làm mọi cách để chấm dứt hoàn toàn việc tiêu thụ động vật hoang dã và từ đó ngăn chặn một đại dịch khác xảy ra," chị Hồng chia sẻ.

Dù chủ đề năm nay có tính thời sự cao nhưng CHANGE vẫn phải đối mặt và khắc phục những nguyên nhân khiến cho đề tài này không nhận được sự quan tâm đúng mức. Chị Hồng cho rằng báo chí về động vật hoang dã ở Việt Nam đang thiếu sự thu hút lẫn nguồn tài trợ.

Chị Hồng tâm sự: “Tôi phải nói rằng, môi trường chưa bao giờ nhận được sự quan tâm của những người làm báo ở đây. Họ thích viết về thể thao hoặc kinh tế bởi chúng giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn. Lĩnh vực báo chí môi trường có lẽ mang lại thu nhập thấp nhất.”

Nhưng có lẽ rào cản lớn nhất khi viết các bài báo về môi trường ở Việt Nam là sự nguy hiểm mà người viết có thể gặp phải. Người sử dụng các sản phẩm như phụ phẩm từ hổ và sừng tê giác nói chung đều là những nhân vật quyền lực và giàu có trong xã hội nên việc đưa tin về vấn nạn này có thể gây ra rủi ro cho các nhà báo.

Để tránh bị đe dọa, nhiều nhà báo đã dùng bút danh khi gửi câu chuyện của họ cho VIEWS, và một nhà báo đoạt giải thậm chí đã đeo khẩu trang để che giấu danh tính của mình khi lên nhận giải. Để tránh sự kiểm duyệt truyền thông, cuộc thi đã thêm vào một hạng mục truyền thông xã hội để quảng bá những câu chuyện nhạy cảm mà các phương tiện truyền thông chính thống không thể đăng tải.

Chị Hồng khẳng định: “Tôi tin vào sức mạnh của các phương tiện truyền thông ở Việt Nam. Truyền thông vẫn có ảnh hưởng nhất định đến những gì mọi người nghĩ, những gì mọi người biết và những gì các nhà lãnh đạo nghĩ. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn các nhà báo tại Việt Nam sẽ đồng hành cùng chúng tôi trong tất cả các hoạt động.”

Lễ trao giải cho cuộc thi được tổ chức tại một khách sạn lớn ở trung tâm TP.HCM vào tháng trước, các nhà báo có tác phẩm dự thi xuất sắc đều được trao giải thưởng xứng đáng.

Các tác phẩm đoạt giải khai thác một số chủ đề như nguy cơ lây lan virus corona trong buôn bán động vật hoang dã, tiêu thụ động vật hoang dã, buôn bán vật nuôi ngoại lai, và sự thiếu sót trong việc thực thi các quy định và điều luật về bảo tồn của Việt Nam, cũng như vai trò của mạng xã hội trong việc ngăn chặn nạn mua bán động vật hoang dã.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là một trong những người đoạt giải với loạt bài phóng sự điều tra gồm năm phần về nạn buôn bán hổ trái phép ở Việt Nam. Trong quá trình viết bài, nhà báo và các đồng nghiệp trẻ thậm chí đã theo dấu ngành công nghiệp đen tối này đến các trại nuôi hổ ở Nam Phi. Nhóm tác giả đã dùng bút danh để công bố tác phẩm.

“Tác phẩm đoạt giải thuộc về một trong những phóng viên có thâm niên trong nghề, người đã có nhiều kinh nghiệm và có nhiều mối quan hệ. Vì vậy, tác phẩm của anh ấy chắc chắn sẽ được xuất bản,” chị Hồng nói. "Nhưng rất khó để những nhà báo trẻ khác nói về những vấn đề nhạy cảm này."

Chị Hồng chia sẻ “Với giải thưởng lên tới 900 đô la Mỹ, cuộc thi mong muốn thu hút nhiều hơn nữa những tác phẩm báo chí liên quan đến vấn đề này.”

Chị Hồng cho biết “Chúng ta phải công nhận những đóng góp của nhà báo và tạo ra động lực cho họ. Nếu họ cần một chiếc máy ảnh, chúng tôi sẽ tìm một chiếc máy ảnh. Nếu họ cần một chiếc xe, chúng tôi sẽ tìm một chiếc xe. Bất cứ điều gì họ cần cho việc viết báo. Chúng tôi sẽ cố gắng huy động mọi nguồn lực có thể để hỗ trợ các nhà báo Việt Nam.”

Tuấn Ba Gấu (trái), đạt giải nhất ở hạng mục mạng xã hội, và Đỗ Doãn Hoàng (phải), đạt giải nhất ở hạng mục báo chí. Ảnh do CHANGE cung cấp.

Đỗ Doãn Hoàng (giữa) và các cộng sự được trao giải Nhất ở hạng mục báo chí. Ảnh do CHANGE cung cấp.

Mặc dù chị Hồng đã làm việc kiên trì để tạo ra những thay đổi tích cực, nhưng đây là một con đường không hề dễ dàng. Ngay từ những ngày đầu thành lập CHANGE, chị đã liên tục nhận được những lời đe dọa tống tiền, uy hiếp đến tính mạng và bị đe dọa bỏ tù.

Chị Hồng chia sẻ: “Khi làm công việc này, tôi hoàn toàn nhận thức được những gì mình có thể sẽ phải đối mặt và tôi chỉ muốn mọi người ủng hộ tôi và hiểu rằng tôi không hề đe dọa ai cả.”

Mặc dù đã quen với hầu hết những kiểu đe dọa như thế nhưng khi đối mặt với một vụ quấy rối nghiêm trọng vào đầu năm 2018 chị Hồng đã bị lung lay và suýt phải từ bỏ công việc của mình. Cũng vào thời gian này, chị nhận được một email thông báo rằng chị đã được đề cử tham gia Chương trình Học bổng Obama tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ.

Chị Hồng tâm sự: “Tôi nghĩ đây là một cơ hội để chạy trốn khỏi những mối nguy hiện tại vì vậy tôi đã nắm lấy nó. Thực sự, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải xa công việc và gia đình trong 10 tháng. Nhưng bởi vì lúc đó tôi hoàn toàn rối tung với tất cả những gì mình đang phải đối mặt, tôi bèn nghĩ không sao cả và quyết định nộp đơn.”

Chị Hồng đã giành được học bổng của chương trình, và chị tin rằng cơ hội ấy đã làm sống lại nhiệt huyết của chị đối với công việc.

Chị Hồng (giữa) và các cá nhân ưu tú đã nhận được học bổng của Quỹ học bổng Obama chụp hình với Tổng thống Barack Obama tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: The Obama Foundation.

Chị Hồng kể lại: “Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong đời tôi. Không phải nhờ vào chương trình học hay nội dung giảng dạy, mà là trải nghiệm được học tập cùng với 11 nhà lãnh đạo dân sự từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, họ đều có hoàn cảnh và điều kiện hoàn toàn khác nhau. Tôi học được rằng tôi không phải là người duy nhất đang phải trải qua khó khăn và tất cả chúng tôi vẫn đang cố gắng tạo ra sức ảnh hưởng.”

Dù cho bức tranh hiện tại có vẻ ảm đạm khi Việt Nam luôn xếp hạng thấp trong các chỉ số về môi trường toàn cầu thì chị Hồng luôn suy nghĩ tích cực bằng cách tập trung vào sức mạnh mà mỗi cá nhân có thể đóng góp để tạo ra thay đổi.

Theo lời chị Hồng: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất, là nước có lượng rác thải nhựa lớn thứ tư và là một trong những quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã nhiều nhất. Chúng ta luôn đứng đầu trong danh sách những điều tệ nhất — chúng tôi muốn giảm thứ hạng đó xuống một chút! Đừng là nhà vô địch trong những hạng mục này! Nhưng tin tôi đi, chúng ta vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước.”

Bài báo này được đăng tải lần đầu tiên trên trang Southeast Asia Globe và đã được phép đăng lại trong khuôn khổ hợp tác giữa SaigoneerSoutheast Asia Globe.

Bài viết liên quan

in Môi Trường

Nguyễn Văn Thái trở thành người Việt Nam thứ hai giành giải 'Nobel xanh'

Nguyễn Văn Thái đã có những cống hiến to lớn cho nỗ lực chống lại nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam.

in Môi Trường

'Thả cá, đừng thả nhựa!': Tổ chức môi trường kêu gọi giải cứu bao nilon trong lễ cúng Ông Công Ông Táo

Keep Hanoi Clean, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì môi trường, hiện đang triển khai chương trình lớn nhất năm của mình: dọn rác ngày lễ Ông Công Ông Táo.

in Môi Trường

Cho rác thải nhựa một cuộc đời mới cùng Dr. Plastic

Ô nhiễm rác thải nhựa được xem như một trong những mối đe dọa chính tới môi trường.

Linh Phạm

in Môi Trường

Chuyện về Bãi Giữa sông Hồng — ốc đảo xanh tươi, thanh bình sắp biến mất khỏi lòng Thủ đô

Khi bác xe ôm sắp đi đến giữa cầu Long Biên, tôi xin được dừng lại và xuống xe.

Michael Tatarski

in Môi Trường

Dự án bảo tồn chim di cư ở đồng bằng sông Hồng của WildAct nhận giải thưởng quốc tế

WildAct, một tổ chức phi chính phủ về môi trường ở Việt Nam, vừa được trao giải thưởng Future Conservationist từ Chương trình Conservation Leadership, cho dự án bảo tồn bốn loài chim di cư có nguy cơ ...

Michael Tatarski

in Môi Trường

Rợn tóc gáy với bộ sưu tập xác thú hiếm tại Bảo tàng Sinh học Đà Lạt

Chuyến đi đến Bảo tàng Sinh học Đà Lạt đã để lại trong tôi nhiều câu hỏi không có lời giải đáp và những cảm xúc thật khó nguôi ngoai.

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...