Khi bác xe ôm sắp đi đến giữa cầu Long Biên, tôi xin được dừng lại và xuống xe.
Bác lấy làm ngạc nhiên; bảo rằng có thể đưa tôi đi hết cây cầu. Nhưng tôi từ chối, vì không định băng qua sông, mà đang tìm kiếm chiếc cầu thang hẹp sẽ đưa tôi đến điểm đến trong ngày hôm ấy: Bãi Giữa sông Hồng.
Bãi Giữa chỉ được ngăn với đất liền bằng một con lạch nhỏ tách từ sông Hồng. Nhánh sông này không còn màu đỏ đặc trưng của sông nữa, mà từ lâu đã chuyển sang màu đen với mùi nước thải mà tôi có thể ngửi thấy ngay cả khi đang đứng trên cầu — cái giá của phát triển kinh tế ồ ạt là ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
May mắn thay, Bãi Giữa vẫn còn là một ốc đảo xanh tươi, thanh bình và xinh đẹp. Đây là một chốn hiếm hoi ở Hà Nội nơi mà những thứ cao nhất vẫn là cây cối chứ không phải tòa nhà; phần lớn cảnh quan trên đảo là những vườn chuối trải dài ngút tầm mắt.
Chiếc cầu thang hẹp mà tôi đang tìm rất dễ bị bỏ lỡ nếu không chú ý quan sát. Tôi đã đi qua cầu Long Biên nhiều lần nhưng không hề biết đến nó. Tôi đoán rằng cầu thang không có trong thiết kế ban đầu của cây cầu cách đây một thế kỷ. Mãi đến sau này, do nhu cầu phát sinh nên người ta mới xây thêm.
Phần lớn đất trên đảo được dùng để làm nông nghiệp và trồng chuối. Thấp thoáng vài nơi là những con đường hẹp ngoằn ngoèo luồn qua thảm thực vật xanh ngắt. Đi sâu vào trong đảo khoảng chừng vài phút, tôi đã hoàn toàn đắm chìm vào không gian yên bình nơi đây — cái ồn ào của xe cộ và công trình xây dựng dần tan biến và nhường chỗ cho tiếng lá cây xào xạc và tiếng chim hót trên cao.
Hòn đảo là một trong ít địa điểm còn sót lại ở Hà Nội nơi người dân có thể tản bộ đến bờ sông Hồng. Nhiều người vẫn đến đây để bơi trong làn nước được gọi là "dòng sông Mẹ," dù "người mẹ" này không phải lúc nào cũng có thể chở che những đứa con của mình. Tại một điểm bơi lội, tôi đọc được một tấm biển cảnh báo gây chạnh lòng: “Ở đây năm nào cũng có người chết đuối. Nếu không biết bơi thì đừng dại dột."
Cách điểm bơi đó vài chục bước chân có một ngôi miếu gọi là Miếu Hai Cô. Theo lời kể tôi được nghe, nhiều năm về trước, người dân trên đảo đã phát hiện thi thể của hai cô gái trẻ trôi dạt vào chân cầu Long Biên. Vì không xác định được danh tính của họ, chính quyền và người dân đã an táng hai cô gái tại đây và xây một ngôi miếu để người đã khuất được yên nghỉ.
Có một tấm biển gần đó cho hay Câu lạc bộ Bơi lội Sông Hồng mới đây đã bỏ công sửa sang ngôi miếu. Việc những người thích bơi lội bày tỏ lòng thương xót với những nạn nhân xấu số âu cũng là một một điều dễ hiểu, thậm chí là lẽ đương nhiên.
Hòn đảo rộng lớn này cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều người bạn bốn chân đã từng có một mái nhà yêu thương trên khắp Hà Nội.
Rời khỏi ngôi miếu, tôi đi đến một cái hồ nhỏ gọi lại Xóm Phao, nơi sinh sống của một cộng đồng khoảng 30 gia đình. Họ sống trong những căn lều được dựng trên các thùng nổi, dùng điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời và lấy nước từ một cái giếng gần đó. Người trong xóm chủ yếu là dân lao động tỉnh lẻ lên Hà Nội mưu sinh, được Bãi Giữa sông Hồng giang tay đón nhận và cưu mang.
Xóm Phao trước đây thường neo đậu ven sông, nhưng rồi con sông đổi dòng nên các ngôi lều kẹt lại ở hồ này. Cuộc sống của họ sẽ sớm thay đổi một lần nữa — và cả hòn đảo này cũng vậy. Bởi vì thành phố đang xem xét quy hoạch khu đô thị sông Hồng vào đầu năm sau. Người dân sẽ phải di dời để dọn đường cho việc xây dựng và mở rộng đô thị; chúng ta đã chọn hy sinh bầu không khí trong lành và yên bình để đổi lấy tăng trưởng kinh tế.
Khi rời hòn đảo, tôi nhìn thấy ba đứa trẻ đang chơi với nhau. Các em không có bất kỳ đồ chơi nào mà chỉ cầm trên tay mấy cành cây, thế nhưng cả ba lại trông vui vẻ hơn bất kỳ đứa trẻ cầm iPad nào mà tôi từng thấy.
Lòng tôi chùng xuống khi nghĩ rằng trong tương lai gần, tất cả khung cảnh này có thể sẽ không còn nữa: cây cối bị thay thế bằng những tòa nhà, đường đất hóa thành bê tông. Với tư cách là một người sắp làm cha, tôi tự hỏi liệu con tôi có bao giờ được nhìn thấy Hà Nội nhiều cây xanh như thế này không, hay thủ đô sẽ chỉ có cảnh quan đô thị vô hồn, bao quanh là rác thải của chính thành phố?