Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Môi Trường » Rợn tóc gáy với bộ sưu tập xác thú hiếm tại Bảo tàng Sinh học Đà Lạt

Rợn tóc gáy với bộ sưu tập xác thú hiếm tại Bảo tàng Sinh học Đà Lạt

Chuyến đi đến Bảo tàng Sinh học Đà Lạt đã để lại trong tôi nhiều câu hỏi không có lời giải đáp và những cảm xúc thật khó nguôi ngoai.

Nhồi xác động vật là phương pháp chế tác xác động vật thành mẫu vật, trong tiếng Anh gọi là taxidermy — được ghép từ hai từ tiếng Hy Lạp là taxis (sắp xếp) và derma (da), nghĩa là "sắp xếp/tạo hình từ da động vật." Định nghĩa này có khiến bạn liên tưởng đến bộ phim Sự im lặng của bầy cừu không? 

Nhồi xác khởi nguồn từ nhiều thế kỷ trước nhưng phải tới những năm 1800 mới trở nên phổ biến, kỹ thuật cũng trở nên tinh xảo và sản phẩm trông giống thực hơn. Nhà điểu học người Anh John Hancock được xem là cha đẻ của thuật nhồi xác thú hiện đại; tác phẩm của ông là bộ sưu tập các mô hình được dựng từ xác những chú chim do ông đích thân đi săn.

Qua thế kỷ 20, kỹ thuật nhồi xác tiếp tục được cải thiện và mô phỏng chính xác hơn hình ảnh giải phẫu của động vật. Ngày nay, rất nhiều tác phẩm của nghệ thuật này được dùng làm hiện vật trưng bày ở hầu hết các bảo tàng lịch sử tự nhiên trên thế giới.

Và bây giờ hãy cùng Saigoneer chứng kiến những tác phẩm nhồi xác động vật của Việt Nam, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Sinh học Đà Lạt (còn được biết đến với tên gọi Viện sinh học Tây Nguyên), thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bảo tàng nằm trong một khu nhà thờ đá cổ kính, tọa lạc giữa rừng thông cách trung tâm thành phố Đà Lạt 20 phút lái xe.

Tòa tu viện

Theo một bài báo trên trang VnExpress từ tháng 4 năm ngoái, công trình kiến trúc đồ sộ này là một tu viện của Dòng Chúa Cứu Thế, nhưng đã được sử dụng cho công tác nghiên cứu từ năm 1975. Theo nguồn tin trên, tòa tu viện được xây dựng vào năm 1952 và là một trong hai công trình bằng đá duy nhất của Việt Nam, bên cạnh một nhà thờ khác ở Ninh Bình.

Tuy đã được chuyển thành bảo tàng, nhưng dấu tích tôn giáo của công trình này vẫn rất rõ rệt. Ngay trên mái của lối vào có treo một cây thánh giá lớn cùng dòng chữ Latin có nghĩa "Ơn cứu độ chứa chan nơi Người."

Vào ngày chúng tôi đến tham quan, khu vực lối vào đang được dùng để quay phim. Chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát châu Âu kiểu cũ đặt bên ngoài lối vào vì sự hiện diện của nó không phù hợp về văn hóa lịch sử. Hóa ra là một ekip làm phim đã mượn công trình này để dựng phim trường thay thế cho một số cảnh quay có bối cảnh nước Pháp của một bộ phim tiểu sử về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Việc này cũng khá hợp lý khi quang cảnh xung quanh không có vẻ gì mang nét Việt Nam cả.

Và sau đó, khi đi qua một cầu thang nhỏ lên đến tầng hai, ta sẽ bước vào một thế giới kỳ lạ và không thể lý giải nổi của những tác phẩm nhồi xác thú trong tình trạng bảo quản không thể tệ hơn. (Các tầng còn lại đều bỏ trống và các phòng đã bị khóa)

Hiện vật trưng bày

Không hiểu sao các bảo tàng ở trong nước rất ít khi cung cấp, hoặc cung cấp một cách hạn chế, thông tin về hiện vật. Điển hình như Bảo tàng Địa chất ở Sài Gòn. Lối trưng bày ở đó khiến người ta phải thắc mắc về mục tiêu của những người phụ trách bảo tàng: Liệu những người quản lý không gian ngày có đang bị ép buộc và miễn cưỡng làm việc cho có? Hay họ đang muốn thử nghiệm với một loại hình bảo tàng mới? Cũng có thể các nhà quản lý bảo tàng yêu thích phong cách tối giản và quyết định bỏ đi các bảng chú thích không cần thiết? Hoặc có lẽ nào họ muốn người xem phải có khả năng tự học hỏi?

Bảo tàng Sinh học Đà Lạt cũng là một ví dụ tiêu biểu cho lối trưng bày lược giản đó: có khoảng chục căn phòng trên tầng hai chứa rất nhiều mẫu vật các loài động vật có vú, côn trùng, bò sát và các loài thuộc bộ nhện, nhưng bạn sẽ chẳng tìm thấy một mảnh thông tin nào ngoài bảng tên của chúng ghi bằng tiếng Việt và tiếng Latin.

Tất cả chỉ có vậy.

Bạn đọc có muốn tìm hiểu thêm về con khỉ mặt đỏ (tên khoa học là Macaca arctoides) trông rất dữ dằn trong bức ảnh dưới đây không? Nếu có thì rất tiếc, bạn sẽ phải tự mình tìm hiểu thôi.

Thậm chí họ cũng không cho biết loài động vật nào là đặc hữu của Việt Nam. Sự thiếu hụt thông tin này rất đáng quan ngại. Tuy nhiên, có một việc còn đáng buồn hơn chính là tình trạng của hiện vật. Không rõ chúng được làm từ khi nào và ai là người phụ trách, nhưng vào thời điểm Saigoneer tới tham quan, các mẫu động vật đã bị hư hại đến mức khó có thể phục chế được.

Từ con công đang mục rã, chú dê bị vỡ mắt cá chân cho đến con cú một mắt và con hổ với đôi mắt long tròng, các mẫu vật đều mang dáng vẻ đáng sợ và buồn bã.

Có phải chú dê này đã bị thương trước khi được nhồi xác không? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được.

Thật không may, ở trong nước, ngoài sở thú ra, đây có lẽ là mô hình trông giống hổ thật nhất. 

Không một chút thông tin giới thiệu, thật không biết làm sao mà người tham quan có thể hiểu được điểm đặc biệt của chú voi con này, và tại sao miệng của nó lại đen sì như thế kia, hay vì lý do gì mà chú mèo rừng này lại có đôi mắt lồi và khuôn mặt méo mó đến là dị hợm?

Các mẫu động vật quý hiếm cần được bổ sung thông tin và nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các nhân viên quản lý. 

Và ở đâu ra một con lợn con hai đầu được ngâm trong dung dịch formol đặt ngay bên cạnh con rùa biển thế này nhỉ? Còn những chiếc tủ kính chứa đầy các bộ xương không dán nhãn chú thích trong căn phòng này thì sao?

Không gian vô cùng rùng rợn.

Ban đầu, tôi cảm thấy mắc cười khi trong đầu liên tục hiện lên những câu hỏi này… À, tự nhiên tôi vừa có một câu hỏi nữa: Hai chiếc đĩa vệ tinh lớn xuất hiện trong ảnh đầu trang có ý nghĩa gì? Tôi tìm mỏi mắt cũng không thấy tên khoa học cho hai chiếc đĩa ấy. 

Thế nhưng, càng suy nghĩ sâu hơn về các hiện vật ở đây, cảm xúc trong tôi tối dần đi và trở thành nỗi tuyệt vọng. Dọc hành lang dài duy nhất của tầng hai treo các tấm áp phích cũ kỹ có logo của Qũy quốc tế về bảo vệ thiên nhiên và Cục kiểm lâm — Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mô tả về sự đa dạng sinh học của Việt Nam và lợi ích của tài nguyên rừng. Đây là những chủ đề mà tôi thường viết bên ngoài công việc tại Urbanist.

Hầu hết những di sản thiên nhiên quý giá này đã biến mất trong những thập kỷ gần đây.

Không dừng lại ở đó, nhiều cánh rừng ở nước ta cũng đang trong tình trạng đáng báo động và nhiều loài động vật trong tấm áp phích trên đã tuyệt chủng ở Việt Nam về mặt chức năng (nếu không muốn nói là đã tuyệt chủng hoàn toàn). Những loài khác như tê tê, voi Châu Á và nhiều loài linh trưởng đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng từ nạn săn bắt trộm, đô thị hóa và môi trường sống bị hủy hoại. Đáng buồn là loài tê giác Java — từng là một trong những loài động vật có vú lớn nhất ở Việt Nam — cũng không có mặt trong bảo tàng này. Có lẽ các nhà nghiên cứu đã không thể lấy được dù chỉ một thi thể trước khi con tê giác Java cuối cùng bị giết chết bởi nạn săn trộm vào năm 2010?

Vậy thì có lẽ việc nhồi xác thú cẩu thả này cũng không có gì để phê bình: Nếu chúng ta không thể bảo vệ được các loài động vật hoang dã khi chúng còn sống thì có lí do gì để đối xử tốt hơn với xác của chúng?

Nếu gạt bỏ mọi vấn đề kể trên, thì bảo tàng này quả là một nơi hết sức kỳ thú. Vì lý do gì đó, ở đây còn có một cửa hàng sô-cô-la thủ công nằm ở một góc tòa nhà và tôi còn bắt gặp một đàn chó dễ thương đang vui đùa trên sân. Khuôn viên tươi xanh bao quanh tòa nhà khá ấn tượng. Ngoài ra, nhiều không gian vẫn còn trống và nếu ai đó sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc thì họ hoàn toàn có thể tạo ra một nơi thu hút du lịch độc đáo và thú vị.

Thực lòng, tôi sẽ không giới thiệu bạn đọc tới tham quan bảo tàng này nếu như các bạn muốn tìm hiểu, nâng cao nhận thức về thiên nhiên. Nhưng nếu muốn khám phá một nơi mới mẻ và kỳ quặc, hay để chứng kiến tận mắt thấy xác động vật quý hiếm được phục dựng một cách sơ sài thì đây là một địa điểm đáng khám phá như nhiều nơi khác ở Đà Lạt. Bạn có thể dành khoảng một đến hai tiếng để thăm thú nơi đây với giá vé vào cửa là 15.000 đồng/người. 

Bảo tàng Sinh học Đà Lạt | 116 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 7, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng

In bài này

Bài viết liên quan

Michael Tatarski

in Ao Ta

Bước vào vương quốc nấm muôn màu ở Đà Lạt

Có thể nói loài nấm là một trong những sáng tạo kỳ lạ nhất của tự nhiên.

Khôi Phạm

in Uống

Hẻm Gems: Đến Ngàn Cafe để sà vào cái ôm êm ái của đồi núi Đà Lạt

Khi đang dạo bước xuống Đồi Robin giữa rừng thông ngút ngàn, bao quanh là lững thững mây mờ, ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi đập vào tầm mắt là đám cây phong giả cam sặc sỡ. Vườn cây giả này, tuy nhiên...

in Ăn

Phải lòng ẩm thực Ý giữa phố núi Đà Lạt

Khi mùa mưa của Đà Lạt đang dần kết thúc, tiết trời se lạnh cùng ánh nắng ấm áp lại đón chào đón dòng khách du lịch khắp nơi đổ về.

Paul Christiansen

in Ao Ta

Ghé thăm Thánh thất Đa Phước ở Đà Lạt để hiểu hơn về giáo lý đạo Cao Đài

Tọa lạc trên một ngọn đồi yên tĩnh của thành phố Đà Lạt là Thánh thất Cao Đài Đa Phước, một công trình tôn giáo nổi bật với kiến trúc đặc sắc và vẻ đẹp bí ẩn. 

in Văn Hóa Ẩm Thực

Đến Đà Lạt tìm giống cà phê Pacamara quý hiếm xuất xứ từ Trung Mỹ

Trước khi dấn thân vào con đường trồng cà phê, chú Nguyễn Văn Sơn từng là một nhân viên bán phụ tùng ô tô. Vì muốn tặng vợ mình món quà tri ân, chú đã mua miếng đất nho nhỏ trên Đà Lạt để hai vợ chồng...

in Ao Ta

[Ảnh] Linh Quy Pháp Ấn: Thiền tịnh giữa mây trời

Nằm ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, ngôi chùa Linh Quy Pháp Ấn đang thu hút rất nhiều du khách từ khắp cả nước đến tham quan sau khi xuất hiện trong một video âm nhạc của một nghệ sĩ nổi tiế...

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...