Đúng 4h30 sáng, tôi có mặt tại góc phố gần nhà như đã hẹn trong tin nhắn để đón xe đến một xưởng tái chế nhựa. Tôi đã muốn đến đây để lấy tư liệu cho bài viết từ rất lâu rồi và nghĩ rằng di chuyển tới xưởng cũng mất hàng giờ đồng hồ nên cũng chẳng thắc mắc tại sao phải khởi hành sớm đến thế.
Tờ mờ sáng, tôi đi bộ tới điểm hẹn nằm ở góc đường Đào Trí, Quận 7. Còn những 15 phút nữa mới tới giờ hẹn nhưng tôi không hề đơn độc trong không gian tĩnh lặng này, lác đác trên đường là một vài người thu gom rác thải tái chế đang miệt mài đạp xe đẩy. Bỗng xuất hiện mấy chiếc xe đầu kéo khiến tôi bất ngờ đến mức không biết phản ứng thế nào, đoàn xe đang rời bến cảng với đầy thùng hàng phía sau, ánh đèn pha như đâm xuyên qua bầu trời màu xanh mực. Có anh tài xế taxi dừng lại hút điếu thuốc. Sau đó, một người chạy bộ quẹo vào đoạn đường tôi đang đứng. Anh giật mình khi thấy có người khác cũng ra đường lúc trời còn tối thế này. Anh nói lớn: “Thể dục giải nhiệt buổi sáng,” như để giấu đi nỗi sợ hãi của mình.
Đúng giờ hẹn, Hải và Sử lái xe tải đến và ra hiệu cho tôi vào xe. Tôi ngồi yên và nhắm mắt lại, những tưởng chuyến đi sẽ khá thoải mái và nhẹ nhàng. Nhưng không, Hải lái xe một cách đầy phiêu lưu trong khi say sưa với những bản nhạc Việt phát ra từ cặp loa trên bảng điều khiển, từ nhạc trữ tình sâu lắng đến giai điệu rock cuồng nhiệt của thập niên 1980. Dĩ nhiên là tôi không thể ngủ được, những âm thanh này gợi nhắc về quãng thời gian tôi còn phải lái xe đi làm vào mỗi đêm. Khi rời đoạn đường quốc lộ thuộc huyện Bình Chánh, chúng tôi đi vào những con đường quê chẳng phân làn đường và cũng không biết bao lâu rồi chưa được san lại cho bằng phẳng.
Chuyến đi kéo dài gần một tiếng thì Hải giảm tốc độ, dừng xe, đậu trước một cánh cổng sắt đang còn khóa chặt, phía sau một chiếc xe tải khác. Anh vừa mở cửa xe vừa nói lớn “Nghỉ uống ly cà phê chút!” Chúng tôi đi bộ thêm 50 mét nữa để đến quán nước ven đường, người bán hàng dọn ra những chiếc ghế gấp và phục vụ cà phê đá cho các anh tài xế và công nhân nhà xưởng đang dần dần kéo đến.
Giờ đây tôi đã hiểu tại sao phải xuất phát sớm như vậy. Mỗi lần chỉ một xe tải được phép dỡ hàng và xe nào cũng mất khoảng một tiếng mới dỡ xong. Vì thế, tốt nhất là nên đến sớm để tránh phải xếp hàng dài.
Mới 7 giờ sáng, bầu trời nhuốm sắc cam dịu nhẹ, tôi theo chân Hải đi vào nhà xưởng đầu tiên, nơi sản xuất chậu trồng cây từ nhựa tái chế. Khi kỹ thuật viên đang khởi động bộ phận gia nhiệt, Hải bắt đầu mô tả về quá trình này cho tôi hay, trông nó khá đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Đầu tiên, nhựa được phân loại và nghiền thành các mảnh nhỏ, sau đó được nung chảy và kéo thành các sợi dài trông giống như sợi mì spaghetti. Tiếp theo, sợi nhựa được làm mát trong bể nước rồi cắt thành các hạt nhỏ. Trong căn phòng kế bên, số hạt nhựa này được đưa vào bốn chiếc máy đúc lớn để sản xuất ra chậu cây. Công đoạn cuối cùng là đục lỗ thoát nước dưới mỗi chậu.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục tham quan một nhà xưởng khác. Tại đây, các miếng nhựa đỏ nghiền nát được nung thành khối nhựa đặc quánh, sau đó kéo thành các dải nhựa dài và phẳng như những dải ruy băng. Các dải nhựa này tiếp tục đi qua một dây chuyền máy móc cầu kỳ gồm các ống cuộn và trụ quấn và cuối cùng được dát mỏng và cuốn thành các cuộn dây nhựa chằng hàng.
Các hoạt động diễn ra tuần tự và trơn tru trong không gian tương đối yên tĩnh. Nơi có bầu không khí sôi động nhất là khu vực phân loại nhựa phế thải. Các cô công nhân ngồi khoanh chân trên sàn và cách nhau vài mét, trước mặt họ là các thùng lớn chứa rác thải nhựa đủ màu sắc. Tiếng nói chuyện râm ran khắp căn phòng nhưng không hề ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Với độ chính xác tuyệt đối, họ bóc nhãn mác và bỏ rác thải nhựa vào những chiếc giỏ khác nhau, phân theo loại nhựa rồi theo màu sắc. Sau đó, một bác lớn tuổi, nhưng trông khá trẻ và hơi gầy, sẽ chất số nhựa này lên xe đẩy để đem đi nghiền thành vụn ở phòng bên cạnh.
Ngay bên ngoài nhà xưởng, đoàn xe tải đang lùi vào khu vực tiếp nhận. Tại đây, rác thải nhựa được dỡ khỏi xe rồi đem đi cân và đóng thành từng khối, sau đó xếp chồng lên nhau từng hàng từng hàng như xây thành đắp lũy.
Thông qua một thông dịch viên, tôi hỏi các cô công nhân trong phòng phân loại vật liệu rằng họ cảm thấy thế nào về công việc của mình. Một cô nói: “Đối với chúng tôi, đây là công việc ổn định vì chẳng bao giờ thiếu nhựa để tái chế.” Một người khác chia sẻ thêm: "Chừng nào mọi người còn sử dụng đồ nhựa thì chừng đó chúng tôi vẫn giữ được nguồn thu nhập."
Sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa bắt đầu từ tháng 1 năm 2018, phế liệu nhựa bắt đầu tràn sang các nước Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với quá trình đô thị hóa và xu hướng ưa chuộng các sản phẩm sử dụng một lần, nhựa chiếm từ 12% đến 16% tổng lượng rác thải tại các bãi rác ở Sài Gòn. Ước tính rằng những loại nhựa này sẽ mất vài trăm năm để phân hủy. Và lượng rác thải không được tái chế hoặc đưa vào bãi rác chắc chắn sẽ bị đổ ra biển.
Đơn giản như việc người Sài Gòn thích uống sinh tố và cà phê, dẫn đến lượng tiêu thụ lớn các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như cốc, nắp đậy, ống hút, túi đựng. Nhưng ít ai biết rằng chỉ một phần nhỏ trong số đó được tái chế theo đúng quy trình.
Đó mới chỉ là một ví dụ. Dạo quanh các siêu thị, ta sẽ thấy vô số sản phẩm được làm từ nhựa hoặc đựng trong bao bì bằng nhựa. Một vấn đề gây nhức nhối khác là lãng phí bao bì. Ví dụ như chiếc thẻ nhớ máy ảnh của tôi, bao bì của nó đủ để đựng thêm bốn sản phẩm nữa bên trong.
Tôi có một người quen từng làm luật sư lĩnh vực môi trường suốt 10 năm ở quê nhà Brazil, sau đó cô tạm dừng hai năm để đi du lịch và dạy học ở Đông Nam Á. Cô ấy chia sẻ rằng “Tôi luôn cố gắng giáo dục và nâng cao nhận thức của học sinh về sự cần thiết của lối sống bền vững.”
“Quá trình hiện đại hóa đã diễn ra một cách không kiểm soát và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho môi trường. Giờ đây, chúng ta không thể đảo ngược hiện thực này, nhưng chúng ta có thể thực hiện các phương pháp phát triển bền vững, và cần đến giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề môi trường, nhất là đối với thế hệ trẻ.”
Tôi đã hỏi Hùng và Hải rằng họ cảm nhận như thế nào nỗ lực của bản thân trong công tác tái chế rác thải nói chung.
Hải cho biết: “Chúng tôi đóng vai trò cầu nối giữa những người thu mua phế liệu và các công ty tái chế lớn. Với những cá nhân và các công ty quy mô nhỏ không có các mối như mình thì chắc chắn sẽ không biết thu mua phế liệu từ đâu."
Hùng nói rằng ngành nghề này có thể tiếp tục phát triển trong khoảng 60-70 năm nữa. Anh nhận định: “Vấn đề này phần lớn phụ thuộc vào người tiêu dùng. Ở Việt Nam chưa có thói quen phân loại rác thải nhựa tại nguồn như Nhật Bản hay Đài Loan. Vì thế việc tái chế tốn nhiều công sức và tiền của hơn. Cần có một chiến dịch lớn để nâng cao nhận thức của mọi người và khiến họ thay đổi cách tái chế phế liệu nhựa.”
[Ảnh bìa: Phế liệu nhựa màu đỏ được nung chảy thành chất lỏng sánh đặc]