Khi truyền thông quốc tế và cả trong nước vẫn đang tập trung bàn tán về vấn đề ô nhiễm rác thải từ nhựa, cỏ vẻ như người ta vẫn chưa để tâm nhiều tới rác thải có thành phần là các vật liệu khác ví dụ như các-tông và nhôm.
Vào bất cứ ngày nào trong tuần tại Sài Gòn bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người thu gom ve chai, đồng nát rảo quanh các con hẻm trên xe đạp hoặc xe ba gác chở những núi bìa các-tông đã được gấp gọn gàng và những chiếc túi to nhỏ chứa lọ nhôm lỉnh kỉnh. Những người thu gom nhôm đồng sắt vụn cần mẫn này, cùng với những người thu gom rác đóng vai trò rất quan trọng trong ngành tái chế rác thải ở Sài Gòn.
Tôi sống gần một khu tái chế rác thải ở Quận 7 và vì thế tôi thường hay đi ngang trên con đường Đào Trí bụi bặm, dài tới hai cây số. Mỗi lần như thế, tôi luôn được chứng kiến “cuộc hành quân" của đoàn xe thồ chở đồ phế thải về nơi tập kết. Công việc cực nhọc, sớm nắng chiều mưa là thế nhưng nhân lực chủ yếu lại những phụ nữ từ dưới quê lên Sài Gòn mưu sinh. Có dịp bắt chuyện với một vài chị mới biết, cuộc sống của các chị vất vả nhiều bề. Rất nhiều người bỏ lại ruộng vườn, gia đình sau lưng để lên Sài Gòn bươn chải với mong muốn kiếm thêm thu nhập. Để có tiền gửi về nhà, họ sống nương tựa lẫn nhau và san sẻ chi phí sinh hoạt nơi thành thị đắt đỏ.
Tôi có dịp hỏi chuyện chị Uyên để tìm hiểu thêm về một ngày làm việc của những người làm nghề thu gom phế liệu. Chị Uyên chia sẻ, một ngày đi làm bắt đầu từ 7 giờ sáng khi các cửa hàng, quán xá mở cửa. Đầu tiên, chị dạo qua các siêu thị mini hoặc các cửa hàng tiện lợi vì những nơi này nhập kho vào buổi sáng và thường vứt các hộp các-tông không dùng đến. Chuyến đi đầu ngày kết thúc lúc 11 giờ trưa, chị chuyển ngay “chiến lợi phẩm" cho bên đại lý thu mua phế liệu hoặc những điểm trung gian với giá 2,000 đồng cho một ký bìa các-tông xếp phẳng. Làm lâu quen nghề lại thêm sự khéo léo nên nhiều chủ cửa hàng trong vùng thay vì vứt bìa thùng các-tông và chai, lọ bằng nhôm ra ngoài, họ tích sẵn và xếp gọn chờ các chị đến thu mua.
Nghỉ trưa một lát, chị Uyên tiếp tục vòng thu mua buổi chiều. Thi thoảng, chị cũng thu mua đồ nhựa với giá 7.000 đồng/ký, hoặc là lon bia với giá 19.000 đồng/ký. Công việc thường kết thúc lúc 6 giờ chiều nhưng nếu có người gọi thì chị vẫn đi. Nghề đồng nát lang thang ngoài đường, dãi nắng dầm mưa lại hao công tổn sức nhiều, có những ngày tôi thấy các anh chị, cô chú làm tới khuya để phân loại phế liệu cho kịp chuyến thu mua sáng hôm sau.
Đồng nát đã trở thành cái nghề nuôi sống nhiều gia đình tự bao lâu. Họ hàng của anh Hùng bạn tôi là chủ của một hộ kinh doanh thu mua phế liệu trung gian đến nay đã được hơn 20 năm và có quan hệ rất tốt với người thu gom nhỏ lẻ. Doanh nghiệp này chủ yếu thu mua và phân loại đồ nhựa, sắt vụn, chai lọ bằng nhôm và bìa các-tông.
Tôi có dịp cùng đi một đoạn ngắn với họ trên một chuyến giao bìa các-tông đến các cơ sở tái chế và được chứng kiến tận mắt quy trình phân loại và xử lý rác thải, phế liệu. Khu tập kết rộng ngang một sân đấu bóng rổ, luôn bận rộn và ồn ào tiếng xe cộ ra vào. Đầu tiên, người ta sẽ cân cả xe tải và hàng hoá, rồi họ cân lại chiếc xe tải sau khi đã đổ hàng ra sàn và trả tiền cho người thu gom dựa vào khối lượng chênh lệch sau hai lần cân.
Xe nối xe khiến khu tập kết bỗng nhộn nhịp, chộn rộn chẳng khác gì một tổ ong. Hàng tấn khối giấy bìa, mỗi kiện nặng ít nhất 1,100 kí được chất dần lên các xe tải phân khối lớn vận chuyển đến các nhà máy xử lý, tái chế qui mô lớn hơn. Trong khi đó, hai xe ủi khổng lồ liên tục xúc những núi bìa mới thu mua vào băng chuyền xử lý.
Anh Nam, chủ cơ sở thu mua và phân loại này cho biết bên anh chủ yếu xử lý ba loại bìa là: bìa hộp mềm, có thể gấp như bao bì ngũ cốc; hộp bìa cứng như vỏ hộp điện thoại, máy tính; và bìa sóng chuyên dụng trong đóng gói và vận chuyển hàng hóa.
Theo tính toán của Cardboard Balers một công ty chuyên tái chế bìa các-tông có trụ sở ở Anh, quy trình xử lý bìa cũ chỉ tốn 75% năng lượng cần thiết để sản xuất bìa mới nên tái chế giấy là biện pháp bền vững hơn so với việc sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu giấy thô lấy trực tiếp từ gỗ cây.
Các-tông được làm từ xơ gỗ, vì thế việc tái chế giúp giảm gánh nặng cho các khu chứa rác thải và góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các sản phẩm từ giấy bìa như thùng, hộp, giấy vệ sinh, lõi giấy vệ sinh đều có thể tái chế dễ dàng, giúp các nước giảm bớt nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu giấy thô từ bên ngoài. Cứ một tấn giấy bìa tái chế tiết kiệm được khoảng 174 lít dầu thô. Chính vì thế, tái chế mang lại khá nhiều lợi ích kinh tế, đặc biệt khi hiện nay hàng hoá luôn được đóng gói trong các thùng các-tông.
Sau chặng giao bìa các-tông, tôi ngồi nói chuyện thêm với anh Hùng về việc tái chế. “Chú tôi xây dựng cơ sở này đến nay đã gần 30 năm. Rồi ba tôi học theo chú mở thêm một xưởng riêng và để một chú khác của tôi phụ trách việc vận hành máy móc”, anh chia sẻ.
Trải qua nhiều năm, xưởng nhà anh Hùng cũng có nhiều thay đổi.
“20 năm trước, người ta chỉ mua đồ nhựa, nhôm và sắt thôi. Bây giờ chúng tôi thu mua nhiều loại phế thải hơn, trong đó có bìa cứng", anh Hùng nói. “Nghề này quan trọng nhất là chữ tín bởi lẽ đó là yếu tố giúp thu hút cũng như giữ chân những người thu gom ve chai. Nhà tôi thu mua với giá hợp lý và những người thu gom tin tưởng chúng tôi. Trong nhà, mỗi người một việc, ba quản lý kinh doanh kết hợp chạy xe tải để chở phế liệu tới các nhà máy xử lý khác nhau. Má tôi thì chăm nom việc cân hàng và thanh toán, còn tôi và những người khác phụ trách việc bốc vác.
Mỗi túi bố chắc chắn, phương phi chứa vỏ lon bia có thể nặng chừng 60 kí, còn túi đựng chai nhựa cũng phải ngót nghét hơn 90 kí.
Anh Hùng hiện đang theo học ngành kỹ sư môi trường và sẽ tốt nghiệp đại học vào năm tới. Khi tôi hỏi liệu anh có định gia nhập đội ngũ nhân viên của các ông lớn trong ngành tái chế không, Hùng nói anh muốn ứng dụng kiến thức chuyên ngành để tiếp quản và phát triển sự nghiệp của gia đình. Xa hơn nữa, Hùng dự định theo học lấy bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực này.
Một dịp khác, khi tôi có cơ hội đi cùng nhóm của mình tới khu xử lý phế liệu nhôm ở khu vực quận Bình Chánh, tôi bắt gặp cảnh tượng cân đo xe tải như đã thấy ở xưởng nhà anh Hùng.
Khi nói về tương lai của ngành tái chế phế liệu ở Sài Gòn, anh Hùng cho rằng các nước và khu vực khác trên thế giới đã có chính sách và quy định rõ ràng về việc miễn thuế hoặc những ưu đãi để thúc đẩy việc tái sử dụng nguyên liệu, tuy nhiên ở Việt Nam đây vẫn là một điều xa vời. Vì thế, anh Hùng hy vọng vào một ngày trong tương lai khi những cơ sở chứa rác thải trở nên quá tải, Việt Nam sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn. Về phía mình, anh dự tính đầu tư thêm các loại máy móc có thể cắt, làm sạch phế liệu nhựa có kích thước nhỏ để khâu tái chế trở nên hiệu quả hơn.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đi đôi với nhu cầu sử dụng nhựa và các nguyên liệu tổng hợp ngày một tăng đang hình thành nên nhiều vấn đề về môi trường ở Việt Nam. Việc sử dụng các nguyên liệu tái chế như bìa các-tông, lọ nhôm một cách thông minh sẽ phần nào giảm bớt áp lực đối với nguồn nguyên nhiên đang dần khan hiếm ở Sài Gòn. Vì lẽ đó những người vẫn hàng ngày cần mẫn thu mua, phân loại và xử lý phế liệu chính là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch gìn giữ và làm sạch môi trường.