Đến với Hôtel des Arts Saigon, quý khách dễ dàng nhìn thấy chiếc điện thoại cổ xưa ở sảnh tầng trệt và cảm thấy như được quay ngược thời gian trở về quá khứ. Bước vào không gian khách sạn, bao quanh chúng ta là những bức tranh hàng chục năm tuổi của các danh họa Việt Nam như Bùi Xuân Phái và Trần Lưu Hậu, bộ sưu tập đồ cổ bằng chất liệu gốm sứ, cùng với thiết kế nội thất mang phong cách truyền thống — tất cả như cuốn chúng ta vào miền ký ức dịu dàng của những năm tháng đã xa.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những danh họa Việt Nam có sức ảnh hưởng vươn tầm quốc tế. Ông thuộc thế hệ những họa sĩ được đào tạo tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương danh tiếng. Tài năng của họa sĩ thể hiện qua loạt tranh sơn dầu vẽ phong cảnh quê hương Việt Nam vô cùng sống động, đặc biệt là những tác phẩm vẽ phố cổ Hà Nội. Cái nhìn độc đáo của người cầm cọ còn thể hiện trong tranh phác thảo. Rất nhiều tác phẩm phác thảo của Bùi Xuân Phái được trưng bày ở quán Café des Beaux Arts ở tầng một khách sạn. Những nét cọ đơn giản ấy có thể gợi lên nhiều tưởng tượng cho người xem và bộc lộ một khía cạnh ít được nhắc đến ở một vị danh họa của Việt Nam.
Hôtel des Arts không chỉ sưu tập tranh vẽ về con người đất Việt, khách sạn cũng trưng bày nhiều tác phẩm đặc tả vẻ đẹp của quê hương Việt Nam. Một trong số đó là bức tranh màu bột “Year of the Snake” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Bức tranh vẽ hai con rắn đang cuộn mình lại, có bố cục theo phong cách siêu thực với những gam màu dịu nhẹ. Thật khéo là tác phẩm được trưng bày phía trên một bình hoa tươi, chi tiết trang trí này càng tôn lên vẻ đẹp chóng vánh của thế giới tự nhiên. “Year of the Snake” là một trong hai bức tranh của vị danh họa đã góp phần đưa phong cách truyền thống vào bối cảnh hiện đại. Tính truyền thống nằm ở chất liệu giấy dó và các chủ đề phổ biến trong tranh dân gian như điệu múa cổ hay mười hai con giáp. Đồng thời, họa sĩ sử dụng các kỹ thuật và màu vẽ mang tính thể nghiệm như màu than và màu bột.
Bên cạnh những tên tuổi bất hủ như Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm, khách sạn còn sưu tầm tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu, một cái tên rất có ảnh hưởng với nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Chúng ta thường biết đến ông qua những bức tranh vẽ phụ nữ khỏa thân. Thế nhưng, có một điều cần nhắc đến là kỹ thuật phối màu và bố cục đường nét trong tranh của Trần Lưu Hậu đã giúp giới thiệu chủ nghĩa hậu ấn tượng và chủ nghĩa trừu tượng biểu hiện vào Việt Nam. Hôtel des Arts sở hữu hai tác phẩm của vị danh họa, trong đó có một bức vẽ người phụ nữ bằng màu sơn đỏ tươi. Sức sống mạnh mẽ tỏa ra từ bức tranh cũng hòa vào không gian tĩnh lặng của những chiếc ghế bành đang ngâm mình trong ánh nắng.
Trong những bức tranh quý giá được trưng bày, nổi bật nhất có lẽ là bức “The Royal Life” của họa sĩ Bùi Hữu Hùng. Tác phẩm sơn mài với hai sắc màu chủ đạo là vàng kim và bạc như phát ra ánh sáng trên bức tường phủ sơn đen. Từ trang phục quyền quý đến dáng vẻ nghiêm nghị của nhân vật đều toát lên vẻ duyên dáng và tinh tế đáng được chiêm ngưỡng. Khách sạn cũng sở hữu tác phẩm “The Princess” (Hoàng hậu) của vị họa sĩ tài ba này, góp phần nhuộm vào không gian màu sắc cổ phong tráng lệ và xúc cảm tuyệt mỹ.
Trải nghiệm ngắm tranh ở Hotel des Arts không giống như ở viện bảo tàng, vì các tác phẩm không phải là nhân vật trung tâm mà là một phần chức năng của không gian. Chẳng hạn, đằng sau sảnh lễ tân của khách sạn có treo bức tranh phong cảnh miền quê khổ lớn của họa sĩ Đỗ Xuân Doãn. Tác phẩm kết nối liền mạch với thiết kế không gian mở của đại sảnh. Tương tự, chiếc máy đánh chữ loại cũ được đặt gần cổng ra vào dù đã không còn giá trị sử dụng nhưng mang đến giá trị thẩm mỹ rất cao. Trong những tủ kính trưng bày mà chúng ta có thể bắt gặp đâu đó trong nhà hàng Café des Beaux Arts, các vật dụng quen thuộc như chén bát ấm tách đã vượt qua thời gian và trở thành tác phẩm trưng bày đẹp mắt và gợi nhớ về cái thời “ông bà anh.” Phong cách thẩm mỹ của khách sạn cũng thể hiện qua đồng phục của nhân viên, với thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của cộng đồng người thiểu số phương bắ
Bên cạnh câu chuyện được thuật lại trong từng bức tranh, các món ăn và thức uống tại Café des Beaux Arts cũng có đôi điều muốn kể với thực khách. Một ví dụ tiêu biểu là món trà quất và sả đặc trưng của nhà hàng. Không chỉ là món nước giải nhiệt dành cho ngày hè oi bức, sự kết hợp giữa các thành phần còn phản ánh khẩu vị của người Pháp trong những năm tháng khai thác hoa thơm cỏ lạ ở xứ thuộc địa. Tiệc trà chiều đặc sắc ở Café des Beaux Arts bao gồm các món bánh ngọt và món ăn nhẹ được làm từ các loài hoa và trái cây địa phương, nhưng chế biến và trang trí theo kiểu Pháp. Ý tưởng thiết kế ấy dựa vào cách người phương Tây biến tấu các hương vị mới lạ của xứ Đông Dương.
Café des Beaux Arts chăm chút cho dịch vụ của mình trong từng chi tiết nhỏ bé — như là chiếc bánh tart xoài hay tranh biếm họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái, và kết hợp các chi tiết ấy để mang đến cho thực khách một trải nghiệm sang trọng và thú vị. Vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, nhà hàng tổ chức buổi hòa nhạc và mời các nghệ sĩ dương cầm trong thành phố đến biểu diễn. Và trong tiếng đàn du dương ấy, rất nhiều thực khách đến đây cùng với đồng nghiệp, hoặc người thân và bạn bè để trò chuyện, thư giãn, hoặc chụp ảnh selfie. Đến với Hôtel des Arts Saigon, bạn vừa được ngắm tranh, nghe nhạc, vừa có buổi chuyện trò ấm cúng. Cứ như thế, những ưu phiền lặt vặt của cuộc sống hiện đại bỗng dưng tan biến lúc nào không hay.
Hôtel des Arts Saigon's website
(+84) 02839 898 888
Hôtel des Arts Saigon | 76-78 Nguyen Thi Minh Khai street, D.3, HCMC