Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Môi Trường » Nhà kính: vừa là 'người hùng' cải thiện đời sống nông dân, vừa kéo theo hàng tá hệ lụy môi trường

Tại Đà Lạt, việc canh tác bằng nhà kính đã giúp bà con nông dân bảo vệ mùa màng trước những thay đổi thất thường của thời tiết. Nhưng rác thải nhựa từ sau mỗi vụ mùa đang kéo theo những hệ lụy môi trường nghiêm trọng cho thành phố cao nguyên nào giờ vẫn phụ thuộc ít nhiều vào nông nghiệp.

Bãi rác Cam Ly từng là điểm tập kết rác chính của Đà Lạt cho đến khi bị ngừng hoạt động vào năm 2020. Nằm ở khu vực Tây Nguyên, cách trung tâm thành phố 5km, nơi đây là điểm đến cuối cùng của đa phần rác thải nhựa từ các hoạt động nông nghiệp trên đỉnh đồi. Tháng 8/2019, mưa lớn đã khiến một lượng rác lớn tràn ra ngoài, khiến các tấm nhựa từ nhà kính, các túi và chai lọ hóa chất nông nghiệp chưa được xử lý lăn xuống dốc. Vụ việc đã khiến các trang trại ở vùng chân đồi bị bao phủ trong hàng nghìn tấn chất thải.

Nhà kính bao phủ khoảng 2.425 ha địa phận thành phố Đà Lạt — tương đương với diện tích của hơn 4.500 sân bóng đá. Ảnh: Thịnh Doãn.

Đà Lạt là trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng, và là địa danh nổi tiếng nhờ có khí hậu ôn hòa, khung cảnh núi đồi, rừng thông, cùng các sản phẩm rau củ quả. Trong hai thập kỷ qua, rất nhiều nhà kính màng nhựa đã mọc lên và bao trùm cảnh quan thành phố và vùng phụ cận. Phương pháp canh tác trong nhà này đóng vai trò rất lớn để tăng sản lượng nông nghiệp và nâng cao thu nhập của nông dân trong vùng. Tuy nhiên, nhà kính cũng đang góp phần làm tăng nhiệt độ, lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước và khối lượng chất thải nhựa nông nghiệp ở Đà Lạt, mà đến nay vẫn chưa có phương án chính thức nào để xử lý.

Tại phường 12 của thành phố, nhà kính bao phủ 83,7% diện tích đất nông nghiệp. Tại các phường 5, 7, 8, con số này là hơn 60%. Ảnh: Thịnh Doãn.

Rác thải từ hoạt động nông nghiệp nằm vương vãi tại phường 5, nơi hơn 60% diện tích đất nông nghiệp bị lấp kín bởi nhà kính. Ảnh: Thịnh Doãn.

Nhà kính — lá chắn của nhà nông trước biến đổi khí hậu

Theo chị Nguyễn Châu Bảo, đồng sáng lập của Act Now, một tổ chức phi lợi nhuận tại Đà Lạt, nhà kính có chi phí lấp đặt cao, nhưng được nhiều nông dân xem như một “thành tựu tiến bộ” vì mang lại năng suất cao cũng như giúp “chống lại ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.” Trước bối cảnh khí hậu trong vùng ngày càng thất thường, nhà nông có thể dùng nhà kính để phần nào kiểm soát môi trường nuôi trồng cũng như bảo vệ cây trồng trước điều kiện thời tiết thay đổi khắc nghiệt.

Lớp màng nhựa giúp các loại nông sản không phải là thực vật bản địa, như cà chua, tươi tốt quanh năm nhờ được ngăn cách hoàn toàn, không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết như độ ẩm cao, mưa rào, mưa đá và sương giá. Nếu không, mưa lớn có thể làm rễ cây úng nước, cà chua bị tách vỏ dẫn đến ruột quả bị nhiễm khuẩn. Vì lý do này, phần lớn cà chua ở Đà Lạt đều được trồng trong nhà kính.

Bóng đèn được lắp đặt để thắp sáng nhà kính và giúp cà chua tăng trưởng vào ban đêm. Ảnh: Govi ​​Snell.

Anh Hiền, nông dân ở Đà Lạt, cho biết anh dùng màng nhựa để đảm bảo môi trường phát triển ổn định cho cây hoa. Anh thuê đất canh tác chỉ sáu tháng, nên rất cần nhà kính để có thể thu hoạch xong trong thời gian này. Nhìn từ trang trại hoa ven đường của anh Hiền, có thể thấy nhà kính trải dài khắp mọi hướng.

Anh Hiền cho biết nếu không có nhà kính, mưa sẽ khiến các nụ hoa anh trồng bị hư hại. Sau khi nở, hoa sẽ được đóng gói trong bao nhựa để đem đi bán ở Hà Nội và Hàn Quốc. Ảnh: Thịnh Doãn.

Công nhân cắt, gói hoa để bán bên trong nhà kính lớn ở Đà Lạt. Ảnh: Thịnh Doãn.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường tiềm ẩn từ nhà kính

Mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, nhưng nhà kính cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái của khu vực. Đã có một thời chị Võ Xuân Hạo Khuyên (sinh năm 1995 tại Đà Lạt) ngắm được khung cảnh rừng thông bạt ngàn ngay từ chính nhà mình. Mảng xanh ấy giờ đây đã biến mất.

Chị Khuyên chia sẻ: “Giờ mình thấy trắng xóa hết vì ở đâu cũng xây nhà kính.” Chị cho biết những hệ quả của việc lạm dụng nhà kính đang hiện hữu ngày càng rõ rệt — nhiệt độ gia tăng, ô nhiễm ánh sáng, và lũ lụt.

Từ năm 2008 đến năm 2018, nhiệt độ của Đà Lạt đã tăng từ 1 đến 1,5°C. Xu hướng này dự ​​sẽ còn tiếp tục, theo phát biểu của ông Vũ Ngọc Long, nguyên Giám đốc Viện Sinh thái học Miền Nam (TP. HCM). Quá trình đô thị hóa đã góp phần tăng nhiệt độ thực của khu vực, nhưng theo nhận định của ông Long, nhiệt độ của khu vực gần nhà kính cũng cao hơn khu vực thuộc vùng khí hậu tương tự nhưng không có nhà kính phủ nhựa từ 3 đến 5°C.

Khu vực xung quanh nhà kính có thể ấm hơn vài độ so với các khu vực thuộc vùng khí hậu tương tự nhưng không có nhà kính phủ nhựa. Ảnh: Thịnh Doãn.

Nhà kính màng nhựa ngăn mưa thấm vào đất. Ảnh: Thịnh Doãn.

Bên cạnh những nguy cơ về nhiệt độ, lũ lụt cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực. Những cơn lũ thường xuyên xuất hiện vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.

Nếu rơi vào nhà kính, nước mưa sẽ không được lớp đất bên dưới hấp thụ. Theo chị Khuyên, người đã nghiên cứu về tính bền vững của nhà kính, chính vì nhà kính xây san sát nhau mà nước mưa đã gộp thành dòng chảy lớn và làm ngập hệ thống thoát nước của thành phố. “Mình là đất miền núi mà. Đáng lẽ là mình đâu có lũ, nhưng cuối cùng mình còn bị lũ nặng, làm người ta chết nữa,” chị Khuyên nói.

Theo một báo cáo năm 2019 về thiên tai môi trường ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng việc lát bê tông, phá rừng và xây nhà kính tràn lan là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt ở Lâm Đồng. Ảnh: Thịnh Doãn.

Tháng 8/2019, lũ lụt nghiêm trọng khiến Đà Lạt và các khu vực lân cận bị ngập lụt vì chất thải ứ đọng từ bãi rác. Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại đó. Hơn 12.000 ngôi nhà đã bị ngập, 10.000 ha hoa màu bị hư hại và 11 người chết. Đến năm 2020, 44 người đã phải sơ tán khỏi một khách sạn ở Đà Lạt vì công trình có nguy cơ sụp đổ trong trận mưa như trút nước. Cùng năm đó, một vận động viên đã tử vong sau khi bị lũ cuốn trôi trên chặng đua của cuộc thi marathon Đà Lạt Ultra Trail.

Các huyện ở hạ lưu Đà Lạt dọc theo sông Cam Ly chảy qua thành phố cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ngày càng nặng nề vì sự tồn tại của nhà kính. Mùa mưa năm ngoái, các khu vực tại Đà Lạt và Huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt khoảng một giờ lái xe, đã ngập trong suốt 12 tiếng do mực nước dâng cao sau mưa lớn. Đất nông nghiệp bị ngập, các hộ dân buộc phải di dời và nhiều đoạn quốc lộ chìm trong nước.

“Trước đây Đà Lạt không hề có lũ” — anh Phạm Trọng Phú, lớn lên ở tỉnh Lâm Đồng và đang làm việc cho Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Đà Lạt cho hay. “Từ khi xây nhà kính mà nhiều thiên tai mới xảy ra.”

Lối đi nào khác cho nông nghiệp Đà Lạt?

Trang trại thí điểm hữu cơ LVDM đang thử nghiệm mô hình trồng cà chua beefsteak ngoài trời, nhưng vụ mùa năm nay đã thất bại vì mưa lớn vào giữa tháng Ba. Chị Leonie Ha, giám đốc dự án cho biết: “Mưa sớm đến hai tháng… Đó chính là dấu hiệu của biến đổi khí hậu.” Ảnh: Thịnh Doãn.

Trang trại hữu cơ thí điểm Les Vergers du Mekong (LVDM) nằm trên một con đường đất dốc ở phường 3. Quỹ tài trợ của LVDM và GIZ (cơ quan phát triển của chính phủ Đức) đã tạo điều kiện để nhóm sáu người điều hành trang trại nghiên cứu các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, mà không cần đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Trái cây trồng ở trang trại được ép và đóng chai để bán. Vật dụng nhựa duy nhất ở đây là một tấm bạt nhỏ chỉ dùng để bảo vệ cây con.

Có thể thấy, dù nhiều nông dân trong khu vực chọn canh tác trong nhà kính nhựa vì sản lượng ổn định, một số nhà nông vẫn giữ quan điểm rằng: nhựa mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích.

Thành viên của LVDM để cà chua chín hoàn toàn trước khi thu hoạch. Hạt cà chua hữu cơ, kháng nấm sẽ được tái sử dụng. "Chúng mình được quyền thất bại," Hà nói. "[Hầu hết] nông dân không được may mắn như vậy." Ảnh: Thịnh Doãn.

Chị Trần Thị Mỹ Phượng, nông dân tại LVDM, đang ươm củ dền. Chị cho biết: “Số người làm nông nghiệp [sinh thái] như thế này đang dần tăng, nhưng mô hình nhà kính còn đang [tăng] nhanh hơn nữa.” Ảnh: Thịnh Doãn.

Chị Nguyễn Nhi là quản lý của nhà hàng và trang trại Rừng Thông Mơ, cách trung tâm Đà Lạt 25 phút lái xe. Đường đến đây quanh co qua những đồi thông, nhiều ngọn đồi bị nhà kính phủ kín. Chị Nhi cho biết, vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, nhiệt bị giữ lại bên trong nhà kính và làm nhiệt độ của những khu vực xung quanh tăng lên. Ngoài ra, không khí ẩm bên trong nhà kính khiến sâu bọ dễ sinh sôi, nên nông dân phải phụ thuộc nhiều vào thuốc trừ sâu.

Tại Rừng Thông Mơ, thức ăn thừa được đựng trong thùng trong ba tháng để ủ làm phân bón. “Mình ủng hộ nông nghiệp thuận tự nhiên không chỉ vì tốt cho cây trồng, tốt cho thiên nhiên mà còn tốt cho con người, cho sức khỏe của nhà nông nữa,” chị Nhi nói. Ảnh: Thịnh Doãn.

Xà lách trồng không cần nhựa tại Rừng Thông Mơ. Ảnh: Thịnh Doãn.

Rừng Thông Mơ không có nhà kính bằng nhựa. Thay vào đó, các loại rau thơm và rau lá xanh được trồng theo phương pháp xen canh, kỹ thuật viên đốt trấu để phòng sâu bệnh thay vì sử dụng thuốc hóa học. Hoạt động canh tác hầu như không thải ra nhựa, để giảm thiểu những tác hại của nhựa nông nghiệp lên chất lượng đất trồng.

“Tất nhiên mình muốn mọi người xây ít nhà kính hơn, nhưng mà nó khó vì nhà kính cho ra sản lượng cao. Mà vậy thì người ta kiếm được nhiều tiền hơn,” chị Nhi nói. “Khó để thuyết phục người ta quay lại làm nông nghiệp tự nhiên. Mình nghĩ số lượng nhà kính sẽ còn tăng lên gấp đôi.”

Anh Nguyễn Duy, đồng sở hữu Rừng Thông Mơ, hái rau thơm tại trang trại. Ảnh: Thịnh Doãn.

Rác thải nhựa không được tái chế

Theo thời gian, do quá trình sử dụng và tiếp xúc với tia cực tím, nhựa xuống cấp và cần được thay thế. Đa số tấm nhựa dùng cho nhà kính ở Đà Lạt đều bị đem đốt hoặc chôn khi không còn sử dụng được.

Ông Nguyễn Hồng Quân, lớn lên ở Đà Lạt và hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, đơn vị nghiên cứu thuộc trực thuộc ĐHQG-HCM, cho biết hiện tại chưa có “giải pháp tổng thể hoặc hệ thống” để tái chế nhựa từ hoạt động nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Vòng đời của phần lớn nhựa nông nghiệp thường kết thúc ở các bãi chôn lấp.

Ông Quân nói: “Tôi nghĩ đây là một vấn đề khá đau đầu hiện nay. Có thế thấy một khối lượng lớn rác thải nhựa rất lớn đến từ các nhà kính.” Ông cho biết vấn đề quản lý nhựa nông nghiệp rất phức tạp vì sinh kế của nhà nông phụ thuộc nhiều nhà kính.

Tấm nhựa dùng trong nông nghiệp xuống cấp và phải được thay mới. Ảnh: Govi ​​Snell.

Việt Nam chưa một có chu trình chính thức nào để tái chế nguyên liệu nhựa, dù đã ban hành điều luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ tháng 1/2022. Điều luật yêu cầu chính quyền địa phương phải có trách nhiệm phân loại và tái chế chất thải, nhưng chưa chỉ định bất kỳ ngân sách nào cho mục tiêu này.

Ông Miquel Angel, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, đã có một số chuyến thực địa đến các bãi rác vào tháng 4. Ông cho biết, đến nay ông vẫn chưa thấy cải thiện gì nhiều trong quản lý chất thải, và rác vẫn đang bị chôn, đốt hoặc thấm vào các nguồn nước. "Mọi người nói rất nhiều. Nhưng không ai ra tay hành động," ông nhận định.

Những khay hạt xốp chất đống bên đường ở Đà Lạt. Hầu hết nhựa nông nghiệp được sử dụng trong khu vực không được tái chế. Ảnh: Govi ​​Snell.

Nhựa phân hủy cạnh nhà kính ở Đà Lạt. Ảnh: Govi ​​Snell.

Ông Paul Olivier, đã ở Đà Lạt 16 năm, là người có kinh nghiệm hỗ trợ nông dân biến chất thải thành thức ăn động vật, nhiên liệu và phân bón. Ông cho biết: “Nhà kính thật ra cũng giống như nhựa sử dụng một lần.” Ông thường thấy tấm nhựa, thùng xốp, chai và túi đựng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học ở các suối, hồ và sông ở Lâm Đồng, nơi đầy rẫy cá chết trôi hay nổi lềnh bềnh trên bề mặt.

Chị Lan, chủ của một vựa phế liệu ở Đà Lạt, cho biết chị hiếm khi thu mua tấm nhựa và không định giá sẵn nhựa dùng để phủ nhà kính. Ảnh: Thịnh Doãn.

Nhóm lao động thu gom phế liệu chính là lực lượng chủ chốt trong công tác quản lý chất thải nhựa của Việt Nam. Trong số đó, chỉ có khoảng 27% lượng chất thải nhựa là được tái chế. Họ thu mua chai nhựa, bìa cứng và nhiều loại vật liệu có thể tái chế khác, sau đó bán lại tại các vựa phế liệu.

Tại một vựa phế liệu gần một khu vực đông đảo nhà kính, các tấm nhựa đã qua sử dụng được bán với giá khiêm tốn là 10.000 đồng/kg. Ảnh: Govi ​​Snell.

Nỗ lực thay đổi

Tuy chưa được phê duyệt nhưng Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra đề án để quản lý canh tác nhà kính với các mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2025, và tầm nhìn đến năm 2030. Văn bản công nhận thực trạng hiện tại của tỉnh là chưa có quy chế quản lý và xây dựng nhà kính, chính quyền địa phương cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để giảm tác động của nhà kính lên môi trường.

Chị Nguyễn Thanh Thảo Nhi (trái) và chị Nguyễn Châu Bảo (phải), hai nhà đồng sáng lập của Act Now, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường tại Đà Lạt. Chị Bảo cho biết: "Nông nghiệp là một trong những yếu tố lớn nhất góp phần làm suy thoái môi trường ở đây. Việc sử dụng nhà kính đang dẫn đến nhiều hệ lụy." Ảnh: Thịnh Doãn.

Chính phủ đang lập mục tiêu kiểm soát tỷ lệ diện tích nhà kính trên đất nông nghiệp xuống dưới 40% ở tất cả 12 phường của Đà Lạt. Tất cả các nhà kính xây dựng trái phép trên đất rừng, vùng sinh thái nhạy cảm, địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh và văn hóa sẽ bị dỡ bỏ vào năm 2025. Đến năm 2030, chính phủ cũng muốn nâng cấp các nhà kính không đạt tiêu chuẩn, quản lý việc xây dựng nhà kính và xây dựng các nhà kính hiện đại mới trên địa bàn tỉnh.

Tại một buổi dọn rác, các thành viên của Act Now đã hô to “Đà Lạt là nhà của chúng mình, không phải là bãi rác.” Ảnh do Act Now cung cấp.

Chị Bảo của Act Now chia sẻ: “Mình muốn nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực một chút. Đó là cộng đồng sẽ phải cùng thay đổi, thay đổi cách toàn diện, nếu muốn giảm lượng rác thải và rác thải nông nghiệp. Mình nghĩ đó là vấn đề lớn nhất mà mọi người cần tìm giải pháp.”

Bài viết gốc được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh trên The Third Pole theo giấy phép của Creative Commons BY NC ND.

Bài viết liên quan

in Uống

Ngõ Nooks: Tìm 'ngọc quý' trong rác tái chế tại quán cafe giữa lòng phố cổ

Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa tìm được cách nào để miêu tả cafe Hidden Gem (vẻ đẹp/kho báu tiềm ẩn) mà không lạm dụng trường từ vựng từ tên nó.

in Môi Trường

Ghé thăm một lò tái chế bìa các-tông và nhôm ở Sài Gòn

Khi truyền thông quốc tế và cả trong nước vẫn đang tập trung bàn tán về vấn đề ô nhiễm rác thải từ nhựa, cỏ vẻ như người ta vẫn chưa để tâm nhiều tới rác thải có thành phần là các vật liệu khác ví dụ ...

in Uống

Hẻm Gems: Ấm cúng Tiệm Cà phê Một bàn, ‘quán cóc’ Đà Lạt không địa chỉ, không thực đơn

Trong một dịp lên Đà Lạt, tôi được bạn rủ đi cà phê lúc 5h30 sáng. Thứ thời tiết lạnh lẽo buổi sớm làm tôi ái ngại, nhưng tôi gật đầu ngay khi nghe lời chào mời về một chiếc tiệm “khắc xuất khắc nhập....

Paul Christiansen

in Natural Selection

Lần đầu tiên, trái thanh long có trong bài viết Natural Selection

Trong tất cả các thành tựu mà tôi đạt được, thứ đỉnh nhất tôi từng chế ra có lẽ chính là "Banana Line" — hiểu nôm na trong tiếng Việt là "Hệ Quy chiếu Trái chuối." Giải thích ngắn gọn, đây là một than...

in Đời Sống

Sức sống bình dị của nông thôn miền Bắc qua bộ ảnh đời sống về loài trâu

Là linh vật thứ hai của chu kỳ 12 con giáp, trâu là loài có ý nghĩa và ứng dụng quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Việt.

in Snack Attack

Thư tình gửi kho tàng trái cây Sài Gòn

Diễm phúc trời ban là được sinh ra với cái miệng biết ăn và lấy cái miệng đó để ăn bao nhiêu thứ ngon trên đời.