Một con hẻm nhỏ nơi quần áo chất đống đến mức tràn ra cả mặt đường. Ấy chính là một hiện thân của nền công nghiệp đồ si ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp đồ si ra đời và phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1980. Đồ si, tức thời trang đã qua sử dụng, từng bị xem là mặt hàng kém chất lượng chỉ dành cho người có thu nhập thấp, nhưng trong những năm gần đây đã được tái định vị thành một trào lưu thời trang vừa hợp mốt, vừa thân thiện với môi trường. Phản ứng trước việc ai đó mặc đồ si không còn là “ơ đồ si à, kinh thế!” mà đã trở thành “ơ đồ si à, đẹp thế!”
Thị trường đồ si, viết tắt của đồ SIDA, được sinh ra từ giai đoạn hậu chiến tranh. Khi ấy, Việt Nam được nhận nhiều khoản viện trợ của ngoại quốc để tái thiết kinh tế, trong số đó có các kiện hàng quần áo thiện nguyện được SIDA, Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển, thu thập từ khắp châu Âu.
Tên tổ chức này không may lại trùng với từ SIDA (Syndrome d'immunodéficience acquise/Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải), thuật ngữ tiếng Pháp được người Việt dùng để nói về căn bệnh HIV/AIDS vào thời đó. Vì vậy mà trong rất nhiều năm, việc mua và mặc đồ si thường bị công chúng Việt Nam gán cho tiếng xấu như “thiếu vệ sinh” và “tiềm ẩn nhiều nguy cơ.”
Từ đó đến nay, trường đồ si Việt đã trải qua nhiều thay đổi. Chương trình viện trợ đã kết thúc từ lâu nhưng nhu cầu mua sắm đồ si vẫn rất lớn. Vì vậy, các chợ chuyên bán đồ cũ hiện nay lấy hàng từ các kho sỉ ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và các nước Đông Nam Á xung quanh. Trên toàn cầu, thị trường quần áo cũ ước tính sẽ đạt 350 tỷ USD vào năm 2028, tăng gấp ba lần so với tốc độ tăng trưởng của thị trường quần áo mới.
Vào một sáng thứ Bảy âm u, tôi quyết định giải stress bằng cách đi săn đồ cũ. Nhưng thay vì đến những cửa hàng secondhand đã được tuyển chọn ngăn nắp, tôi muốn thử thách bản thân bằng cách đến chợ Hoàng Hoa Thám ở Tân Bình, một trong những chợ đồ cũ lớn nhất ở Sài Gòn.
Thử thách đầu tiên trong chuyến săn đồ cũ chính là đường đi rối rắm như mê cung của khu chợ. Chỉ cần lơ mơ một chút là sẽ đi lạc nếu không nghiên cứu kỹ trước.
Cũng như nhiều ngôi chợ khác ở Sài Gòn, các mặt hàng chủ chốt của chợ Hoàng Hoa Thám đa phần là đồ mới, đồ hiệu “auth xuất khẩu,” đồ ăn và hoa tươi. Những quầy đồ cũ mà tôi tìm kiếm — thường không có tên hoặc chỉ có những cái tên đơn giản như “Siêu Thị Đồ Si” — nằm rải rác bên kia cổng chợ và trong một con hẻm hình chữ L phía sau chợ. Các cửa tiệm bán giày cũ, vải, đồ lót, đồ trang sức và phụ kiện trên con hẻm ngoằn nghèo này cũng là những điểm dừng thú vị. Các kiện hàng đồ si đẹp hơn, giá cao hơn thường được khui vào cuối tuần và đầu tuần. Còn nếu muốn săn hàng giá rẻ hơn, bạn nên đi vào giữa tuần, nhưng chất lượng sẽ “hên xui” hơn một chút.
Cảnh tượng quần áo chất đống ngổn ngang ở đây khiến tôi liên tưởng đến các cửa hàng Goodwill Outlet Stores, thường được gọi là Goodwill Bins. Đây là một sáng kiến của tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng của Mỹ Goodwill, chủ yếu bán hàng số lượng lớn mà không quá chú trọng đến chất lượng. Tuy nhiên, trong khi các mặt hàng của Goodwill chủ yếu là đồ quyên góp, còn đồ ở chợ Hoàng Hoa Thám là quần áo được gửi về từ khắp nơi trên thế giới.
Sau khi tự lên trấn an, tôi lấy hết dũng khí để leo lên núi quần áo của một tiệm đồ không tên, không bảng hiệu. Giầy đã được xếp ngăn nấp trước cửa tiệm, tôi bắt đầu lội qua trùng trùng điệp điệp áo quần trước khi tọa vị trên một bãi đáp tương đối ưng ý. Quan sát một hồi, tôi nhận ra rằng mỗi núi quần áo là một loại mặt hàng khác nhau: đồ jean, áo phông, áo kiểu, áo len, áo móc, đầm váy, cùng nhiều phân loại khác.
Khách mua đồ si ngồi ngổn ngang khắp nơi, ai nấy cũng tự nhiên đến mức tôi chẳng phân biệt được ai là khách ai là chủ. Tất nhiên, tôi có chút “ren rén” khi nghĩ đến việc đã có vô số người từng ngồi hoặc giẫm lên những món đồ mà tôi đang lựa lặt, May thay, sau một hồi đào bới, tôi cũng tìm được cho mình vài món đồ ổn như tank top phong cách Y2K, áo sơ mi kiểu office siren và vài chiếc đồng hồ cổ điển. Những chiếc váy hoa với những họa tiết tinh xảo, rộng gấp 3 lần size tôi đang mặc, như đang thì thầm mời gọi tôi mang chúng về và biến tấu lại theo phong cách riêng.
Đối diện núi đồ tôi đang lùng sục là một cửa tiệm khác nhìn cũng hứa hẹn không kém. Có vẻ như các cô chú tiểu thương ở đây đều quen biết và hợp tác làm ăn với nhau, vì tôi có thể thoải mái đi lại giữa tiệm này với tiệm kia để chọn đồ. Không ai la hay quấy rầy tôi vì nhìn chằm chằm một món đồ mà không mua.
Bỗng nhiên, một cơn mưa xối xả bất ngờ trút xuống và chẳng có dấu hiệu dừng lại khiến tôi và những vị khách phải nán lại bên trong cửa tiệm. Ở bên tay phải tôi là một gia đình bốn người đang hí hoáy đào bới tìm quần áo “mới” cho cả nhà. Họ mua đồ cũ không phải vì thích, mà là vì cần — ông bố tìm mua chiếc áo khoác mới vì chiếc cũ đã bị sờn, con của chú thì tìm quần jeans mới vì quần cũ đã chật. Bên tay trái tôi là một chị gái trạc tuổi đôi mươi mặc đầm hai dây và quần capri rộng thùng thình, tay đang lật giở chồng quần áo khổng lồ một cách cực kỳ chuyên nghiệp. Với kinh nghiệm dày dặn, tay chị lựa đồ thuần thục như rô bốt, mắt chị quét nhanh để chọn ra kiểu dáng và chất liệu ưng ý. Sau đó, chị nhanh tay nhặt và ném đống chiến lợi phẩm của mình vào một chiếc giỏ đầy ắp. Những món đồ này có lẽ sẽ được chị đem bán lại ở một cửa hàng quần áo “vintage” nhỏ xinh nào đó trên Facebook, TikTok hoặc Instagram — một hệ quả tất yếu của thị trường đồ si ngày càng bành trướng trên mạng xã hội Việt Nam. Khi trời mưa càng lúc càng nặng hạt, tôi bắt đầu lo lắng cho đôi giày mà mình đã cởi ra, chắc chắn đã bị ướt sũng. Thực tế, chỉ có đứa ma mới như tôi mới mang giầy. Những thợ săn chuyên nghiệp thì đã đi dép nhựa hoặc dép lê.
Không ít fan xem việc săn đồ si như một đam mê nhờ khám phá được những món đồ độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Việc tìm được một món đồ ưng ý với giá cả phải chăng cũng là một phần thưởng lớn. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của xu hướng này, đặc biệt dưới tác động của mạng xã hội, đã biến việc săn đồ si thành một vòng luẩn quẩn mới của chủ nghĩa tiêu dùng. Nhiều người săn lùng đồ cũ không chỉ vì nhu cầu sử dụng mà còn để theo đuổi những xu hướng mới nhất, vô tình góp phần làm tăng lượng rác thải ra môi trường.
Điều này khiến tôi đặt ra một câu hỏi: liệu chúng ta có nên tham gia vào vòng xoáy tiêu dùng không ngừng nghỉ của ngành thời trang chỉ để “giải stress”? Khoảng một nửa số đồ quyên góp không đạt tiêu chuẩn của Goodwill sẽ được gửi đến các bãi rác ở Mỹ hoặc bán cho các kho sỉ. Chợ Hoàng Hoa Thám nhận hàng mới từ những kho hàng như vậy, mà hàng hóa ở chợ được cập nhật gần như mỗi tuần. Thật khó tưởng tượng rằng một cửa tiệm ở đây có thể bán hết tất cả chỉ trong một tuần.
Tất nhiên, có cung thì mới có cầu. Tôi đến chợ đồ si để giải khoay, giải stress và tìm vài món đồ để giúp khẳng định rằng “tôi đây cũng biết ăn vận phong cách, bắt trend.” Và góc khuất của ngành công nghiệp thời trang ngách đã đáp ứng nhu cầu của tôi — quần áo tôi lựa ra hôm nay đang được ngâm riêng vì tôi chưa dám giặt chung với quần áo cũ. Nhưng tôi biết rằng từ hôm nay, tôi sẽ không mua thêm bất kỳ món quần áo nào, dù là đồ mới hay đồ cũ, cho đến khi thật sự cần thiết. Là người tiêu dùng, cách duy nhất để chúng ta ngừng tiêu thụ là chọn lựa và bảo quản tủ đồ của mình một cách kỹ lưỡng: phơi thay vì sấy, tái chế và sửa chữa thay vì mua mới, cân nhắc nhiều hơn khi vứt đi một món đồ cũ, và tự hỏi bản thân khi mua một món đồ mới: tôi đang mua nó để làm gì?