Nằm khiêm tốn trong một góc phố nhỏ, Nay Mai Tạp Hóa ngay lập tức gây ấn tượng bằng những món đồ bày biện khắp không gian: quần áo, tranh ảnh, zine, trang sức, sticker và đủ thứ thú vị khác đến từ các nhà thiết kế trong và ngoài nước. Mở cửa từ năm ngoái, cửa tiệm mang tinh thần “cần gì cũng có” đúng như cái tên — một tạp hóa kiểu mới, đậm chất thủ công và cá tính.


Bên cạnh các sản phẩm thuộc hai brand Soulvenir và Nay Mai, cửa tiệm còn bày bán nhiều món đồ từ các nhà thiết kế khác, cả trong lẫn ngoài nước.
Tân Nguyễn và bạn đời, Ý, gọi cửa tiệm của mình là “tạp hóa” thay vì “boutique” vì muốn tạo cảm giác gần gũi và thân quen. Một tiệm tạp hóa đúng nghĩa thường chỉ cách nhà vài bước chân, chủ tiệm có khi còn biết thừa bạn hay ghé mua bánh snack lúc nửa đêm, hay lần nào ra đường cũng quên mang áo mưa.

Cửa tiệm Nay Mai tại số 167 Nguyễn Văn Thương, Quận Bình Thạnh.
Thế nhưng, cảm giác thân quen như một tiệm tạp hoá có lẽ không phải là lý do khiến bạn ghé Nay Mai. Phần lớn mọi người tìm đến đây vì Soulvenir — thương hiệu thời trang Việt đang dần khẳng định dấu ấn riêng, cả trong nước lẫn quốc tế.
Soulvenir chọn cách kể chuyện về văn hóa và lịch sử Việt Nam qua những hình in lụa đơn sắc trên trang phục. Thiết kế của họ dễ mặc, dễ tiếp cận, với mong muốn người mặc cảm thấy vừa mạnh mẽ, vừa hợp thời. Hình ảnh, chữ nghĩa in trên vải trông có vẻ đơn giản nhưng luôn gợi mở một thông điệp gì đó. Và nếu chịu khó quan sát một chút khi dạo quanh Sài Gòn, bạn sẽ bắt gặp những thiết kế của Soulvenir hiện diện ở khắp nơi, đôi khi ở những chỗ bạn không ngờ tới.

Thiết kế mũ lưỡi trai mang đậm chất Soulvenir.
Mỗi lần thương hiệu xuất hiện trên những tờ báo như i-D hay L'Officiel, Tân thường là người đứng ra kể chuyện. Cũng phải thôi vì cái tên Soulvenir ban đầu vốn là đồ án tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa của anh hồi đại học. Từ một ý tưởng cá nhân, thương hiệu giờ đã trở thành công trình chung của bộ đôi.
Khi nói về cách tìm cảm hứng, Tân thường hay nhắc đến nhân vật Alice lạc vào xứ sở diệu kỳ. Nhưng người thấy mình như Alice lại là tôi: khi lần theo hành trình của họ, từ những năm tháng du học bên Mỹ đến những ngày an cư ở Sài Gòn, vừa làm thiết kế, vừa nuôi con, vừa xây dựng một cửa tiệm mang tên mình.

Tân, Ý cùng hai em bé Biển và Mây.
Tân và Ý
Thế giới sáng tạo của họ bắt đầu từ nét ăn ý rất riêng. Tân là người Sài Gòn, còn Ý đến từ Nha Trang. Mối quan hệ giữa hai người phát triển dần theo thời gian, bắt đầu từ khi cả hai cùng sang Mỹ: từ bạn học thành bạn thân, thành người yêu, và rồi thành những nhà đồng sáng lập.
Ngày ấy, Tân và Ý quen nhau khi cùng làm thêm tại một tiệm ăn nhỏ trong khuôn viên trường Seattle Central. Không chỉ có chung đam mê thiết kế, họ còn chia sẻ ngôn ngữ, văn hoá, và những trải nghiệm của một du học sinh xa nhà. Những năm tháng vừa học vừa làm, vừa chật vật xoay xở với cuộc sống nơi xứ lạ, đã khiến mối gắn bó ấy ngày càng bền chặt.

Ý và Tân trong chuyến đi thăm New York (2017). Ảnh cung cấp bởi Nay Mai.
Phải học và làm gần như toàn thời gian, lại luôn canh cánh nỗi lo học phí, Ý kể có không ít lần cô bật khóc. Dù vậy, cả hai vẫn rất yêu chương trình đào tạo tại ngôi trường ấy. Ở đó, họ được thầy cô khích lệ, có không gian để chơi, thử nghiệm và khám phá đam mê với thời trang cùng thiết kế bố cục. Cũng tại đây, họ lần đầu mày mò kỹ thuật in lụa bằng những chiếc máy cũ kỹ, và học cách phối hợp với nhau trong quá trình sáng tạo.
Do được sinh ra trong gia đình có hai thế hệ làm nghề may, Tân đến với thời trang như một điều hiển nhiên. Ý kể lại với giọng nửa đùa nửa ghen tị: “Với ảnh thì dễ lắm, ảnh nhìn cái là biết nó sẽ ra sao.” Theo cô, khả năng đó không chỉ đến từ trực giác mà còn nhờ vào việc Tân dành nhiều thời gian để quan sát và nghiền ngẫm — từ phong cách của các rapper anh yêu thích đến những thiết kế phá cách của Martin Margiela, nhà mốt người Bỉ nổi tiếng với cách nhìn khác thường về thời trang. Trước khi bắt đầu Soulvenir, Tân từng là đồng sáng lập VSSG (Vietnamese Street Style Group), một trang chuyên chia sẻ phong cách ăn mặc của giới trẻ Việt.

Tân và Ý (cùng bé Biển) in lụa thủ công tại một phiên chợ trời tại Seattle. Ảnh cung cấp bởi Nay Mai.
Dù ý tưởng ban đầu cho một chiếc áo khoác hay quần shorts thường đến từ Tân, Ý mới là người quyết định khi nào một thiết kế đã thực sự hoàn chỉnh. Khi cả hai chuẩn bị ra mắt bộ sưu tập đầu tiên — Chapter 1: Lao Động — bố mẹ Tân, khi đó đã định cư ở Mỹ, vẫn cố gắng hỗ trợ từ xa, hướng dẫn họ cách dựng rập. Nhưng dù có sự giúp đỡ, quá trình làm việc với thợ may vẫn phải chỉnh sửa lên xuống không ít lần. Ý kể: “Bình thường một mẫu chỉ cần hai, ba bản là ổn. Tụi mình thì có cả thùng.”
Ngay cả khi cô “làm Tân phát điên vì cứ phải chỉnh cho thật chuẩn,” cuối cùng mọi thứ vẫn được hoàn thiện như ý. Dù hơi buồn vì phải dời ngày ra mắt, Tân vẫn rất hài lòng với các mẫu cuối cùng.
Sự tỉ mỉ của Ý thể hiện ngay cả ở những chi tiết nhỏ — như lần cô quyết định thay lại cách may đường nối vai bên trong một mẫu áo thun gần đây. Đường may được hoàn thiện sao cho dù mặc áo trái, phần vai vẫn trông gọn gàng, không lộ. Một thay đổi nhỏ nhưng đầy tinh ý: vừa chiều theo thói quen của người thích mặc ngược, vừa mở ra một lựa chọn mới cho những ai chưa từng nghĩ đến.
Nhắc về thời còn học ở Seattle Central, Tân nói: “Mình không nhớ rõ bài học cụ thể, nhưng trong lớp tụi mình hay bàn đến việc có những thứ mình đã biết sẵn từ trước. Như chuyện mình chắc tiệm Nay Mai bán gì, ngay cả khi chưa nhìn thấy món nào.”
Ý nói tiếp: “Kiểu như mình luôn biết mình sẽ làm gì. Mình cảm giác nó đã có sẵn trong người, chỉ là mình phải làm thôi. Lúc làm nhận diện thương hiệu cho tiệm in lụa, mình đâu cần theo một quy trình bài bản nào. Chỉ nhắm mắt lại và làm. Mình biết rõ phải làm gì, vì mọi thứ như đã nằm sẵn ở đó rồi.”

Tân, Ý, Biển và bé Mây tại Seattle vài tháng trước khi chuyển về Việt Nam. Ảnh cung cấp bởi Nay Mai.
Nay Mai và Soulvenir
Dù Soulvenir ra đời đầu tiên, Nay Mai mới là mái nhà chung của mọi dự án. “Nó vừa là cái gốc, vừa là cái hồn,” Ý nói. Phía sau “tiệm tạp hoá” nhỏ là xưởng làm việc, nơi các ý tưởng được ươm mầm và thành hình. Nay Mai cũng là tên nhãn hàng mà họ thiết kế, cái tên lấy cảm hứng từ dòng chữ in trước cửa tiệm: “Nay đây, mai đó.”
“Soulvenir là sợi dây liên kết tụi mình với những giá trị văn hóa, còn Nay Mai là mảnh đất để tụi mình thỏa sức thử nghiệm,” Ý nói. Không chỉ là một cái tên, Nay Mai còn là không gian sống của họ. Tầng hai là chỗ ở của Tân và Ý, cũng chính là căn nhà Tân đã lớn lên từ nhỏ.
Tân nói, công việc của anh xoay quanh cộng đồng và văn hoá Việt Nam, nên từ lâu anh đã nung nấu ý định quay về quê hương. Cặp đôi từng thử tìm việc thiết kế ở Seattle, nhưng thị trường quá khó khăn. Họ từng mở một cửa hàng nhỏ tên Không Gian nhờ khoản tài trợ từ chính quyền thành phố. Ở đó, họ bán những chiếc áo thun, hoodie mang thương hiệu Soulvenir. Nhưng rồi dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, con nhỏ — mọi thứ khiến họ cảm thấy bế tắc. Cuối năm 2022, họ quyết định về lại Sài Gòn.
Chuyến trở về giúp họ nối lại mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp và các nhà thiết kế trong nước. Đồng thời, nó mở ra cơ hội mới để hiện thực hóa các ý tưởng thiết kế một cách trọn vẹn hơn, tiếp cận nguyên liệu và đối tác sản xuất dễ dàng hơn, “cho phép tụi mình làm ra nhiều thứ hơn, tạo ra sản phẩm chỉ đơn giản vì muốn sáng tạo.”
“Tụi mình muốn đưa ra những ý tưởng không nhất thiết lúc nào cũng phải là ‘của người Việt,’ nhưng người Việt có thể học hỏi từ đó, và người ngoài cũng có thể nhìn vào để hiểu thêm về mình,” Tân chia sẻ thêm.
Món đầu tiên tôi mua từ Nay Mai là chiếc áo thun Yêu, in vài câu thơ của Xuân Diệu. Với tôi, chiếc áo như một lời an ủi nhẹ nhàng cho trái tim luôn mang nỗi mong chờ. Nhưng điều thú vị hơn nằm ở thông điệp phía sau: hoặc bạn đã hiểu vì sao Xuân Diệu từng có một trái tim nặng trĩu như thế, hoặc đó sẽ là cơ hội để bạn bắt đầu tìm hiểu thêm về nhà thơ.


Mặt trước và sau của áo thun Yêu từ Soulvenir, lấy cảm hứng từ thơ Xuân Diệu.
Với Soulvenir, họ luôn ý thức rõ về trách nhiệm trong cách thiết kế kết nối với Việt Nam — dù hình ảnh hay câu chữ trên áo có thể liên hệ đến những lập trường chính trị khác nhau. Mỗi chi tiết đều được cân nhắc kỹ: nó đang nói lên điều gì, và được biểu đạt như thế nào.
Tân cho rằng chiếc mũ lưỡi trai thêu chữ “Việt Nam” là lựa chọn trung hòa nhất cho những thông điệp mà họ muốn chuyển tải. Ngoài ra, họ cũng có những thiết kế mang tính hài hước như áo Tôi Ko Phải Là DJ / I’m Not a DJ. Ở chiều ngược lại, một số mẫu lại đề cập đến những chủ đề có sức nặng hơn, như hình ảnh Thích Quảng Đức — vị hòa thượng tự thiêu để phản đối chế độ vào năm 1963 — hay chiến sự tại Gaza.
Tinh thần trách nhiệm được thể hiện qua sự cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi thiết kế. “Mình luôn suy nghĩ về thông điệp mà tụi mình đưa ra, dù có liên quan đến chính trị hay không,” Ý chia sẻ.

Mẫu thiết kế "Hoà Bình Cho Trẻ Em" được lấy cảm hứng từ một hình minh họa trong tập thơ thiếu nhi Việt Nam và chữ viết tay của bé Biển. Thiết kế này được thực hiện nhằm gửi gắm thông điệp về chiến sự ở Gaza.
“Phải là điều mà tụi mình tin thì tụi mình mới làm,” Tân nói tiếp. “Nếu chọn đưa ra một thông điệp nhạy cảm hơn, thì tụi mình phải tìm cách thể hiện sao cho phù hợp.”
Sự sáng tạo của họ thể hiện rõ trong cách tiếp cận như vậy, chẳng hạn như khi nói về Gaza. Năm ngoái, cặp đôi thực hiện một thiết kế dựa trên hình minh họa trong một tập thơ thiếu nhi Việt Nam. Phía dưới là dòng chữ nguệch ngoạc do chính tay Biển, con trai họ, viết: Hoà Bình Cho Trẻ Em.
Những thiết kế mang tên Nay Mai là khi họ muốn tạo ra thứ gì đó chỉ vì đam mê và cảm hứng cá nhân, không bị ràng buộc bởi chủ đề hay thông điệp. Không giống như Soulvenir, các sản phẩm này không nhất thiết phải đại diện cho văn hóa hay lịch sử Việt Nam — có khi chỉ đơn giản là một hình ảnh cắt ra từ bộ phim yêu thích, hoặc đôi khi là thứ không dễ gì gắn vào một bối cảnh cụ thể, như… một bộ bikini chẳng hạn.
Phim ảnh là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ, bên cạnh những nguồn cảm hứng khác như font chữ trên các bảng hiệu Việt hay tinh thần DIY của cộng đồng punk ở Seattle mà họ từng tiếp xúc. Một lần đi sở thú, họ bất chợt bị thu hút bởi những chiếc ghế kiểu Pháp từ thời thuộc địa. Ghé MUJI, họ lại thấy rung cảm trước sự tối giản.
“Tụi mình có thể tìm thấy cảm hứng từ mọi thứ,” Ý nói. “Với tụi mình, một sản phẩm chỉ thực sự tốt khi công năng, hình thức và bối cảnh hài hòa với nhau. Đó cũng là điều mà tụi mình luôn hướng đến trong thiết kế.”

Ý cầm tấm biển “Bảo vệ tương lai” do chính mình thiết kế. Lấy cảm hứng từ biển báo giao thông, thông điệp nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em cũng chính là bảo vệ tương lai.
Khi tôi hỏi Tân về những bức ảnh cũ của Việt Nam thường xuyên xuất hiện trên Instagram của Soulvenir, anh bật cười. Có khi chỉ từ một từ khóa đơn giản như “Sài Gòn 1997,” anh lần ra một nhiếp ảnh gia, rồi tra thêm trên Getty Images, rồi từ đó mở ra cả một mạng lưới bạn bè, đồng nghiệp, và vô tình mò tới... trạm xăng thời bao cấp. Mỗi cú nhấp lại mở ra một chương mới để Tân khám phá.
Kết nối và gợi nhớ
Tân và Ý chia sẻ đơn giản vì họ muốn chia sẻ như một cách kết nối với những người có cùng tần số, hoặc đơn giản chỉ là ai đó thấy mình trong những gì họ đang làm. “Lan tỏa, khơi gợi và thể hiện một cái tôi chung vượt ra ngoài mọi ranh giới” là cách họ mô tả Soulvenir, nhưng tinh thần ấy cũng hiện diện rõ ràng trong Nay Mai.
Với Tân và Ý, tinh thần lan tỏa của Nay Mai bắt đầu từ những trải nghiệm chung và cách mỗi người thể hiện bản thân. Họ nhận thấy có nhiều nhà thiết kế ở Việt Nam đang làm ra những sản phẩm rất thú vị, và họ muốn giới thiệu một phần trong số đó qua cửa tiệm. Nhưng để đưa một món đồ vào Nay Mai, họ phải cảm thấy gắn bó với nó và có thể giới thiệu nó theo cách của riêng mình — bất kể nó đến từ đâu.
Các thiết kế của Soulvenir đa dạng về hình dáng và kích cỡ.
“Mình muốn có thể thoải mái trò chuyện về từng món đồ,” Ý chia sẻ. Tân nói tiếp: “Giống như cách bọn mình vẫn nói về những gì tự tay làm ra.” Mối liên kết cá nhân với từng người thợ và khả năng kể thay câu chuyện của họ là điều khiến Nay Mai khác biệt.
Mỗi lần có món hàng được bán, Ý đều thấy tự hào. “Có người bảo, nghe mình nói là biết tự hào cỡ nào về những gì tụi mình đang làm. Mình nhớ hoài câu đó,” Ý nói.

Khách hàng biết đến những thiết kế độc đáo của Nay Mai qua trang Instagram của hai vợ chồng và từ mạng lưới bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng quốc tế.
Ai theo dõi Instagram của Nay Mai đều thấy rõ họ thân thiết với “cộng đồng fan” của mình thế nào. Ngày nào cũng có ảnh khách ghé chơi, cười tươi cùng chiếc túi bao gạo tái sử dụng đặc trưng của tiệm. “Dù chỉ một người mua trong ngày, mình vẫn muốn khoe. Không có khách, tụi mình chẳng là gì cả,” Ý nói.
Cả hai đều tự nhận không giỏi marketing, nên với họ, việc đăng bài trên mạng xã hội hay tham gia các hội chợ như LÔCÔ là cách kết nối với mọi người tự nhiên và thoải mái nhất. Người tìm đến tiệm có đủ cả dân Sài Gòn lẫn khách du lịch — nhiều người trong số đó biết đến Nay Mai qua bạn bè, cộng sự hoặc khách cũ. Studio phía sau tiệm cũng là nơi Ý làm thiết kế dàn trang tự do.

Tân (đứng trước, bên phải) ân cần hướng dẫn cô bé hoàn thiện bản in lụa của mình tại một phiên hội chợ LÔCÔ. Ảnh cung cấp bởi Nay Mai.
Nay Mai là nơi hội tụ mọi điều Tân và Ý theo đuổi trong công việc. Nhưng khi trò chuyện cùng họ, dễ nhận ra rằng bé Biển và cô em gái Mây mới chính là nguồn động lực lớn nhất của cặp phụ huynh ở thời điểm hiện tại. Với hai bạn, trí tò mò và sự háo hức của con trẻ luôn là nguồn cảm hứng bất tận và thông qua việc nuôi dạy con cái, họ đã học được rất nhiều về bản thân mình.
Học phí của các con cũng là một phần của bài toán khó khi vận hành doanh nghiệp. “Kiểu như phải nuôi thêm đứa con thứ ba vậy đó,” Tân cười nói. Vì cửa tiệm không vận hành theo mô hình sản xuất/phân phố sỉ, mọi chi phí họ đều phải tự xoay sở trước. Nếu hụt ngân sách vì những khoản như tiền học, mọi kế hoạch đành gác lại — từ bộ sưu tập mới đến chuyện tìm mặt bằng rộng hơn. Dù còn nhiều trở ngại, họ tin rằng kênh bán hàng trực tuyến rồi sẽ sớm được hoàn thiện.
Nay Mai không chỉ là nhà mà còn là cả thế giới của Tân. Và giờ đây, thế giới ấy cũng thuộc về Biển và Mây. Tuổi thơ của các em gắn liền không chỉ với khu phố, mà còn với đội ngũ nhân viên thân thiết như người nhà, và cả những nhà thiết kế, bạn bè, và khách hàng mà các con gặp gỡ sau giờ học.
Mỗi khi kể về niềm say mê nghệ thuật và thiết kế của các con, khuôn mặt Tân và Ý như bừng sáng. Các bé luôn tò mò về mọi thứ, từ cửa tiệm cho đến thế giới ngoài kia. Rõ ràng, họ đang gieo vào con mình tình yêu với cái đẹp, có lẽ là để nuôi dưỡng một thế hệ biết ngắm nhìn, cảm thụ và sáng tạo ra những điều ý nghĩa.

Tân và Ý luôn sẵn sàng tiến về phía trước.
Khi nói về thiết kế của mình, Tân chia sẻ rằng mọi thứ anh làm đều đã có sẵn đâu đó trong anh từ trước. “Mỗi việc bọn mình làm đều là bản nháp cho điều tiếp theo.”