Trong vòng bốn đến năm năm trở lại đây, việc phục dựng các trang phục của người Việt xưa đang trở thành một xu hướng được đông đảo người trẻ hưởng ứng. Đây là thành quả từ nỗ lực bảo tồn, quảng bá cổ phục Việt của các nhà thiết kế, thương hiệu, và tập thể mong muốn lưu giữ những giá trị lịch sử, truyền thống của nước ta.
Great Vietnam cũng chính là “kết tinh” của những nỗ lực như thế. Được thành lập vào năm 2019 và chính thức đi vào hoạt động năm 2020, nhóm đã và đang tập trung nghiên cứu, phục dựng y trang của người Việt từ hàng trăm năm trước. Một số trang phục do nhóm tái hiện đã được giới thiệu trong chương trình nghệ thuật “Tinh Hoa Việt Nam” tại Grand World Phú Quốc (2021); dự án ảnh video “Người Việt Xa Lạ” (2021) kết hợp cùng Vietnam Centre; và triển lãm “The Resplendent Vestiges” tại Sydney, Úc (2019).
Tìm về cổ phục, mở lại chương lịch sử đã qua của đất nước
Great Vietnam được vận hành bởi những bạn trẻ yêu thích văn hóa, sáng tạo; cùng theo đuổi một hoài bão là tái hiện vẻ đẹp của cổ phục Việt một cách chuẩn xác nhất có thể. Ba thành viên nòng cốt của nhóm là Vũ Đức (28 tuổi) và Trương Tuấn Anh (33 tuổi) — phụ trách mảng thiết kế trang phục; và Đoàn Thành Lộc (36 tuổi), hiện đang là nhà nghiên cứu văn hóa Trung-Việt. Anh đảm nhiệm việc cung cấp kiến thức chuyên môn, đảm bảo tính chuẩn xác của trang phục, cũng như tiếp nhận phản hồi từ khách hàng.
Theo đuổi từ những chuyên ngành có vẻ “không liên quan” lắm đến thời trang như khoa học chính trị và công nghệ vũ trụ, nhưng Đức và Tuấn Anh đều chia sẻ niềm đam mê với cổ phục Việt. Đây chính là xuất phát điểm để cả hai chung bước thành lập Great Vietnam vào năm 2019.
Trước khi gặp nhau, cả hai đều đã tự mày mò để nghiên cứu và quảng bá những kiến thức mình học được về cổ phục: Tuấn Anh tự tìm hiểu, tự thiết kế và may vá những hoa văn truyền thống, cũng như tham gia dự án Hoa Văn Đại Việt; còn Đức thì minh họa và đăng tải các nhân vật hoạt hình mặc trang phục cung đình trên trang cộng đồng Anh Hoàng.
Vũ Đức chia sẻ với Saigoneer: “Hành trình tự tìm hiểu cổ phục của mỗi đứa đứa đều có những khó khăn riêng. Chúng mình phát hiện ra rằng có những nguồn thông tin chính thống còn cung cấp những kiến thức sai lệch về các loại trang phục. Chúng mình quyết định rằng, à, phải có ai sửa cái sai đó. Great Vietnam ra đời cũng là từ đây [...]."
Nhóm cho biết nhiều người Việt dù quan tâm đến các loại phục trang xưa, nhưng vẫn nhầm lẫn các sản phẩm sao chép trôi nổi trên thị trường với thiết kế “chính chủ.” Sự nhầm lẫn kiến thức này xảy ra với áo dài (được xem là quốc phục của Việt Nam từ triều đại Nguyễn), áo tấc (áo ngũ thân có ống tay thụng, được mặc vào những dịp quan trọng), áo nhật bình (y phục đặc biệt dành cho phụ nữ có địa vị cao dưới triều Nguyễn), và áo bào (áo choàng có cổ tròn của các quan lại thời phong kiến).
“Phong trào cổ phục Việt do người trẻ khởi xướng năm năm trước tới nay vẫn chưa có gì thay đổi," Đức chia sẻ. “Đây là lý do chúng mình ấp ủ hoài bão phục dựng các trang phục lịch sử, biến Great Vietnam thành một trong những đơn vị chính trong việc thay đổi nhận thức về cổ phục Việt.”
Sau khi tiếp xúc với Đức, Lộc cũng đã quyết định tham gia cùng nhóm. “Lý do mình quyết định hợp tác là vì tầm nhìn mà Great Vietnam theo đuổi, đó là tái hiện lại những hoa văn họa tiết, chất liệu chuẩn xác với lịch sử nhất có thể,” Lộc nói. Là một học giả với hơn 10 năm học tập và nghiên cứu về văn hóa Trung-Việt, Lộc có thể tiếp cận các văn bản nguồn được viết bằng tiếng Trung từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản.
“Nhiều người cho rằng các tài liệu về Việt Nam từ Trung Quốc đều sai lệch, đây là quan điểm mà mình cực lực phê phán,” anh nói. “Không phải cứ người Trung Quốc viết về Việt Nam thì không chính xác, nhất là khi các văn kiện thế này đã được viết trăm năm về trước.”
Lộc phải dựa vào những tài liệu trong và ngoài nước để xác định diện mạo của những bộ trang phục ngày xưa. Anh chia sẻ: “Phải là [từ] hai hướng, nội sinh và ngoại sinh. [Chúng mình tìm] những tư liệu từ sách, văn kiện lịch sử, từ tượng trong chùa, đền, đình, từ những gia phả và sách viết tay của các cụ xưa... Rồi từ đó mình chúng mình đem đối chiếu với những nguồn ở nước ngoài. Đây chính là phương thức [nghiên cứu] chính thức đang được chúng mình sử dụng. Chúng mình không bao giờ hoàn toàn chỉ dựa vào một nguồn.”
Mặc cổ phục như một cách quảng bá văn hóa-lịch sử Việt Nam
Trong tương lai, Great Vietnam muốn cộng tác cùng những nhà sáng tạo và thực hành nghệ thuật, bởi lẽ nhóm tin rằng, nghệ thuật là phương tiện hiệu quả nhất để quảng bá rộng văn hóa Việt Nam cũng như cổ phục Việt.
“Đối tượng khách hàng của chúng mình là những người đang thực hiện các dự án nghệ thuật và văn hóa quy mô lớn, như biểu diễn sân khấu, phim ảnh hoặc lễ hội vì họ có nhu cầu sử dụng trang phục lễ nghi cao. Những hoạt động của họ có khả năng lan rộng văn hóa truyền thống hơn,” Đức cho biết. “Mặc dù các đối tượng như trên khá ‘khan hiếm’ ở Việt Nam, nhưng thông qua các hoạt động như thế, Great Vietnam hy vọng có thể truyền cảm hứng cho những người khác 'dấn thân' thực hiện những dự án tương tự."
Nhóm cũng đang sản xuất và cung cấp trang phục cho đối tượng khách hàng tư nhân. Nhóm tự mình thực hiện tất cả các công đoạn, từ khâu thiết kế và tạo mẫu đến quá trình đo và cắt vải.
“Rất khó để tìm được các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì vậy, chúng mình luôn phải chủ động nghiên cứu, suy nghĩ và học hỏi từ đầu,” Đức nói. “Về vật liệu, Great Vietnam tìm đến các nguồn hiện đại lẫn truyền thống. Ngoại trừ những công đoạn yêu cầu các vật liệu hiện đại như thiết kế, in ấn, may vá,... thì có những kỹ thuật như thêu thùa, chạm khắc, dệt vải, chúng mình bắt buộc phải tìm sự trợ giúp từ những làng nghề, đặc biệt trong quá trình tạo ra các trang phục lụa.
Vạn Phúc, La Khê, Bưởi, Nha Xá, Nam Cao, Mã Châu và Tân Châu là những làng nghề truyền thống mà Great Vietnam thường "chọn mặt gửi vàng." Quy trình sản xuất một bộ trang phục ngày xưa cũng không khác mấy với bất kỳ loại trang phục khác, Đức nói. Anh đảm nhiệm vai trò thiết kế các họa tiết, cón Tuấn Anh sẽ chủ yếu phụ trách phác thảo mẫu may.
“Trước hết chúng mình sẽ phải ngồi lại với nhau và quyết định xem trang phục có nên để họa tiết hay không, những họa tiết này nên được thêu hay in." Sau đó nhóm sẽ tạo ra mẫu may và gửi đến xưởng may. Từng đường cắt và may đều làm theo hướng dẫn trong mẫu này để cho ra một bộ cổ phục.
Hình ảnh sản phẩm của nhóm cũng như phản hồi từ khách hàng sẽ được đăng trên trang Facebook của Great Vietnam 大越南. Mỗi bài đăng thường mô tả chi tiết trang phục, kèm theo các tài liệu tham khảo để “phổ cập” ý nghĩa của từng trang phục và phụ kiện. Đằng sau sự trình bày tâm huyết này là rất nhiều nỗ lực sưu tầm cũng như nắm được nội dung của những tài liệu mang tính xác thực cao.
“Hiện vật trong nước thường bị bảo quản kém, hoặc khó để tiếp cận do quy chế quản lý. Chúng mình hy vọng sẽ tìm thêm được những hiện vật khác từ ngoài nước nữa, nhưng chúng cũng khá khan hiếm và rải rác,” Đức chia sẻ. “Chính vì vấn đề này, công việc của chúng mình trong ba năm trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn do luôn phải chật vật tìm sự hỗ trợ, thậm chí còn không được hỗ trợ, những khó khăn mà chúng mình nghĩ rằng sẽ không bao giờ phải đối diện. Nhưng cũng vì thế mà chúng mình đã quen với việc tự tìm ra giải pháp thay vì phụ thuộc vào các bên không đáng tin cậy, ảnh hưởng đến quyết tâm nghiên cứu và học hỏi của chúng mình.”
Luôn xem trọng vai trò của các cơ quan chính quyền trong việc bảo tồn các nền văn hoá, Lộc và Tuấn Anh cho rằng cần có sự hợp tác giữa chính phủ và các đơn vị tư nhân để quảng bá rộng rãi hình ảnh cổ phục đến công chúng. Lộc nói, “Cả hai bên nên tìm một tiếng nói chung và đồng ý hợp tác với nhau. Chính phủ có lợi thế về tính chính chủ và luật pháp, còn đơn vị tư nhân thì có đội ngũ nhiều kinh nghiệm và kiến thức.”
“Bản thân mình hy vọng các nhà nghiên cứu lịch sử và chính phủ sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn về việc bảo tồn trang phục và văn hoá truyền thống. Đó cũng là điều mà chúng ta thực sự cần hướng đến ở thời điểm hiện tại.”
"Cổ phục không chỉ để người đã khuất mặc. Có thể mặc đi bar, đi pub!"
Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động trong vài năm, Great Vietnam rất nghiêm túc trong hoạt động phục dựng của mình — từ đơn giản đến tinh vi, từ triều đại gần đây nhất đến những triều đại cổ xưa nhất — từ đó lấp đầy “khoảng trống” trong những tài liệu cũng như kiến thức về dạng trang phục này. Nhóm cũng hy vọng rằng những trang phục mang tính lịch sử từ đó sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, tôn trọng hơn; và giúp những thế hệ tiếp theo quan tâm và thích thú với văn hóa lịch sử nhiều hơn.
Đức cho hay: “Ở Việt Nam, quá trình phục dựng cổ phục ‘ngốn’ rất nhiều thời gian và thường không được chú ý. Nhưng những nơi khác trên thế giới thì không gặp vấn đề như vậy. Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống của họ như tranh vẽ, chạm khắc và thêu đều đã ăn sâu vào văn hóa địa phương. Còn nếu người Việt mình cứ tiếp tục dửng dưng, thì không sớm thì muộn sẽ mất đi cái nguồn cội văn hóa ấy.”
Lộc có một cách nhìn nhận khá “độc” về việc phục dựng cổ phục: “Mình hy vọng mọi người sẽ mặc những trang phục này đến các quán bar, quán pub, các sự kiện quốc tế trang trọng, thậm chí lên cả máy bay. Ừ thì có hơi rộng, hơi thùng thình, vướng víu một tí. Nhưng mà đâu phải vì gọi nó là đồ 'cổ' mà chỉ người đã khuất mới mặc được đúng không. Cho nên đừng bao giờ nghĩ chỉ mặc nó để vào đình chùa, vào Quốc Tử Giám, vào Khuê Văn Các, Đại Nội Huế..."
“Tên của nó là cổ phục nhưng nó không hề cổ. [Mọi người] cứ coi nó như là một cái phong cách thời trang hàng ngày thôi. Chỉ có như vậy thì nó mới có thể ‘sống’ và hiện diện trong đời sống. Chứ nếu chỉ mặc khi đến đình chùa, đi lễ thôi thì nó không bao giờ có thể chuyển mình và phát triển được.”