Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Thời Trang » Ton-sur-Ton » Có một 'tiểu yến tử' ở Seattle ngày ngày đem chất queer thổi hồn vào trang sức

Có một 'tiểu yến tử' ở Seattle ngày ngày đem chất queer thổi hồn vào trang sức

Phụ kiện “lồng lộn,” phá cách với chút tinh nghịch và “huyền bí” là cách mà Đinh Nguyễn Song Khanh và bạn đời, Meiyin, mang sắc màu riêng vào văn hóa thời trang queer tại Mỹ — nơi cả hai đang sinh sống, làm việc và theo đuổi ước mơ cùng đại gia đình mèo múp míp.

Khanh (trái) và Meiyin (phải).

Tôi biết đến Đinh Nguyễn Song Khanh (nhân xưng they/them) khi học chung từ thời cấp ba. Khanh là sinh viên trao đổi tại Trường Đại học Washington, hiện đang hoàn thành chương trình thạc sỹ Truyền thông Kỹ thuật số và cũng hoạt động trong lĩnh vực quay dựng video. Meiyin (nhân xưng they/them), là người Mỹ gốc Hoa, tốt nghiệp ngành marketing, và hiện vừa làm barista vừa theo đuổi đam mê thiết kế trang sức.

Ngoài việc làm “phụ huynh” toàn thời gian của các bé mèo, Khanh và Meiyin còn là đồng sở hữu của XYZ Style Co, một thương hiệu trang sức thủ công do chính cả hai chế tác. Khách hàng ưa thích các sản phẩm của bộ đôi có thể tìm mua qua website của XYZ hay chợ phiên tháng trên khắp Seattle.

Bắt đầu từ một chuyện tình

Cái duyên thành lập XYZ đến từ chính trang sức mà Meiyin làm tặng cho bản thân. Chiếc hoa tai được Meiyin thiết kế với phong cách riêng ngay lập tức thu hút lời khen từ bạn bè: “Mấy cái hoa tai này nhìn hay hay! Cậu thử bán xem!”

Lúc này, vào khoảng đầu năm 2020, mối quan hệ giữa Meyin và Khanh mới chỉ dừng ở mức bạn bè. Meiyin đã ngỏ lời mời Khanh cùng thiết kế hoa tai với mình, và đến cuối năm, XYZ chính thức được ra đời.

Khanh nói: “[Sau đó một thời gian thì], chúng mình yêu nhau và bắt đầu hẹn hò [...] XYZ đồng hành cùng chúng mình từ lúc còn là bạn cho đến khi chính thức quen nhau. Nên có thể nói rằng tính queer cũng chính là cốt lõi của thương hiệu XYZ.”

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cái tên XYZ là một cách chơi chữ thông minh dựa trên tên thật của Meiyin, có chứa Hán tự "yến," loài chim quen thuộc trong văn hóa Á châu và Việt Nam. Meiyin nói: “Đây là loài chim yêu thích của mình. Trong tiếng Trung, người ta gọi chúng là xiaoyanzi [小燕子, tức ‘tiểu yến tử’ trong tiếng Việt], và XYZ chính là một sự cách điệu từ xiaoyanzi.” Đây cũng là cái tên quen thuộc với thế hệ người Việt lớn lên cùng nhân vật Tiểu Yến Tử trong phim truyền hình “quốc dân” Hoàn Châu Cách Cách.

To, đẹp, lạ

Cộp mác của XYZ là các phụ kiện bản lớn, mang phong cách táo bạo, dung hòa vẻ “sang trọng” và “lập dị” để đem lại một thẩm mỹ tổng thể gọi là “nhìn vui vui.” Hiện tại, các sản phẩm mà Khanh và Meiyin thực hiện dao động từ dây đeo khẩu trang, vòng cổ đến hoa tai, cũng là những vật phẩm được khách hàng yêu thích nhất.

Hầu hết hoa tai của XYZ là dạng dangle (lủng lẳng), thường được chế tác bằng cách đính đá quý vào dây bạc. Các thiết kế cũng thường có hạt và mảnh pha lê đính khung kim loại, hoặc thạch anh pha lê và các loại đá bán quý khác quấn dây. Đôi khi, sự sáng tạo cặp đôi lại được thể hiện qua các sản phẩm có hình thù kỳ lạ.

“Meiyin có một đôi bông tai hình chai xì dầu. Và lâu lâu, chúng mình còn gắn thêm mấy trái ớt nhỏ nhỏ, chỉ cần đính chúng vào dây bạc là có ngay hoa tai xúng xính,” Khanh chia sẻ về một số trang sức “nhìn vui vui” hơn của XYZ. Vào những dịp Tết, Khanh cũng mang không khí lễ hội vào các sản phẩm qua những màu sắc đặc trưng của Tết, như đỏ và vàng, như một cách để mang hơi thở Việt Nam đến Seattle.

Quy trình sáng tạo của Khanh và Meiyin vô cùng đơn giản: bày tất cả các vật liệu ra trước mặt và đợi cảm hứng “gọi tên.” Thỉnh thoảng, bộ đôi sẽ chủ động phác họa trước để xem thiết kế có phù hợp hay không, “nhưng đa phần thì chúng mình toàn ‘tùy cơ ứng biến,’” Khanh cho biết.

Video từ XYZ Style Co.

Khi chọn chất liệu, XYZ đề cao tính bền vững và ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ tại Seattle, hoặc các cửa hàng độc lập trên các trang như Etsy. Phần vì không muốn phụ thuộc vào các “ông lớn,” và phần vì muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương. Các loại đá mà XYZ sử dụng cũng được mua tại Gem Faire — một hội chợ đá quý và khoáng sản tại Mỹ — như một cách để ủng hộ trực tiếp những tiểu thương, start-up nhỏ có hoàn cảnh tương tự.

Giai đoạn mới chập chững, Khanh và Meiyin, như nhiều người khác, chỉ có thể bày bán các sản phẩm của mình qua mạng xã hội. Nhưng khi đã đi cùng nhau một chặng đường, cả hai quyết định mở rộng “địa bàn” bằng cách tham dự các phiên chợ địa phương, cũng như tìm kiếm sự trợ giúp từ VietQ — một tổ chức với sứ mệnh kết nối và hỗ trợ LGBTQ+ người Việt tại Seattle.

“Mạng lưới VietQ chuyên tổ chức các phiên chợ pop-up dành cho các nhà sáng tạo queer và chuyển giới. Đây là một trong những địa điểm đầu tiên mà chúng mình đến khi đi bán ở các phiên chợ,” Khanh kể.

Thông qua các phiên chợ, Khanh đã có cơ hội gặp gỡ nhiều khách hàng người Việt. Còn bên ngoài sân chơi của VietQ, nhóm khách hàng này gần như vắng bóng. Tuy nhiên, dù gặp ở đâu thì những vị khách mà Khanh từng tiếp xúc dường như đều có chung một thị hiếu. “Theo quan sát của chúng mình thì người Việt thường chọn những thiết kế trang nhã, đơn giản hơn,” Khanh chia sẻ.

Meiyin và Khanh có đồng minh là các cư dân queer khác tại Seattle, nhưng khác biệt trong văn hóa vẫn là một trở ngại lớn. Theo Khanh, đó là vì cộng đồng người Việt, cộng đồng queer, và cộng đồng người Việt queer là ba tập hợp chẳng mấy khi giao thoa nhau.

“Người queer có rào cản riêng của người queer. Người Việt Nam có rào cản riêng của người Việt Nam. Nếu bạn là cả hai thì bạn sẽ phải leo qua rất nhiều cái rào chồng chất lên nhau,” Khanh chia sẻ. “Queer vẫn là khái niệm gì đấy rất lạ lẫm với cộng đồng người Việt ở đây, tiếng Việt còn là ngôn ngữ phân biệt giới [gendered language] rạch ròi nên chuyện giao tiếp lại càng phức tạp hơn.”

Qua XYZ, Meiyin và Khanh có cơ hội để thấu hiểu và kết nối những cộng đồng tách biệt này. Khanh chia sẻ: "Chúng mình có một người bạn gặp qua phiên chợ của VietQ. Bạn này cũng tên là Khanh và là một vị ‘khách sộp.’ Từ đó tụi mình đã trở thành bạn tốt của nhau. Chúng mình rất vui vì đã có thêm được những người bạn mới nhờ XYZ."

Việc vận hành XYZ không phải lúc nào cũng thuận buồm xui gió. Ngoài việc “bí ý tưởng,” những lần “xu cà na” cũng cản trở quá trình sáng tạo của Meiyin và Khanh. “Có một lần chúng mình đóng gói sẵn năm hộp hàng, trong đó là các sản phẩm và đơn hàng làm theo đơn đặt chuẩn bị đem đi gửi khách. Chúng mình bỏ vào hòm thư trước nhà, rốt cuộc là cả năm hộp đều bị trộm ‘xu’ hết. Giờ thì chúng mình rút kinh nghiệm và ra thẳng UPS hoặc bưu điện để gửi luôn,” Khanh kể lại một sự cố đáng tiếc.

"Ngổ ngáo và ma mị"

Không ai có thể nói chính xác “phong cách queer” là gì, bởi mỗi người và mỗi nền văn hóa lại có những định nghĩa khác nhau. Đối với tôi, đó là quần jean xắn gấu và thêm thắt thật nhiều phụ kiện linh tinh. Đối với Khanh và Meiyin, đó là “thời trang đượm chất ngổ ngáo, ma mị, và phụ kiện bản to, tinh quái, thậm chí gắn cả xương.” Đây cũng chính là đặc tính của phần lớn các sản phẩm của XYZ.

Đá pha lê là một vật liệu thường xuất hiện trong văn hóa queer, kéo theo đó là thời trang queer. Khanh và tôi cùng nhận thấy rằng, người queer, dù ở đâu trên thế giới, cũng thường có sự thích thú nhất định với loại đá quý này. Song song với đó, họ cũng theo đuổi những sở thích và phong cách thuộc phạm trù thần bí như bài tarot, ma thuật và đá phong thủy.

Tôi đặt ra câu hỏi: vì sao cộng đồng queer lại quan tâm đến các thực hành tâm linh ở trên? Và Khanh kể về những trải nghiệm mà chính tôi cũng liên hệ được với bản thân.

“Tâm linh là một phần rất lớn trong văn hóa chúng mình,” Khanh nhận định về cả cộng đồng queer ở Seattle và ở các nền văn hóa khác. “Chẳng hạn, có nhiều người rất thích Wiccan, tức là niềm tin về phù thủy và ma thuật. Mà mọi người thì hay thể hiện bản thân qua thời trang, và họ mang niềm tin ấy vào cách họ ăn mặc… nên khi bán các sản phẩm có liên quan đến đá quý và pha lê, Meiyin và mình sẽ giới thiệu luôn về ‘năng lượng chữa lành’ của loại đá đó, vì chúng mình nghĩ khách hàng sẽ quan tâm đến những đặc tính này.”

"Bán những gì làm được, thay vì làm những gì bán được"

Vì Khanh hiện vẫn đang hoàn thành chương trình cao học, Meiyin phải gánh vác nhiều khâu trong việc vận hành XYZ, nên quá trình phát triển thương hiệu không tránh khỏi những bấp bênh. “Mình là sinh viên toàn thời gian, thành ra Meiyin gánh nhiều trách nhiệm [từ công việc còn lại]. Chúng mình không thể tham gia các phiên chợ hàng tuần, nhưng luôn cố gắng ‘góp vui’ ít nhất mỗi tháng một lần,” Khanh cho biết.

Sau khi tốt nghiệp cao học, Khanh hy vọng rằng mình có thể dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ Meiyin phát triển XYZ. Bộ đôi còn tham vọng lấn sân sang các loại sản phẩm khác, chẳng hạn như vòng tay, sơn nghệ thuật cho cơ thể; cũng như đóng góp cho các tổ chức từ thiện, đặc biệt là những tổ chức giúp đỡ người châu Á và người queer. Đây là hoạt động mà Khanh và Meiyin từng tham gia tích cực, nhưng phải dừng lại gần đây do những khó khăn trong công việc và tài chính.

"Bán những gì làm được, thay vì làm những gì bán được" là triết lý mà bộ đôi trung thành để có thể “cháy” hết mình với đam mê. Trước đó, XYZ từng cho phép khách hàng điều chỉnh thiết kế, nhưng giờ đã từ bỏ dịch vụ này “vì chúng mình muốn được tự do sáng tạo bất cứ thứ gì chúng mình muốn. Chúng mình chủ trương nghe theo tiếng gọi của cảm hứng. Khi người ta ‘cảm’ được cái sáng tạo trong đó, họ thấy thích thì sẽ tự nhiên muốn mua thôi.”

Bài viết liên quan

in Ton-sur-Ton

Great Vietnam: 'Cổ phục Việt đâu phải chỉ để người đã khuất mặc!'

Trong vòng bốn đến năm năm trở lại đây, việc phục dựng các trang phục của người Việt xưa đang trở thành một xu hướng được đông đảo người trẻ hưởng ứng. Đây là thành quả từ nỗ lực bảo tồn, quảng bá cổ ...

in Ton-sur-Ton

Biến hóa 'quần què' thành 'quần lành' có một không hai nhờ ngẫu hứng

Chiecquanque (Chiếc quần què) là một thương hiệu thời trang độc lập với sản phẩm là những mẫu quần áo, balo và túi được may thủ công hoàn toàn. Mỗi món đồ của thương hiệu non trẻ này là một thiết kế r...

in Ton-sur-Ton

Thảo Vũ, nhà sáng lập Kilomet109: 'Trang phục là một ngôn ngữ có thể dùng để viết'

Saigoneer đã có dịp gặp gỡ nhà thiết kế Thảo Vũ và lắng nghe chia sẻ về sự khởi đầu bỡ ngỡ của chị với thời trang và tâm sự của chị trên hành trình phát triển một thương hiệu định hướng bền vững. ...

Paul Christiansen

in Quãng 8

Gặp Mixed Miyagi, chàng rapper hoà quyện bản sắc miền Tây và văn hoá hip-hop Mỹ

"Miền Tây sông nước tao ngắm cánh đồng xanh / Buổi sáng là thức dậy để đi cày mà làm ăn / Trên đời này thành công là siêng năng / Không có giống mấy thằng chó, có chút tiền rồi kiêu căng."

in Ton-sur-Ton

Gặp gỡ Kim Berhanu, người lãnh đạo 'vương triều' Dynasty the Label

“Mình còn trẻ nên vẫn mơ lớn lắm” là cách mà Kim Berhanu bắt đầu cuộc nói chuyện với tôi vào một ngày đầu tháng 9. Dù mới ở tuổi 23, Kim đã là CEO và Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang Dynas...

in Ton-sur-Ton

Kimono Ơi: Mang đường kim mũi chỉ Việt vào thiết kế kimono đương đại

Biết đâu hình ảnh một cô gái đầu đội nón bảo hiểm, người mặc áo kimono phối quần jean mài, vi vu lượn quanh các con đường ở Sài Gòn sẽ sớm trở nên thịnh hành trong thời gian tới.