Saigoneer đã có dịp gặp gỡ nhà thiết kế Thảo Vũ và lắng nghe chia sẻ về sự khởi đầu bỡ ngỡ của chị với thời trang và tâm sự của chị trên hành trình phát triển một thương hiệu định hướng bền vững.
Saigoneer được biết hành trình thời trang của chị có khởi đầu không mấy "thơ mộng." Chị có thể chia sẻ tại sao lại không muốn theo ngành may mặc khi còn bé không?
Khi còn nhỏ mình là một cô bé tomboy và chỉ thích chơi chung với đám con trai. Chúng mình thường đi câu cá với nhau và vui chơi ngoài trời. Mình thích như thế hơn là mấy việc khâu vá đan móc mà chị, mẹ và bà thường làm.
Bố mẹ mua cho mình một chiếc máy may vào sinh nhật 17 tuổi. Họ đã đặt nhiều mong đợi vào mình, vì thời đó máy may gia đình vẫn còn rất đắt, nhưng mình thì cảm thấy khó chịu. Mình không hiểu tại sao bố mẹ lại tặng mình cái máy may đó nên đã lấy chăn trùm máy suốt mấy tháng liền. Đối với mình, chiếc máy ấy đại diện cho sự nữ tính và lối sống an phận ở nhà, mỗi ngày phải làm đi làm lại những việc mà người khác làm.
Nhưng khi lên đại học, mình muốn tự may quần áo cho mình. Mình luôn ăn mặc khác thường và không muốn mặc quần áo bán đổ đống ngoài đường. Khi sống xa nhà và phải tự xoay xở tiền bạc, mình luôn rơi vào cảnh cháy túi, vì vậy việc may quần áo giúp mình kiếm thêm thu nhập. Đến bây giờ mình vẫn không chắc mình có thực sự thích may vá không, nhưng mình biết rằng việc tự tay làm quần áo đã thay đổi cái nhìn của mình về chiếc máy may.
Là một người đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong ngành thời trang Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua, theo chị, vào thời điểm nào thời trang đã thực sự thành một ngành công nghiệp?
Khi mình vào đại học năm 1996, khái niệm “thời trang” chỉ mới bắt đầu xuất hiện. Trước đó mọi người chỉ dùng từ “quần áo” mà thôi. Sau đó, vào khoảng năm 2000, người ta bắt đầu nói đến “thiết kế.” Trước những năm 1990, may mặc là một nghề thủ công và thợ may chỉ làm theo những gì được học chứ không chú tâm tạo ra cái mới. Dần dần, mọi người quan tâm đến khía cạnh sáng tạo của từ “thiết kế,” không chỉ nói riêng ngành may mặc.
Nhờ có chính sách hội nhập quốc tế, người Hà Nội bắt đầu ăn mặc kiểu mới, để kiểu tóc mới và đeo kính mắt mới nữa. Đó là một giai đoạn rất thú vị! Thế hệ của mình được nhìn thấy những thứ mình chưa được thấy bao giờ, khiến mình nhận ra ngành may mặc trong nước bị tụt hậu quá lâu. Chúng mình nhìn thấy được thế giới rộng lớn như thế nào và bản thân đã khám phá ra một lĩnh vực khổng lồ!
Có thể nói là đến năm 2000, Việt Nam đã có một vốn từ vựng mới về ngành thời trang, có tuần lễ thời trang và sàn diễn thời trang, mọi thứ dần có cấu trúc hơn. Chúng ta đã có đủ từ vựng để miêu tả những gì mình đang làm thay vì chỉ có thể nói là mình may quần áo.
Khi định hướng phát triển cho Kilomet109, chị đã nghiên cứu sâu về trang phục của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chị có thể mô tả quá trình này?
Mình không chỉ luôn yêu thích trang phục dân tộc mà còn yêu thích trang phục cổ điển nữa. Mình mua rất nhiều trang phục như thế và vẫn thường xuyên mặc chúng. Mình thích nhiều kiểu dáng, loại vải, đường cắt, màu sắc, hoa văn, hình in trang trí, và họa tiết. Mình cảm thấy trang phục dân tộc và trang phục cổ điển đặc biệt như thế vì chúng có lịch sử lâu đời.
Khi mình làm nhà báo và cộng tác với một số tạp chí thời trang, mình đã viết rất nhiều về các làng nghề, nghệ nhân và truyền thống may mặc ở Việt Nam, nhờ đó có một nền tảng kiến thức về ngành này. Mình càng yêu thích các trang phục ấy hơn khi đi học về thời trang. Mình lấy cảm hứng thiết kế từ quan điểm thẩm mỹ của các dân tộc thiểu số, và sử dụng các yếu tố và kỹ thuật truyền thống của họ như chần bông hoặc may ghép (patchwork). Những kinh nghiệm quý giá đó đã giúp mình rất nhiều trong việc học, từ đó mình nhận ra hướng đi mình muốn theo đuổi: Mình muốn làm việc với các thợ may, nghệ nhân và cộng đồng địa phương để phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của họ.
Chị đã kết nối với các cộng đồng dân tộc thiểu số như thế nào khi bắt đầu làm việc cùng nhau?
Thời gian đầu, hầu hết mọi người đều bối rối và ngại hợp tác với mình. Họ thấy mình còn xa lạ, vì họ ít tiếp xúc với các nền văn hóa và nguồn thông tin khác trong cuộc sống hàng ngày. Họ biết mình hoàn toàn không phải là người địa phương và mình không có kỹ năng của họ.
Chúng mình cũng phải đối mặt với những định kiến. Là một người Kinh, mình luôn nhắc nhở bản thân phải hết sức cẩn thận, luôn luôn phát ngôn chừng mực và thể hiện lòng tôn trọng trong từng lời nói. Trong giao tiếp, chúng mình vẫn gặp nhiều bất đồng về văn hóa cũng như quan điểm thiết kế. Khi mới tiếp xúc, mình chỉ biết chung chung về cộng đồng của họ chứ không biết từng cá nhân. Chúng mình hoạt động không khác gì đối tác kinh doanh, và đó là cái sai của mình.
Lần đầu thử nghiệm thuốc nhuộm chàm, mình đã cố gắng tạo ra nhiều màu có sắc độ khác nhau. Có những màu mình thấy đẹp như họ lại thấy xấu. Cứ như thế, chúng mình thường có cách nhìn khác nhau về cùng một đối tượng. Khi làm thử trên mảnh vải nhỏ thì dễ kiểm soát, nhưng khi mình không có mặt ở đó, họ không đủ tự tin vào công việc, thế là thảm họa xảy ra! Mình đã đặt mua hàng trăm mét vải và khi hàng về đến Hà Nội thì mọi thứ đều không như ý. Mình choáng quá đến mức phải bỏ đống vải vào một góc.
Đó là một bước ngoặt đối với mình. Sau tám tháng, mình nhận ra vấn đề nằm ở mình. Mình là người đến tìm họ, vì vậy ít nhất mình phải dành thời gian để hiểu họ rõ hơn. Trong lần trở lại, mình đã dành thời gian tìm hiểu cộng đồng và từng người dân ở đó. Mình quan sát họ, nấu ăn cùng họ và đơn giản là sống cùng họ. Trải nghiệm đó giúp mình nhận ra trước đây mình đã thiếu hiểu biết như thế nào, đồng thời mình cũng phát hiện một số điểm yếu trong cách họ làm việc mà mình có thể cải thiện — lượt bỏ vài bước không cần thiết trong quy trình dệt vải, hoặc tìm phương pháp kéo sợi mỏng nhưng bền hơn.
Khi bạn hoàn toàn hòa nhập vào một cộng đồng, bạn có thể nhìn thấy điểm mạnh và điểm yếu của cộng đồng ấy, cũng như tay nghề của từng nghệ nhân, biết được ai giỏi dệt ai giỏi nhuộm. Quãng thời gian ấy thực sự là một bước ngoặt đối với mình.
Kilomet109 không chỉ hoạt động về thời trang mà còn tham gia bảo tồn các kỹ thuật may mặc truyền thống, cũng như ủng hộ việc sản xuất bền vững trong ngành công nghiệp thời trang. Đâu là thước đo để chị đánh giá sự thành công của thương hiệu?
Mình đánh giá thành công của thương hiệu thông qua hai thước đo chính. Thương hiệu của mình đại diện cho các nghệ nhân và thẩm mỹ thiết kế. Thứ nhất, các nghệ nhân có công việc, có thu nhập và có thể giữ được truyền thống của họ hay không? Họ có thể mua thêm công cụ làm nông, thêm trâu, lợn, mở rộng đồng ruộng hay không? Họ có thể chu cấp cho gia đình và lo cho con cái đi học được không?
Khi mình bắt đầu làm việc cùng các cộng động thiểu số, có nhiều gia đình không có điều kiện cho con đi học, nhưng bây giờ, có nhiều em đã vào học đại học. Đấy là thước đo thành công của mình: nếu các nghệ nhân có thể sống ổn định với những gì họ tạo ra bằng tay nghề của mình, mình biết rằng thương hiệu của mình đã đi đúng hướng. Điều này rất quan trọng đối với mình, có thể nói là điều quan trọng nhất.
Thứ hai là thiết kế, mình đánh giá sự thành công thông qua các thiết kế mà chúng mình tạo ra: chúng có độc đáo và thể hiện được văn hóa của các cộng đồng bản địa và truyền thống của họ hay không? Tất nhiên chúng mình có sáng tạo nhưng vẫn phải giữ được bản sắc vốn có. Bạn không thể tìm được những sản phẩm này ở nơi khác, mức độ thủ công của sản phẩm rất cao, từ khâu trồng trọt đến dệt vải đến nhuộm và tất nhiên là cả thiết kế. Vì vậy, ngay cả khi không xét đến tác động xã hội của thương hiệu thì chúng mình vẫn là một hãng thời trang có phong cách độc đáo và dễ nhận biết. Điều đó rất quan trọng đối với mình.
Mình muốn sản phẩm đi khắp Việt Nam và vươn ra thế giới với thiết kế hiện đại, phù hợp với nhiều cách mặc, đồng thời có chất liệu tốt và bền. Chúng mình không làm trang phục dân tộc thiểu số với những màu sắc quá quen thuộc, hay đồ tập yoga và quần áo free size. Sản phẩm đẹp mắt và vừa vặn, khách hàng có thể mặc theo bốn hoặc năm cách khác nhau. Mỗi item đều hiện đại, thời trang, và tiện dụng.
“Miên,” một bộ sưu tập gần đây của chị có gì khác so với các thiết kế trước đó?
Bộ sưu tập này có sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số nhất trong các dự án của chúng mình. Chúng mình đã làm việc cùng với năm cộng đồng sinh sống ở nhiều vùng trải khắp Việt Nam, từ Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai đến Bảo Lộc và đồng bằng sông Cửu Long. Chúng mình thường mất khoảng một năm để thực hiện một bộ sưu tập nhưng bộ này kéo dài hơn hai năm. Các thiết kế lấy cảm hứng từ cả bốn mùa trong năm cho nên chúng không hẳn dành riêng cho một mùa nào. Xét theo thời gian thực hiện, số lượng nghệ nhân và trình độ kỹ thuật thì đây là bộ sưu tập lớn nhất mà mình từng làm!
Chị có thể mô tả quá trình thực hiện một sản phẩm trong bộ sưu tập không?
Bộ đồ mình đang mặc được làm từ lụa Tussah dệt tay của một gia đình nghệ nhân người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Người cha là một bậc thầy về lụa và nhuộm mặc nưa. Loại chất nhuộm màu đen làm từ quả mặc nưa là một trong những thuốc nhuộm quý hiếm nhất Đông Nam Á, chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thái Lan và Campuchia. Nhưng kỹ thuật nhuộm mặc nưa ở Chiang Mai hay Campuchia không bằng Việt Nam, thuốc nhuộm của mình có màu đen sẫm và dùng để nhuộm lụa trong khi các nước khác chỉ dùng để nhuộm vải cotton.
Kỹ thuật này rất độc đáo và khó làm. Vải được nhúng vào thuốc nhuộm liên tục 40 lần, hai lần một ngày, suốt hai tuần không ngừng, rồi được chôn trong bùn để giữ màu. Sau đó, nghệ nhân giã vải để thuốc nhuộm thấm vào sợi vải và giúp sợi vải mềm hơn. Thành phẩm khi chạm vào có cảm giác như được phủ sáp và rất mịn, gần giống như da thuộc, không thấm nước và chống ố, siêu ấm nhưng thoáng khí.
Khi chôn vải ở sông Mekong, các nghệ nhân phải thức dậy từ 3 giờ sáng, vì thuốc nhuộm bị oxy hóa dưới ánh mặt trời nên phải chôn vải từ rất sớm. Mình rất thích đi xem cảnh tượng đó. Khi trời tờ mờ sáng, tiếng giã vải, tiếng nước chảy, tiếng bùn văng lên và tiếng thở dồn dập của người lao động trong khung cảnh sông nước mênh mông... tất cả đều thật kỳ diệu. Thời điểm tuyệt vời nhất để đến thăm làng nghề đó là mùa nhuộm vải. Nhìn từ xa toàn bộ ngôi làng phủ một màu đen huyền, lấp lánh dưới ánh nắng phương Nam như một dòng suối chảy qua vùng thôn quê.
Kilomet109 có ý nghĩa như thế nào đối với gia đình chị?
Rất tiếc là bố mẹ mình không biết mình sẽ chọn đi theo nghề này. Khi họ còn sống, mình vẫn đang làm việc cho các tạp chí nên họ không biết mình sẽ làm thiết kế thời trang. Nhưng đôi khi mình nghĩ là trong thâm tâm bố mẹ đã biết từ lâu, ít nhất là nhiều người bảo mình như thế, vì bố mẹ đã mua chiếc máy may đầu tiên cho mình. Và có lẽ ở thế giới bên kia, họ đang dõi theo và nói “Bố mẹ nói với con rồi mà!”
Chị có lời khuyên nào dành cho những nhà thiết kế trẻ của Việt Nam?
Có. Mình nghĩ các nhà thiết kế trẻ không nên chỉ tập trung vào khía cạnh thương mại. Ngành may mặc rộng lớn hơn rất nhiều so với việc thiết kế thời trang, các bạn có thể tham gia một phong trào có quy mô toàn cầu, hay tạo ảnh hưởng đến bối cảnh chính trị, bảo vệ truyền thống văn hóa, hay đơn giản là làm việc với một nghệ nhân để tạo ra những sản phẩm thực sự độc đáo.
Vai trò của một nhà thiết kế thời trang sâu rộng hơn những gì người ta gán cho ngành này, và sinh viên thời trang nên thử thách bản thân, mở rộng khả năng của mình. Chúng ta đã mắc kẹt quá lâu trong suy nghĩ rằng thiết kế là có một bản phác thảo đẹp, được lên sàn diễn, được lên trang bìa của tạp chí. Không, bạn nên ở phía sau hậu trường, làm việc trực tiếp với nghệ nhân. Bạn cũng cần phải biết các công đoạn làm ra một sản phẩm. Điều đó sẽ thay đổi cách bạn nhìn nhận sự nghiệp của mình và quý trọng ý nghĩa của việc mình làm hơn là chỉ may quần áo để bán.
Đối với mình, trang phục là một ngôn ngữ mà bạn có thể dùng để viết nên những gì mình muốn truyền tải. Bạn có thể viết về bất cứ điều gì, không chỉ về hình ảnh "cool ngầu" trong mắt bao người. Hãy là một nhà hoạt động, một nhà văn, là một đại sứ văn hóa, bạn có thể tạo dựng sự nghiệp theo hướng đi riêng nếu bạn sẵn sàng dốc lòng vào công việc. Thế giới hiện đang thay đổi rất nhanh và ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề với nền kinh tế và giai đoạn hậu COVID-19. Trong thế giới mới ấy, các nhà thiết kế hãy thay đổi luật chơi thay vì chỉ cố gắng tạo ra những sản phẩm đẹp mắt.
Bài phỏng vấn đã được biên tập và rút gọn để làm rõ một số ý của nhân vật.