Mối duyên với thời trang của cô gái trẻ Vũ Thị Thanh Vân bắt đầu từ một nhu cầu đơn giản: mua một sản phẩm mỹ nghệ họa tiết thổ cẩm chất lượng dành tặng bạn bè mà không phải là những món đồ đại trà trong tủ quà lưu niệm cho dân du lịch.
Lồng ghép các hoa văn thổ cẩm vào thời trang không phải là một ý tưởng đột phá, nhưng ứng dụng vào thiết kế trang sức thì có thể coi là một hướng đi khá mới mẻ. theMay, một local brand mới thành lập vào năm 2018 tại Sài Gòn, là minh chứng cho ý tưởng thổ cẩm là có thể sánh đôi với nhiều chất liệu, mẫu mã và sản phẩm khác nhau, không chỉ giới hạn ở quần áo.
Khi bước vào gian hàng nhỏ của theMay trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, cách bài trí sử dụng nhiều gỗ, nhánh cây rừng tự nhiên và ánh sáng dịu nhẹ sẽ làm ta có cảm giác đây làm một không gian triển lãm nghệ thuật hơn là một cửa hàng trang sức. Ở đó, mọi phụ kiện từ bông tai, vòng tay, vòng cổ tới túi xách đều lấy cảm hứng từ họa tiết thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước khi gặp Vân, tôi hình dung về một câu chuyện khởi nghiệp của một cô gái được sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn, nhưng thực tế thì ý tưởng cho ra đời theMay lại hình thành từ sự va đập với những nền văn hóa nước ngoài của một cô gái trẻ năng động. Vân sinh năm 1993, tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế đối ngoại, làm việc tại một tập đoàn hóa chất tại Nhật Bản với mức lương khá cao. Vân từng có cuộc sống mà nhiều người trẻ mơ ước. Thế nhưng, câu nói "Đi xa là để trở về" lại đúng với cô.
Chứng kiến nước bạn đưa di sản văn hóa vào thời trang đương đại, Vân bắt đầu suy ngẫm về những nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số tại chính quê hương mình — Gia Lai. Từ đấy, cô dần dần ấp ủ một giấc mơ khởi nghiệp. Sau khoảng hai năm tự nghiên cứu thị trường, vào giữa năm 2019, cô từ bỏ công việc tại Nhật và về nước tìm gặp đội ngũ gây dựng theMay trước sự phản đối của gia đình.
Vân chia sẻ: “Với cơ hội được đi nhiều nơi, mình nhận thấy các nước trong khu vực như Thái Lan hay Campuchia, họ làm về chất liệu hay họa tiết truyền thống khá nhiều và quảng bá nó rất tốt. Còn nhắc đến Việt Nam, nhiều người chỉ nghĩ đến áo dài, nón lá. Trong khi đó, chúng ta có 53 dân tộc khác, bản sắc văn hóa của cộng đồng này vẫn chưa được khai thác đúng tầm, mà đây lại là điểm cộng rất lớn về mặt sáng tạo nghệ thuật. Họa tiết thổ cẩm là nơi các dân tộc kể nên câu chuyện của họ. Và mình muốn đưa những câu chuyện đó đến với nhiều người hơn."
Đến thời điểm hiện tại, theMay đã làm việc với các nghệ nhân từ làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp của người Chăm ở Ninh Thuận và người Ba Na ở Gia Lai để đưa các mẫu hoa văn đặc trưng nhất của họ vào thiết kế. Trong đó, có thể kể đến họa tiết mắt gà, chân chó của người Chăm và họa tiết rau dớn, lập thể hay còn gọi là Juji của người Ba Na. Ngoài ra, Vân còn làm việc với nghệ nhân người Chăm tới từ làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận để tạo ra các họa tiết trang trí đi kèm. Cô cũng cho biết thêm rằng kim loại dùng làm chi tiết xỏ qua tai và một số hạt đá được nhập từ Nhật Bản để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người đeo.
Hiểu được các trách nhiệm xã hội đi kèm khi đưa yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số vào thời trang, Vân tâm niệm không được hời hợt trong nghiên cứu văn hóa. Những chuyến đi về buôn làng và cuộc trò chuyện với nghệ nhân không chỉ cho cô kiến thức về trang phục địa phương mà còn cả nếp sống đằng sau đường kim mũi chỉ. Những câu chuyện này đều được cô chia sẻ lại trên mạng xã hội để mọi người "không chỉ thấy nó đẹp mà còn hiểu về nó." Việc Vân nhập vải trực tiếp từ các nghệ nhân trong làng cũng giúp những người phụ nữ dân tộc cải thiện thu nhập và có thêm động lực tiếp tục duy trì nghề truyền thống.
Thời gian đầu thành lập, theMay cũng gặp không ít khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Vân kể lại: "Trong những ngày đầu thành lập, lượng khách hàng của theMay không nhiều, phải mất đến 3-4 tháng mới có một vài sản phẩm được bán ra." Một phần lý do là những thiết kế ban đầu có kết cấu phức tạp và màu sắc tối, chưa thực sự phù hợp để phối với trang phục hiện đại.
"Do mình là một trong những người đầu tiên nên không có một cái gì đấy để bám theo. Đội ngũ luôn phải tự sản xuất, tự kiểm tra, tự thiết kế, tự kiểm nghiệm và tự rút ra bài học," Vân chia sẻ về khó khăn ngày đầu. "Văn hóa luôn là sự giao thoa, thay đổi và cải tiến" và cô rút ra được rằng để một sản phẩm mang họa tiết thổ cẩm đến với người tiêu dùng nhiều hơn thì sản phẩm đó cũng cần mang hơi thở của đương đại. Và cho đến nay việc đưa sắc màu dân tộc đến với người dùng trẻ vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của toàn thể đội ngũ.
Tư duy này được thể hiện rõ trong các bộ sưu tập gần đây như Cát, Sóng Biển và Đại Dương — màu sắc tươi sáng, chú trọng tới tạo hình, có tính ứng cao, nhưng vẫn lấy họa tiết thổ cẩm làm trung tâm của thiết kế. Với màu sắc của từng bộ lấy cảm hứng từ biển cả tương ứng với tên gọi, điểm xuyến với ngọc trai, các mẫu cho thấy khả năng tạo hình đa dạng của những mảnh vải thổ cẩm thường bị hiểu nhầm là thô cứng. Trong đó, để tạo ra các đường gấp khúc zic-zac mô phỏng hình dáng ngôi sao cho vòng cổ Cát, đội ngũ thiết kế đã thử nghiệm cả năm trời để có thể ghép cạnh các cuộn vải nhỏ mang họa tiết Chăm, đính ngọc trai ở đỉnh và cố định dáng. Vân cũng cho biết trong tương lai sẽ cho ra mắt nhiều hơn các sản phẩm được ứng dụng kỹ thuật tạo hình đặc trưng.
Khi được hỏi về bài học muốn chia sẻ với các nhà thiết kế và thương hiệu có cùng định hướng, Vân đưa ra một lời khuyên muôn thuở mà vẫn hợp thời về tương quan giữa thông điệp (nội dung) và mẫu mã sản phẩm (hình thức): "Khách hàng yêu nét đẹp thẩm mỹ của sản phẩm trước khi họ tìm hiểu câu chuyện đằng sau nó." Đồng thời, cô cũng nhận định đây là một thị trường ngách. Tuy đã có một số nhà thiết kế nổi tiếng trong nước giúp khơi dậy niềm yêu thích của người dùng với họa tiết thổ cẩm, nhưng đây chưa thể gọi là một xu hướng thời trang phổ biến. Vì vậy, người thiết kế cần nắm bắt được xu hướng thịnh hành của năm, từ đó xác định được xu hướng nào là phù hợp phong cách và chất liệu riêng của mình để hòa phối bản sắc riêng.
Cuối cùng, "cân bằng giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội" là điều quan trọng nhất cần lưu tâm. Với riêng Vân, điều tự hào hơn cả sau hơn hai năm lèo lái thương hiệu riêng không chỉ là tìm được những vị khách yêu thích phong cách của mình, mà còn là được gặp gỡ và làm việc với nhóm những nghệ nhân có hiểu biết và có tâm với nghề dệt may truyền thống.
[Hình ảnh trong bài do nhân vật cung cấp.]
Ton-sur-Ton (Tông Xuyệt Tông) là series bài viết về câu chuyện đằng sau các local brand với cảm hứng thời trang thú vị và khác biệt. Bạn là một tín đồ thời trang? Hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.