Với tình yêu môi trường và khối óc dư dả sáng tạo, ba cô gái Kiều Anh, Trang và Tú Quân đã tạo nên thương hiệu túi xách riêng mang tên Dòng Dòng Sài Gòn. Những món đồ thời trang làm bằng bạt tái chế, gánh trên mình những nắng, những mưa, chứa tình người và cả thông điệp của người trẻ: “Mình cứ đi, cứ thử, cứ làm, nếu không ổn thì quẹo lại thôi."
Dù mới "chào sân" trong thời gian ngắn khoảng nửa năm trở lại đây, Dòng Dòng Sài Gòn đã được lòng nhiều đối tượng khách hàng ở độ tuổi khác nhau. Để bước đầu tạo dựng sự tin yêu của khách hàng với thương hiệu, bộ ba sáng lập Kiều Anh, Trang và Tú Quân đã phải đi một hành trình khá nhiêu khê.
Vào một ngày mưa tháng 10 năm ngoái, khi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê, ánh mắt Kiều Anh và Trang bất chợt bắt gặp một tấm bạt sự kiện nằm chỏng chơ trong thùng rác cùng vài cái áo mưa mỏng và ô dù rách. “Tấm bạt còn tốt và mới, chắc chỉ bị rách hoặc không còn tác dụng vì đã hết sự kiện nhưng chắc chắn sẽ chẳng có ai đem nó tái chế hay tái sử dụng cả. Hai đứa mình nói qua nói về rồi quyết định thử làm xem sao," Kiều Anh — chị cả của nhóm — kể lại về khởi đầu của hành trình.
Những tấm bạt mái hiên cũ được Dòng Dòng hô biến thành những mẫu vật dụng có một không hai. Ảnh: Alberto Prieto.
Rất nhanh chóng, cả hai lao vào thực hành, cắt may ngay vài món đồ đơn giản bằng bạt hiflex, chuyên dùng cho sự kiện, với sự phụ giúp của gia đình. Chất liệu này dễ tìm vì nhóm quen biết nhiều bạn bè làm ở các công ty truyền thông, quảng cáo và luôn sẵn có bạt sự kiện. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn: bạt dễ gãy rách. Sau cả gần trăm lần đổi mẫu, đổi cả cách may, thử đi thử lại mà vẫn không có tiến triển gì, hai cô gái trẻ đã cảm thấy khá nản lòng, thất thần mất vài ngày vì nghĩ rằng ý tưởng này “toang” rồi.
“Lúc đó, tụi mình nhìn vào trong góc thì thấy bạt mái hiên bị quăng quật bao lâu mà vẫn có vẻ chắc chắn nên mới lôi ra thử thêm lần nữa và thấy ổn. Khi ấy, nhận thấy nhân sự hai người là không đủ vì cùng làm ngành thiết kế, tính tình lại không được nhanh nhạy. Vì thế, tụi mình đã tìm tới Tú Quân, một cô bạn thân làm marketing,” Kiều Anh chia sẻ. Vào tháng 3 năm 2020, Dòng Dòng Sài Gòn chính thức ra mắt.
Những mẫu balo năng động, bắt mắt được may bằng bạt mái hiên.
Cái tên Dòng Dòng chính là từ “vòng vòng” theo cách nói của người miền Nam. Ba cô gái rất thường xuyên phải đi lòng vòng Sài Gòn, thậm chí là tới những tỉnh lân cận để tìm nguồn nguyên liệu phù hợp cho thương hiệu của mình, khi thì ra đường Lý Thường Kiệt, Chợ Lớn, lúc lại ghé qua các quán cà phê sân vườn hay lặn lội tới tận Đồng Nai. Lăn lộn mọi nơi, thử nghiệm với nhiều loại chất liệu, cuối cùng bộ ba quyết định sẽ dùng bạt che mái hiên làm balo, túi tote, ví tiền, hộp đựng bút, còn bạt hiflex được nhóm biến tấu thành túi giao hàng.
Hiện tại, Dòng Dòng Sài Gòn chưa có cửa tiệm chính thức mà chỉ có một căn xưởng nhỏ ở trong một con hẻm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Ba cô gái thường ký gửi hàng ở những cửa hàng khác và tập trung thiết kế cũng như lên các ý tưởng khác cho từng sản phẩm tại xưởng.
Cả nhóm hì hục cùng nhau tháo gỡ những tấm phông bạt sự kiện cũ.
Trong xưởng có hai thợ may toàn thời gian và hai thợ phụ giúp. Đây là nơi diễn ra toàn bộ quá trình tái chế, “đổi đời” cho những tấm bạt mái hiên, bạt xe tải thành những chiếc ba lô độc đáo mà mọi người thấy. Quá trình này gồm việc chà rửa, phơi bạt, phân loại, cắt bạt theo rập, may và vệ sinh thành phẩm.
Phía ngoài cùng của xưởng là khoảng sân nhỏ để chà bạt. Những tấm bạt được rửa bằng nước và enzyme hữu cơ để tránh gây hại cho môi trường. Bạt chà xong được phơi khô và gấp gọn theo màu ở kệ bạt ngay bên cạnh sân. Sau đó, tùy vào kế hoạch may mà các tấm bạt sẽ được lựa ra để cắt thành miếng theo rập, mỗi miếng ứng với một bộ phận trên sản phẩm.
“Bàn cắt rập được để bên trong xưởng. Trước đây mới đóng thì bàn láng mịn nhưng sau thời gian thì đã có rất nhiều vết cắt chằng chịt, nhìn vào mới thấy chặng đường tụi mình đi đã được một quãng kha khá,” Tú Quân nói. “Bạt sau khi cắt xong sẽ được đem vào phòng may để các chị thợ may ở Dòng Dòng ráp nối lại với nhau. Dù dùng máy may nhưng họ vẫn phải gồng sức rất nhiều do chất liệu bạt khá cứng. Khi sản phẩm được may xong, Dòng Dòng sẽ vệ sinh sạch sẽ thêm một lần nữa và đem trưng bày ở phòng sản phẩm ngay kế bên”.
Không có nhiều nhân lực, sản phẩm làm 100% thủ công, ấy vậy mà những món đồ của Dòng Dòng gần như chẳng cái nào giống cái nào, không mang tính sản xuất hàng loạt, đại trà. Lướt qua trang web được thiết kế đẹp mắt, tôi bật cười trước những cái tên ngộ nghĩnh, đồng thời cũng tò mò về ý nghĩa của chúng. Hỏi ra thì biết có kha khá cái tên ra đời vì bị “bể kèo” do dịch COVID-19 bùng nổ như Quần Trôi, Kem Chảy, Biển Động, v.v. Những tưởng có một mùa xuân hè tung tăng đi biển vui đùa, ai ngờ gặp phải đại dịch nên tất cả đều tan chảy, trôi tuột đi mất! Hay tên Ông Tám, Ông Chín, Ông Mười dựa trên bộ quần áo mà các cụ già thường mặc.


Túi xách "Chơi cam đoan" (trái) và ba lô "Quần trôi" (phải).
Khi được hỏi về những giá trị mà Dòng Dòng theo đuổi, Kiều Anh chia sẻ: "Mỗi sản phẩm như một đứa con mình [rứt] ruột sinh ra. Đứa nào cũng có đặc điểm nhận dạng, tên tuổi riêng và cá tính riêng. Điểm chung lớn nhất hẳn là chúng cõng trên mình nắng mưa, rong ruổi khắp mọi miền, che chở cho những thứ được cất giữ bên trong, cõng cả lý tưởng bảo vệ môi trường sống. Tất cả các sản phẩm Dòng Dòng đều hướng tới ba giá trị cốt lõi gồm công năng, bền vững và độc đáo."


Clutch "Tri Ca Pu" (trái) và "Tri Ô Lét" (phải).
Xuất hiện ngay giữa tâm dịch, bộ ba “mẹ đẻ” của Dòng Dòng Sài Gòn vẫn lạc quan, tươi cười cho biết: “Chúng mình luôn giữ tinh thần tích cực nhất có thể, làm ra những sản phẩm chất lượng, có tâm và chỉn chu. Dòng Dòng còn nhỏ nhưng không đồng nghĩa với việc thiếu chuyên nghiệp. Thực ra chúng mình vẫn may mắn vì được nhiều người chú ý khi thành công cho ra đời những thứ đồ làm bằng bạt tái chế. Còn cái gì tới rồi sẽ tới thôi.”
Kết thúc cuộc trò chuyện, Tú Quân, cô gái nhỏ tuổi nhất, nói một câu khiến tôi rất thích rằng “Mình còn trẻ mà, cứ thử hết đi. Không được thì mình quẹo lại” bằng chất giọng sang sảng, đậm chất Sài Gòn đầy sức sống.
Ton-sur-Ton (Tông Xuyệt Tông) là series bài viết về câu chuyện đằng sau các local brand với cảm hứng thời trang thú vị và khác biệt. Bạn là một tín đồ thời trang? Hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.