Bạn chọn tất dựa trên những tiêu chí nào?
Với nhiều người, tất chỉ là tất, đơn giản là để bảo vệ và giữ ấm cho đôi chân; và dù thỉnh thoảng ta cảm thấy khó chịu khi bỗng mất đâu một chiếc, nhưng cũng đến thế thôi. Những với một số người khác, tất là một món đồ rất quan trọng, quan trọng từ màu sắc đến mẫu mã, kiểu dáng. Và sẽ không sai khi nói rằng những bạn trẻ của Re.socks cũng thuộc nhóm những người như vậy.
Dự án startup với 8 thành viên này đã bắt đầu hoạt động vào tháng 9 năm ngoái. Họ theo đuổi một mô hình đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh khủng hoảng rác thải nhựa trên phạm vi toàn cầu. Đó là tái chế rác thải để tạo ra các sản phẩm có giá trị, mà cụ thể ở đây là tái chế chai nhựa thành những đôi tất.
“Bọn mình đều quan tâm đến môi trường và thời trang bền vững,” Quách Kiến Lân, người đứng đầu dự án cho biết. "Rác thải nhựa là một vấn đề lớn trên toàn cầu, nhưng thật ra, rác thải cũng có thể là một nguồn tài nguyên nếu chúng ta biết cách tái chế chúng thành những sản phẩm hữu ích."
Nhóm cho biết Polyethylene terephthalate (PET), loại nhựa được sử dụng để sản xuất chai nước, có thể được xử lý và làm thành sợi vải. Quy trình tái chế PET bao gồm việc thu thập nhựa đã qua sử dụng, nung chảy thành các hạt nhựa, ép đùn hạt nhựa thành sợi nhựa, sau đó dệt thành vải polyester, và cuối cùng là dùng loại vải này để may tất.
“Nhà máy sợi sẽ thu gom chai nhựa, sau đó làm sạch, lọc tạp chất và xử lý chúng để tạo ra hạt nhựa,” Lân giải thích về bước đầu tiên trong quy trình.
Dù mô hình này còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã được thực hiện rất thành công ở các thị trường phát triển hơn như Hoa Kỳ. Theo Financial Times, một doanh nghiệp sản xuất của Mỹ là Unifi đã tung ra thị trường loại sợi polyester tái chế vào năm 2007, và hai thương hiệu thời trang outdoors Patagonia và Polartec đã tiên phong sử dụng nó.
Tính đến hiện tại, đã có khoảng 800 thương hiệu thời trang sử dụng chất liệu này trong khâu sản xuất sản phẩm, trong đó có những cái tên đình đám như Nike và Adidas hay những thương hiệu thời trang cao cấp như Prada.
Tuy nhiên, việc thu gom và tái chế rác thải ở Việt Nam thường mang tính tự phát, không có tiêu chuẩn rõ ràng, tức là hầu hết rác thải không được phân loại và không đáp ứng được các tiêu chuẩn tái chế. Vì vậy Re.socks phải nhập khẩu hầu hết lượng sợi nhựa họ cần sử dụng, cũng có nghĩa là dự án này tạm thời chưa thể góp phần cải thiện vấn đề rác thải của Việt Nam.
Trên thực tế, đây vẫn là một vấn đề toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tỷ lệ tái chế nhựa trung bình trên thế giới hiện chỉ ở mức 14–18%. Do đó, loại PET chất lượng cao có thể tái sử dụng luôn được các hãng dệt may ưa chuộng và tìm mua, chưa tính đến nhu cầu từ nền công nghiệp tái chế; và điều này đã đẩy giá PET lên cao.
Ý thức được thực trạng này, đội ngũ Re.socks hy vọng dự án của họ có thể góp phần thúc đẩy và tạo ra sự thay đổi cần thiết trong việc tái chế rác thải tại Việt Nam, để đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết cho việc tạo ra sản phẩm mới. “Bọn mình hy vọng rằng câu chuyện của Re.socks sẽ truyền cảm hứng cho mọi người phân loại rác thải, và mong là trong 5 năm tới, dự án sẽ đạt được mục tiêu xây dựng quy trình thu gom, xử lý và dệt sợi tại Việt Nam,” Lân chia sẻ.
Nhưng tại sao lại là tất? Có lẽ nhiều người sẽ không nghĩ tới món đồ này đầu tiên khi muốn thực hiện các dự án tái chế.
“Sản phẩm đầu tiên là tất vì bọn mình muốn truyền tải câu chuyện về những ‘bước chân xanh' được làm từ vật liệu tái chế trên một hành trình bền vững," Lân nói. "Bên cạnh đó, tất là một sản phẩm rất gần gũi mà hầu như ai cũng cần dùng đến. Một đôi tất dù nhỏ bé cũng sẽ giúp mọi người thấy được việc tái chế có khả năng tạo ra các sản phẩm hữu ích cho đời sống của chúng ta."
Mỗi đôi tất sẽ tái chế được ba chai nhựa và mỗi hộp sẽ có ba đôi tất với ba màu: đen, xám đậm và xám nhạt. Dự án tái chế rác thải nhựa này không chỉ giúp làm giảm số lượng chai nhựa vốn chỉ để mang đi chôn lấp mà còn loại bỏ được lượng khí thải nhà kính thường được tạo ra từ quá trình xử lý polyester. Trong tương lai, khi Re.socks hoàn thiện quy trình của mình và hợp tác với nhiều công ty hơn, họ sẽ bắt đầu thử nghiệm với các vật liệu khác và cả các sản phẩm khác nữa.
"Bọn mình vẫn tiếp tục làm việc để mang đến nhiều mẫu thiết kế bắt mắt hơn trong thời gian tới, cũng như cải thiện chất lượng sản phẩm, và sử dụng các loại sợi kết hợp như sợi cà phê hoặc sợi nấm để thu hút được sự chú ý trong một thị trường lớn vốn có nhiều sản phẩm giá rẻ," Lân cho biết.
Cho đến nay, khách hàng của Re.socks chủ yếu là những người quan tâm đến môi trường và phát triển bền vững, cùng một vài cửa hàng ở nước ngoài như Mỹ và Anh. Đội ngũ Re.socks mong muốn tập trung nhiều hơn vào giới trẻ Việt để nâng cao nhận thức của họ về môi trường.
Lân cho biết thêm: “Trong tương lai, bọn mình sẽ sản xuất thêm nhiều sản phẩm như áo, ví, mũ, không chỉ làm từ chất liệu nhựa tái chế mà còn bằng nhiều chất liệu bền vững khác nữa.”
Ton-sur-Ton (Tông Xuyệt Tông) là series bài viết về câu chuyện đằng sau các local brand với cảm hứng thời trang thú vị và khác biệt. Bạn là một tín đồ thời trang? Hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.