Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Thời Trang » Ton-sur-Ton » Local brand ở Hà Nội lấy cảm hứng thời trang từ những điều 'giản đơn' nhất

Local brand ở Hà Nội lấy cảm hứng thời trang từ những điều 'giản đơn' nhất

Với Giáp Diệu, Gian Don (Giản Đơn) không hẳn là một cửa hàng quần áo, mà là một "cửa tiệm gia đình," nơi cô dành mỗi ngày để dệt nên câu chuyện "thời trang thân thiện." Đồng hành cùng cô là hai chú chó nhỏ xuất sắc trong vai trò "nhân viên bán hàng." Tôi đến thăm Gian Don vào một buổi sáng thứ Hai yên bình và được tiếp đón nồng nhiệt bởi Diệu và các nhân viên bốn chân: Susu và Spot.

"Cửa tiệm gia đình" này nằm trên con phố Yên Hòa, một con phố yên tĩnh, rợp bóng cây xanh hướng ra Hồ Tây. Bên trong cửa hàng, các mặt hàng quần áo và phụ kiện được sắp xếp gọn gàng trên các giá treo bằng gỗ. Một số tác phẩm nghệ thuật được bày bán cũng được treo ngay ngắn trên bờ tường. Đúng như tên gọi, Gian Don được trang trí khá đơn giản, không cầu kỳ.

Giáp Diệu từng theo học ngành du lịch và làm việc 6 năm tại một công ty thiết kế trước khi thành lập Gian Don vào tháng 4/2018. Cửa hàng hiện là một “gia đình” với 10 thành viên, tập trung vào hai mảng là bán lẻ và tổ chức workshop.

“Ban đầu, Gian Don chỉ là một tiệm nhỏ xíu,” Diệu kể lại. "Nửa thì để bày quần áo, nửa còn lại là không gian làm việc. Mọi thứ lúc nào cũng lộn xộn hết." Cô gái nhỏ nhắn hay cười này xây dựng Gian Don không vì tham vọng to lớn gì. Với Diệu, Gian Don chỉ đơn giản là để thỏa mãn hai mục tiêu mà cô đề ra."Đầu tiên là để làm điều mình yêu thích dù có khó khăn. Thứ hai là để tự sản xuất quần áo cho bản thân. Lúc trước, mình thấy rất khó để tìm mua quần áo phù hợp với phong cách cá nhân, nên mình quyết định sẽ tự làm đồ để mặc luôn."

“Phương châm sống của mình là: tận hưởng những điều bình dị. Mình không cần quá nhiều thứ và chọn tìm kiếm hạnh phúc từ những điều giản đơn nhất trong cuộc sống." Điều mà Diệu tâm niệm trong kinh doanh là luôn biết thế nào là đủ và khi nào là đủ. “Gian Don phát triển rất chậm rãi, và mình hy vọng cửa tiệm có thể học hỏi và trưởng thành nhiều hơn trong những chặng đường sắp tới. Bản thân mình cũng đã không ngừng học hỏi và trưởng thành từ những ngày đầu mở cửa,” Diệu chia sẻ.

Phong cách chủ đạo của Gian Don là những thiết kế tối giản và mang tính ứng dụng cao. Các sản phẩm của cửa hàng rất đa dạng, từ những bộ trang phục hằng ngày cho đến các thiết kế công sở. Trên những chiếc giá ngay ngắn là váy mùa hè, áo ba lỗ, váy midi, áo cài cúc và quần dài có thiết kế đơn giản, thường là màu trung tính, trơn nhẵn chứ không tua viền, bèo nhún hay kim sa lấp lánh. Bên cạnh đó, Gian Don cũng thường chọn dùng vải linen để may sản phẩm vì sự nhẹ nhàng và thoải mái của chất liệu.

Khi được hỏi liệu Gian Don có phải là một thương hiệu bền vững hay không, Diệu liền lắc đầu: “Bền vững vẫn là một thuật ngữ gây tranh cãi. Mình không khẳng định thương hiệu của mình là bền vững vì nó là một khái niệm còn khá mơ hồ mà cộng đồng vẫn đang cố gắng thấu hiểu và nắm bắt."

Theo Diệu, ở Việt Nam mọi người phần nhiều vẫn ưa chuộng những cửa hàng với mặt tiền hào nhoáng, bán các sản phẩm không thể dùng được lâu. Xu hướng tối giản vẫn chưa được lan truyền rộng rãi. “Gian Don đang cố gắng hết sức mình, không phải để đạt được cái danh xưng ‘bền vững’ mà chỉ đơn giản là mang những giá trị mà chúng mình trân trọng đến với cộng đồng. Chúng mình không cần một tên nhất định nào cả,” Diệu khẳng định.

Một điều đặc biệt ở đây là cửa tiệm không mua vải theo lô lớn như hầu hết các thương hiệu khác. Thay vào đó, Diệu tự mình chọn vải từ nguồn vải thừa ở các nhà máy. Diệu cho biết: “Những xưởng này sản xuất hàng xuất khẩu, nên vải ở đây có chất lượng tốt và mẫu mã khá độc đáo, chứ không giống loại vải sản xuất đại trà trên thị trường. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà nguồn cung ở đây không ổn định và ít sự lựa chọn. Mình thường chỉ may được 3-4 món từ cùng một cuộn vải.”

Gian Don cũng áp dụng một kỹ thuật may rất đặc biệt. “Mình dùng một phương pháp may cổ điển,” Diệu vừa nói vừa lấy một món đồ làm ví dụ. Đường may gồm hai đường thẳng song song gọn gàng và phẳng phiu chứ không phải vạt vắt sổ như chiếc áo người viết đang mặc.

“Đường may như vậy sẽ gọn gàng, chắc chắn hơn. Không tạo vạt vải bên trong, có chỉ thừa hay bị tuột chỉ. Theo cách như vậy thì thời gian và công may cũng tốn gấp ba lần so với việc sử dụng máy vắt sổ như ở các xưởng sản xuất hay làm. Nhưng cũng vì thế mà chất lượng áo tốt hơn nhiều. Form quần áo cũng không bị thay đổi sau nhiều năm mặc và giặt. Mình đảm bảo rằng không có sợi chỉ nào bị tuột hay bung ra. Thêm nữa là, nếp may phẳng phiu sẽ tạo cảm giác dễ chịu hơn cho người mặc. Mình luôn cố gắng để sản phẩm của mình hoàn hảo nhất."

“Đây là phương pháp may quần áo rất xưa, một kỹ thuật mà con người sử dụng từ trước máy vắt sổ được phát minh. Vậy nên, không phải cứ ứng dụng kỹ thuật mới thì lúc nào cũng tốt hơn.”

Diệu cười và nói thêm: “Ai cũng có thể làm ra một sản phẩm tốt, nhưng điều quan trọng là bạn có mang nó ra thị trường được không? Bạn có thể thu được lợi nhuận từ nó không? Thách thức lớn nhất đối với mọi doanh nghiệp và đối với Gian Don cũng là làm thế nào để cân bằng giữa yếu tố sáng tạo, tính bền vững và giá trị thương mại. Để tồn tại được thì phải cân bằng cả ba thật tốt. Nó giống như chiếc kiềng ba chân vậy, nếu một chân bị gãy thì hai chân kia cũng không đứng vững được."

Để mô tả thương hiệu của mình trong ba từ, Diệu đã chọn đơn giản, thân thiện và giá cả phải chăng; nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào sự thân thiện. “Khi đến Gian Don, khách hàng sẽ không cảm thấy như mình đang đi mua sắm. Chúng mình luôn chào đón họ như những người bạn. Nhiều người trong số đó cũng đã thực sự trở thành bạn của cửa hàng. Mình muốn xây dựng một mối quan hệ có ý nghĩa hơn, không chỉ là người bán và người mua. Đó là động lực để mình tiếp tục.”

Với Diệu, Gian Don là một gia đình; cô xem trọng sự minh bạch và trung thực hơn doanh thu hay số liệu bán hàng. Đối với doanh nghiệp bán lẻ, năm qua là một năm không mấy dễ dàng, nhưng cô may mắn có được sự đồng hành của những người nhân viên cũng như khách hàng của mình, “Dù có áp lực đến đâu, miễn là chúng mình có những người hỗ trợ và tiếp sức, thì mọi khó khăn cũng sẽ qua đi dễ dàng hơn.”

Trò chuyện cùng nhau thật lâu, Diệu mở lòng với Saigoneer về một góc khác của shop mà không nhiều người biết đến: “Mình thường không nói ra điều này, chỉ những khách hàng và bạn bè thân thiết nhất mới biết vì mình không lấy nó ra làm chiêu trò quảng cáo. Đó là đội thợ may của mình đều là phụ nữ khuyết tật. Mình và mọi người đã cùng sát cánh bên nhau từ lúc bắt đầu và cùng nhau trải qua nhiều thời điểm có vui có buồn. Lúc đầu, mọi người gặp nhiều khó khăn khi làm việc vì chưa hiểu cách để giao tiếp với nhau. Nhưng các chị là những người chăm chỉ và mạnh mẽ nhất mà mình từng biết, và mình không mong gì hơn ngoài sự đồng hành của các chị."

Điều mà Gian Don đã thực hiện từ những ngày đầu là truyền tải câu chuyện về sản phẩm của mình đến với khách hàng, bắt đầu từ người làm ra chúng. Đối với Diệu, khách hàng sẽ trân trọng các mặt hàng quần áo hơn nếu họ hiểu được câu chuyện và giá trị đằng sau mỗi sản phẩm. Để làm được điều này, Diệu mở các buổi workshop hàng tuần cho những ai muốn học những kiến thức cơ bản về may vá. Qua đó, cô muốn khuyến khích người tham gia tái chế quần áo cũ của mình và tạo ra câu chuyện của riêng họ thông qua trang phục tự tay làm.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Diệu suy ngẫm về tương lai của xu hướng tối giản ở Việt Nam: “Mình bắt đầu thấy nhiều cửa hàng sản xuất quần áo tối giản và bền vững hơn, và mình thấy rất vui về điều đó! Càng đông càng vui mà đúng không? Càng có nhiều người bán thì nhiều người càng quan tâm đến xu hướng này. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội."

Bài viết liên quan

in Ton-sur-Ton

Biến hóa 'quần què' thành 'quần lành' có một không hai nhờ ngẫu hứng

Chiecquanque (Chiếc quần què) là một thương hiệu thời trang độc lập với sản phẩm là những mẫu quần áo, balo và túi được may thủ công hoàn toàn. Mỗi món đồ của thương hiệu non trẻ này là một thiết kế r...

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Ton-sur-Ton

Có một 'tiểu yến tử' ở Seattle ngày ngày đem chất queer thổi hồn vào trang sức

Phụ kiện “lồng lộn,” phá cách với chút tinh nghịch và “huyền bí” là cách mà Đinh Nguyễn Song Khanh và bạn đời, Meiyin, mang sắc màu riêng vào văn hóa thời trang queer tại Mỹ — nơi cả hai đang sinh sốn...

in Ton-sur-Ton

Great Vietnam: 'Cổ phục Việt đâu phải chỉ để người đã khuất mặc!'

Trong vòng bốn đến năm năm trở lại đây, việc phục dựng các trang phục của người Việt xưa đang trở thành một xu hướng được đông đảo người trẻ hưởng ứng. Đây là thành quả từ nỗ lực bảo tồn, quảng bá cổ ...

in Ton-sur-Ton

Gặp gỡ Kim Berhanu, người lãnh đạo 'vương triều' Dynasty the Label

“Mình còn trẻ nên vẫn mơ lớn lắm” là cách mà Kim Berhanu bắt đầu cuộc nói chuyện với tôi vào một ngày đầu tháng 9. Dù mới ở tuổi 23, Kim đã là CEO và Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang Dynas...

in Đời Sống

Gặp nhóm học sinh Hà Nội giải cứu thức ăn bị lãng phí từ nhà hàng, khách sạn

Là một thành phố lớn, Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề lãng phí thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng. Trong các nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng này không thể không kể đến chương trình giải cứu t...