Biết đâu hình ảnh một cô gái đầu đội nón bảo hiểm, người mặc áo kimono phối quần jean mài, vi vu lượn quanh các con đường ở Sài Gòn sẽ sớm trở nên thịnh hành trong thời gian tới.
Kimono từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng khi nói đến văn hóa Nhật Bản. Sức hút của bộ trang phục nổi tiếng này không chỉ nằm ở lịch sử lâu đời trên 1200 năm hay sự đa dạng của các họa tiết, mà hơn cả chính sự công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ trong từng công đoạn sáng tạo đã khiến người dân xứ sở hoa anh đào luôn tự hào khi khoác lên mình bộ y phục ấy.
Cũng bởi sự kỳ công trong thiết kế, kể từ khi trang phục phương Tây với phong cách đơn giản và hiện đại du nhập, bắt đầu dưới thời Minh Trị, Kimono đã dần dần bị thay thế trong đời sống hàng ngày và chỉ còn được diện vào các dịp lễ hội hay sự kiện quan trọng. Với các nhà thiết kế trẻ yêu mến văn hóa Nhật Bản trên toàn thế giới, đây là một thách thức không hề nhỏ: làm thế nào để đưa hơi thở đương đại vào thiết kế ngàn đời của kimono truyền thống, đưa văn hóa Nhật Bản tới gần hơn với bạn bè quốc tế?
Được gợi cảm hứng trước câu hỏi này, Kimono Ơi — một thương hiệu thời trang mới của Sài Gòn — đã chính thức ra mắt vào tháng 12 vừa qua với tham vọng vượt qua các thách thức về văn hóa và điều kiện thời tiết để mang bộ trang phục truyền thống của xứ sở hoa anh đào tới gần hơn với người dân Sài Gòn.
Lilly Wong và Tom Scrimgeour — hai nhà sáng lập đứng đằng sau những mẫu thiết kế Kimono Ơi — đều có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường sáng tạo. Lilly là một nghệ sĩ thị giác nhuần nhuyễn ngôn ngữ của thời trang và nhiếp ảnh; Tom từng là đầu bếp tại nhiều quốc gia cũng dễ dàng bắt nhịp với công thức và nguyên lý nhuộm chàm thủ công được áp dụng cho các sản phẩm. Cùng chia sẻ tình yêu dành cho tà áo kimono nói riêng và văn hóa độc đáo của đất nước mặt trời mọc nói chung, sau khi gắn bó với mảnh đất Sài Gòn hơn bốn năm cả hai đã hợp tác cho ra mắt những thiết kế đương đại nhưng vẫn giữ được giá trị cũng như nét đẹp cổ điển của bộ trang phục truyền thống này.
Biến tấu từ phiên bản gốc với nhiều chi tiết và nguyên tắc mặc cầu kỳ, các thiết kế của thương hiệu trẻ này lược bỏ đi vạt dưới của áo và tối giản hóa phần dây thắt lưng bằng cách may liền với thân áo, tạo thành kiểu cột vạt chéo cùng ống tay rộng thoải mái. Lilly chia sẻ: “Khi thiết kế, chúng tôi luôn cân nhắc đến đối tượng sẽ mặc trang phục đó. Nhu cầu của người mặc, thẩm mỹ, tính ứng dụng của trang phục là những điều chúng tôi cân nhắc khi cách tân trang phục truyền thống. Ví dụ như với các mẫu Haori, chúng tôi dùng những chất liệu nhẹ và thoáng mát như linen để phù hợp với khí hậu nắng nóng của Sài Gòn, hay tích hợp thêm túi áo rộng để người dùng cất giữ đồ đạc trên người một cách thuận tiện.”
Kimono Ơi hiện có hai dòng sản phẩm chính là POP và Indigo. Lấy cảm hứng từ xu hướng Pop Art ra đời vào giữa thế kỷ thứ 20, dòng sản phẩm POP bao gồm những thiết kế đương đại, hướng đến sự thân thiện với người dùng đại chúng khi dễ dàng phối hợp và sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau mà vẫn nổi bật nhờ những lựa chọn màu sắc và họa tiết rực rỡ.
Riêng với dòng sản phẩm thứ hai mang tên Indigo (Chàm), Lilly và Tom đặc biệt chú trọng đến tinh thần thủ công và tính sáng tạo trong quá trình mang sản phẩm đến với người dùng. Hành trình của màu chàm — từ lúc lá chàm được chiết xuất thành cao chàm, nhuộm xanh những thớ vải và đến khi hóa mình vào trong những bộ trang phục — là một hành trình công phu kéo dài đến hàng tháng trời. Có thể nói, việc tạo ra một sản phẩm nhuộm chàm hoàn chỉnh đòi hỏi sự tận tâm tuyệt đối mà chỉ có những tâm hồn yêu màu chàm mới có thể theo đuổi.
Tom nhận định: “Công việc nhuộm chàm theo cách nào đó cũng giống như chế biến thức ăn vậy. Người thực hiện phải thực sự chú tâm và ‘lắng nghe’ nguyên liệu của mình để không ‘quá tay’ trong bất cứ công đoạn nào.” Anh tiếp tục: “Có một điều ít người biết đó là xanh dương là màu hiếm có nhất trong tự nhiên; chỉ có duy nhất một cách để tạo ra màu xanh hữu cơ trên vải đó là thực hiện nhuộm thủ công bằng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật. Vải được nhuộm chàm tự nhiên thường có nồng độ màu cao hơn nhiều so với khi nhuộm tổng hợp. Cũng như khi chụp ảnh phim, vải được nhuộm sẽ ‘ăn’ màu theo những cách khác nhau, do đó tạo ra những sản phẩm không thể trùng lặp.”
Lilly và Tom cho biết vì Việt Nam cũng có các làng nghề nhuộm chàm thủ công của riêng mình, cả hai không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu: “Chúng tôi dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về cách màu chàm được sử dụng trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, cũng như các nguyên liệu có sẵn tại đây. Thay vì nhập từ nước ngoài, chúng tôi tận dụng các giống cây tự nhiên được trồng trong nước. Hiện nay không còn nhiều quốc gia sản xuất và sử dụng chàm tự nhiên nên chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi vẫn có những cộng đồng yêu và sử dụng màu chàm tự nhiên ở Việt Nam.” Lilly cho biết thêm: “Các ngành thủ công truyền thống đang dần biến mất, vì vậy chúng tôi cố gắng hợp tác với các nghệ nhân và những người làm việc trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ nhiều nhất có thể.”
Ứng dụng kỹ thuật nhuộm chàm thủ công của người Việt vào các mẫu thiết kế Kimono đương đại, Lilly hy vọng khi người Việt khoác lên mình các bộ trang phục này sẽ hiểu và trân trọng hơn những câu chuyện của cả hai nền văn hóa.