Mảnh đất Đông Nam Á đầy nắng đã có nhiều bước tiến vượt trội trong sản xuất năng lượng mặt trời, đạt tổng công suất 20GW trên toàn khu vực. Tuy vậy, dù có tốc độ phát triển nhanh và mục tiêu đầy tham vọng, các quốc gia thành viên đã và đang đối mặt với đủ mọi khó khăn, từ đứt gãy chuỗi cung ứng, rào cản chính trị cho đến những rào cản như thuế chống phá giá, bất ổn nội bộ. Bài viết này sẽ điểm qua một số điểm sáng cũng như chông gai mà các quốc gia Đông Nam Á gặp phải trên con đường kiến tạo giải pháp năng lượng bền vững.
Campuchia
Tuy chỉ chiếm 7% công suất năng lượng quốc gia, điện mặt trời lại là nguồn năng lượng có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Campuchia, đã gia tăng 14% trong năm 2023.
Campuchia đặt mục tiêu cán mức 70% mạng lưới điện quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) vào năm 2030, trong đó thủy điện chiếm 55%. Hiện tại, điện mặt trời đạt sản lượng 432MW, được dự tính sẽ tăng hơn gấp đôi vào 2030 lên 1GW, với tầm nhìn vươn tới 3.2GW vào năm 2040.
Vương quốc Campuchia hiện đang có trong tay 8 trang trại điện mặt trời nhỏ đang hoạt động, công suất từ 5 đến 80MW tùy dự án; và 3 dự án khác nằm trên giấy, bao gồm trang trại lớn nhất với công suất 225MW tại Kampong Speu.
Dù Campuchia đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới trang trại điện mặt trời cỡ lớn, tốc độ thực hiện các hạng mục nhỏ hơn như điện mặt trời áp mái hay công nghiệp vẫn rất ì ạch do chính sách bất cập. Chính phủ hiện vẫn nghiêm cấm bù trừ hay bán lại điện mặt trời, tuy nhiên vài thay đổi pháp lý gần đây chuẩn bị thay công suất phí bằng biểu phí mới nhằm khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại gia.
Mặt khác, tuy Campuchia hướng đến trung hòa carbon vào năm 2050, quốc gia này vẫn trải qua rất nhiều đợt thiếu điện trầm trọng trong những năm gần đây, gây thiệt hại đến 43% doanh nghiệp. Điện mặt trời mái có tiềm năng giúp các ngành công nghiệp sở tại giải quyết vấn đề điện, nâng cao đời sống người dân sinh sống tại 245 ngôi làng đến nay vẫn chưa có điện.
Nhiều công ty Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc phát triển năng lượng mặt trời của Campuchia. Hồi 2018, Hengtong Optic-Electric trúng thầu dự án trang trại điện mặt trời lớn nhì quốc gia, với công suất lắp đặt 200MW. Bên cạnh đó, vào năm 2023, China Datang Corporation công bố gói đầu tư trị giá 600 triệu USD vào các dự án năng lượng điện mặt trời và gió tại Campuchia.
Indonesia
Indonesia có bề dày lịch sử trong ngành phát triển quang điện mặt trời. Vào những năm 1980, Indonesia đã từng là đầu tàu trong khu vực về phát triển điện mặt trời. Tuy tiến trình có chậm chạp lúc đầu, năng lượng mặt trời đã bắt đầu hồi sinh.
Năm 2021, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (MEMR) Indonesia nhận định tiềm năng điện mặt trời vào khoảng 3294GW. Chính phủ đưa ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng: năm 2025 đạt 3.61GW điện mặt trời từ lắp đặt áp mái, năm 2030 đạt 26.65GW từ lắp đặt trên mặt nước và 4.68GW từ các nhà máy cỡ lớn.
Cho đến tháng 12, 2023, hiệu suất từ lắp đặt trên mái chỉ được 140MW, thấp hơn nhiều so với mục tiêu quốc gia. Theo dữ liệu từ Global Energy Monitor, sản lượng điện mặt trời từ các đại dự án cũng chỉ đạt 21GW, đứng thứ 8 trên 11 trong khu vực.
Dẫu có khó khăn, Indonesia vừa khánh thành Trang trại điện mặt trời nổi Cirata tại Tây Java vào cuối năm 2023, với công suất lắp đặt 192MW. Đây là trang trại điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 3 thế giới, được hoàn thành bởi liên doanh Masdar (Abu Dhabi) và PLN (quốc doanh Indonesia).
Hồi tháng 1, 2024, MEMR đã điều chỉnh chính sách tích hợp điện mặt trời vào lưới điện, bãi bỏ giới hạn công suất trên các hệ thống lắp đặt mái nhà, đồng thời cho ra đời hệ thống hạn ngạch có sự giám sát của bộ để đưa điện vào mạng lưới của PLN.
Lào
Với lượng bức xạ tự nhiên dồi dào, Lào vốn có tiềm năng điện mặt trời đáng kể trong khu vực. Tuy vậy, thủy điện vẫn là loại hình điện tái tạo trọng yếu ở Lào, chiếm tỷ trọng 73% sản lượng điện quốc gia. Tính đến 2023, năng lượng mặt trời chỉ chiếm 1% miếng bánh năng lượng ở đây.
Chính phủ Lào cũng có tham vọng rất lớn để mở rộng quy mô NLTT, chẳng hạn như mục tiêu hướng đến tổng công suất điện mặt trời và gió đạt 1GW vào năm 2030. Đây là một hạng mục trong chiến lược bao quát nhằm cắt giảm phụ thuộc vào thủy điện, tăng cường an ninh năng lượng. Nhưng tiếc thay hầu hết dự báo đều chỉ ra rằng Lào ít có khả năng thực hiện được mục tiêu này.
Năm 2017, Lào đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình làm giàu NLTT khi trang trại điện mặt trời đầu tiên được đưa vào hoạt động tại thủ đô Vientiane, công suất 10MW. Thừa thắng xông lên, Lào bắt tay ngay vào lên kế hoạch dự án điện mặt trời lớn nhất vào năm 2022, với công suất 50MW. Theo báo cáo, Lào đã đưa vào khai thác 8 cơ sở điện mặt trời nhỏ, tín hiệu tốt chứng minh rằng Lào đang cố gắng từ từ mở rộng hạ tầng điện mặt trời.
Dẫu thế, một báo cáo khác đến từ Global Energy Monitor cho thấy rằng tổng công suất điện mặt trời tại Lào thật sự không đáng kể như vậy. Dù gì đi nữa, nhiều dự án trọng yếu đều đang trong quá trình thành hình: một nhà máy điện mặt trời 64MW đang được xây dựng; ngoài ra, một trang trại điện mặt trời mặt nước với công suất 240MW, thực hiện bởi “gã khổng lồ” năng lượng Pháp EDF, cũng đang trong giai đoạn tiền thi công.
Tất cả những dự án nêu trên góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển NLTT tại Lào, hướng đến tương lai bền vững hơn trong sản xuất năng lượng, dù đến giờ chúng vẫn chưa thật sự đóng góp cho mạng lưới điện quốc gia. Khác biệt rất lớn giữa các cơ sở đang hoạt động và những dự án đang hoàn thành là minh chứng lớn nhất cho nỗ lực gia tăng sản lượng điện mặt trời của Lào. Những gian nan như cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nguồn đầu tư ít ỏi, quy định lằng nhằng đều là rào cản không nhỏ. Nhằm thu hút đầu tư, chính phủ Lào đã ban hành nhiều biện pháp như miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho các dự án điện mặt trời. Lào cần thực hiện thêm nhiều chính sách khác để khuyến khích áp dụng biểu giá điện hỗ trợ, giúp điện mặt trời hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư và sản xuất điện.
Myanmar
Năm 2020, Myanmar mở các gói thầu bao gồm 29 dự án điện mặt trời mặt đất; 28 trong số đó đều về tay các công ty Trung Quốc (tổng công suất 1.06MW). Tuy nhiên, sau khi quân đội nước này đảo chính vào tháng 2, 2021, tất cả kế hoạch đều bị hủy tính đến 2022, với chỉ 3 dự án có chút manh mún tiến triển.
Điện mặt trời và điện gió đóng góp chỉ 1% tỷ trọng năng lượng quốc gia Myanmar, bao gồm 192MW đến từ điện mặt trời mặt đất, theo một báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Myanmar có tỉ lệ điện khí hóa thấp nhất Đông Nam Á, với chưa đến 50% dân số được kết nối với mạng lưới quốc gia, chưa kể cúp điện xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng đến hầu hết nhà máy. Tính đến tháng 12, 2022, khoảng 22% doanh nghiệp Myanmar phải tự xây dựng hệ thống điện ngoài mạng như điện mặt trời, theo khảo sát doanh nghiệp của World Bank.
Chính quyền quân phiệt vẫn loay hoay đối phó với tình trạng năng lượng chập chờn trong bối cảnh giá khí đốt theo thang, nên các công ty địa phương đành phải cậy vào mặt trời để bù lại thiếu hụt năng lượng. Tuy gặp nhiều khó khăn trong nhập khẩu điện mặt trời, quy mô ngành công nghiệp điện mặt trời ở Myanmar đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2022–2023.
Dẫu vậy, Myanmar vẫn đang duy trì phát triển điện mặt trời mặt đất. Như năm ngoái, Trung Quốc đã kí một thỏa thuận mua bán điện với chính quyền quân phiệt, gồm 3 dự án điện mặt trời được PowerChina Resources lắp đặt (tổng công suất 90MW). Nhìn chung, dưới trướng quân phiệt, ngành năng lượng của Myanmar vẫn phải chịu sự quản thúc chặt chẽ của quân đội.
Philippines
Theo Global Energy Monitor, Philippines được xem là một “ngôi sao đang lên” trong địa hạt NLTT, bên cạnh Việt Nam. Philippines hiện sở hữu công suất 2.3GW đến từ các cơ sở điện mặt trời cỡ lớn.
Thể theo chương trình NLTT quốc gia Philippines từ 2020 đến 2040, nước này đang nhắm đến mức 285MW công suất lắp đặt vào năm 2030, với mốc trung gian 5MW (2025). Chính phủ lên kế hoạch tiếp lửa cho mục tiêu này, bổ sung thêm gần 2GW công suất điện mặt trời trong tổng số 4.16GW đến từ các dự án được nhắm đến vào 2024.
Philippines xếp hạng 4 trong số những thị trường mới hấp dẫn nhất trong ngành NLTT, nhờ quá trình đấu giá tiên tiến, giá niêm yết cố định, chính sách bù trừ điện và ưu đãi thuế. Một điểm mạnh khác của Philippines là tư nhân đang dẫn đầu thị trường NLTT, trái ngược với các nước hàng xóm như Indonesia, vốn chỉ do quốc doanh đảm nhiệm. Cách làm này giúp quá trình phát triển điện mặt trời trơn tru hơn, nhờ cách phân bố nguồn lực đa dạng.
Thái Lan
Thái Lan sở hữu trung tâm sản xuất quốc nội mạnh mẽ, mong muốn thực hiện cam kết đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào 2050. Dự án phát triển năng lượng của chính phủ Thái (PDP 2018–2037) nhắm tới tổng cộng 15.6GW công suất năng lượng mặt trời vào năm 2035. Nhờ vào nhiều chính sách tạo điều kiện, Thái Lan đã thu về tỉ lệ tăng trưởng gộp hàng năm hơn 20% trong lắp đặt tấm pin mặt trời từ 2012, với kết quả khoảng 4.96GW đã lắp tính đến cuối 2023.
Hướng đến 2036, điện mặt trời sẽ chiếm khoảng một nửa công suất 29.4GW nước này đặt ra cho NLTT thuộc dự án PDP. Hiện Thái Lan đang đứng hạng nhì khu vực về tổng công suất điện mặt trời, sau Việt Nam.
Sau khi Mỹ áp thuế chống phá giá lên tấm pin mặt trời Trung Quốc, Thái Lan nổi lên với vai trò là trung tâm sản xuất trọng điểm thuộc Hành lang Kinh tế phía Đông, tuy nhiên phần lớn đều để xuất khẩu. Vài đợi điều chỉnh thuế gần đây khiến nhiều nhà máy ở Thái và Việt Nam phải tạm thời dừng hoạt động.
Nhiều dự án tiên tiến — như trang trại điện mặt trời mặt nước lớn nhất thế giới ở Đập Sirindhorn (tỉnh Ubon Ratchathani) đi vào hoạt động năm 2022 — cho thấy sự phụ thuộc của Thái Lan lên điện mặt trời. Dự án này, thuộc Tập đoàn Điện lực Thái Lan (EGAT), chỉ có sản lượng 45MW, nhưng EGAT đang lên kế hoạch xây thêm 15 cơ sở mặt nước trên toàn Thái Lan, tổng công suất 2.750MW.
Những nỗ lực mở rộng mô hình điện mặt trời áp mái phần lớn đều dậm chân tại chỗ gần đây do nhiều chậm trễ trong áp dụng bù trừ điện, cho phép điện mặt trời được bán cho mạng lưới quốc gia. Tính đến năm ngoái, kế hoạch trình làng một hệ thống điện bù trừ mới đang tạm hoãn do nhiều khó khăn pháp lý và kỹ thuật, theo bộ năng lượng báo cáo.
Việt Nam
Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu ngành năng lượng mặt trời trong Đông Nam Á, chính nhờ chính sách dễ thở cùng nguồn đầu tư tư nhân dồi dào. Với công suất hoạt động hơn 18.4GW tính đến 2023, gấp đôi tất cả những quốc gia còn lại cộng lại, Việt Nam là thị trường điện mặt trời lớn nhất khu vực,
Tiến trình mở rộng NLTT ở Việt Nam đạt được thành công nhờ nhiều biện pháp hiệu quả từ chính phủ, chẳng hạn như giá mua điện cố định hấp dẫn và hệ thống bù trừ điện mạnh mẽ. Tuy cơ chế đấu thầu trước đây đã hết hạn, chính phủ Việt Nam đã cho ra đời nhiều chương trình thí điểm thúc đẩy hợp đồng mua năng lượng song phương (PPAs), nhằm khuyến khích cạnh tranh và duy trì sự phát triển trong ngành năng lượng.
Dựa theo kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia lần thứ 8 (PDP VIII), Việt Nam đặt mục tiêu bổ sung 2.6GW điện mặt trời áp mái vào 2030, thực hiện một phần cam kết giảm thiểu khí nhà kính, tăng an ninh năng lượng. Theo tầm nhìn đến 2050, Việt Nam đặt mục tiêu tổng công suất đạt 170GW, tỉ trọng 33% năng lượng sản xuất. Những đại dự án như Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (450MW) và Cụm điện mặt trời Dầu Tiếng (600MW) đóng vai trò chủ chốt giúp Việt Nam cán mốc này.
Tuy đã có thành công nhất định, cơ sở hạ tầng điện cũ kĩ, thiếu thốn vẫn sinh ra nhiều khó khăn về tải điện, phân phối điện, dẫn đến nghẽn lưới và cắt giảm công suất, cần nguồn đầu tư liên tục. Chính phủ cũng chủ động đưa ra giải pháp như mở rộng mạng lưới, tối ưu hóa quy định để đảm bảo quá trình dung nạp NLTT tái tạo hiệu quả nhất.
Thành quả phát triển điện mặt trời của Việt Nam đã thu hút sự chú ý từ quốc tế, và các nguồn đầu tư không nhỏ đến từ các tổ chức phát triển toàn cầu như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Những khoản đầu tư này rất quan trọng trong công cuộc duy trì động lực phát triển, đạt được mục tiêu NLTT quốc gia.
Bài viết này được sản xuất bởi Dialogue Earth, Saigoneer biên dịch và đăng lại với sự cho phép của Dialogue Earth.