Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Đi phố Phan Xích Long nếm món Thái, vị Việt, giá Sài Gòn

Tạm đình chiến trên mặt trận bóng đá, hai nền văn hóa Việt Nam và Thái Lan đã có cú bắt tay hữu nghị trên bàn ăn vỉa hè.

Cùng tranh đua vị thế top đầu Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan từ lâu đã có nhiều giao thoa về lịch sử, kinh tế cũng như xã hội. Trong khi Thái Lan là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, người Việt cũng là một trong những “cổ đông” lớn nhất của nền công nghiệp du lịch Thái Lan, với hơn một triệu lượt viếng thăm từ du khách Việt mỗi năm.

Văn hóa của hai nước còn có một số nét tương đồng nhất định, chẳng hạn như trong văn hóa ăn uống. Với cả người Thái và người Việt, bữa ăn thường là việc quan trọng nhất trong ngày. Vì vậy, một trong những lời chào hỏi thông dụng nhất trong tiếng Thái là “Kin kao reu young” — giống như cách nói dân dã “Ăn cơm chưa?” trong tiếng Việt.

Nhưng nói riêng về đặc tính của các món ăn, hai nền ẩm thực này có sự khác biệt rõ rệt trong hương vị và cách chuẩn bị. Trừ nét giống nhau trong những nguyên liệu phổ biến như nước mắm, đậu phộng và gạo, món Thái có độ cay nồng, kết hợp nhiều gia vị hơn. Người Thái cũng áp dụng những những cách chế biến như chiên, xào và nướng trong bữa hàng ngày nhiều hơn người Việt.

Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh hết sức ngẫu nhiên, chính xác là tại một quán ăn rất đỗi bình dân mà tôi tình cờ phát hiện ở Bình Thạnh, hai nền ẩm thực riêng biệt này đã gặp nhau, và mang đến một trải nghiệm vị giác “trọn vẹn đôi đường.”

Đúng như cái tên, Việt Thái là nơi mà mọi người có thể tìm được hai yếu tố ẩm thực Thái - Việt. Quán tọa lạc trong một con hẻm trên đường Phan Xích Long, và được vận hành bởi anh chủ Tô Quốc Nam. Khi Saigoneer đến thăm, anh Nam đang xông xáo đi lại giữa bếp, bàn ăn, và bãi đỗ xe. Với bộ đàm trong tay, anh chỉ đạo tất cả khâu — nấu ăn, tính tiền, dắt xe và thậm chí là cụng ly với khách như một biện pháp “chăm sóc khách hàng.”

“Ngày xưa anh là đạo diễn, nhưng bây giờ anh mê đi nấu ăn hơn,” anh Nam mở lời giới thiệu bản thân với tôi. Tay anh vẫn liến thoắng gọt đu đủ bằng một chiếc bàn nạo gỗ. Sau nhiều năm cầm trịch các dự án phim truyền hình, tác phẩm để đời nhất mà anh muốn thực hiện lại là một tiệm ăn. Đời sống cá nhân của anh Nam vốn không có liên hệ với xứ chùa vàng, mà chọn nấu món Thái đơn giản vì “thấy thích” và “thấy người ta cũng thích.”

Việt Thái được anh Nam mở ra cách đây hai năm. Từ phim trường, anh chuyển sang bôn ba các nhà hàng khác nhau để học hỏi kinh nghiệm làm bếp và sáng chế công thức: “Lúc chuẩn bị mở quán, anh dành gần 6 tháng để nghiên cứu nguyên liệu với nước sốt đến khi vừa ý. Sửa đổi rất nhiều, có thời gian cứ nấu lên xong xui rồi phải bỏ!”

Tam, một loại gỏi đặc trưng của Thái Lan, được chế biến bằng cách giã trong cối.

Sau nửa năm tu luyện đó, anh Nam đã chính thức “vào nghề” với sổ tay hơn 100 công thức. Trong ăn uống, một số người Việt như tôi thường trung thành với triết lý “một nghề cho chín còn hơn chín nghề.” Chiếc thực đơn lên đến đơn vị hàng trăm như kia sẽ làm dấy lên trong tôi câu hỏi: “Nấu nhiều như thế này liệu có ra được món nào ngon không?” Tuy nhiên, những món ăn mà team Saigoneer được thưởng thức ngày hôm đó có vẻ đã đánh đổ được định kiến này.

Việc đầu tiên chúng tôi làm khi an tọa tất nhiên là gọi pad thai và tom yum — hai đại diện quốc gia đã đưa Thái Lan lên bản đồ ẩm thực thế giới.

Tom yum và pad thai là hai đại diện quốc gia đã đưa Thái Lan lên bản đồ ẩm thực thế giới.

Thoạt nhìn, phần pad thai này có vẻ khá tương đồng phiên bản gốc: có bún gạo, giá đỗ, đậu phộng, bột ớt, v.v. Khác biệt ở đây là trứng chiên không được trộn đều lên cùng mì, mà được để thành một chiếc “topping” ôm-lết vàng ươm. Sợi mì được xào mềm, không quá dầu mỡ và thấm đều sốt me chua.

Tom yum của anh Nam là một sự biến tấu rõ rệt hơn hẳn. Món có kết cấu đặc quánh như súp thay vì lỏng như nước canh và thay lá chanh Thái bằng lá ngò gai. Theo cảm nhận của tôi, lượng cốt dừa trong nước dùng có vẻ “nhỉnh” hơn lượng sả và chanh rất nhiều. Hương vị chủ đạo của món vì thế cũng chuyển từ chua-ngọt sang ngọt-bùi, khá phù hợp với khẩu vị của người Việt. Lạ hơn nữa, quán còn tặng một ổ baguette để ăn kèm với tom yum. Tôi tự hỏi người Thái sẽ nghĩ thế nào khi thấy chúng ta lấy bánh mì chấm “thuần hồn quốc túy” của họ như chấm bò kho, ragout vậy.

Làm từ hải sản và nước mắm nhưng các món gỏi không hề tanh.

Vũ trụ gỏi của Thái Lan gọi tên đến hàng trăm công thức, nhưng quán tập trung vào hai “trường phái” phổ biến nhất là tam yam. Tam là gỏi giã nhuyễn trong cối, còn yam là gỏi trộn nói chung — bất kể là trộn thịt, rau, hải sản hay tinh bột.

TamSaigoneer gọi là sự kết hợp của đu đủ và sò huyết (theo tôi phỏng đoán là dựa trên món son tam hoy krang). Đu đủ được bào mỏng nhưng vẫn có độ tươi nhất định. Nước sốt làm từ nước mắm, ớt, chanh và đường được trộn và thấm đều. Mỗi đũa gỏi đếu mang lại cảm giác giòn tan và vừa miệng.

Trong khi đó, miến trộn ốc hương có vẻ là một đĩa yam wun sen (tức yam có thành phần chính là miến) điển hình. Điểm phá cách ở đây là ốc hương, một loại ốc không phổ biến ở Thái Lan nhưng thống lĩnh tất cả các bàn nhậu tại Việt Nam.

Cơm + thịt = cứ gọi là bài bản!

Không thể nói đến ẩm thực đường phố của Thái mà không nhắc đến mu ping — một loại BBQ làm từ thịt heo. Tuy không biết chính xác hỗn hợp gia vị mà anh Nam dùng là gì, tôi đoán được đâu đó mùi vị của ngò, tiêu, tỏi và nước tương — được kết hợp cực kỳ hài hòa. Thịt có lẽ đã được ướp bằng nước cốt dừa, nên dù nướng trên than nhưng vẫn giữ được độ ẩm và mùi vị tự nhiên chứ không bị vị khói lấn át.

Ở Thái Lan, mu ping thường được dùng kèm với xôi nếp ngọt. Việt Thái đã thay khẩu phần tinh bột này bằng cơm lam nếp tím, được nướng trong ống tre trên lửa than. Từ cơm lam giòn rụm đến thịt heo mềm tan trong miệng, mọi thành phần đều cực “hợp rơ” với nhau. Hương thơm phảng phất của những xiên thịt được nướng gần đó lại càng khiến thực khách quyến luyến, không thể không gọi thêm vài phần.

Không biết anh Nam có định làm món mu ping chấm chao không?

“Vedette” của bữa tối và “bông hậu” trong lòng Saigoneer là món cà ri cua trứng muối. Đây là một công thức cà ri vàng, tức loại cà ri ít cay nhất trong làng cà ri Thái Lan. So với cà ri xanh hay cà ri đỏ, cà ri vàng có kết cấu sệt nhất và làm từ nhiều nước cốt dừa nhất, rất tương tương đồng với cách chúng ta nấu món này ở Việt Nam.

Nhưng chớ nghĩ đây chỉ là bình mới rượu cũ, bởi sốt trứng muối của anh Nam đã mang lại sự đột phá lớn cho món ăn. Vẫn là hương cay nồng của cà ri, nhưng xen lẫn đó vị béo, ngậy, thơm của trứng muối, cùng càng cua ngọt và chắc thịt. Cà-ri của quán cũng được phục vụ chung với bánh mì, nên thực khách có thể dùng bánh mì phết sạch cả tô nếu có trót mê món này như chúng tôi.

Một phiên bản cà ri mới toanh của thế giới lại ra đời.

Nhìn chung, Việt Thái có lẽ không phải là một đại diện quá chuẩn xác của ẩm thực Thái Lan. Nếu muốn thưởng thức hương vị nguyên bản từ xứ chùa vàng, có rất nhiều địa điểm khác mà bạn có thể ghé thăm. Nhưng nếu bạn sẵn sàng mở lòng với những sáng tạo phá cách nhưng nêm nếm rất vừa miệng, Việt Thái sẽ là một lựa chọn không tồi để tìm chút dư vị đường phố Bangkok hay Pattaya tại ngay lòng Sài Gòn.

Việt Thái mở cửa mỗi ngày từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối .

Đánh giá:

Hương vị: 4.5/5
Giá cả: 4/5 (65,000 —220,000 VND)
Không khí: 5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5

Việt Thái

544 Phan Xích Long, phường 3, quận Phú Nhuận

In bài này

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Thách thức giác quan cùng bún cua Gia Lai

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn nuôi một niềm tự hào nho nhỏ rằng mình không phải là đứa kén ăn. Đây là một “đức tính” mà ba mẹ đã rèn giũa cho tôi và các anh chị từ nhỏ, bằng cách tạo cơ hội cho chúng tôi t...

Paul Christiansen

in Ăn

Hẻm Gems: Quán bánh khọt không tên đem hơi thở Vũng Tàu ra tận Quy Nhơn

Ngày xửa ngày xưa ở thành phố biển nọ, một món bánh khọt độc lạ đã được ra đời.

in Snack Attack

Gỏi đu đủ chất chứa câu chuyện văn hóa, lịch sử Tiểu vùng sông Mekong

Khi ve bắt đầu râm ran dưới những tán me đoạn qua Pasteur sau cơn mưa đầu mùa, ký ức ngày bé chợt hiện lên mồn một: cảm giác cơ thể hừng hực và hai mắt rươm rướm cay xè. Nhưng chẳng phải là do nắng và...

in Ăn

Hẻm Gems: 'Comfort food' kiểu Tây chữa lành và phủ phê giữa lòng Bình Thạnh

Comfort food là một khái niệm quen thuộc trong ẩm thực thế giới, nhưng chưa có cụm từ tiếng Việt nào để diễn giải chính xác. 

in Ăn

Hẻm Gems: 'Dì Gái ơi! Lấy một tô bún chả cá gia truyền Đà Nẵng hỉ?'

Đôi lúc, một tô bún chả cá nóng hổi có thể xoa dịu phần nào những xót xa, cay đắng của người dân miền Trung khi cơn bão đi qua.

in Ăn

Hẻm Gems: Giải nhiệt với xe sâm bổ lượng hẻm gia truyền và chè trứng cút

Trong ký ức tuổi thơ về những ngày hè oi ả, tôi nhớ mãi hương vị những chén chè mẹ mua để giúp tôi cai nghiện nước ngọt. Trong số đó, chè người Hoa đặc biệt thu hút tôi nhờ cách bày biện độc đáo. Tuy ...