Từ xưa đến nay, quận 4 nổi tiếng là “vương quốc” của những quán ốc và nướng ngon nhất nhì thành phố. Nhưng là cư dân lâu năm ở đây, tôi tin địa điểm mà dân tình cần biết đến nhiều hơn ở quận mình là Bò Né Thanh Tuyền — địa danh bò né khiến tôi phải “trồng cây si” biết bao năm qua.
Các món ăn đường phố không chỉ hấp dẫn thực khách dẫn bởi yếu tố ngon-bổ-rẻ, mà còn bởi những trải nghiệm dùng bữa thú vị. Chẳng như khi năm tôi lên 4, điều làm tôi ngán ngẩm nhất là phải “xách đít” đi học ở trường mẫu giáo. Niềm an ủi duy nhất của tôi lúc đó là được đi ngang qua một hàng bò né trong xóm. Cảnh tượng người lớn “làm mình làm mẩy,” né dầu nóng bắn vào người như né tà, khiến đứa trẻ như tôi vừa thấy buồn cười, vừa thấy tò mò về món ăn này.
Như nhiều món ăn đường phố khác của Sài Gòn, nguồn gốc của bò né vẫn còn là một bí ẩn. Dựa trên những bài báo mà tôi tìm được, tôi cho rằng bò né ban đầu là món ăn dành cho tầng lớp lao động. Một cô-chú-bác người Việt nào đó đã sáng tạo và quảng bá công thức này. Từ đó, ai cũng có có thể thưởng thức một bữa sáng chỉn chu với giá chỉ khoảng 50.000 đồng.
Giả thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc của bò né là sự ảnh hưởng của ẩm thực Hoa Kỳ. Nếu so sánh hai món, ta sẽ thấy bò né có điểm tương đồng với một phần bít tết Mỹ điển hình: thịt bò áp chảo, hành tây, và nước sốt. Một số quán còn phục vụ kèm khoai tây chiên và xúc xích trong phần ăn.
Nhưng theo tôi được biết, việc ăn thịt bò với pa-tê chỉ phổ biến ở Việt Nam do ảnh hưởng của thời Pháp thuộc. Vài người còn tin rằng bò né có khởi nguồn từ ẩm thực Pháp. Bằng chứng là món này trông rất giống phiên bản đầu tiên của Bánh Mì Hoà Mã. Cả hai đều có thành phần tương tự nhau và cùng được chế biến trong chảo gang. Giờ đây, bánh mì Việt Nam đã nổi tiếng khắp thế giới, còn độ “phủ sóng” của bò né tuy dày đặc nhưng chỉ tập trung ở Sài Gòn.
Tính cô ăn to nói lớn hỏng có hợp với mấy người làm to.
Ai đi ngang qua Bò Né Thanh Tuyền cũng sẽ bị thu hút bởi mùi thơm và âm thanh đến từ quán. Các giác quan sẽ mách cho bạn biết tên của món ăn mà không cần nhìn vào thực đơn. Mùi thơm của thịt bò thái mỏng, xào nhanh với hành tây không thể lẫn vào đâu được. Một điểm cộng nữa là quán khá rộng rãi. Không gian tuy có phần đơn sơ, nhưng vẫn khang trang với tường ốp gạch trắng và trần nhà lợp mái tôn. Không những thế, trong khi chờ đợi đồ ăn dọn lên, thực khách có thể ngắm nhìn tượng Phật và tranh thư pháp treo trên tường.
Vì đến quán ngay lúc đang đông khách, tôi phải lớ ngớ một hồi mới tìm được chủ quán — cô Thủy. Cô năm nay 60 tuổi, đã quản lý Bò Né Thanh Tuyền hơn 25 năm. Thời gian đầu, nhìn vào quán chỉ thấy người nhà cô Thủy chứ chẳng có bao nhiêu khách vãng lai đến ăn. “Lúc mới mở, ba với mấy anh em trai cô ngồi làm khách luôn. Lúc đó một phần chỉ có giá 6.500 đồng. Quán vắng khách vì ít ai biết đến chỗ này,” cô cười khi kể lại những ngày đầu khó khăn. Gần ba thập kỷ buôn bán bận rộn, cô vẫn giữ được niềm đam mê ẩm thực của mình: “Cô mê đồ ăn lắm. Cứ tới chỗ nào có món đặc sản là cô nhất định phải ăn thử ít nhất một lần.”
Là một món ăn tương đối đơn giản, bò né Thanh Tuyền còn mang thêm hương vị “nhà làm” nhờ không gian mộc mạc và tính cách thân thiện của cô Thủy. Cô nói nửa đùa nửa thật: “Cô thích bán cho sinh viên với người lao động nhất. Tính cô ăn to nói lớn hỏng có hợp với mấy người làm to.” Có lẽ vì thế mà suốt bao năm qua quán vẫn giữ mức giá bình dân, không dao nĩa cầu kỳ, lại còn được gọi bánh mì thêm miễn phí.
Cô Thủy nói để duy trì được việc kinh doanh suốt bao năm qua đều là do “nghề dạy nghề.” Khi quan sát cô chế biến món ăn, tôi có thể thấy rõ cô cẩn thận trong từng thao tác nhỏ nhất và khéo léo làm cho món ăn trông thật hấp dẫn. Hồi bé, tôi hay mải mê ngắm nhìn ngọn lửa đang trực tiếp nấu chín những miếng thịt bò trên chảo. Tôi tự hỏi không biết phải mất bao nhiêu năm để có thể chiên trứng ốp-la ngon như vậy? Làm sao để lần nào lòng trắng cũng giòn bên ngoài, mềm bên trong, lòng đỏ thì còn lỏng mà không bị vỡ?
Sau khi vượt qua được những trở ngại ban đầu, công việc kinh doanh dần trở nên suôn sẻ. Thế nhưng, năm ngoái là khoảng thời gian đầy thử thách đối với quán Bò Né Thanh Tuyền. Trong thời kỳ giãn cách, cô Thủy phải đóng cửa quán ăn, tài chính trở nên eo hẹp vì suốt bốn tháng không bán buôn gì. Nhưng cô không bỏ quán, cô tiếp tục trả lương cho nhân viên và hỗ trợ ăn uống để giữ chân những người đã ở bên cạnh mình những lúc khó khăn nhất.
Thật may mắn là Bò Né Thanh Tuyền đã mở cửa trở lại và dần ổn định như xưa. Tôi cũng kiểm chứng được trí nhớ của mình qua món ăn yêu thích này. Pa-tê do quán tự làm vẫn có vị ngọt dịu và đậm đà hệt như tôi vẫn nhớ. Dầu hào giúp cho thịt bò có sắc nâu hấp dẫn và vị mặn nhè nhẹ. Sau cùng, quả trứng ốp la lòng đào khiến cho hương vị tổng thể của món ăn thêm phần thơm ngon. Đối với nhiều người, chiếc chảo gang xì xèo ấy không thể thiếu mất phần lòng trắng trứng đang nở phồng ra trong dầu nóng.
Bí quyết của cô Thủy chính là công thức làm pa-tê và sốt ướp thịt bò được cô điều chỉnh theo khẩu vị của khách hàng. “Cái gì cũng phải khác. Nó không hoàn toàn là món Tây vì cô ướp thịt với tỏi và sả nữa,” cô chia sẻ. Ngay cả nước sốt của quán cũng có hơi ngọt hơn và ít dầu mỡ hơn các quán bò né khác vì cô biết rằng người miền Nam thích ăn như vậy.
Tôi cũng xin được bật mí tuyệt chiêu thưởng thức bò né của mình. Đầu tiên, tôi chấm vỏ bánh mì vào nước tương và lòng đỏ trứng. Tiếp theo, phết pa-tê lên đó rồi ăn kèm với thịt bò. Cuối cùng, tôi không quên dùng phần bánh mì còn lại để chùi sạch nước sốt trên chảo.
Mỗi phần ăn đều đi kèm một dĩa rau trộn bao gồm cà chua, xà lách và hành tây. Tôi thích cho hành sống lên chảo khi còn nóng để món ăn vừa béo vừa mặn này có thêm vị ngọt và tươi của rau xanh. Đồ uống khi ăn cũng không kém phần quan trọng. Nước sâm và trà đá đều là những lựa chọn ngon-bổ-rẻ cho bữa ăn giàu đạm như thế này.
Điều đáng tiếc là “tượng đài” bò né 25 năm của quận 4 có thể sẽ không tồn tại bao lâu nữa. Cô Thủy dự định sẽ nghỉ hưu, và không mở thêm chi nhánh hay sang quán cho ai. Những người con của cô Thủy cũng từ chối tiếp quản công việc của mẹ vì sự nghiệp riêng.
Khi biết tin, tôi rất buồn nhưng cũng thấy mừng. Mừng vì cô Thủy sẽ được nghỉ ngơi sau nhiều năm chăm chỉ làm việc. Đối với tôi, đây cũng là một lời nhắc nhở, rằng những điều tôi mà tôi không biết quý trọng rồi cũng sẽ có một ngày biến mất. Vậy nên tôi hy vọng những ai chưa thử món Bò Né Thanh Tuyền, khi đọc được bài viết này, sẽ mau chân tới thăm quán trước khi nơi đây chỉ còn là ký ức.
Bò Né Thanh Tuyền mở cửa từ 5 đến 11 giờ sáng.
Đánh giá:
Hương vị: 4/5
Giá cả: 4/5
Không gian 3.5/5
Độ thân thiện 3.5/5
Địa điểm: 3/5
Quỳnh là một cây bút Gen Z với tình yêu dành cho ẩm thực và động vật. Là một người hướng nội, Quỳnh thích thể hiện cá tính qua câu chữ.
Bò Né Thanh Tuyền
20/6 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4