Nomer Adona đã sống ở Việt Nam từ năm 1994 đến nay. Chặng đường 26 năm này đã ghi dấu nhiều thay đổi trong sự nghiệp của anh — từ một kiến trúc sư làm việc cho chính phủ Malaysia trở thành giảng viên trường quốc tế.
Chàng trai người Philippines đến Việt Nam lần đầu vào năm 1991 khi đất nước bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Lúc ấy, anh là một kiến trúc sư mới tốt nghiệp và đang làm việc tại Malaysia, được cử đến Việt Nam để tham gia các dự án quy hoạch đô thị nơi đây.
Vì công việc, anh Nomer phải đi đi về về giữa Việt Nam và Malaysia suốt ba năm. Sau đó, anh được chọn vào nhóm các kiến trúc sư tham gia xây dựng kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam, từ đó anh chuyển đến sinh sống tại nước bạn.
Tuy nhiên, công việc không kéo dài được bao lâu do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong khu vực, nhưng Nomer đã không rời đi vì vợ anh là người Việt Nam. Sau đó, anh tìm được công việc giảng dạy tại một trường quốc tế ở Hà Nội. Và giờ đây, anh là giáo viên dạy mỹ thuật khối trung học phổ thông ở Trường Quốc tế Nam Sài Gòn.
Cựu kiến trúc sư luôn có niềm yêu thích dành cho nghệ thuật và thực hiện các dự án sáng tạo trong thời gian rảnh. Anh chia sẻ với Saigoneer: “Phong cách của tôi là kết hợp nhiều phương tiện và sử dụng các vật liệu kiến trúc khác nhau. Tôi còn học chữ viết cổ của người Philippines trước thời kỳ bị đô hộ. Ngày nay rất ít người bản xứ biết chữ viết này, vì vậy tôi đã học nó và cố gắng đưa nó và các tác phẩm nghệ thuật của mình.”
Tuy nhiên, công việc ở trường khiến anh không có nhiều thời gian cho nghệ thuật.
Nomer chia sẻ: “Đã có một thời gian tôi tạm gác lại những dự án riêng của mình. Nhưng hơn một năm trước, khi tôi muốn tìm cách để thử thách và động viên học sinh của tôi rằng ngay cả một thứ đơn giản cũng có thể được sử dụng để sáng tạo nghệ thuật. Tôi đã chứng minh cho các em thấy rằng tôi có thể vẽ những bức tranh có giá trị nghệ thuật chỉ bằng chiếc bút bi Thiên Long vô cùng giản đơn.”
Nomer tiếp tục: “Vì vậy, ngay ngày hôm sau, tôi đã vẽ một bức. Tuy chỉ dùng loại giấy có giá thành cực rẻ nhưng tôi rất yêu thích bức tranh ấy.”
Ban đầu, anh muốn thực hiện một bộ tranh gồm 40 bức về những con đường cổ kính với cảnh buôn bán nhộn nhịp của khu phố cổ Hà Nội. Nomer giải thích: “Tôi đã sống ở đấy trong một thời gian dài và cảm thấy thật may mắn và hãnh diện khi được chứng kiến sự thay đổi của khu phố cổ.”
Tuy nhiên, dự định đó đã không trở thành hiện thực, Nomer chuyển sang vẽ chân dung cá nhân. Từ bước chuyển hướng bất ngờ đó, Nomer hiện đang thực hiện một loạt các bức vẽ mang tên “Chân dung Việt Nam.” Mỗi tác phẩm mô tả một khung cảnh của cuộc sống thường nhật, dựa trên các bức ảnh sẵn có, và có độ chi tiết đáng kinh ngạc.
Mỗi bức vẽ có thể mất tới 50 giờ để hoàn thành, và việc dành ra ngần ấy thời gian trong khi vẫn phải làm việc là điều rất khó, nhưng dự án này là điều mà người giáo viên mỹ thuật vẫn ấp ủ từ lâu.
Nomer chia sẻ: “Đối với tôi, Việt Nam vô cùng độc đáo. Dù bạn nhìn ở góc độ nào thì cũng luôn có điều gì đó khác biệt. Dự án này là một cách thú vị để cảm ơn và thể hiện sự trân trọng của tôi bởi Việt Nam đã luôn dang rộng vòng tay chào đón người nước ngoài như tôi. Thật tuyệt khi được sống ở đất nước này. Tôi muốn gửi lại những câu chuyện này cho cộng đồng với tư cách là một người nước ngoài đã nhìn thấy tất cả những thay đổi nơi đây.”
Cùng ngắm nhìn một số tác phẩm trong dự án “Chân dung Việt Nam” của Nomer hoặc truy cập tài khoản Instagram của Nomer tại đây.
Bài viết này được đăng lần đầu tiên vào năm 2020 trên Urbanist Vietnam.