Bộ tác phẩm "The Humanimal" do Daos501 — “tay sơn” gạo cội của làng graffiti Việt — mang đến sự kiện nghệ thuật Interlink vừa qua đã gợi mở ra sự liên kết giữa tự nhiên và con người theo cách đầy ấn tượng.
Đọc bài viết bằng tiếng Anh tại đây.
Có lẽ, cái tên Daos501 đã quá quen thuộc với những ai đam mê graffiti ở Việt Nam. Bắt đầu từ con số không, tính đến nay, Daos501 đã thu về cho mình một gia tài đồ sộ các tác phẩm graffiti đường phố, những màn kết hợp với các thương hiệu lớn như Beck’s Ice và Hennessy, ba triển lãm cá nhân và gần đây nhất chính là sự kiện nghệ thuật đường phố Interlink vừa diễn ra xuyến suốt 5 ngày từ 23 tới 27 tháng 12 vừa rồi.
Sự kiện xoay quanh thông điệp giao cảm đầy ý nghĩa để khép lại năm 2020 một cách tích cực, với sự góp mặt của dàn nghệ sĩ, khách mời nổi tiếng đến từ các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như graffiti, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn ánh sáng, DJ, rap, hip-hop dance...
Một ngày trước thềm sự kiện diễn ra, Daos501 tất bật với những khâu chuẩn bị cuối cùng cho triển lãm đánh dấu 15 năm sáng tạo của mình. Dù vậy, anh vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để dẫn tôi tham quan không gian triển lãm trước giờ G. Trải qua bao vui buồn cùng chai sơn và những mảng tường thành phố, lần đầu tiên Daos501 trò chuyện với công chúng về hành trình sáng tạo cùng những tâm tư đằng sau "The Humanimal."
"The Humanimal," cột mốc của hành trình 15 năm "chín mùi sơn"
“Tôi muốn đem đến cho mọi người một góc nhìn mới về graffiti," anh chia sẻ về lý do thực hiện bộ tác phẩm mới. Không còn là những nét sơn đơn thuần trên tường, graffiti là cách thức để anh mở ra sự liên kết của con người và tự nhiên. Con người với thế giới xung quanh luôn có những tương tác xung đột, giao tranh nhưng đồng thời cũng có những hòa hợp nhất định. "The Humanimal" đã đưa chúng ta bước vào thế giới quan của Daos501 nhưng cũng đồng thời, để ta tự suy ngẫm và định nghĩa một câu chuyện giao cảm cho riêng mình, về cách chúng ta tương tác với thế giới.
Các tác phẩm lần này của Daos501 đều mang phong thái mạnh mẽ với những đường sơn chuẩn nét và dứt khoát. Daos501 gọi đùa đây là lối vẽ “one shot, one kill.” Để đạt được sự tự tin mỗi khi cầm chai sơn như vậy, anh đã phải đi một hành trình dài. Thuở mới bắt đầu, Daos501 phải đi vẽ lén trên đường phố và thời gian sáng tác vì vậy cũng không có nhiều. Lâu dần, điều này đã hình thành nên thói quen; ý tưởng và cảm xúc cứ thế chỉ đến một lần trong anh.
“Cảm xúc đến rất nhanh nên phải cố gắng nắm bắt chính xác trên từng đường sơn. Chưa kể hồi trẻ cũng không có nhiều tiền để mua sơn xịt nữa. Cho nên ở 'The Humanimal,' các tác phẩm mang nét vẽ rất mạnh và chắc. Tôi không muốn phung phí bất kì một đường sơn nào của mình. Mỗi đường nét vẽ ra đều phải có ý nghĩa," Daos501 ngẫm lại về ý nghĩa của tháng ngày “bụi đời” mình trải qua.
Trong loạt tác phẩm trưng bày tại sự kiện, tác phẩm 'Vụt qua' là đứa con tinh thần ưng ý nhất của Daos501. 'Vụt qua' có rất nhiều cái "nhất" để chạm được vào tim anh. Đó là bức tranh được hoàn thiện trễ nhất, chỉ đúng một đêm trước ngày khai mạc sự kiện. Để tạo nên 'Vụt Qua,' Daos501 rất bạo tay khi kết hợp giữa loại sơn xịt có chất lượng thấp nhất với loại sơn cao cấp nhất hiện tại. Cái ngẫu hứng tưởng chừng hỗn tạp ấy lại chất chứa nhiều tâm tư và tình cảm nhất của một người nghệ sĩ gắn bó với graffiti từ những năm 2005, cái thời mà có một chai sơn xịt trên tay là quý giá cỡ nào! Cả mùi sơn dỏm nồng nặc khó chịu lại gợi lên cả một chặng đường khó khăn Daos501 đã đi qua.
Anh chia sẻ rằng: “Có những lúc mình nhìn lại những gì diễn ra trong cuộc sống và hành trình đam mê, cố gắng nhớ lại những kỷ niệm nhưng mọi thứ càng lúc càng phai nhạt, chỉ còn lại những cảm xúc thoáng qua. Chính ở 'Vụt qua,' cảm xúc một lần nữa được ghi lại sâu sắc nhất.”
Một yếu tố nữa giúp các tác phẩm của Daos501 ở sự kiện Interlink trở nên độc đáo đó là nhờ sự kết hợp với họa sĩ thị giác Pick. Các tác phẩm được phù phép thêm các lớp hình ảnh (visual) chồng lên nhau không chỉ mang lại trải nghiệm thị giác mới cho người xem, mà đồng thời, giúp sáng tạo ra thêm các tác phẩm mới trên nền tác phẩm cũ. Theo Daos501, đây cũng là một tinh thần sáng tạo thú vị trong văn hóa graffiti đường phố: Hình mới chồng lên, đan xen vào hình cũ từ đó lại sản sinh ra một tác phẩm mới; nghệ thuật vì vậy mà luôn được biến chuyển và tái sinh không ngừng.
Một cuộc chơi nghiêm túc
Bản thân graffiti là một bộ môn đường phố còn đang vấp phải nhiều góc nhìn trái chiều. Daos501 thích gọi graffiti là một lối sống hơn là đam mê; lối sống ấy có cả mảng tối và mảng sáng. Mảng sáng là đại diện cho vẻ đẹp của đường phố, là một phần tiếng nói của những nghệ sĩ tự do. Còn mảng tối, Daos501 gọi nôm na là kiếp đi “vẽ bậy.” Ranh giới ấy trong graffiti vô cùng mong manh. Do đó, anh luôn tự nhủ với bản thân rằng: “Mình vẫn phải nỗ lực mỗi ngày để đưa mảng tối lên thành mảng sáng và thuyết phục với mọi người rằng, tôi đang chơi một cái gì đó rất nghiêm túc.”
Mười lăm năm không phải là quãng thời gian ngắn ngủi. Có những người đã bỏ cuộc, có người đã tạm gác lại đam mê. Nhưng với Daos501, chính bởi sự chai lì gắn bó với graffiti đã hoàn thiện con người anh bây giờ — một người nghệ sĩ tự do ôm mối tình thiết tha với nghệ thuật. Dành cho những bạn trẻ đã, đang và sẽ theo đuổi graffiti một cách nghiêm túc như mình, Daos501 muốn gửi lời nhắn nhủ: "Nếu bạn thật sự nghiêm túc và muốn gắn bó với nó thật lâu, hãy duy trì cho mình đam mê đi cùng kiên nhẫn. Chỉ khi bước đi đủ lâu thì bạn mới nhận được thành quả xứng đáng cho quãng đường ấy."