Nếu phải chọn ra 10 nữ nhân vật tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam, những cái tên nào sẽ nằm trong danh sách này?
Liệu danh sách này sẽ gọi tên những nữ tướng lừng danh trong lịch sử, những nữ thi sĩ có tầm nhìn của tương lai hay những nhà hoạt động xã hội hiện đại? Họa sĩ Camelia Phạm đã chọn ra danh sách của riêng mình và phác họa những hình tượng này trong 10 bức vẽ minh họa đầy cảm xúc: mạnh mẽ và ấn tượng, giống như tinh thần bất khuất, kiên cường của những nhân vật này vậy.
Các bức vẽ minh họa sau đây của họa sĩ Camelia Phạm là một phần của Dự án về 100 người phụ nữ do chuyên trang Daisie khởi xướng. Camelia Phạm nhận được lời mời tham gia vào dự án từ nghệ sĩ Tara Anand đến từ Ấn Độ và cô đã chọn ra một danh sách những người phụ nữ tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Danh sách bao gồm Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, Bùi Thị Xuân, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, và Xuân Quỳnh.
Trong danh sách của Camelia Phạm, có người là những vị hoàng hậu uy quyền trong các triều đại phong kiến xưa; một số là những nhà thơ với tư tưởng tiên phong vượt thời đại; một số khác lại là những nữ anh hùng vô cùng bản lĩnh, chấp nhận tù đày và hy sinh mạng sống để đấu tranh chống lại những kẻ áp bức; có những người phụ nữ lại được người đời sau mãi nhắc nhớ với tâm hồn nhạy cảm sâu lắng, trút hết tâm tư của mình vào những áng thơ đầy cảm xúc; một vài người bất chấp những rào cản và định kiến của xã hội cũ để tạo dựng tên tuổi ở những vị trí mà trước giờ chỉ có nam giới nắm giữ. Thần thái cùng tính cách độc đáo, những nữ kiệt đó đã được khắc họa một cách tài tình dưới nét vẽ của Camelia Phạm.
Cách nữ họa sĩ tạo bố cục hình vẽ, sử dụng các mảng màu để mô phỏng cá tính và câu chuyện của nhân vật đầy tính biểu tượng và rất giàu chất thơ. Trong bức vẽ nữ tướng duy nhất của Quân đội cách mạng Việt Nam — Nguyễn Thị Định — một máy chém đẫm máu và một con chim bồ câu bị chặt đầu được làm nổi bật để tái hiện lại một giai đoạn đen tối khi Bến Tre, quê hương của nữ anh hùng, bị đàn áp bởi các chiến dịch răn đe đẫm máu. Bố cục đối xứng của tác phẩm Hai Bà Trưng và Bà Triệu cùng sắc thái mạnh mẽ, rực rỡ đầy khí chất trong bức chân dung của Bùi Thị Xuân đã mang lại hiệu ứng thị giác ấn tượng nhất trong chuỗi tác phẩm.
Camelia Phạm chia sẻ với Saigoneer qua email rằng trước đây, cô không am hiểu nhiều về lịch sử Việt Nam vì môn học này "được dạy một cách khô khan" trong giáo dục phổ thông. Nhưng quyết định tham gia Dự án về 100 người phụ nữ đã thôi thúc cô tìm hiểu sâu hơn và tiếp xúc nhiều hơn với khía cạnh này của văn hóa Việt Nam. “Ban đầu mình chỉ muốn tập trung vào các nữ tướng và nữ chính trị gia, nhưng nhận thấy các nhà thơ cũng là những nhân vật rất quan trọng trong việc định hình văn hóa và họ cũng là nguồn cảm hứng lớn của nhiều phụ nữ Việt Nam,” cô giải thích. “Những nữ thi sĩ này hoàn toàn xứng đáng được xếp trong danh sách 10 người phụ nữ tiêu biểu.”
Nếu nhìn rộng hơn vào các dự án khác Camelia đã thực hiện, khán giả sẽ thấy một sự nhất quán khi phần lớn các tác phẩm của cô đều gợi một cảm giác nhẹ nhàng, tĩnh lặng và trầm lắng, thể hiện qua cách lựa chọn màu sắc. Có thể thấy, trong tất cả những tông màu xanh dương, cô không ưu ái những màu sáng chói, thay vào đó ta sẽ thấy xuất hiện nhiều sắc xanh dịu. Những màu sắc như hồng phấn hoặc vàng neon cũng tuyệt nhiên không được sử dụng. Màu sắc cân bằng, hài hòa kết hợp với việc sử dụng hiệu ứng nhiễu hạt (grain) trong hội họa mang đến âm hưởng của quá khứ, như thể các tác phẩm này được lấy từ một cuốn sách mĩ thuật cổ điển.
Cô chia sẻ rằng để có được sự khác biệt và khẳng định được danh tính cá nhân đòi hỏi những nỗ lực lâu dài và bền bỉ. “Vài năm trước, tôi chỉ có thể vẽ hình ảnh con người, đó là yếu tố duy nhất tôi sử dụng để truyền tải thông điệp của tác phẩm,” cô nói. “Sau đó, mình đã sáng tạo thêm phần hình nền với thiết kế chi tiết, phức tạp hơn; các yếu tố đồ họa cũng có gam màu sống động hơn trước nhiều, giúp truyền tải nhiều câu chuyện và các góc nhìn khác nhau."
Trong một bài phỏng vấn với Vietnam Illustrators Club, Camelia cho biết đây là một bộ tác phẩm mới đáng tự hào đối với cô vì dự án tầm cỡ này là sự kết tinh của phong cách cá nhân mà cô đã gọt giũa trong suốt thời gian qua.
"Tranh mình bình thường cứ lai tạp, luôn muốn sử dụng những hình ảnh Việt Nam vào tranh cho nó đặc trưng nhưng cảm giác cứ không hợp. Không những thế còn chả mấy khi theo được một project nào đó dài hơi, toàn vẽ tranh lẻ tại nghĩ bản thân vài ba bữa lại thấy có style nào khác hay hay lại muốn thử nên khó chơi dài lâu," Camelia giải thích. "Bộ này giúp mình chứng tỏ được với bản thân là mình không có lười, không cần ngó nghiêng style con nhà người ta mà vẫn có hơi mùi Việt thơm nức tranh. Giờ có thể vẽ sách với một style cố định xuyên suốt rồi."
Camelia Phạm (tên thật là Phạm Thu Trà) là một họa sỹ trẻ tài năng đến từ Hà Nội. Cô đã tốt nghiệp chương trình thiết kế đồ họa của Học viện Nghệ thuật Frosinone tại Ý. Sau khi hoàn thành chương trình học, Camelia Phạm mong muốn lập nghiệp tại Việt Nam, nhưng hiện tại nữ họa sĩ đang bị mắc kẹt ở Ý do đại dịch COVID-19.
Giống như nhiều bạn trẻ Việt Nam theo đuổi con đường sáng tạo nghệ thuật, Camelia Phạm từng phải đối mặt với câu hỏi khó mà hầu như ai cũng gặp phải, đó là nên chọn ngành học “phù hợp để có được cuộc sống ổn định” hay đi theo đam mê sáng tạo của mình. Cuối cùng, Camelia Phạm đã chọn theo đuổi nghệ thuật thay vì kinh doanh và cô trở thành một họa sĩ vẽ minh họa thay vì một chuyên viên thiết kế đồ họa.
“Mình thấy công việc mình đang làm mang lại nhiều cơ hội mở mang tầm mắt hơn so với hướng đi mà chương trình học bên Ý định ra. Cũng nhờ vậy, niềm đam mê vẽ minh họa trong mình cũng lớn lên từng ngày. Tuy nhiên, những trải nghiệm tại học viện đã phần nào giúp mình xây dựng phong cách cá nhân, đặc biệt là khóa học Tâm lý học nghệ thuật. Nếu phải lựa chọn lại, tôi không nghĩ mình sẽ thay đổi bất cứ điều gì,” Camelia chia sẻ.
Xem thêm tác phẩm nghệ thuật của Camelia Phạm trên trang Behance của cô tại đây.