Cố họa sĩ Thang Trần Phềnh sinh năm 1895 tại Hà Nội, là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nền móng cho mỹ thuật Việt Nam. Cố danh họa Tô Ngọc Vân từng nói: “Ông là họa sĩ mà trước kia chúng tôi rất phục tài, coi như cái đích tuyệt cao khó tới.”
Trần Phềnh bộc lộ năng khiếu vẽ từ năm 12 tuổi khi mải mê tập họa các đoàn kịch Trung Quốc sang biểu diễn tại Hà Nội. Ở tuổi 15, ông đem bức 'Chùa Trấn Quốc trước khi mặt trời lặn' tham dự đấu xảo Hà Nội (1911). Tác phẩm được người Pháp yêu thích và tìm mua, từ đó Thang Trần Phềnh càng tự tin sáng tác. Để đỡ đần tài chính cho gia đình, ông tham gia thiết kế sân khấu cho nhà hát, vẽ minh họa cho nhiều tạp chí, và bán tranh do chính mình vẽ ở cửa hàng của bố ông. Năm 1926, ông đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Thời kỳ đó, mỹ thuật Việt Nam còn xa lạ với các lý thuyết và kỹ thuật phương Tây, Thang Trần Phềnh đã đi tiên phong trong thể loại tranh sơn dầu và tranh lụa, khiến các họa sĩ cùng thời thán phục. Danh họa thường chọn đề tài cổ nhưng lối vẽ của ông cho thấy sự cách tân, phóng khoáng, với kết cấu không gian ba chiều thay vì bố cục phẳng, giúp tác phẩm có chiều sâu và làm bật chủ đề.
Hà Nội bước vào một thời bom đạn chiến tranh, các tư liệu về ông và tác phẩm của ông bị mất hoặc lưu lạc khắp nơi trong và ngoài nước, ngay cả gia đình cũng không giữ được nhiều. Cố họa sĩ vốn bản tính hiền lành, có lối sống lặng lẽ, khiêm nhu, chỉ biết miệt mài sáng tác và lao động. Hơn nữa, khi đã thành danh với hội họa, ông rẽ sang lĩnh vực sân khấu, nên người đời sau càng khó lần lại sự nghiệp mỹ thuật của ông. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định Thang Trần Phềnh là: "Người ai cũng biết nhưng lại được biết ít nhất.”
Saigoneer mời độc giả thưởng thức một số tác phẩm của cố danh họa được lưu trữ trên tài khoản Flickr manhhai: