Qua những cuộc trò chuyện với đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, anh Tô Quốc Nghị nhận ra rằng lịch sử Việt Nam xưa nay vốn hào hùng không thua kém gì các nước bạn, nhưng phương thức truyền tải lại quá khô khan, thiếu tính sinh động. Từ đó, dự án Đại Việt Kỳ Nhân được ra đời để kể lại các trang sử Việt, thông qua bộ tranh minh họa và board game lấy cảm hứng từ các anh hào của dân tộc.
Đại Việt Kỳ Nhân là dự án cộng đồng được xây dựng với mục đích minh họa lại những nhân vật gắn liền với lịch sử đất Việt. Ban đầu, dự án khởi động với chỉ 16 bức vẽ mà anh Tô Quốc Nghị đăng tải trên trang cá nhân. Đến nay, sau gần 1 năm rưỡi thực hiện, hơn 100 tác phẩm minh họa các nhân vật lịch sử thuộc các thời kì khác nhau đã hoàn thành, trong đó 50 bức họa được công bố trước và nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng.
Các bộ tranh minh họa sẽ được thực hiện và công bố theo nhóm, mỗi nhóm có từ 16-18 nhân vật, ứng với từng giai đoạn lịch sử. Ở mỗi nhóm, các nhân vật đều được lựa chọn kĩ càng nhằm tạo sự hài hòa về tính chất văn, võ, chức vị, giới tính, công trạng, v.v.
Là một dự án lịch sử nên Đại Việt Kỳ Nhân rất đề cao tính xác thực. Để có được những bức tranh hoàn chỉnh, đẹp và phản ánh đúng thông tin lịch sử, đội ngũ đã thực hiện gắt gao công đoạn nghiên cứu với sự giúp đỡ của nhóm cố vấn và họa sĩ. “Nhóm phải tìm hiểu kỹ các ghi chép lịch sử, tài liệu của anh chị đi trước cũng như di chỉ, tượng, phù điêu,v.v. để xây dựng mỗi nhân vật. Dù vậy, sai sót là không thể tránh khỏi nên cần chỉnh sửa nhiều lần," anh Nghị chia sẻ.
Bộ board game Đại Việt Kỳ Nhân cũng là một trong những điểm đặc biệt của dự án minh họa này. Quản lý dự án bày tỏ: “Đôi khi trong một cuộc trò chuyện, mình nhận ra là nhiều bạn trẻ hiểu biết lịch sử nước khác hơn cả lịch sử Việt Nam. Cả nhóm quyết định sáng tạo nên trò chơi này để có phương thức tiếp cận lịch sử sáng tạo, gần gũi và thú vị hơn cho các bạn trẻ."
Bộ board game này được cả nhóm lấy ý tưởng từ trò chơi truyền thống Karuta của Nhật Bản, với 100 lá bài cho mỗi bộ. 50 lá in hình các kỳ nhân, phần còn lại in thông tin khái quát tương ứng với từng nhân vật. Luật chơi rất đơn giản: trước khi bắt đầu, hai người chơi sẽ được chia ngẫu nhiên hoặc tự chọn 25 lá bài có in hình nhân vật lịch sử.
Tiếp đến, họ sẽ có thời gian hai phút để nhìn và ghi nhớ vị trí các lá bài của bản thân cũng như đối thủ. Bắt đầu trò chơi, trọng tài sẽ đọc lên một thông tin bất kì và người chơi phải tìm được lá bài nhân vật lịch sử vừa được miêu tả. Người chơi được quyền lấy bài từ bên đối thủ, ai nhanh hơn sẽ được tính điểm.
Trước khi mở bán đợt một với số lượng giới hạn, bộ board game Đại Việt Kỳ Nhân đã được nhiều người chơi thuộc các độ tuổi khác nhau thử nghiệm và đều nhận được những phản hồi tích cực. Từ tháng 5 cho đến nay đã có hơn 100 bộ được trao tay đến những bạn trẻ ham mê lịch sử cũng như yêu thích dự án Đại Việt Kỳ Nhân.
Cũng như nhiều dự án cộng đồng xuất phát từ đam mê khác, kinh phí thực hiện Đại Việt Kỳ Nhân luôn là một vấn đề nan giải. Suốt hơn một năm qua, toàn bộ hoạt động của nhóm đều sử dụng tiền túi để chi trả. Toàn bộ lợi nhuận từ bộ board game cũng được dùng để giúp các họa sĩ có thể tiếp tục đồng hành với Đại Việt Kỳ Nhân. Ngân sách có hạn là thế nên đến nay nhóm vẫn chưa thể phát hành rộng rãi bộ board game lịch sử này, và mang nó vào môi trường giáo dục để những tiết học sử thêm phần thú vị.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn tài liệu tham khảo cũng là một cản trở rất lớn trong quá trình tái hiện lại hình ảnh anh hùng dân tộc. “Khác với các nước láng giềng, lịch sử Việt Nam thường ưu tiên kể lại các sự kiện, chiến công trong lịch sử hơn miêu tả đặc điểm trang phục, ngoại hình, vũ khí nên rất khó để hình tượng hóa họ lên tranh vẽ,” anh Nghị giải thích. Không những vậy, một số người xem lại nhầm lẫn trong kiến thức về các nhân vật lịch sử nên dẫn đến nhiều tranh cãi không đáng có.
Anh cũng khẳng định: “Nhưng phải như vậy thì mình mới biết Đại Việt Kỳ Nhân thiết yếu đến nhường nào. Có lẽ trong tương lai, tụi mình sẽ minh hoạ nhiều nhân vật hơn nữa trong giai đoạn năm 1000-2000 để người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ có thêm nguồn tư liệu sống động hơn về lịch sử nước nhà."
[Ảnh: Trang Facebook của Đại Việt Kỳ Nhân.]