Tại Vinh, có một khóa học nhằm mục đích mang đến cho các sinh viên Việt Nam cơ hội thay đổi cách người Việt thường đối xử với động vật.
Lớn lên ở Hà Nội, Nguyễn Hà Anh bắt đầu quan tâm đến chủ đề bảo vệ môi trường vào thời điểm khi những câu chuyện về nạn buôn lậu động vật hoang dã dần trở nên nhức nhối hơn.
Trong những năm gần đây, dư luận chứng kiến một loạt các tin tức đáng lo ngại liên quan đến động vật hoang dã, từ việc con tê giác hoang dã cuối cùng của Việt Nam bị săn trộm, đến các trang trại nuôi gấu lấy mật man rợ và việc các chuyến hàng khổng lồ chở vảy tê tê và ngà voi bị phanh phui.
"Lúc đó, tôi đang học đại học chuyên ngành Quốc Tế Học nhưng khi hoàn tất việc học, tôi lại muốn tập trung hơn vào công việc bảo vệ môi trường", Hà Anh chia sẻ với Saigoneer. "Tôi đã theo đuổi bằng thạc sĩ về việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Vương quốc Anh, và đó là cách tôi bước vào lĩnh vực này."
Tuy nhiên, ngay cả khi có bằng cấp liên quan, cô vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc tập trung vào động vật hoang dã. "Thực sự khá khó khăn để tìm được một công việc trong lĩnh vực này tại Việt Nam khi bạn chẳng quen biết ai trong lĩnh vực đó cả", Hà Anh chia sẻ.
Đầu năm 2019, cô bắt gặp quảng cáo của một khóa học mới có tên Chống Lại Hoạt Động Buôn Bán Động Vật Hoang Dã Trái Phép được khởi xướng bởi tổ chức bảo tồn phi chính phủ WildAct và được tổ chức tại Đại học Vinh.
"Tôi đã theo dõi Trang Nguyễn [người sáng lập WildAct] được một thời gian và tôi nghĩ 'đây rồi, đây chính là cơ hội để tôi tham gia vào mạng lưới này'", Hà Anh nói.
Cô nộp đơn và nhận được học bổng tham gia khóa học kéo dài trong ba tháng với bốn người khác.
"Khóa học thực sự đơn giản", Hà Anh chia sẻ. "Nó giúp mọi người biết thêm về các công việc bảo tồn ở Việt Nam với trọng tâm là nạn buôn bán động vật hoang dã. Tôi nghĩ một trong những điểm mạnh của khóa học này chính là việc họ có thể mời các diễn giả từ các tổ chức khác nhau ở Việt Nam tham dự và chia sẻ về kinh nghiệm, công việc của họ, và những gì họ đã và đang làm. "
Cô cũng rất hào hứng khi phát hiện ra rằng đây đúng là cơ hội phù hợp để giúp cô bước vào lĩnh vực này.
"Sau khóa học, tôi làm việc tại TRAFFIC một tháng, và sau đó tôi nhận được thông báo từ Fauna & Flora International (FFI) cho biết họ đang tuyển dụng vị trí thực tập sinh với khả năng sau này sẽ trở thành vị trí trợ lý", Hà Anh nhớ lại. "Tôi đã có dịp gặp gỡ họ thông qua khóa học, và nhờ vậy mà họ liên lạc với tôi, tôi nộp đơn, và bây giờ tôi là trợ lý dự án ở đó."
Việc Hà Anh không có được sự ủng hộ từ gia đình từ lúc đầu là một điều có lẽ chẳng mấy bất ngờ bởi công việc bảo tồn không phải là một nghề nghiệp được nhiều người biết đến ở Việt Nam.
"Tôi đã không nhận được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt là từ bố mẹ tôi," cô nói. "Chị tôi cũng không tán thành, và mẹ tôi đã thực sự phản đối khi tôi quyết định tham gia khoá học ở Vinh. Bà ấy nghĩ tôi điên rồ khi bỏ việc để tham gia khóa học này."
Tham dự khóa học đầu tiên của WildAct tại Vinh còn có Cody Robbie, hiện đang công tác tại CHANGE –một tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ có trụ sở tại Sài Gòn, với hoàn cảnh tương tự. .
Trong suốt năm 2017 và 2018, giữ cương vị là một quản lý tại một trung tâm đào tạo kỹ năng kinh doanh và IELTS tại Sài Gòn, anh
"điên cuồng làm việc mỗi ngày, và trở nên xa cách với gia đình và bạn bè". , .
Anh biết Trang qua WildAct từ nhiều năm nay, và vào tháng 12 năm 2018, Cody đã từ chức để tập trung cho một tương lai với công việc bảo tồn thiên nhiên. Khi thấy bài đăng về khóa học buôn bán động vật hoang dã sắp khởi động, anh nộp đơn ngay lập tức.
"Tôi không mong đợi sự ủng hộ từ gia đình, và họ cũng không ủng hộ quyết định đó của tôi", Cody nói. "Họ tỏ ra thất vọng, đưa ra rất nhiều lý do, và chất vấn về mức lương của tôi, lợi ích trong tương lai và nhiều thứ khác."
Tuy nhiên, anh không bao giờ hối hận vì quyết định này.
"Nhóm WildAct rất ủng hộ, thông cảm, nhiệt tình và kiên nhẫn", anh chia sẻ. "Đây không chỉ là khóa học cung cấp các nhu cầu cơ bản để bắt đầu sự nghiệp bảo tồn mà còn giúp chúng tôi tìm hiểu về những gì các tổ chức bảo tồn khác đang làm ở Việt Nam và trên toàn thế giới."
Cody tiếp tục chia sẻ: " Nếu không tham gia khóa học, tôi sẽ không bao giờ biết về tê tê –nạn nhân nặng nề nhất của nạn buôn lậu trên thế giới, hoặc về nhiều sinh vật xinh đẹp khác với quần thể đang ngày suy giảm."
Về phía mình, Nguyễn Hà Anh tin rằng khóa học đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô.
"Tôi hy vọng khóa học sẽ khuyến khích nhiều người trẻ tham gia lĩnh vực này, và tôi biết việc bắt chân vào lĩnh vực này khó khăn đến nhường nào, nhưng khóa học có thể giúp bạn vượt qua điều đó", cô nói. "Và trong tương lai, tôi hy vọng sẽ càng có nhiều người quan tâm đến môi trường và động vật hoang dã hơn. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một đại dịch có nguồn cơn từ việc buôn bán động vật hoang dã, vì vậy tôi hy vọng mọi người sẽ nâng cao ý thức về tình trạng này, và chung tay ngăn chặn việc buôn bán thú hoang."
Cody Robbie cũng không hối tiếc về quyết định thay đổi nghề nghiệp của mình: "Ở công việc cũ, tâm trí tôi luôn trống rỗng khi nghĩ về tương lai. Tôi không biết mình đang làm gì."
Anh khuyến khích những ai quan tâm đến thiên nhiên và công việc bảo tồn hãy xem xét khóa học của WildAct: "Tôi không thể hình dung tương lai của việc bảo tồn tại Việt Nam vào thời điểm này, nhưng tôi biết rằng chúng ta không còn nhiều thời gian nếu mọi người không dừng săn bắn những loài thú có nguy cơ bị tuyệt chủng. "