Khi đang dạo bước xuống Đồi Robin giữa rừng thông ngút ngàn, bao quanh là lững thững mây mờ, ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi đập vào tầm mắt là đám cây phong giả cam sặc sỡ. Vườn cây giả này, tuy nhiên, lại không phải là nhân vật chính của bài viết mà chỉ là những “kẻ phản diện bất đắc dĩ” trong toàn bộ khung cảnh, ít nhiều đã gây cản trở trong chuyến đi khám phá một viên ngọc ẩn giấu giữa Đà Lạt.
Đọc bản gốc tiếng Anh của bài viết tại đây.
So với các dự án cáp treo khác trong nước, cáp treo Đà Lạt không không phải là chuyến đi dài nhất hay có cảnh quan thú vị nhất, nhưng lại có mức giá phải chăng, giúp du khách chiêm ngưỡng được toàn cảnh đồi núi của thành phố. Đây cũng là cầu nối giữa bến xe liên tỉnh và nhiều khu nghỉ dưỡng biệt lập rải rác quanh Hồ Tuyền Lâm.
Trong chuyến đi gần đây đến Đà Lạt, dù không đi cáp treo, chúng tôi cũng ghé vào trạm để nếm thử món lẩu rau của một quán cũng nằm trong khu. Dẫu biết quá trình đô thị hóa đã chiếm lấy rất nhiều không gian xanh trong trung tâm thành phố; nhưng trong một khoảnh khắc, khi chúng tôi ra khỏi trạm và thong thả đi xuống dốc, mẹ thiên nhiên đã trỗi dậy. Trước mắt tôi là khung cảnh đẹp đến lặng người, những đồi thông xanh rì nối nhau trải dài đến tận chân trời, vẽ nên những đường uốn lượn mềm mại như nếp gấp khéo léo của một tác phẩm origami; bên trên là bầu trời cuồn cuộn mây trắng như bông. Ai có thể không choáng ngợp trước núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ?
Đi thêm vài bước, bức tranh thiên nhiên hài hòa ấy đột nhiên bị phá vỡ bởi những mảng màu cam lòe loẹt đến mức thô kệch, đó là những cây phong giả đặt trên thảm cỏ nhựa trong một quán cà phê bên sườn đồi. Cảnh tượng “giả trân” ấy thiếu tinh tế đến mức gần như vô nghĩa; nó chen vào không gian tươi đẹp chẳng khác gì một tội nhân chống lại thiên nhiên. Chưa hết, rừng phong giả mới chỉ là món khai vị: hơn cả một quán cà phê thuần túy, nơi đây giống một studio chụp ảnh sống ảo với thực đơn đầy đủ các món đạo cụ tạo dáng: hồ bơi với mực nước chỉ đến mắt cá chân, vừa đủ để tạo ảnh phản chiếu cho shoot hình; cổng torii giả theo phong cách Nhật; và “món chính” là một bản sao gỗ của cánh Cổng trời Bali. Tổ hợp kỳ lạ nằm giữa khung cảnh nên thơ như thế chẳng khác nào cục mụn nhọt trên một khuôn mặt xinh đẹp không tì vết.
Lúc đầu chúng tôi còn hiếu kì đứng lại quan sát, nhưng càng nhìn thì càng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, thôi thúc cả bọn tìm đường thoát thân. Đó cũng chính là lúc chúng tôi nhìn thấy tấm biển nhỏ bằng gỗ ghi tên Ngàn Cafe. Tấm biển nằm trước một con dốc ngắn, dẫn vào con hẻm nhỏ sâu hút chẳng biết sẽ đưa ta đến đâu. Nằm khuất ở cuối hẻm là một quán cà phê rộng rãi tọa lạc trên sườn đồi, xung quanh là cây rừng cao vút — một nơi ẩn náu chúng tôi cần lắm lúc này để xoa dịu tâm hồn mình sau màn tra tấn thị giác vừa nãy.
Ngàn Cafe này được mở vào tháng 11 năm ngoái bởi một cặp đôi người Đà Lạt làm việc trong ngành sáng tạo. Với chuyên môn là kiến trúc, họ đã tạo ra một không gian mở kết hợp giữa vật liệu mộc mạc và lối trang trí tinh tế. Chiếc võng mắc dưới tán cây, hoa tươi trong bình, trên tường treo tranh họa tiết trừu tượng, mấy cây đàn guitar, bìa album nhạc xưa xếp ngay ngắn trên giá — từng chi tiết nhỏ đều được chủ quán chăm chút. Quán cà phê được chia thành ba khu vực: khu nhà chính với tầng trên làm văn phòng thiết kế, tầng trệt là khu vực pha chế, không gian cho khách và nhà vệ sinh. Bên ngoài, một sàn gỗ nhô ra phía rừng hòa mình với cây cối, và còn có một cầu thang dẫn đến "căn hầm" cũng được thiên nhiên ôm trọn vào lòng.
Khi nhìn đồ vật trang trí khá vintage ở quán, khách ghé thăm có thể sẽ nhầm lẫn nơi này với một quán đồ uống nào đó ở Sài Gòn có cùng phong cách, nhưng Ngàn Cafe có một thứ mà các quán đó chỉ có thể mơ ước: thiên nhiên ngay hiên nhà và không khí vô cùng trong lành. Từ chỗ ngồi ở sàn gỗ, đưa mắt nhìn quanh, tôi phát hiện ra một cây dâu tằm sai quả, một cây đào đang nở hoa và một cây quýt với những quả xanh căng mọng.
Bên cạnh hai người chủ quán và một bạn phục vụ, Ngàn Cafe còn là mái ấm của ba boss có lông mà tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khi được gặp: Lửng là em chó lai với cái bầu khá lớn (không biết giờ đã sinh chưa?); Mè là chú mèo có thân hình tròn trịa và tính cách khá rụt rè, đặc biệt rất kén chọn trong việc kết bạn với khách của quán; cuối cùng là Củ Lạc, một chú mèo con lém lỉnh luôn tràn đầy năng lượng. Trong hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi thích thú ngồi nghe chị Tiên chủ quán kể hết chuyện này đến chuyện khác về sự tai quái của chúng — Lửng bằng cách nào đó đã dính bầu ngay trước khi họ tính mang nó đi triệt sản; con bé có hẳn một đội “vệ tinh” trồng cây si trước cổng mỗi sáng; Mè thì đột nhiên thích đi ngao du để đi tìm “cái tôi” của mình kể từ khi Củ Lạc gia nhập gia đình.
Cảm tưởng như tôi có thể kể mãi không hết chuyện về Ngàn Cafe vì ký ức của tôi về không gian ấy rất sống động như thể mới tới thăm ngày hôm qua. Nhưng cũng giống như nhiều điểm đến khác của Đà Lạt, bài viết về chúng không thể nào sánh bằng trải nghiệm thực tế.
Hiện nay, việc phát triển du lịch ồ ạt ở Đà Lạt đã tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên, do lẫn du khách và các nhà quản lý. Lượt khách tăng cao thúc đẩy nhu cầu về chỗ ở và từ đó trung tâm thành phố Đà Lạt dần trở thành một khu rừng bê tông. Tình trạng tắc đường dai dẳng, việc xử lý chất thải và bảo tồn quang cảnh cũng là những vấn đề cấp bách. Vào tháng 8 vừa qua, kế hoạch xây khách sạn ở Đồi Dinh của Sở Xây dựng Lâm Đồng vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của cả người dân lẫn giới kiến trúc sư, vì đây là không gian xanh nguyên sơ duy nhất còn sót lại trong trung tâm thành phố, cần được quý trọng và bảo tồn.
Trong vai khách du lịch tham quan thành phố, nhâm nhi bánh căn hay kem bơ, khoác lên mình trang phục mùa đông ấm áp để chụp hình, chúng tôi lúc nào cũng canh cánh suy nghĩ không biết hành động của mình hôm nay có thể tác động đến thành phố này như thế nào, mặc dù đôi khi để đánh giá được những tác động đó cũng là cả một thách thức. Có lẽ, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc ủng hộ các doanh nghiệp địa phương, và với tôi, Ngàn Cafe là ví dụ điển hình về trải nghiệm du lịch lý tưởng ở Đà Lạt. Giống như cách không gian ngồi của quán được thiết kế dựa theo địa thế của sườn đồi, và qua đó thể hiện sự tôn trọng với cảnh quan thiên nhiên thay vì cố chấp chạy theo thị hiếu khách du lịch mà không tính đến những tác động môi trường xung quanh.
Tôi không có ý chê trách những vị khách ưa thích quán cà phê sống ảo với những cây phong giả kia. Suy cho cùng, nếu ta để kẹo ngậm trên sàn thì lũ kiến sẽ kéo đến. Tuy nhiên, tôi không khỏi thắc mắc điều gì đã khiến những con kiến này chọn đường hóa học khi ngay cạnh chúng là những thức quả ngọt lành? Điều gì khiến chúng ta từ bỏ những bộn bề của thành phố và tìm đến Đà Lạt nếu không phải để chữa lành tâm hồn mình trong vòng tay thiên nhiên? Nếu vậy, tại sao lại đến tận đây, giữa một khu rừng đẹp như thế, chỉ để tạo dáng bên những cái cây bằng nhựa trong khi rừng thông hùng vĩ ở ngay rất gần và không ngừng vẫy gọi?
Ngàn Cafe mở cửa hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều.
Đánh giá:
Hương vị: 4/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 6/5
Độ thân thiện: 6/5
Địa điểm: 5/5
Ngàn Cafe
2A Đống Đa, Ward 3, Đà Lạt