Nằm khuất phía trên một quán cà phê yên tĩnh ở đường Nguyễn Khắc Nhu là một tiệm tạp hóa nhỏ xinh với nỗ lực khuyến khích lối sống xanh — nói không với rác thải nhựa.
Tạp Hóa Lá Xanh nằm tại số 55 Nguyễn Khắc Nhu, ở phía trên và cách quán cà phê CNF hai tầng lầu, là một trong ba cửa hàng "zero waste" (không rác thải) được yêu thích ở Sài Gòn hiện nay, chuyên bán đồ dùng theo phong cách sống không rác thải. Hai cửa hàng còn lại chính là Lại Đây Refill Station và Green Around the Corner, chủ yếu tập trung vào sản phẩm thay thế cho đồ gia dụng bằng nhựa không thân thiện với môi trường như dao cạo, bàn chải đánh răng, và tuýp kem đánh răng.
Để tạo sự khác biệt với các cửa hàng zero waste thông thường, Tạp Hóa Lá Xanh quyết định kinh doanh chuyên về thực phẩm. Thời gian đầu, cửa hàng bán thực phẩm khô như gạo, ngũ cốc, trà và mì ống. Khi bắt đầu có doanh thu, cửa hàng bán thêm nhiều sản phẩm khác. Giờ đây, Lá Xanh cung cấp nhiều mặt hàng đa dạng, từ sản phẩm thay thế đồ dùng bằng nhựa cho đến quần áo có chất liệu và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và cả đồ gia dụng.
Cửa hàng chủ yếu hoạt động theo kiểu tự phục vụ và khách hàng được yêu cầu mang theo đồ đựng. Tuy nhiên, những khách hàng mới hoặc quên mang theo đồ đựng vẫn được cửa hàng cung cấp lọ thủy tinh và hộp nhựa sạch do khách hàng khác và dân địa phương quyên góp. Quy trình mua hàng rất đơn giản: lấy đồ đựng đã mang theo và đặt lên bàn cân; cân lượng sản phẩm bạn muốn mua; ghi lại trọng lượng và tên sản phẩm; sau đó thanh toán với nhân viên của shop. Quy trình này giúp giảm thiểu rác thải nhựa vì khách hàng có thể mua chính xác lượng sản phẩm cần thiết và tái sử dụng đồ đựng của mình.
Tiệm tạp hóa mở cửa lần đầu vào năm 2018. Chủ tiệm lúc đó là Phạm Ngọc Trâm Anh, một tiếp viên hàng không chuyển hướng sang kinh doanh theo tiêu chí bảo vệ môi trường. Cửa hàng này là giải pháp của cô đối với vấn đề lãng phí thực phẩm ở Sài Gòn.
Theo Trâm Anh, người trẻ cần học cách sống giản dị của các thế hệ trước. Cô muốn khuyến khích họ tập thói quen mua sắm ít lãng phí nhất có thể. Cô cũng liên hệ với các nhà phân phối trong thành phố để cùng họ tạo điều kiện cho người trẻ tuổi làm quen với lối sống xanh.
Ban đầu, quyết định này có khá nhiều rủi ro vì đây là một mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, trái với những lo lắng của Trâm Anh, khi Lá Xanh khai trương tại địa chỉ 155/11 Cống Quỳnh, tiệm được nhiều người nước ngoài và người Việt Nam có ý thức về môi trường tích cực đón nhận và có một khởi đầu thuận lợi.
Năm 2019, dù việc kinh doanh khá thành công nhưng cô quyết định chuyển về quê sau khi sinh con đầu lòng. Điều này gần như đồng nghĩa với việc đóng cửa tiệm và giải tán cộng đồng sống xanh mà cô đã dày công xây dựng bấy lâu. Tuy nhiên, cửa hàng vẫn hoạt động cho đến ngày nay nhờ vào một vị khách quen.
Người chủ mới của Tạp Hóa Lá Xanh là Minh Trang. Cô kể với Saigoneer rằng ngày trước mình là khách quen của tiệm. Vì vậy, Trang không thể đứng nhìn tiệm bị đóng cửa và quyết định tiếp quản nó. Trước đó, cô có kinh nghiệm làm tình nguyện viên cho một số tổ chức phi chính phủ trong các chương trình bảo vệ môi trường và hỗ trợ phụ nữ Việt Nam.
Dù vậy, Trang chia sẻ rằng khi mới bắt đầu quản lý cửa hàng, cô cảm thấy rất cô đơn vì không nhận được sự đồng cảm của gia đình và bạn bè về vấn đề môi trường. Nhưng qua một thời gian làm việc và tích cực tương tác với khách hàng, cô nhận được nhiều lời động viên giúp mình thêm tự tin với công việc. Cô nói: "Khách hàng là trụ cột của mô hình kinh doanh này. Những kinh nghiệm và lời khuyên của họ giúp mình cải thiện hoạt động của tiệm ngày một tốt hơn."
Mặc dù cửa hàng có nhiều khách quen, nhưng vì thay đổi địa điểm bốn lần trong hai năm khiến việc giữ chân khách hàng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Trang đã quyết định sẽ giữ nguyên địa điểm của tiệm trong vài năm tới và có kế hoạch hợp tác với quán cà phê ở tầng dưới để biến ngôi nhà này thành một “trạm xanh” — nơi mọi người có thể đến để mua thực phẩm, tái chế chất thải, thư giãn và uống cà phê.
Trang nói: "Chúng mình cố gắng đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm của mình đều là sản phẩm hữu cơ và thủ công." Mặc dù hầu hết các thực phẩm của cô đều là sản phẩm địa phương, nhưng những mặt hàng không có nguồn gốc từ Việt Nam như hạt chia thì phải được chuyển về từ Bolivia.
Là một cửa hàng tạp hóa, Lá Xanh luôn muốn đem đến cho khách hàng thật nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường. Vì thế, cửa hàng đã hợp tác với những doanh nghiệp có cùng tiêu chí hoạt động như công ty sản xuất băng vệ sinh bằng bông Green Lady và công ty sản xuất nến thơm My Natural Beauty.
Mặc dù giá cả có cao hơn chút so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, nhưng Trang khẳng định mức giá này là xứng đáng vì khách hàng nhận được các sản phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường. Cô nói: "Không ai có thể định giá cho môi trường cả."
Cô nói thêm rằng Lá Xanh còn giúp khách hàng có động lực ăn uống lành mạnh hơn, như trường hợp của một vị khách mỗi tháng đều đến tiệm mua những thứ cơ bản như đường, muối và nước mắm. Trang kể lại: "Bằng cách mua đủ lượng sản phẩm theo nhu cầu cá nhân, bạn ấy biết được chính xác lượng thức ăn họ tiêu thụ mỗi tháng. Nhờ đó, bạn dễ dàng điều chỉnh số lượng này để có chế độ ăn uống tốt hơn." Cô tin rằng nếu mọi người tập được thói quen “ăn bao nhiêu mua bấy nhiêu” và tìm đến các cửa hàng zero waste thay vì mua sắm với số lượng lớn ở siêu thị, sức khỏe của chúng ta sẽ tốt lên rất nhiều.
Thông điệp cuối cùng Trang muốn gửi gắm là mỗi cá nhân đều có thể góp sức mình vào sứ mệnh bảo vệ môi trường. Vì bất kỳ ai cũng có thể cải thiện bản thân và truyền cảm hứng sống xanh cho những người xung quanh.
Dù nằm khuất trong một góc yên tĩnh của thành phố, Tạp Hóa Lá Xanh lại là một trong những cửa hàng tiên phong trong cuộc chiến giảm thiểu rác thải thực phẩm và bao bì ở Việt Nam. Những nỗ lực này tuy có vẻ nhỏ bé nhưng điều đáng mừng là giới trẻ Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến môi trường hơn, vì thế ta có thể kỳ vọng rằng trong tương lai, Sài Gòn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp “xanh” chung tay tạo nên sự thay đổi có ý nghĩa cho môi trường và cộng đồng.