Nói tới nghề ve chai, người ta thường nhớ ngay tới những cô chú có tuổi đẩy xe cút kít hay ngồi trên xe đạp cũ, chở các bịch ni-lông lớn nhỏ buộc lẫn các loại phế liệu, thi thoảng cất tiếng rao lanh lảnh: “Đồng nát sắt vụn bán nào…” Tuy nhiên, hình ảnh quen thuộc về những con người trong hệ sinh thái thầm lặng này có lẽ đã đến lúc thay đổi.
Ngay khi VECA, ứng dụng kết nối người mua và bán phế liệu đầu tiên của Việt Nam, thông báo hoạt động lại tại Sài Gòn vào giữa tháng 12/2021, tôi đã nóng lòng muốn trải nghiệm dịch vụ công nghệ mới này sau khoảng thời gian chờ đợi khá lâu. Trước đó, trong giai đoạn thử nghiệm tại quận Phú Nhuận bắt đầu từ tháng 4/2021, tương tác của tôi với VECA chỉ là thao tác đặt đơn bán trên app và nhận được thông báo… hủy đơn; nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch. Vì chuỗi ngày giãn cách xã hội căng thẳng, startup công nghệ này đã phải ngủ đông suốt khoảng 5 tháng.
Điều bất ngờ là ngay khi trở lại, ứng dụng đưa ra thông báo đang dần mở rộng hoạt động trên 10 quận nội thành của thành phố, đến thời điểm hiện tại đã phủ sóng 12 quận, bao gồm khu vực văn phòng của Saigoneer tại quận 1. Trước một ứng dụng made-in-Việt Nam, không phải phiên bản Việt hóa của một sản phẩm công nghệ nước ngoài, có khả năng giải quyết một số vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực tái chế trong nước, đương nhiên tôi hào hứng và có nhiều kỳ vọng.
Giao diện “đúng trọng tâm,” thao tác mượt
Sau vài thao tác đơn giản như nhập địa chỉ, số điện thoại, hẹn thời gian, yêu cầu của tôi đã được xác nhận vào sáng một sáng thứ Hai đầu tuần. Hiện VECA đang có mặt trên cả App Store và Google Play Store. So với các app trung gian phổ biến khác, UX/UI của VECA khá đơn giản, gọn mắt với hai tông màu chủ đạo là trắng và xanh dương.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với HTV9, chị Minh Trang, đồng sáng lập ứng dụng, cho biết trong suốt một năm đầu phát triển, đội phát triển app đã liên tục thay đổi thiết kế và quy trình sao cho tinh giản nhất, vì phiên bản đầu tích hợp nhiều bước phức tạp và gây trở ngại cho người sử dụng.
Ở phiên bản hiện tại dành cho người bán, tính năng quan trọng nhất là “đặt đơn bán.” Các tính năng phụ có thể kể đến là “tích điểm,” “đổi quà,” “nhận thanh toán qua ví Momo,” nhưng app không có tính năng nhắn tin hoặc gọi điện với người mua. Trang chủ của VECA được thiết kế như một bảng giá phế liệu có tính tương tác, mang chức năng chủ yếu là thông báo. Theo đó, các loại phế liệu được thu mua bao gồm: giấy báo, giấy hồ sơ, giấy thùng, sắt đặc, sắt vụn, sắt tôn, mũ bình, mũ nhựa, nhôm, lon nhôm, vỏ hộp giấy. Khi nhấn vào mỗi biểu tượng phế liệu, người dùng sẽ được dẫn đến màn hình liệt kê một số phân loại nhỏ hơn và ví dụ của loại phế liệu đó.
Tại các hạng mục phế liệu, các trang mô tả chi tiết hoặc các màn hình phụ như “Mẹo Hay” và “Sống Xanh,” hiện vẫn chưa có bất kỳ lưu ý nào dành cho người bán về rác thải điện tử — một mối nguy hại tiềm ẩn cho môi trường.
Trong mô hình này, VECA không phải là đơn vị trực tiếp thu mua, nên họ khó có thể quản lý các loại vật liệu được mua bán trên thực tế. Vậy nên, một hướng dẫn cụ thể — đi kèm thông tin liên hệ của các đơn vị triển khai thu gom phế liệu nguy hại — là một điều cần thiết. Vào thời điểm của bài viết này, bạn đọc có thể liên hệ Việt Nam Tái Chế, một chương trình chuyên thu hồi, xử lý và tái chế rác thải điện tử miễn phí do các nhà sản xuất thiết bị điện tử khởi xướng, với 10 điểm thu hồi tại Hà Nội và Sài Gòn.
Người dùng chưa thể hoàn toàn chủ động thời gian
Quay lại với tính năng chính của ứng dụng: đặt đơn “Tôi Bán.” Ở màn hình này, người bán chỉ cần nhập hai thông tin là địa chỉ và thời gian — tính năng khiến tôi hụt hẫng nhất vì các lựa chọn khá chung: chỉ được chọn ngày trong tuần hoặc cuối tuần, ngoài ra không được chọn khung giờ cụ thể.
Đây chắc chắn là một điểm cần được cải thiện, vì hai tính năng lớn nhất mà đội ngũ app đặt ra là “chủ động thời gian và tính minh bạch,” và đa số cá nhân và hộ gia đình sẽ quan tâm tới tiêu chí đầu tiên hơn. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, thời gian thu mua có thể được sắp xếp linh hoạt sau khi người người thu mua trực tiếp liên lạc với người bán.
Tùy theo địa điểm, thời gian và số lượng người thu mua, thời gian xác nhận đơn sẽ có sự khác biệt. Với nhu cầu bán trong giờ hành chính, yêu cầu của tôi được đặt vào chiều thứ Sáu, và thời gian đợi xác nhận lên tới hơn hai ngày; thông tin liên lạc của người thu mua cũng không được cung cấp nhiều ngoài tên gọi. Thú thật, do chưa có người quen nào trải nghiệm dịch vụ công nghệ mới này, cộng với bước xác nhận khá mờ mịt, tôi thấy hồi hộp về quá trình mua bán.
Ve chai công nghệ: một lựa chọn nghề mới?
Trong buổi chiều cùng ngày khi đơn bán được xác nhận, đúng giờ hẹn, một bạn nam trẻ tuổi, đi xe máy, chở theo rổ đồ nghề đã có mặt ngay trước cửa tòa soạn Saigoneer. Người nhận mua hôm đó là Phong, 22 tuổi. Cậu bạn nhanh chóng phân loại các loại giấy, cân đo, sắp xếp gọn gàng và sử dụng điện thoại thông minh ghi chép lại thông tin trên ứng dụng.
Cậu chia sẻ mình đã làm việc toàn thời gian cho VECA khoảng 2 tháng, nhưng tôi chỉ nhận ra cậu là đối tác của VECA nhờ chiếc rổ nhựa cỡ đại gắn phía sau xe. Các đối tác có vẻ chưa được trang bị đồng phục hay bộ nhận diện thương hiệu nào.
Đã theo dõi Fanpage của ứng dụng một thời gian, và thấy hình ảnh được quảng cáo nhiều là các chị, các cô đẩy xe cút kít có dán sticker VECA bên ngoài, tôi đã nghĩ đây là đối tượng thu mua chính mà mình sẽ gặp — điều này cũng đúng với một trong những sứ mệnh ban đầu của đội ngũ: giúp lực lượng thu mua phế liệu truyền thống thu mua được nhiều hơn và tiết kiệm được sức lực hơn. Tuy nhiên, theo lời Phong chia sẻ, những người trẻ tuổi như cậu, những người không thuộc lực lượng ve chai truyền thống, không hề hiếm. Họ thậm chí có theo đuổi nghề này lâu dài, và có nhiều lợi thế hơn nhờ biết sử dụng điện thoại thông minh.
Tôi cảm thấy ấn tượng bởi sự sự nhanh nhẹn và hoạt bát của người thu mua. Phong nhanh nhảu đỡ lấy bịch giấy khoảng 5kg, phân làm hai loại (bìa các-tông và giấy tài liệu), đặt lên chiếc cân Nhơn Hòa, rồi lưu lại số liệu lên trên app và tiến hành thanh toán tiền mặt cho tôi (lựa chọn thanh toán qua ví Momo cũng đã được tích hợp trên ứng dụng). Giá cả đã được định sẵn trên màn hình chủ của ứng dụng nên toàn bộ quá trình mua bán diễn ra nhanh gọn và rõ ràng.
Trong toàn bộ hành trình trải nghiệm này, VECA là đơn vị kết nối trung gian và không thu bất kỳ phí nào từ phía người mua lẫn người bán. Điều đó cũng có nghĩa là, người thu mua sẽ tự sắm các dụng cụ cần thiết và lo đầu ra cho phế liệu. Với cậu bạn, đầu ra không phải là mối lo ở thời điểm hiện tại, vì Phong đã biết một số vựa thu mua từ trước, cộng với một số đầu mối được các anh chị đồng nghiệp trong VECA mách cho. “Nhưng em cũng nhiều lần bị lỗ, vì ban đầu không thạo cách làm việc với vựa, nên bị một số vựa cân sai.”
Khi tôi tỏ vẻ tò mò hỏi về sự ổn định của công việc mới này, Phong xởi lởi kể thêm: “Em coi đây là việc làm chuyên nghiệp, chứ không phải nghề tay trái. Ngày em chạy lòng vòng các quận, nhận đơn cũng nhiều. Thu nhập hiện tại cũng tốt [...] Trước em có chạy thử tài xế công nghệ nhưng cạnh tranh quá nên thôi.”
Cậu bạn cũng nhắc tới khoản hỗ trợ từ đơn vị này cho những ngày không có đủ đơn do ảnh hưởng của thời tiết. Ngoài ra, những người mới không có kinh nghiệm hay kiến thức về phế liệu cũng được tham gia quá trình đào tạo ngắn, nhằm giúp phân biệt các loại vật liệu từ đó định giá đúng. Nhìn thấy sự hồ hởi của Phong, tôi nghĩ đội ngũ VECA đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người lao động, ít ra là những người trẻ không gặp khó khăn sử dụng công nghệ. Vì không trực tiếp trải nghiệm phiên bản dành cho người thu gom và phỏng vấn những cô chú lớn tuổi chuyển từ ve chai truyền thống sang VECA, bài viết sẽ không bình luận nhiều về trải nghiệm của người thu mua.
Thành thực mà nói, VECA là một trong số ít những ứng dụng mà người dùng trẻ có thể dễ dàng “phổ cập” cho phụ huynh mình. Tất cả những điều đó được hiện thực hóa trong năm đầu ra mắt, cùng với nỗ lực mở rộng quy mô lên 12 quận, hoạt động với nguồn vốn cá nhân của hai nhà sáng lập — đó có thể coi là một thành công đáng ngưỡng mộ trong bối cảnh đại dịch khó khăn vừa qua.
Tuy nhiên so với các ứng dụng công nghệ khác, để phủ sóng rộng rãi tới nhiều đối tượng người dùng hơn, đội ngũ phát triển VECA sẽ phải vượt qua thử thách chuyển đổi thói quen kép:
- Chuyển đổi thói quen cho ve chai và bán ve chai truyền thống sang sử dụng nền tảng công nghệ mới;
- Chuyển đổi thói quen “lãng phí” ve chai của đại đa số cư dân thành thị trong lối sống tiêu dùng nhanh, tạo thói quen phân loại rác tại hộ gia đình và công sở, biến 60% khối lượng giấy và 73% khối lượng nhựa đang được tiêu thụ và vứt bỏ hàng ngày tại Sài Gòn thành nguồn tài nguyên tái chế — đây là mục tiêu lâu dài và cũng khó khăn hơn cả.
Gần đây, đội ngũ sáng lập VECA đã trở thành 1 trong 6 nhà thắng giải chung cuộc của cuộc thi Thành phố không rác do Circular Economy Network và WasteAid đồng tổ chức. Giải thưởng không chỉ mang về cho sáng kiến giải thưởng trị giá 10.000EUR, mà còn mang đến sự đồng hành, tư vấn của các chuyên gia đầu ngành, cùng cơ hội kết nối với các đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp tái chế. Trước những bước tiến đáng kể trong năm đầu giới thiệu ứng dụng, chúng ta cùng hy vọng những cái bắt tay mới này sẽ tạo đà, lực và vốn để VECA sớm có thể hoàn thiện các tính năng và vươn tới nhiều người dùng hơn. Biết đâu chúng ta sẽ sớm bỏ cách nói nói “tiền ve chai,” chuyển thành “tiền VECA,” giống như ngày nay người ta ít ai nói “nay tôi đi xe ôm,” mà sang hơn là “nay tôi đi Grab”!