Giữa giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 căng thẳng nhất, hàng loạt các sáng tạo công nghệ made-in-Vietnam đã được ra mắt, không chỉ hỗ trợ hiệu quả các nhân viên tuyến đầu chống dịch, mà còn giúp đảm bảo công tác phòng dịch trong các hoạt động thiết yếu hàng ngày.
Tại Việt Nam, công nghệ cũng là một trong những mũi nhọn quan trọng trong cuộc chiến chống "giặc Cô-vy," đặc biệt là vào những ngày gần đây khi làn sóng COVID-19 thứ 4 đang leo thang ở nhiều tỉnh thành. Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, việc áp dụng công nghệ hàng loạt được xem là biện pháp cấp thiết để giảm tải áp lực cho đội ngũ cán bộ tuyến đầu và nâng cao hiệu quả của những đợt giãn cách xã hội.
Tất nhiên, phải nhắc tới các ứng dụng phổ biến được nhà nước và đơn vị chức năng địa phương cho ra mắt trong thời gian vừa qua. Trong đó, có thể kể đến bản đồ COVID-19, hiện đang được triển khai tại nhiều tỉnh thành; NCOVI, ứng dụng cập nhật thông tin chính xác của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh, cho phép khai báo y tế tự nguyện; và Bluezone, ứng dụng cho phép người dùng phát hiện tiếp xúc gần và cảnh báo nguy cơ lây nhiễm.
Song song với đó, cũng với tốc độ thần tốc, các doanh nghiệp từ nhà nước đến tư nhân, các tổ chức và cá nhân từ chuyên đến không chuyên, đã phối hợp và góp sức vào mặt trận công nghệ, giới thiệu những sản phẩm thiết thực, cơ động, có khả năng áp dụng quy mô lớn. Các phát minh này phần lớn tập trung giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch trong các hoạt động hằng ngày ở những lĩnh vực thiết yếu: khi tham gia giao thông công cộng, tại các cơ quan hành chính, các cơ sở xét nghiệm đại trà, trong trường học, v.v.
Sau đây, cùng Saigoneer điểm qua 5 sáng kiến công nghệ thú vị trên các phương diện "điện-đường-trường-trạm," thể hiện rõ tinh thần ứng biến, sáng tạo, thiết thực và cơ động.
Bốt xét nghiệm lưu động có trang bị điều hòa giúp đội ngũ y bác sĩ chống chọi với nắng nóng mùa hè
Từ những ngày đầu tháng 6/2021, công việc của đội ngũ nhân viên y tế càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết dưới cái nóng gắt của mùa hè và trong lớp đồ bảo hộ. Sáng kiến bốt xét nghiệm lưu động gắn máy lạnh đã ra đời nhằm giảm thiểu áp lực thời tiết và giúp công tác xét nghiệm của các y bác sĩ được dễ dàng hơn.
Bốt xét nghiệm có kích thước dài 2,4m, ngang 1,2m, cao 2,64m, được lắp đặt hệ thống máy lạnh và đèn khử khuẩn. Không gian bốt đủ cho bốn nhân viên y tế cùng làm việc trong điều kiện mát mẻ và an toàn mà không cần phải mặc đồ bảo hộ. Khung bốt sử dụng vật liệu inox, thân có cấu tạo bốn lớp vật liệu, được thiết kế và lắp ghép để đảm bảo không khí bên ngoài không thể lọt vào. Mọi thao tác giao tiếp đều được thực hiện bằng công nghệ thông minh, song song với các giải pháp khử trùng theo tư vấn chuyên môn của các bác sĩ. Ngoài ra, bốt còn có 6 bánh xe để giúp công tác vận chuyển được thuận tiện hơn.
Vũ khí chống nóng này là sản phẩm của nhóm tác giả Nam Việt Design, PAM Air và Signify. Trao đổi với báo Thanh Niên, kiến trúc sư Khiếu Hữu Nghĩa, hiện đang công tác tại Hà Nội, cho biết anh nảy ra ý tưởng thực hiện dự án khi nhìn thấy hình ảnh các bác sĩ và nhân viên y tế phải gồng mình chống chọi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc. Anh và cộng sự đã làm việc không ngơi nghỉ trong suốt bốn ngày để kịp vận chuyển các bốt đầu tiên lên khu xét nghiệm tại tâm dịch Bắc Giang. Sản phẩm đang đợi phản hồi để cải tiến và hoàn thiện trước khi ứng dụng rộng rãi.
Vòng đeo tay định vị hỗ trợ giám sát cách ly từ xa
Mẫu vòng đeo tay G-Track với chức năng định vị và đo thân nhiệt từ xa hứa hẹn sẽ giúp các cơ quan quản lý phần nào khắc phục tình trạng lây nhiễm chéo bên trong các cơ sở cách ly tập trung.
Mẫu vòng tay với hai phiên bản sử dụng công nghệ GPS và Bluetooth giúp định vị và phát tín hiệu cảnh báo khi người đeo tháo thiết bị hoặc rời khỏi khu vực cách ly được chỉ định. Chức năng này cho phép các đối tượng F0 không triệu chứng, F1 và F2 với nguy cơ lây nhiễm thấp có thể cách ly tại nhà, giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo cũng như áp lực và chi phí cho các cơ sở cách ly tập trung. Ngoài ra, thiết bị còn hỗ trợ đo thân nhiệt và chỉ số calo để quan sát tình trạng sức khỏe của người đeo.
Thiết bị này là sản phẩm của công ty công nghệ G-Innovations, được đưa vào áp dụng thử nghiệm vào đầu tháng 6 trên nhóm đối tượng hành khách của các chuyến bay vừa nhập cảnh. Mẫu vòng tay bắt đầu được nghiên cứu phát triển từ hai năm trước với công dụng nguyên thủy là theo dõi bước đi bộ và lượng calo tiêu hao khi hoạt động; đến giai đoạn cuối cùng, sản phẩm được nâng cấp để tích hợp thêm các tính năng chuyên biệt nhằm phục vụ công tác giám sát cách ly.
Camera với công nghệ AI phát hiện người không đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng
Hệ thống camera sử dụng công nghệ AI được đưa vào khai thác từ tháng 6/2021 trên một số phương tiện vận tải như xe buýt và xe khách hiện đang cho thấy nhiều tín hiệu khả quan khi ghi nhận tỷ lệ hành khách, lái xe, phụ xe không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang sai cách giảm mạnh từ 23% xuống còn 9%, theo thống kê vào đầu tháng 7/2021.
Camera giám sát trên các phương tiện vận tải hành khách được kết nối với hệ thống máy chủ sử dụng kỹ thuật học máy để xử lý hình ảnh và nhận diện người không tuân thủ đúng quy định đeo khẩu trang. Cụ thể, hình ảnh khi truyền về hệ thống mất 1/10 giây để phân tích, và sau 1 giây, các thiết bị điện thoại, máy tính của hãng xe, tài xế và phụ xe đã cài đặt ứng dụng liên kết sẽ nhận được cảnh báo để kịp thời can thiệp và nhắc nhở. Việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng hứa hẹn sẽ giúp giảm tải một khối lượng lớn công việc cho nhân sự giám sát từ xa.
Tính năng này đã được Công ty Điện từ Bình Anh phát triển và cung cấp miễn phí cho các phương tiện giao thông công cộng có lắp đặt camera hành trình, với mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng và giúp người dân an tâm hơn khi di chuyển trong môi trường không gian yếm khí của xe buýt và xe khách.
Hệ thống robot y tế vận chuyển phục vụ khu vực cách ly tại bệnh viện
Tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện đa khoa Bắc Giang, có những chú robot mang tên Vibot-2 đang cùng nhau “chia ca” làm việc sáng chiều phục vụ cho các bệnh nhân COVID-19 và thay thế cho đội ngũ nhân viên y tế trong một số công tác vận chuyển và tiếp xúc vật lý với người bệnh.
Robot y tế Vibot-2 là sáng chế đến từ Học viện Kỹ thuật Quân sự, do Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển. So với sản phẩm đời đầu là Vibot-1 đã được vận hành thử nghiệm vào tháng 5 năm ngoái, hệ thống Vibot-2 được cải tiến với nhiều tính năng và công nghệ vượt trội hơn, bao gồm khả năng tự xây dựng đường đi và di chuyển trong không gian phức tạp, thực hiện nhiệm vụ một cách linh hoạt và tự chủ mà không cần nhiều sự can thiệp từ bên ngoài, phối hợp nhóm với các robot khác trong cùng phạm vi để tối ưu hóa nhiệm vụ, v.v.
Cơ chế hoạt động của Vibot-2 bao gồm một trung tâm giám sát cùng 5 robot trực thuộc có khả năng di chuyển trong phạm vi 150m. Robot được kết nối với trung tâm qua hệ thống truyền thông không dây nội bộ, cho phép các nhân viên y tế gửi lệnh bằng các thiết bị cầm tay hoặc điều khiển trực tiếp trên màn hình. Theo đó, Vibot-2 sẽ nhận lệnh và thực hiện các công việc như vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm, thuốc men, rác thải, v.v. ra vào khu vực cách ly. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể giao tiếp với bác sĩ và người thân thông qua màn hình lắp đặt trên robot.
Sinh viên, học sinh chung tay phòng, chống COVID-19 bằng sáng chế máy sát khuẩn tự động
Kể từ khi làn sóng COVID-19 đầu tiên bùng phát, sinh viên và học sinh khắp mọi nơi trên cả nước cũng có nhiều đóng góp cho cộng đồng bằng những sản phẩm công nghệ mô nhỏ nhưng rất sáng tạo và thiết thực. Em Trần Minh Chung, học sinh lớp 9 Trường THCS Vạn Ninh, tỉnh Quảng Nam, là một ví dụ tiêu biểu khi đã tự mua linh kiện và lắp ghép thành công chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động để tặng cho xã.
Trước ngày chiếc máy phun dung dịch khử khuẩn tự động này xuất hiện, những người dân đến trụ sở xã Vạn Ninh giao dịch và làm việc đều sử dụng dung dịch sát khuẩn tự mang theo hoặc từ các chai nước rửa tay đặt sẵn tại cơ quan. Ngay khi nhận ra điểm cần cải tiến, cậu học trò đã tự mày mò nghiên cứu nguyên lý cảm ứng và chế tạo ra chiếc máy sát khuẩn tự động, cho phép người dân chỉ cần đặt tay vào là có thể khử trùng, vừa nhanh chóng lại an toàn.
Chung tự tin giới thiệu về cơ chế của chiếc máy, qua đó thể hiện kiến thức kỹ thuật vững vàng ngay từ khi còn ở lứa tuổi học trò: “Mọi người chỉ cần đưa tay vào gần đầu phun, cảm biến sẽ tự động nhận diện, sau đó truyền tín hiệu về cho vi xử lý, vi xử lý sẽ truyền lệnh để máy bơm dung dịch sát khuẩn và bơm ra một lượng dung dịch cố định như đã cài đặt.”
Ngoài Chung, một số dự án sáng tạo khác như máy rửa tay sát khuẩn tự động của sinh viên trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng hay máy đo thân nhiệt, nhắc đeo khẩu trang bằng giọng nói của sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa TP. HCM cũng là đại diện tiêu biểu cho tinh thần chủ động sáng tạo của thanh thiếu niên trong đại dịch.