Trước những xô bồ của cuộc sống, đôi khi chúng ta bỏ lỡ mất những điều đặc biệt xung quanh mình. Trước đây, tại các khu tập thể, chung cư ở Sài Gòn, những người trẻ thường chẳng mấy quan tâm lắm về những người hàng xóm láng giềng. Nhưng khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khoảng cách giữa họ được rút lại gần hơn bao giờ hết.
Là một trung tâm kinh tế của Việt Nam, mỗi năm Sài Gòn lại thu hút hàng trăm ngàn cư dân từ tứ xứ đến sinh sống. Nhiều người trong số họ lựa chọn thuê phòng dài hạn, tiết kiệm nhất là ở chung trong một căn hộ hoặc thuê một căn phòng nhỏ trong tòa nhà. Sinh hoạt, làm việc và cư ngụ dưới chung một mái nhà, nhưng phần lớn các cư dân này có cuộc sống vô cùng tách biệt.
Thương là một freelancer sống ở dãy nhà trọ ở Bình Thạnh, có những lời chia sẻ thật tình với Saigoneer: “Bình thường buổi sáng ai cũng vội vàng đi làm, đến chiều thì vội vàng về nhà. Ai ở phòng người nấy. Nếu có gặp nhau cũng chỉ 'chào chào' và mỉm cười. Một ngày bận rộn là như thế.”
Hạnh*, một copywriter thuê trọ ở quận Gò Vấp cho hay: “Khi đi làm về, mình luôn lập tức 'chạy ùa' vào phòng rồi ngồi trong đó đến hết ngày. Mình không biết gì nhiều về những người thuê khác.”
Ở xóm của Hạnh, mọi người đều tham gia một nhóm chat, nhưng trước dịch, kênh liên lạc này chỉ là nơi để thông báo tiền điện, tiền nước hàng tháng.
“Mình chỉ biết các thành viên trong nhóm là người cùng sống ở khu mình thôi. Mình chưa bao giờ trực tiếp nói chuyện với ai, cũng không biết điều gì khác về họ.” Thế nhưng đợt dịch gần nhất đã khiến cả nhóm chat lẫn xóm trọ của Hạnh trở nên xáo động hơn.
Một lần, những người ở trọ được gọi đi xét nghiệm COVID-19. “Trong nhóm chat, mọi người rủ nhau đi xét nghiệm chung vì có người không có xe riêng. Rồi tụi mình cũng hỏi thăm và dặn dò nhau cẩn thận. Mọi người cứ vậy mà nhắn tin qua lại, mà trước giờ không hề có chuyện này,” Hạnh giải thích.
Nhâm, một nhân viên ngân hàng sống ở Bình Thạnh, cũng có câu chuyện tương tự: “Từ khi giãn cách xã hội, nhóm chat của chỗ mình luôn tràn ngập chia sẻ về cuộc sống, công việc, thức ăn, thông tin tiêm chủng, và nhiều điều khác. Rất khác với trước đây.”
Nhâm chia sẻ rằng trước đây cô không biết tên của những người thuê nhà khác, nhưng giờ đây cô đã biết nhiều hơn về hàng xóm. “Cũng nhờ thời gian giãn cách mà mình biết được rằng chị Uyên sống cùng tầng với mình rất thân thiện và đổ bánh xèo rất ngon. Anh Duy tầng trên thì có tài nướng bánh. Chị Tuyết tầng dưới có nụ cười rất duyên, và chị ấy cũng rất hay cười nữa,” cô kể lại.
“Mỗi lần chị Uyên đổ bánh xèo, chị đều chia cho mọi người. Anh Duy thì thỉnh thoảng làm bánh bông lan để tặng tụi mình ăn sáng,” Nhâm giải thích.
Nhâm nhận được quà chia sẻ từ hàng xóm của mình. Hình ảnh do Nhâm cung cấp.
Trong ngôi nhà mà Hạnh ở trọ, mọi người cũng mở “chợ” để chia sẻ thực phẩm. “Ai muốn chia sẻ đồ ăn gì thì sẽ đặt ở góc sảnh chung, sau đó nhắn tin vào nhóm chat để mọi người biết, ai cần cứ đến lấy. Giống y như một 'cái chợ' thực thụ,” cô miêu tả.
Huyền là một giáo viên trợ giảng thuê nhà ở quận 7, nơi cô ở có không gian chung là một sân thượng khá rộng. Trước đại dịch, mọi người thường chỉ lên sân thượng vào buổi chiều tối sau khi đi làm về. Trong thời gian giãn cách, họ thường lên đó vào ban ngày để tận hưởng không khí trong lành thay vì ở mãi trong phòng. Cũng nhờ thế, họ bắt đầu gặp nhau nhiều hơn và kết thân với nhau.
Cô kể: “Có lần, mình lên đó ngắm cảnh và hóng gió thì nhìn thấy một anh người nước ngoài bước đến. Mình chào anh ấy và cuộc trò chuyện cứ thế tiếp diễn. Mình biết được rằng anh ấy đến từ châu Phi và bị kẹt ở đây vì dịch.”
Hạnh cũng bắt đầu chơi thân với Tuyền ở tầng trên nhờ có nhiều điểm chung mà gần đây họ mới phát hiện ra.
“Em ấy sinh năm 92 còn mình sinh năm 90. Hơn nữa, em ấy sống một mình còn mình sống với con trai nhỏ. Tụi mình trạc tuổi nhau và có hoàn cảnh khá tương đồng nên cũng dễ thân nhau. Hai đứa thường chia sẻ đồ ăn và giúp đỡ nhau về tài chính,” Hạnh tâm sự.
Bánh bông lan của Duy gửi đến hàng xóm. Hình ảnh do Nhâm cung cấp.
Trong thời gian giãn cách, những người thuê cùng nhà với Thương thường ra khoảng sân chung để uống cà phê và tán gẫu. Điều này trước đây chưa từng có vì ai ai bận rộn. “Khi rút ngắn khoảng cách với nhau, mọi người tin tưởng hàng xóm của mình và trở nên cởi mở hơn,” Thương nói.
Gần đây, mỗi khi Thương nhận thấy hàng xóm của mình cứ đóng cửa suốt thì anh sẽ hỏi thăm để xem họ có ổn không.
Thương bộc bạch: “Trước đây mình chẳng biết làm như thế đâu. Nhưng trong thời gian này mình thấy thương hàng xóm của mình và quan tâm đến họ nhiều hơn. Mình để ý họ trong cuộc sống hằng ngày để lỡ như có vấn đề gì thì mình cũng có thể giúp được.”
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.