Những đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua đã tạo cơ hội để các gia đình dành nhiều thời gian cho nhau, nhưng cũng đồng thời tạo sức ép tinh thần không nhỏ khi các thành viên khó tìm được thời gian và không gian riêng cho mình. Từ đây, họ bắt đầu học cách đối diện với chính mình, người thân trong gia đình, những khoảng cách có thể rút ngắn và cả những "vùng biên giới" mới cần được tôn trọng.
Khó khăn kết nối với chính người thân
Một nghịch lý lớn của mùa giãn cách là việc người trẻ thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình, dù đã dành toàn bộ thời gian cùng với gia đình. Sự bối rối này dường như sinh ra khi các hoạt động, mối quan hệ thường ngày của họ đột ngột thay đổi, khiến họ phải loay hoay để thích nghi với những "bình thường mới."
Hà, hiện đang là sinh viên năm ba tại một trường kinh tế, chia sẻ: "Mình là một người quảng giao, bỗng dưng một ngày tỉnh dậy, vấn đề giao tiếp với những người bạn đồng trang lứa của mình bị hạn chế đột ngột nên cảm thấy vô cùng bí bách và khó chịu. Mình nghĩ ba mẹ của mình cũng gặp vấn đề tương tự, nhất là ở thời điểm công việc đang bị trì trệ và khủng hoảng. Khi ở nhà với nhau quá lâu, gia đình trong mắt mỗi người bỗng lộ ra quá nhiều khuyết điểm, dễ dẫn đến các cuộc tranh cãi nảy lửa về những điều nhỏ nhặt."
Tương tự như Hà, Hiếu, một sinh viên sư phạm, cũng có nhiều băn khoăn về không khí nặng nề trong gia đình. Ngày thường, người trong gia đình của Hiếu đều có công việc và không gian riêng, vì vậy thời gian anh bạn tiếp xúc với gia đình không nhiều, chỉ vỏn vẹn ở lúc ăn cơm và chăm sóc người cha đang bị bệnh và không thể tự sinh hoạt được.
"Tới khi giãn cách xã hội thì cả nhà mình bị gượng gạo vì mẹ mình là trụ cột mà không thể đi làm, kinh tế lâm vào tình cảnh khó khăn hơn, còn mình thì có vài hạn chế trong việc học tập và giảng dạy. Cho nên ai cũng có tâm tư riêng, nhà mình [vốn ít nói] nhìn thấy nhau rồi lại không biết nói gì, sợ nói không phải sẽ làm mất lòng và khó xử hơn, thế là tất cả đều cảm thấy rất ngột ngạt," Hiếu tự giải thích những căng thẳng trong gia đình.
Để lý giải những biến chuyển tâm lý tiêu cực này, ta có thể tìm đến học thuyết Tháp nhu cầu Maslow. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Thạc sĩ tâm lý Lê Trần Hoàng Duy cho biết đây là mô hình được dùng để giải thích các nhu cầu cơ bản của con người, như nhu cầu thể chất, an toàn; nhu cầu được yêu thương, tôn trọng, và thể hiện bản thân. Khi đối chiếu với hoàn cảnh sống của nhiều người trẻ trong mùa dịch, có thể dễ thấy rất nhiều trong số này đang không được đáp ứng phù hợp.
Góc nhìn của cha mẹ
Cũng như con cái, các bậc phụ huynh đều có những tâm sự riêng. Đây cũng là đối tượng rất dễ rơi vào trạng thái chấn thương tâm lý do khủng hoảng về kinh tế khi nắm giữ vị trí trụ cột của gia đình.
Chị Linh, mẹ của Hà, trải lòng: "Con đã học đại học, nhưng chưa thể tự chủ tài chính. Mùa dịch cháu học online, học phí vẫn phải nộp. Rồi tôi lại suy nghĩ sao để công việc làm ăn lâu năm không bị đứt gãy. Bản thân tôi vừa là một người mẹ vừa là một người con, mẹ tôi bị tai biến nhưng nhà bà ở vùng đỏ nên không cách nào qua thăm, muộn phiền dồn lại làm tôi trằn trọc nhiều đêm không ngủ được."
Độ tuổi trung niên còn mang đến cảm giác trách nhiệm và hy sinh đối với con cái, khi cha mẹ sẵn sàng làm tất cả để cho con mình những điều tốt đẹp, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng trong giai đoạn COVID-19 đầy biến động, việc dung hoà các khía cạnh ấy lại là một áp lực khổng lồ.
Trước dịch, những bất hoà trong gia đình có thể tạm được "gác lại" khi mỗi người bước ra xã hội để tham gia vào guồng quay cuộc sống. Nhưng giờ đây, các bậc phụ huynh phải đương đầu với nỗi lo về cơm áo gạo tiền, quan hệ gia đình trong cùng một không gian, thời điểm mà chẳng có mấy sự chuẩn bị hay giúp đỡ.
Chị Diệu là một người mẹ đơn thân, hiện đang làm giám đốc một công ty gia đình tại Gia Lai, cho hay: "Mùa dịch, con cái dọn về, tôi phải chi tiêu nhiều hơn cho thức ăn và những khoản dự trữ khác. Tuy nhiên nỗi lo của tôi không phải đến từ kinh tế mà là từ những mối quan hệ trong gia đình. Một mình tôi phải quán xuyến tất cả mọi việc từ chuyện công ty, nhà cửa, lo cho con cái, đến vấn đề rất vụn vặt nên đôi khi cũng hay nóng giận và cũng sợ làm con tổn thương."
Tìm lại những điều bỏ quên
Tuy nhiên, thời gian sống cùng với gia đình 24/7 cũng là cơ hội để các thành viên hiểu thêm về những thói quen, nhịp sống và cả những nỗi khổ tâm khó san sẻ của người thân.
Chị Diệu cho biết sau khi quan sát thói quen sinh hoạt của cậu con trai sau một năm học đại học xa nhà, bản thân cũng thấy ấm lòng: "Ba cháu mất sớm, nên tôi luôn muốn bù đắp cho cháu, thành ra trước đây con hơi dựa dẫm vào mẹ. Nhưng cũng chính mùa dịch này đã làm tôi nhận ra cậu con trai đã chủ động hơn tron sinh hoạt, tinh tế hơn trong đối xử với người khác. Như vậy cũng bớt lo đi được phần nào."
Dù không trò chuyện nhiều với bố mẹ, Hiếu cũng quan sát được những điều trước đây chưa hề thấy: "Ở nhà nhiều mình mới biết khi cả mẹ và mình đi vắng, ba chỉ có thui thủi một mình bên gian phòng khách xem TV. Còn mẹ vừa phải đi làm và chăm sóc cho ba. Giãn cách đã giúp các bữa cơm gia đình ngày càng nhiều lên và thông qua đó, mình cảm nhận được cả nhà đều rất quan tâm đến nhau, không qua lời nói mà bằng hành động."
Với Chi sinh sống tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng, điều kiện giãn cách đặc biệt của gia đình cũng tạo điều kiện để cô dành thời nói chuyện với nhà nhiều hơn, dù chỉ là qua mạng. Gia đình cô kinh doanh tạp hóa ở con hẻm gần nhà. Tuy nhiên, khi Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” thì cha mẹ của Chi phải ở lại quán tạp hóa để dọn dẹp và trông chừng đồ đạc. Vậy nên cô phải học cách thu vén cuộc sống và đóng vai mẹ chăm sóc em gái của mình. Cũng do đó, cả gia đình thường xuyên nhắn tin, gọi điện và hỏi thăm nhau về những điều nhỏ nhặt nhất diễn ra trong ngày.
Không chỉ tác động đến cảm xúc cá nhân, sống chung với gia đình đã mang lại nhiều nhận thức mới ở nhiều khía cạnh cho người trẻ, nhất là về vấn đề kinh tế của gia đình — những điều mà phụ huynh hiếm khi bày tỏ cùng con cái.
Hà chia sẻ rằng: “Đợt dịch này khiến mình nhận ra mình từng chi tiêu quá nhiều vào những thứ không cần thiết. Trước giờ, thu nhập của gia đình vẫn ổn định nên mình chẳng mảy may về chuyện này, cho đến khi công việc của bố mẹ gặp khó khăn. Có lẽ trước giờ bản thân mình đã hơi vô tâm để có thể nhìn nhận ra ba mẹ chưa ngơi nghỉ phút giây nào trong công việc, để có thể xây dựng một gia đình đầm ấm và tốt đẹp hơn.”
Trước những nhận thức mới về người thân, nhiều người dễ có cái nhìn bi quan về mối gắn kết gia đình trong thời đại mới và những tác động của dịch bệnh. Nhưng theo góc độ tích cực, giãn cách xã hội cũng là cơ hội để mỗi người đối diện và giải quyết các vấn đề tồn đọng thay vì chọn cách trốn tránh như trước, khi không có thời gian tìm ra tiếng nói chung.
Sắp tới, các quy định giãn cách sẽ sớm được nới lỏng, những người trẻ, tùy hoàn cảnh sống và điều kiện tài chính, sẽ có quyết định riêng của mình: đi hay ở. Nhưng dù thế nào, những nhận thức mới về chính mình và người thân sẽ giúp điều hòa mối quan hệ nòng cốt cha mẹ-con cái tốt hơn. Không nhất thiết là: "Xa là nhớ, gần nhau là cười."
Một số tên trong bài viết đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật.
[Hình ảnh trong bài do nhân vật cung cấp]