Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Chuyện yêu của người trẻ mùa dịch: 'Cách nhau 1km nhưng vẫn yêu xa'

Trong một thế giới không ngừng chuyển động, yêu xa đã trở thành một khái niệm khá quen thuộc. Không khó để tìm trong danh sách bạn bè của chúng ta những cặp đôi yêu xa vì một người du học, làm việc hoặc sinh sống ở một xứ sở khác. Và gần đây khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong nước, một “thế hệ" những cặp đôi yêu xa mới đã xuất hiện, lần này không phải vì khoảng cách địa lý, mà vì tình cảnh giãn cách bất di bất dịch.

Người ta thường nói "xa mặt cách lòng." Ai cũng biết yêu xa ngày thường đã khó, yêu xa khi cả thế giới xung quanh bị đảo lộn lại càng khó giữ lửa hơn. Thông thường những cặp đôi chủ động yêu xa thường có sự chuẩn bị nhất định về tâm lý, nhưng còn những cặp đôi "Ngưu Lang-Chức Nữ" bất đắc dĩ của năm 2021 thì sao? Họ đã có những chiến lược gì để duy trì mối quan hệ của mình?

Để trả lời câu hỏi này, Saigoneer đã trò chuyện với những cặp đôi có nỗi niềm vừa chung vừa lại rất riêng và nghe họ kể về cách cùng nhau bước qua đại dịch.

Học cách cởi mở

Lê Hưng và Châu Phương là một trong nhiều cặp đôi phải tạm dời lại kế hoạch đám cưới vô thời hạn. Trong một chuyến đi đến Đà Lạt trước đại dịch, Lê Hưng đã cầu hôn Châu Phương “vào một đêm không hề có nến và hoa, chỉ có chai rượu với thịt do chàng tự nướng.” Theo lời Phương, cặp đôi đã hẹn hò gần được hai năm và mong đến ngày được nên duyên ở lễ đường. 

Phương chia sẻ việc kết nối với bạn trai trong thời gian đầu khá khó khăn vì cả hai vốn không có thói quen nhắn tin, trò chuyện liên tục qua điện thoại; anh Hưng lại thuộc tuýp người nghiêm túc, ít nói do bản chất công việc luật sư. Sau quãng thời gian giãn cách nghiêm ngặt kéo dài, hai người dần dần hình thành thói quen giao tiếp thường xuyên vì đó là cách duy nhất để thắt chặt tình cảm.

“Tới bây giờ thì hết Zalo, rồi Messenger, qua tới Viber và cả Whatsapp, ngày nào tụi mình cũng nhắn tin, tối trước khi ngủ thì gọi điện. Mình rất thích kể mấy chuyện nhỏ xíu với anh,” Phương nói. “Bây giờ không được gặp nhau nên đây là cách duy nhất để biết là nửa kia vẫn luôn lắng nghe mình.”

Phương cho biết, trước đó cả hai đã có linh cảm rằng "sắp giãn cách tới nơi" nên đã lên kế hoạch hẹn hò kín mít trước khi có chỉ thị mới về phòng chống dịch COVID-19: “Tụi mình thích đi cà phê sáng, nên lên lịch những món muốn ăn cùng nhau: bánh mì, xôi, bánh ướt Nguyễn Cư Trinh, bún mọc Thanh Mai, mì cật Trương Định.”

“Ở Sài Gòn, hai đứa sẽ đèo nhau đi bằng xe máy. Nếu sắp xếp được thời gian thì tụi mình sẽ đi chơi xa, vừa đi vừa nghe… cải lương vì anh Hưng thích.”

Gặp nhau thường xuyên nên khi xa cách cặp đôi đã không khỏi cảm giác nhớ nhung và tiếc nuối những khoảnh khắc bên nửa kia: "Tụi mình nhớ cảm giác được nắm tay, ôm hôn, nhớ từng việc tưởng chừng như đơn giản mà bây giờ không làm được, như là đi cafe ăn sáng với nhau, đi nhậu với nhau, ở nhà xem tivi với nhau, v.v."

Kết nối trên mọi "mặt trận"

Thanh Chi và Đăng Trí đều là những người đại diện cho thế hệ Gen Z cởi mở và hiện đại. Cả hai gặp nhau qua ứng dụng Tinder và đã từng có thời gian yêu xa khi Chi đến làm việc tại Đà Lạt. Vì thế, họ cũng đã khá quen với việc không gặp nhau thường xuyên trước đại dịch.

“Tầm hai tuần, anh Trí sẽ lên thăm mình một lần. Hai đứa sẽ rong chơi Đà Lạt đủ chỗ, ngắm bình minh, hoàng hôn đủ kiểu, có khi lại đổi gió đi Nha Trang,” Chi kể lại.

Khi dịch bùng phát, Chi quay về với gia đình ở Sài Gòn, còn Trí về với gia đình ở Đồng Nai và bắt đầu làm việc tại nhà. Chi thừa nhận rằng mình và nửa kia đều là workaholic nên cả hai đều bận rộn. Dù vậy, cặp đôi vẫn tìm cách dành ra một khoảng thời gian cho nhau, ngay cả trong giờ hành chính.

“Chúng mình sẽ gọi điện và… nhìn nhau làm việc. Hai đứa làm hai công việc khác nhau nhưng đều ‘bán mình cho tư bản’ hết. Lâu lâu sẽ chèn một hai câu để kể về công việc hiện tại, hoặc đơn giản là ‘em ngứa đầu quá, chắc phải đi gội đầu thôi!’”

Bên cạnh đó, Chi và Trí cũng tìm sự kết nối qua các công cụ trực tuyến như game và khoá học online: “Tụi mình cũng muốn ‘upgrade’ bản thân nên giao kèo nếu ai chưa hoàn thành mục tiêu này hoặc mục tiêu kia thì sẽ đóng vào quỹ của hai đứa 500.000VND."

Đôi bạn trẻ cho biết cả hai chia sẻ những điều nhỏ nhặt và thường nhật nhất để cập nhật cuộc sống cho đối phương, và để cảm thấy gần nhau hơn: “Hằng ngày, tụi mình sẽ kể cho nhau nghe về món mà gia đình nấu. Đôi khi, anh Trí sẽ lên sân thượng và gọi cho mình để hai đứa cùng ngắm hoàng hôn.”

Những vấn đề cá nhân, như sự nhạy cảm của Chi và áp lực từ công việc của Trí, cũng khó giải toả hơn khi không được gặp mặt trực tiếp. Khi ấy cặp đôi chọn trò chuyện thẳng thắn với nhau về cảm xúc cũng như căng thẳng cả hoà giải và cảm thông cho nhau hơn: “Mình nghĩ khi có vấn đề tốt nhất là không nên bóng gió hay ầm ĩ với ai, chỉ cần hai đứa chịu ngồi xuống làm rõ vấn đề, bày tỏ suy nghĩ là giải quyết được thôi.”

Sau đại dịch, điều mà cặp đôi muốn thực hiện nhất là đi du lịch Sa Pa và Vũng Tàu để tổ chức sinh nhật muộn cho Chi.

Vừa giữ lửa tình yêu, vừa giữ bí mật với gia đình

Tình yêu của Minh Uyên và Hà Như lại gặp những trở ngại khác đến từ việc giữ bí mật với gia đình. “Mình đang ở với gia đình và chưa nói với mọi người là mình có bạn gái. Còn Như thì ở một mình nên không có ai chăm sóc mùa dịch. Vừa không có riêng tư vừa không được an tâm nên hôm nào cũng lén gọi nhau xem đứa kia còn sống không,” Minh Uyên hài hước chia sẻ.

Hai cô gái có lộ trình yêu đương khá kỳ lạ. Cả hai từ xa cách 300km khi Như sống ở một nông trại Đà Lạt, đến cách nhau 1km khi cả hai cùng làm việc ở Sài Gòn. Giờ đây vì dịch COVID-19, cặp đôi lại rơi vào tình cảnh yêu "xa" trong bán kính gần.

Là những foodie chính hiệu, nên câu nói "con đường đi tới trái tim nhanh nhất là qua dạ dày" rất đúng với cặp đôi này cả trước và trong thời kỳ giãn cách. Khi vừa mới về chung một mã vùng, cả hai đã "oanh tạc" khắp địa bàn Sài Gòn. “Chúng mình có tâm hồn ăn uống nên trước dịch thường hay đi la cà để tìm quán ngon, bất kể Tàu, Tây hay ta. Tình yêu của hai đứa lúc đó thực sự được đo bằng vòng bụng.”

Thử thách đầu tiên xảy đến khi khu phố của Hà Như bị phong toả ba tuần do có ca nhiễm. Trước đó, cô nàng vì bận rộn nên không nấu ăn hay dự trữ thực phẩm trong nhà. Minh Uyên vì thế mà trở thành tình nguyện viên "đi chợ hộ" cho bạn gái. 

“Lần đấy bọn mình cãi nhau suýt chia tay vì mình toàn chọn thức ăn… hợp khẩu vị với mình. Và lúc giao đồ qua rào chắn thì tưởng sẽ rất lâm li bi đát nhưng hai đứa lại nhìn nhau rồi phá ra cười vì cả hai đều rất cẩn thận tuân thủ những quy định an toàn chuẩn 5K.”

Cùng với tình hình phức tạp của dịch bệnh, thời gian xa nhau của cặp đôi cứ thế kéo dài từ ba tuần thành ba tháng. Hoàn cảnh sống của khác nhau của cặp đôi trở thành một trở ngại đáng kể.

Cũng như những cặp đôi khác, cả hai dùng những ứng dụng để giữ liên lạc với đối phương: “Chúng mình dành một khung giờ nhất định để gọi cho nhau, thường là vào giờ trưa, nên ‘Ăn gì chưa?’ trở thành câu cửa miệng của hai đứa. Mỗi khi có món gì ngon, tụi mình cũng quay cho nhau xem hoặc ăn chung với nhau.”

Uyên là một người diễn đạt khá linh hoạt, còn Như thì kiệm lời hơn, dẫn đến một số hiểu nhầm khi chỉ nhắn tin. “Giải pháp của chúng mình là biểu cảm qua meme mèo. Buồn thì gửi mèo mếu máo; vui thì gửi mèo 'dung dăng dung dẻ.' Dù hơi nặng máy nhưng được cái nhẹ đầu!”

Một số tên trong bài đã được thay đổi theo nguyện vọng của nhân vật.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Hoạt động thiện nguyện của hội nhóm và người Hà Nội: Vì những người 'đang ở phía sau'

"Khi nhận được gạo, bác ấy có vẻ mừng lắm. Bác cũng không có điện thoại thông minh hay thiết bị điện tử gì. Giúp được một người cần giúp đỡ như vậy, mình cứ thấy vui trong lòng."

in Đời Sống

Tổ chức tình nguyện giúp cải thiện tinh thần trẻ nhỏ trong giai đoạn giãn cách

Khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam, Saigon Children, một tổ chức thiện nguyện vì trẻ em, đã tích cực hoạt động để giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận đầy đủ v...

in Đời Sống

Bước qua một mùa giãn cách, người Sài Gòn mình lại tìm thấy nhau

Trước những xô bồ của cuộc sống, đôi khi chúng ta bỏ lỡ mất những điều đặc biệt xung quanh mình. Trước đây, tại các khu tập thể, chung cư ở Sài Gòn, những người trẻ thường chẳng mấy quan tâm lắm về nh...

in Đời Sống

Khi mã QR tiêm chủng trở thành hot trend thời trang

Đôi khi, một xu hướng thời trang ra đời không phải vì nó đẹp, mà vì nó thiết thực. 

in Đời Sống

Người trẻ sống chung với cha mẹ trong giãn cách: 'Xa là nhớ, gần nhau là cười'?

Những đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua đã tạo cơ hội để các gia đình dành nhiều thời gian cho nhau, nhưng cũng đồng thời tạo sức ép tinh thần không  nhỏ khi các thành viên khó tìm được thời g...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Tôi đi tìm lại hương vị ‘lãng quên’ của Sài Gòn sau mùa giãn cách

Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, Sài Gòn đã chính thức lấy lại nhịp sống và bước vào những ngày “bình thường mới.” Đây cũng là dịp đánh dấu lần đầu tiên tôi bước ra khỏi nhà sau bốn tháng d...