Khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam, Saigon Children, một tổ chức thiện nguyện vì trẻ em, đã tích cực hoạt động để giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận đầy đủ với các nhu yếu phẩm như thực phẩm và thuốc men.
Tuy nhiên, trong làn sóng COVID-19 thứ tư, cũng là làn sóng khắt nghiệt nhất cho đến nay, Saigon Children nhận được nhiều "lời kêu cứu" mới từ các bậc phụ huynh về một vấn đề ít ai nghĩ tới: không chỉ có thể chất, mà ngay cả tinh thần của trẻ em cũng đang bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách.
Giám đốc điều hành của Saigon Children, anh Damien Roberts cho biết: “Chúng tôi đã gọi điện cho hơn 1.000 gia đình có hoàn cảnh khó khăn để xem họ cần giúp đỡ những gì. Hầu hết mọi người đều cần thực phẩm, nhưng một số người cũng tâm sự rằng họ đang rất lo cho con em mình. Hiện tại, các em đã phải ở trong nhà rất lâu, dẫn đến tâm trạng buồn bực và chán nản vì không thể gặp gỡ bạn bè.”
Gia đình của người mẹ đơn thân Bùi Cảnh Vân là một trong rất nhiều trường hợp như vậy. Con của chị Vân, bé Khang, là một bé trai 4 tuổi mắc chứng tự kỷ. Em không hiểu vì sao mình không được ra ngoài chơi, còn chị Vân thì đã mấy tháng nay không có thu nhập do công ty tạm ngừng hoạt động.
Nhưng dần dần, hai mẹ con đã thích nghi được với cuộc sống của thời giãn cách xã hội. Nhờ chương trình hỗ trợ giáo dục của Saigon Children, bé Khang đã tạo thói quen tập thể dục, đọc sách và các hoạt động bổ ích khác.
Ưu tiên của Saigon Children là thực hiện các chương trình chăm sóc sức khoẻ trẻ em về cả thể chất lẫn tinh thần, trong đó có gói hỗ trợ “Ba lô chở che mùa COVID” bao gồm thực phẩm, xà phòng, nguyên liệu làm bếp cơ bản, cũng như sách và đồ chơi. Ngoài ra, phụ huynh còn được nhận một sách hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe và trò chuyện với trẻ về các vấn đề tâm lý.
Cho đến nay, chiến dịch có hoạt động mãnh mẽ nhất là chương trình đọc truyện cho trẻ bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, các tình nguyện viên sẽ đọc sách cho trẻ qua các video đăng tải trên trang Facebook của Saigon Children. Đã có hàng chục tình nguyện viên tham gia vào chiến dịch, trong đó có Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM là bà Emily Hamblin, fashionista Châu Bùi, doanh nhân-"shark" Thái Vân Linh.
“Mình nghĩ đây là một chương trình rất bổ ích, không chỉ cho các em nhỏ mà còn cho cả những tình nguyện viên nữa,” trích lời chị Vi Mai, một giáo viên cũng tham gia vào chiến dịch. “Đây là một hoạt động ý nghĩa mà ai cũng có thể tham gia.”
Tuy mọi độ tuổi đều gặp những khó khăn riêng trong thời kỳ giãn cách, người lớn có những lợi thế nhất định so với trẻ em.
Anh Merijn Mattheijssen, quản lý đến từ Psychologist Vietnam, cho biết người lớn có thể dựa vào kinh nghiệm sống của bản thân để vượt qua thử thách, nhưng trẻ em chỉ có thể dựa vào các hành vi và cảm xúc của cha mẹ mình.
“Họ [người lớn] đã có nhiều trải nghiệm trong quá khứ và học được cách đối phó với những tình huống khó khăn. Còn trẻ em thì không có kinh nghiệm gì cả và chỉ biết hành động theo lời của người lớn,” anh cho biết. “Nếu cha mẹ căng thẳng và lo âu thì con cái họ thường cũng sẽ có những biểu hiện đó.”
Anh Merijn cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ mắc chứng “nghiện màn hình” khi trẻ em dành hàng giờ mỗi ngày để xem TV, chơi game trực tuyến hoặc lướt mạng xã hội. Thời gian sử dụng màn hình nhiều như vậy có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của trẻ và khiến trẻ cảm thấy cô đơn hơn.
Thêm vào đó, các em cũng không được gặp gỡ bạn bè, hay tương tác trực tiếp với thầy cô, lớp học; trong khi đây lại là những trải nghiệm cần thiết để trẻ phát triển khả năng giao tiếp và trí tuệ xúc cảm, giúp các em học được những kỹ năng sống quan trọng trong tương lai.
Một nghiên cứu vào năm 2018 của UNICEF chỉ ra rằng có khoảng 12% trẻ em Việt Nam đang gặp các vấn đề về tâm lý, phố biến nhất là các chứng lo âu, trầm cảm, cô đơn, tăng động và thiếu khả năng tập trung.
Cùng với sự bùng phát của đại dịch, các chuyên gia lo ngại tỷ lệ trẻ gặp vấn đề tâm lý sẽ gia tăng. Anh Merijn chia sẻ: “Tôi e ngại rằng nếu làn sóng dịch này kéo dài hơn sáu tháng, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều hệ quả tiêu cực. Trẻ em có nguy cơ mắc các chứng lo lâu, mất ngủ, hoặc thậm chí bị nghiện chất độc hại.”
Vào những ngày trước đại dịch, chị Jesse Hoàng Nguyên thường đưa cô cháu gái 8 tháng tuổi của mình đi dạo quanh thành phố và chơi chung với các bé khác bằng tuổi. Nhưng trong thời kỳ đại dịch thì cô bé đã bị tước mất niềm vui này. “Cháu gái mình khá là hiếu động, nên mình nghĩ là bé sẽ thích có bạn bè hơn dù bé cũng còn khá nhỏ,” Jesse chia sẻ.
Khi tham gia chiến dịch đọc truyện qua video trực tuyến của Saigon Children, Jesse đã chọn câu chuyện “Sleepy, Oh So Sleepy” (tạm dịch: Buồn ngủ! Ôi buồn ngủ quá!), một tựa sách minh họa tiếng Nhật được dịch sang tiếng Việt. Mendy, một người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, đã đồng hành với Jesse trong video để giúp các bé khiếm thính cũng "nghe" được câu chuyện.
“Mình muốn mang đến các em một niềm vui nhỏ,” Jesse nói. "Có rất nhiều người như mình cũng quan tâm đến sức khỏe và tâm lý của các em trong thời gian giãn cách này.”
Bên cạnh đó, các nhà hoạt động xã hội về quyền trẻ em cũng bày tỏ quan ngại về điều kiện học tập của các em. Tuy học trực tuyến là phương án khả thi nhất trong tình hình hiện nay, việc dành hàng giờ liền trước màn hình điện thoại hay máy tính có thể khiến trẻ mất tập trung ngay trong buổi học.
Anh Merijn cho biết: “Khả năng tiếp thu sẽ giảm sút sau một thời gian liên tục tiếp xúc với màn hình điện tử.”
Song song với đó, nhiều gia đình đã phải cho con nghỉ học do không có khả năng chi trả học phí và dụng cụ học tập.
“Tỷ lệ nghỉ học của trẻ em trên toàn quốc có thể sẽ tăng cao, gây tác động lâu dài đến cuộc sống của các em sau này,” anh Damien nói.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn có thể hỗ trợ con em trong điều kiện cho phép. Anh Merijn cho biết phụ huynh có thể khuyến khích các em chia sẻ những cảm nghĩ của bản thân với gia đình. Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ xây dựng và duy trì các thói quen lành mạnh, hay khám phá một sở trường mới như học ngoại ngữ hay chơi nhạc cụ.
"Cha mẹ cần trở thành hình mẫu cho trẻ noi theo, nhất là vào lúc này," anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, anh Damien cũng hiểu rằng không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế và thời gian để chăm lo cho mọi nhu cầu của trẻ em. Dù vậy, anh hy vọng Saigon Chidlren có thể góp phần giúp các em khỏe mạnh và năng động trong thời gian giãn cách xã hội.
Thế Huy, một tình nguyện viên khác trong chiến dịch của Saigon Children, là một ca sĩ nhạc cổ điển. Trong video của mình, Thế Huy kể một câu chuyện về quả trứng, củ khoai tây, nhúm lá trà và phản ứng khác nhau của mỗi vật khi được bỏ vào nước sôi. Huy cho rằng câu chuyện khiến người nghe suy ngẫm về cách mỗi người phản ứng trước một tình huống khó khăn trong cuộc sống.
“Ai cũng gặp khó khăn trong giai đoạn này. Nhưng nếu nghĩ tích cực thì đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta sống chậm lại, dành thời gian bên gia đình và tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa cho cộng đồng. Để khi quay trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch, chúng ta có thể thành một phiên bản tốt hơn của chính mình, và các em cũng vậy.”