Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Chuyện đời trên những chuyến đò cuối cùng của Hội An

Chuyện đời trên những chuyến đò cuối cùng của Hội An

Là bạn đồng hành trên những hành trình thường nhật của người lao động và cư dân Hội An, những người lái đò và các chuyến đò trên con sông Thu Bồn có thể sẽ chỉ còn là một mảnh ký ức trong những năm sắp tới.

Nằm cách thành phố Hội An không xa, có một vùng quê mang tên Cẩm Kim, được tách biệt khỏi trung tâm phố cổ bởi con sông Thu Bồn. Mỗi ngày, cư dân từ hai bờ đều qua lại tấp nập để phục vụ nhu cầu sinh  hoạt và làm việc. Nhiều năm liền, đò trở thành phương tiện giao thông độc nhất để rút ngắn khoảng cách giữa ngôi làng và thành phố.

Sau này, một chiếc cầu được xây dựng để kết nối Cẩm Kim và Hội An, nhưng vì những lý do riêng, người dân nơi đây vẫn lưu luyến và lựa chọn di chuyển trên những chuyến đò này.

Ban đầu, những chuyến đò ngang được thực hiện bằng những chiếc ghe chèo đơn sơ. Đến những năm 2000, các bến đò bắt đầu được lát xi măng, những chuyến đò lại càng rời bến đều đặn. Người lái đò cũng dần nâng cấp phương tiện của mình: có người gắn thêm động cơ; có người còn sắm cả một chiếc thuyền lớn.

Chị Liên, 54 tuổi, là một người bán hàng rong ở Cẩm Kim. Hàng tuần, chị sẽ bắt đò đi Hội An để chở cá ra chợ bán. “Xe máy hay xe đạp chị cũng không biết chạy. Chị biết đi bộ thôi, nên chị thấy đi đò tiện nhất. Chị mà đi bằng cầu chắc chị mỏi gãy chân. Xa quá là xa,” chị vừa nói vừa cười.

Ngồi trên đò là lịch trình hàng ngày của nhiều người.

Đến nay, những chuyến đò vẫn đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của nhiều cư dân. “Tụi chị muốn đi bán ở Hội An thì chỉ biết đi đò. Hội An mà không còn đò nữa thì tụi chị không biết kiếm ăn làm sao," chị Tới, chị gái của chị Liên, 67 tuổi, cho biết.

Khi đi trên đò, hành khách thường tận dụng thời gian để nghỉ ngơi và trò chuyện với nhau.

“Đã đi đò thì ai cũng là người nhà. Cái gì tụi chị cũng nói được. Chuyện làm, chuyện đời, chuyện buồn, chuyện vui. Mấy lúc tụi chị bán hết hàng, được nhiều tiền, tụi chị kể cho nhau hết," chị Nhã nói.

Những người đi đò thường chỉ biết đi bộ hoặc đi xe đạp.

Chị Nhã, 60 tuổi, sống ở Cẩm Kim, là một người bán bắp dạo. Mỗi buổi sáng, chị bắt đò đi Hội An để bán hàng, rồi về lại làng vào buổi chiều.

“Buổi trưa mà phải đạp xe qua cầu thì mệt lắm. Đi đò thì chị chỉ việc dắt xe đạp, ngồi nghỉ, tám chuyện với bạn, rồi đi tà tà về nhà,” chị Nhã nói. “Chị đi đò này được 18 năm rồi. Ngày xưa ngồi trên thuyền đông đúc thì thích hơn nhiều."

Cách đây nhiều năm, các chuyến đò đón hàng trăm hành khách mỗi ngày. Nhiều người trong số đó là người bán hàng rong. Họ bắt chuyến đò sớm để đến Hội An bán hàng. “Hồi trước bến đò này sáng nào cũng nhiều người mua bán hết. Nhìn đông vui lắm," chị Nhã kể lại.

Ảnh trái: Một hành khách sắp xếp hàng hóa của mình trên chuyến đò. Ảnh phải: Một nữ hành khách đi từ Hội An về Cẩm Kim.

Với người làm nông ở Cẩm Kim, những chuyến đò là cách duy nhất để mang rau rủ vào bán ở trung tâm thành phố. Khi ở Hội An, họ cũng mua thực phẩm và nhu yếu phẩm khác để đem về nhà.

Khi du lịch ở Hội An bắt đầu phát triển và các công trình mới được xây lên ở phố cổ, nhiều người dân Cẩm Kim đã bắt đò để đi làm ở các công trường xây dựng.

Học sinh ở Cẩm Kim cũng đi đò để đến trường. “Hồi trước có nhiều đứa đi học lắm nên có thuyền riêng rước tụi nó. Tụi nhỏ nói nhiều với nghịch dữ lắm. Nhưng mà dễ thương nên ngồi chung cũng vui," chị Nhã kể.

Người lái đò giúp hành khách dỡ hàng hoá và xe đạp từ thuyền lên bến.

Những chiếc thuyền chèo tay được cho là làm khó người lái đò nhất. “Lái đò vừa cực vừa mất sức, nhất là lúc trời gió. Chú phải chèo nhanh để chở người ta đi làm đúng giờ. Nhiều khi chú chẳng ăn gì tới trưa. Chú chỉ xách theo gói sữa để nào đói thì lấy ra uống,” chú Lê Viết Nam, 72 tuổi, người dân Cẩm Kim làm nghề lái đò, cho biết.

 Cách đây 8 năm, chú dừng làm nghề đánh cá, và chuyển sang làm lái đò. Mỗi sáng, chú thức dậy vào 3 giờ sáng để chuẩn bị cho chuyến đò đầu tiên, khởi hành từ Cẩm Kim lúc 4 giờ sáng.

“Ngày nào chú cũng đi làm, trừ những ngày mưa to. Mấy lúc đó, chú nhớ lắm mà không lái được," chú Nam chia sẻ.

Những chuyến phà đã cùng hành khách đi qua nhiều năm tháng, nhiều hoàn cảnh. Từ điểm dừng không tên đến bến đò chính chức, từ thuyền chèo tay đến thuyền chạy bằng động cơ diesel, từ ngày có cây cầu đền ngày đại dịch bùng phát.

Qua nhiều năm, những chuyến đò trở thành một phần của cuộc sống ở Hội An.

Từ ngày cây cầu được xây dựng, số chuyến đò càng lúc càng thuyên giảm. Nhiều người lái đò đã bán thuyền và bỏ nghề. Cùng với sự phát triển của ngành du lịch của Hội An, các chủ thuyền nối tiếp nhau chuyển sang làm vận tải du lịch. Thế rồi, đại dịch ập đến, và nhu cầu tàu thuyền du lịch cũng giảm dần.

"Cuộc đời chú làm lái đò, nó chòng chành như sóng nước vậy đó," chú Nam ví von về nghề của mình. 

Chú kể rằng ngày trước, mỗi ngày chú đi làm kiếm được hàng trăm nghìn đồng. Ngoài những chuyến đò hàng ngày, chú còn chở khách đi tham quan để kiếm thêm thu nhập. Sau khi cây cầu được xây dựng, và đại dịch bùng phát, mỗi ngày chú kiếm chưa đến 100.000 VND. Dẫu vậy, chú vẫn tiếp tục theo nghề.

“Chú nghĩ là khách người ta thương nên đi đò của mình tới giờ. Mỗi lần tới nơi là chú phụ khách dỡ xe dỡ hàng lên bến hết," chú Nam nói.

Những người bán hàng trên đường về nhà sau một ngày buôn bán ở Hội An.

Hiện nay, chỉ còn ba chuyến đò còn hoạt động trên tuyến Cẩm Kim-Hội An, và chỉ có ít chuyến đò chạy vào buổi sáng và buổi trưa. 

"Chị nghĩ là mấy đời nữa chắc không còn ai chạy đò. Bây giờ xã hội hiện đại lắm. Tụi trẻ biết đi xe máy, xe hơi nên đi bằng cầu cho tiện," chị Nhã nói.

Còn chú Nam? "Chừng nào mà không ai đi nữa thì chú nghỉ hưu. Giờ chú vẫn đi làm, vừa giữ sức khoẻ vừa giúp mấy người còn cần đi đò."

Những chuyến đò như thế không chỉ là một phần của cuộc sống người dân, mà còn là một nét đẹp của đô thị cổ. "Mất mấy chuyến đò này là mất luôn một phần của Hội An. Chú mong sau này người ta vẫn lái đò, đi đò để gìn giữ Hội An xinh đẹp,” chú nói.

Để lưu giữ kỉ niệm về những chuyến đò, chú Nam và những người đồng nghiệp đã sáng tác một điệu hò:

Cây đa tróc gốc trôi rồi

Đò đi bến khác, em ngồi đợi ai.

Ai về xứ Cẩm chiều mai

Cho tôi nhắn gửi vòng thơ tặng nàng.

Cẩm Kim có chiếc đò ngang

Cho anh đi với, đừng sang một mình.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

Paul Christiansen

in Xê Dịch

'Ngôi làng' bích họa mang sức sống mới đến các dốc phố Đà Lạt

Có phải COVID-19 đã làm bức tranh cuộc sống trở ảm đạm hơn rất nhiều không? Bởi sau một mùa dịch dài không được gặp gỡ hội hè, không được tham dự hòa nhạc và không được du lịch, còn mấy dịp để chúng t...

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

in Đời Sống

Hành trình 'tái sinh' của nội thất cũ tại hẻm đồ gỗ Phạm Thế Hiển

Càng đi sâu vào con hẻm 124 trên đường Phạm Thế Hiển, tôi càng khó thở vì những cơn ho khan.

in Đời Sống

Len lỏi giữa phố phường Hà Nội trên tuyến metro Cát Linh-Hà Đông

Ở nhiều đô thị trên thế giới, tàu metro chỉ đơn giản là một phương tiện công cộng, tiện ích phổ thông mà người thành phố đương nhiên phải có. Nhưng trước khi tuyến Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động ở ...

in Ao Ta

Lênh đênh nghề lái tàu du lịch ở Phú Quốc quanh năm bám biển

Trước khi dịch bùng phát lại và TP. HCM phải tạm dừng mọi hoạt động để giãn cách xã hội, tôi đã có chuyến đi đến thăm Phú Quốc và có dịp lắng nghe các thuyền viên của một tàu du lịch chia sẻ về những ...