Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Bên trong lò rèn Thủ Đức giữ lửa truyền thống gia đình suốt 4 thế hệ

Bên trong lò rèn Thủ Đức giữ lửa truyền thống gia đình suốt 4 thế hệ

Chẳng ngoa khi nói làm việc tại một lò rèn tựa như đang ở Hỏa Diệm Sơn.

Có hai bài thơ tôi nhớ nhất thời tiểu học, đó là bài ‘Tiếng chổi tre’ của nhà thơ Tố Hữu và ‘Thợ rèn’ của nhà thơ Khánh Nguyên. Trong những suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ thuở ấy, tôi đã liên tưởng đến sự vất vả của chị lao công và bác thợ rèn thông qua nhiệt độ: chị lao công phải ra đường dọn sạch hè phố trong tiết lạnh sương đêm, và bác thợ rèn phải đứng ở cái lò lửa theo đúng nghĩa đen.

Vào những ngày Sài Gòn nắng oi ả, ai ra đường cũng mong mình đến nơi thật mau để không cháy da cháy thịt. Thế nhưng, cũng trên chiếc xe ga vụt nhanh qua tiết trời ấy, tôi bất giác suy nghĩ về những người làm nghề mình đồng da sắt với nhiệt độ vẫn luôn bám trụ qua cái nắng khắc nghiệt ấy hàng chục năm.

“Nhà tôi 4 đời” làm nghề rèn

Có một số, thậm chí đa số, lò rèn ngày nay không được đặt tên theo người chủ hiện tại. Những lò rèn này đã tồn tại từ rất lâu, được cha truyền con nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc giữ nguyên tên gọi là cách họ thể hiện sự tôn trọng với người đi trước, với nghề cầm búa, cũng như với cơ ngơi mà mình tiếp nối. Lò rèn Phương, với tuổi đời xấp xỉ hơn 80 năm, mang trong mình một di sản như vậy.

“Cái này là tên của ông cố, lúc đó mọi thứ vẫn còn hoang sơ lắm, chủ yếu là vận hành bằng sức người cả. Trước đây ông phải sử dụng quạt gió quay bằng bánh xe để kích thích than đá cháy, chứ chưa có quạt thổi tự động như bây giờ. Dù vất vả nhưng ông yêu nghề lắm, ông dạy cho cha, rồi cứ vậy cha truyền cho mình,” anh Toản, chủ lò tâm sự. Anh vừa nói, vừa tự hào chỉ vào biển hiệu đã nhuốm đầy dấu tích thời gian ở đầu con hẻm đi vào lò rèn.

Các sản phẩm chính của lò rèn Phương bây giờ bao gồm dao phay, dao yếm, dao phát, cuốc xẻng làm vườn, xà beng, và các nguyên vật liệu chuyên dụng cho công trình. Ngoài ra, lò rèn vẫn luôn nhận những đơn đặt hàng vật dụng thủ công theo yêu cầu của khách như dụng cụ đục bắn bê tông, xà beng đào đường.

Thông thường, một con dao chặt xương sẽ mất khoảng 2–3 tiếng để hoàn thành. Với thợ lành nghề như anh Toản, quy trình này quen thuộc đến mức gần như trở thành một bản năng. Anh không gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các bước để tạo ra một con dao chất lượng. Tuy nhiên, đôi lúc lò sẽ có những vị khách khó tính yêu cầu sản phẩm phải thật tỉ mỉ, sắc bén và kích thước, cân nặng phải chuẩn xác từng milimet. Với những đơn hàng như vậy, anh Toản phải cân đo đong đếm kỹ lưỡng hơn, từng chi tiết nhỏ cũng không thể bỏ sót.

Để làm ra một con dao hoàn hảo, anh Toản cho rằng người thợ rèn trước hết phải chọn được loại thép phù hợp, loại thép có thể mang lại độ cứng và độ bền như mong muốn. Sau khi đã chọn được thép, miếng thép sẽ được anh Toản nung đỏ trong lò, làm mềm đi để dễ dàng rèn rồi nhanh chóng đập búa để cải thiện cấu trúc hạt của thép, làm cho lưỡi dao mạnh và sắc bén hơn mỗi lần mài dũa.

Bước tiếp theo là quá trình nhiệt luyện. Đây là giai đoạn then chốt quyết định chất lượng của con dao. Thép sẽ được nung nóng đến một nhiệt độ cụ thể rồi làm nguội nhanh chóng bằng hỗn hợp nhớt và hóa chất. Quá trình này không chỉ làm tăng số carbon trong thép, mà còn tăng độ cứng của lưỡi dao, khiến cho người sử dụng có thể cắt gọt mọi thứ thật ngọt. Cuối cùng là công đoạn mài thêm, đánh bóng, tra cán dao và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thành phẩm đến tay khách hàng.

Nói về giá cả, anh Toản chia sẻ: “Có những con dao ngoài chợ người ta chặt lâu giờ nó dày mép quá, giờ chặt nữa không được thì đem đến mình rèn mép làm lại, hoặc đặt cái mới luôn. Rèn dao thì rẻ thôi, cỡ vài chục nghìn, còn dao mới thì giá sẽ dao động từ vài chục đến mấy trăm nghìn, tùy theo nhu cầu của khách. Ví dụ dao chặt dừa sẽ dao động tầm 150.000–200.000VND, còn dao chặt xương thì 250.000–300.000VND. Loại nào tốt hơn, chi tiết và khó làm hơn sẽ có giá cao hơn một chút.”

Dù chỉ kinh doanh nhỏ nhưng mỗi sản phẩm của lò rèn cũng có chế độ bảo hành vô cùng độc đáo. Nếu có phát sinh hao mòn, chỉ cần mang đến anh Toản sẽ chỉnh sửa lại miễn phí. Nhưng may mắn sao từ khi anh Toản nối nghiệp cha đến nay, hầu như chưa có ai phàn nàn về chất lượng sản phẩm hay yêu cầu hoàn trả.

Giữ lửa cho nghề rèn

“Em biết không, người ta thường đùa rằng lò rèn là cái chốn ‘cực nghèo.’ Thợ ở ngoài lò gõ búa kêu ‘cực,’ ở trong thợ khác thả đồ vô nước cái ‘xèo’ tức là ‘nghèo,’” anh Toản xuề xòa nói vui.

Anh kể người đời hay trêu rằng, ngoài cái nghèo, nghề này còn được thêm cái khổ. Thế nhưng thay vì trốn tránh, anh quyết định hoàn thành xong việc học, đi ra ngoài làm một thời gian rồi về làm phụ ba và tiếp quản lò rèn Phương đến nay đã hơn 20 năm.

“Nghề này nó khổ, nó cực và nóng thật,” anh nói. “Nếu tính thì có lẽ khoảng cách giữa cái lò tới bản thân mình cỡ ngàn độ, hơi nóng bốc lên trực tiếp chắc khoảng 1.200–1.300°C, dù có 2–3 hướng quạt để hỗ trợ thổi cho tỏa sức nóng đó đi nhưng dĩ nhiên sẽ có ảnh hưởng. Và rõ ràng tiếp xúc với than đá sẽ có độc hại. Nhưng nghề này nghề mình thật sự yêu thích, mọi thành phẩm được làm ra bằng chính đôi tay, mồ hôi, công sức của mình. Cảm giác khi mình nắn, uốn hay tán con dao hay cái đục nhỏ thôi mình cũng nghĩ là mình đang lao động chân chính và sản phẩm của mình hỗ trợ được cho công việc của nhiều người, nó khó tả lắm.”

Anh thừa nhận hiện tại các lò rèn không thể nhiều khách được như thời hoàng kim vì máy móc, dây chuyền sản xuất đã ngày càng hiện đại. Tệp khách giảm nhiều nhất có lẽ là các nhà thầu xây dựng và công ty cần hàng số lượng lớn. Mặt khác, thời thế thay đổi khiến giá cả và thị trường kinh doanh các sản phẩm này ngày càng đa dạng hơn đã đưa nghề rèn thủ công vào một thế khó.

“Thời hoàng kim, lúc nào lò rèn của mình cũng tấp nập, vì người ta đặt đủ thứ hết chứ không riêng gì búa, dao, đục… Nhưng rồi mọi thứ phát triển, có công nghệ sản xuất hàng loạt, đồ dùng ổn mà giá mềm nên khó lòng cạnh tranh được,” anh Toản tâm sự. Mặt khác, sự xuất hiện của dịch COVID khiến bao doanh nghiệp lao đao và anh Toản không nằm ngoài cơn bão ấy.

Thế nhưng anh Toản không quá bi quan và cho rằng mỗi sản phẩm sẽ có một đặc tính khác nhau. Có những sản phẩm đặc biệt buộc khách hàng phải đặt riêng chứ không thể tìm được ở bên ngoài thị trường như chiếc cưa lim chặt dừa, phụ tùng sửa chữa ô tô hay con dao để cắt thức ăn cho gia súc, vốn phải đảm bảo từng chi tiết theo yêu cầu của người sử dụng.

Nếu như nghề rèn thường được phát triển theo hình thức cha truyền con nối, thì một số khách hàng của lò rèn ấy cũng duy trì truyền thống tương tự. Sản phẩm của lò rèn có độ bền cao, có thể sử dụng qua 2, 3 thế hệ. Thậm chí, khi có nhu cầu đổi mới, họ vẫn chỉ con cháu đến lò rèn năm ấy. Anh Toản kể rằng, nhiều người lớn tuổi ở Long An, Hóc Môn, Củ Chi... vẫn sẵn sàng đi đường xa hoặc nhờ người mua hộ vì tin tưởng và ưa chuộng. Nhờ vậy, lò rèn có thể tồn tại bền vững theo năm tháng.

Anh nhớ nhất kỷ niệm với một vị khách Ấn Độ. Vị khách này bay qua Việt Nam đặt hàng, được giới thiệu đến lò rèn Phương nhưng anh Toản lại không biết tiếng Anh, cả hai không giao tiếp được nên cầm cục phấn... ngồi xuống đất vẽ như con nít. “Mình không hiểu khách nói gì hết, mà cả hai ngồi vẽ hình thù, rồi cách làm, vậy mà vẫn xuất đi Ấn được mấy chục cây xà beng. Sau đó anh này có quay lại thêm 5–7 lần nữa để đặt thêm, tổng cộng là mình làm được mấy trăm cây,” anh nói.

Từ tận đáy lòng, anh Toản vẫn luôn muốn duy trì nghề của ông cha sao cho thật lâu, nhưng luôn trăn trở rằng anh đã ngoài 50 nhưng con vẫn còn quá nhỏ, không biết có muốn hay có thể nối nghề kịp hay không. Nhưng anh vẫn luôn hy vọng rằng con cái có thể tiếp bước thắp sáng lò rèn qua nhiều thế hệ nữa.

“Nếu các bạn trẻ yêu thích nghề rèn, hãy tìm đến học hỏi để nó có thể tiếp tục tồn tại. Hy vọng sau này, dù đất nước có cải tiến hay thay đổi, mình vẫn nhớ được rằng cha ông ta ngày xưa đã làm những công việc như thế này.”

Lò Rèn Phương tọa lạc tại địa chỉ 562 Tô Ngọc Vân, Tam Bình, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

Bài viết liên quan

Chris Humphrey

in Đời Sống

Vẻ đẹp bình dị của làng gạch bên bờ sông Hồng

Ở vùng đất rộng lớn và phong phú như Hà Nội, không khó để tìm thấy những "viên ngọc quý" tại những nơi chốn tưởng chừng đã quen thuộc. Dẫu biết bề dày ấy của thành phố thủ đô, tôi vẫn không khỏi bất n...

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

in Đời Sống

Hành trình 'tái sinh' của nội thất cũ tại hẻm đồ gỗ Phạm Thế Hiển

Càng đi sâu vào con hẻm 124 trên đường Phạm Thế Hiển, tôi càng khó thở vì những cơn ho khan.

in Văn Hóa

Nhấp ngụm trà sen Bách Diệp, thưởng lãm hương vị đất trời trăm năm của xứ Tây Hồ

Uống một ngụm trà sen là thưởng thức cả tinh hoa đất trời làng cổ ven Hồ Tây.

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

in Đời Sống

Sức sống bình dị của nông thôn miền Bắc qua bộ ảnh đời sống về loài trâu

Là linh vật thứ hai của chu kỳ 12 con giáp, trâu là loài có ý nghĩa và ứng dụng quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Việt.