Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Giữa lòng Sài Gòn, xóm lồng đèn truyền thống Phú Bình giữ hồn Trung thu Việt

Giữa lòng Sài Gòn, xóm lồng đèn truyền thống Phú Bình giữ hồn Trung thu Việt

Lồng đèn giấy kiếng, một nét đẹp truyền thống gắn liền với những mùa trăng tròn trong ký ức, vẫn còn được lưu giữ qua bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân tại làng nghề lồng đèn Phú Bình nổi tiếng của Sài Gòn.

Rảo bước trong xóm làng nghề lồng đèn Phú Bình ở đoạn đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 những ngày này, ta sẽ cảm nhận rất rõ không khí Trung thu đang tới gần.

Xóm lồng đèn Phú Bình rực rỡ nhất những ngày Trung thu. Ảnh: Cao Nhân.

Tôi bị thu hút bởi những căn nhà được phủ đầy màu sắc bởi những chiếc lồng đèn thành phẩm đủ hình dạng bắt mắt. Làng nghề nhỏ mang đến cho tôi một cảm giác đầy hoài niệm về Trung Thu hồi đó, nơi những giá trị xưa cũ được gìn giữ như một kho báu giữa lòng phố thị.

Lồng đèn được bày bán. Ảnh: Cao Nhân.

Theo lời kể của những người nghệ nhân nơi đây, vào khoảng những năm 1950 của thế kỷ trước, hàng ngàn người dân từ làng Bác Cổ ở Nam Định đã cùng nhau vào Sài Gòn lập nghiệp, mang theo cả nghề truyền thống của tổ tiên. Làng nghề làm lồng đèn lớn bậc nhất Nam Bộ cũng ra đời từ đó.

Lồng đèn giấy kiếng là sản phẩm đặc trưng của xóm Phú Bình. Ảnh: Cao Nhân.

Ở cái thời hưng thịnh, đâu đó trong những năm 1970-1990, người ta vẫn nhớ nhiều về sự sầm uất của xóm làm lồng đèn, với hàng trăm hộ dân theo nghề để đủ cung ứng những sản phẩm nổi bật cho khắp các tỉnh miền Nam và cả xuất khẩu.

Nhưng theo dòng chảy của thời gian và sự du nhập của những chiếc lồng đèn hiện đại, ngày nay còn rất ít hộ còn giữ nghề-nối nghề. Giờ đây, các hộ gia đình chỉ nhận làm theo đơn đặt hàng chứ không còn bán nhỏ lẻ như trước nữa. Giá thành sản phẩm dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, những mẫu kích thước lớn giá sẽ có giá cao hơn.

Sự cạnh tranh từ lồng đèn hiện đại chạy pin khiến việc buôn bán lồng đèn thủ công khó khăn hơn. Ảnh: Cao Nhân.

Những đôi tay thoăn thoắt quấn tre, tạo hình, tỉ mỉ dán giấy bóng kiếng, điệu nghệ trong từng nét vẽ trang trí khiến tôi mê mẩn. Những cô chú nghệ nhân bảo với tôi rằng thật ra làm lồng đèn không khó nhưng lại tốn rất nhiều thời gian và có nhiều công đoạn khác nhau.

Lồng đèn được tạo hình từ tre, dán giấy kiếng và vẽ màu để thêm phần bắt mắt. Ảnh: Tạp chí Du lịch TP. HCM.

Để có được một chiếc đèn lồng đẹp và chắc chắn, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu ắt hẳn vô cùng quan trọng. Tre làm lồng đèn phải là loại tre già còn tươi, để đảm bảo độ bền và tránh mối mọt. Dán giấy kiếng sao cho đẹp, không bị nhăn để khi vẽ lên sẽ mượt và bóng. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ để có thể cho ra các sản phẩm với những hình thù, màu sắc độc đáo.

Khung đèn ông sao và sản phẩm hoàn thiện. Ảnh: Cao Nhân.

Chị Phượng, một nghệ nhân ở làng nghề Phú Bình tâm sự với tôi rằng: “Thật ra, ai đã làm lồng đèn lâu năm thì sẽ thấy công việc này không có gì khó khăn, điều quan trọng nhất là sự tỉ mỉ và chỉn chu trong từng công đoạn. Điều chị thấy vui nhất là cả nhà cùng nhau làm việc, tạo ra những chiếc lồng đèn đẹp mắt và góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc.”

Đèn được trang trí bằng sơn bột. Ảnh: Cao Nhân.

Tôi ngồi ngắm nghía những chiếc lồng đèn thành hình, sờ vào lớp giấy kiếng bóng loáng mà nhớ lại cái hồi còn nhỏ cũng tham gia hội thi làm lồng đèn rồi nhờ ông làm cho cái lồng đèn ông sao thiệt to mang đến trường, lọ mọ phụ ông cắt giấy, vẽ hình, thích mê. Tự nhiên nhớ lại thấy nhớ mà thương cái nghề này vô cùng, liệu rằng rồi nó sẽ còn tồn tại suốt bao nhiêu năm nữa, và Trung thu sau này tụi con nít còn thấy sắc màu đỏ vàng sặc sỡ kia không?

Chiếc đèn ông sao. Ảnh: Cao Nhân.

Có lẽ đó cũng là nỗi trăn trở của những người trót yêu cái nghề làm lồng đèn nơi đây. Và để giữ lửa cho nghề, người thợ Phú Bình đã tự mình sáng tạo nên những chiếc lồng đèn mới lạ, đẹp mắt, theo xu hướng ưa chuộng của thị trường như hình rồng, cua, cá, thỏ với nhiều chi tiết độc đáo và cầu kỳ hơn.

Bên cạnh hình thức giao thương trực tiếp, các hộ gia đình làm lồng đèn ở làng nghề Phú Bình còn mang sản phẩm lên bán trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội để dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng và lan tỏa hình ảnh của một làng nghề truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình. Ảnh: Tạp chí Du lịch TP. HCM.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình, truyền nhân đời thứ ba của làng nghề lồng đèn Phú Bình chia sẻ: “Năm nay, số lượng đơn hàng tăng đáng kể so với các năm trước. Điều này khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi. Từ tháng 3, ngay sau khi Tết Nguyên đán kết thúc, chúng tôi đã bắt đầu tất bật làm việc. Trong khi đó, những năm trước, phải đến tháng 5 hoặc tháng 6, chúng tôi mới nhận được những đơn hàng đầu tiên.”

Một đơn hàng lồng đèn truyền thống được gửi đi. Ảnh: Cao Nhân.

Cô Nguyễn Thị Tươi, 60 tuổi, cũng bảo với tôi rằng: “Thương hiệu lồng đèn của gia đình đã tồn tại hơn 20 năm. Cửa hàng lồng đèn cô Tươi may mắn được mọi người yêu mến nên mỗi năm vẫn còn duy trì được cái nghề này. Những thế hệ sau của gia đình cũng đang cố gắng quảng bá hình ảnh thương hiệu gia đình để mọi người biết nhiều hơn đến lồng đèn Trung thu truyền thống.”

Tôi vui mừng lắm khi nghe những thông tin khả quan về tình hình kinh doanh lồng đèn của các tiểu thương nơi đây, bởi còn nghề là còn làng. Cứ như vậy, suốt hàng chục năm qua và rất nhiều năm nữa, những người thợ yêu nghề tiếp tục được thổi hồn vào biết bao chiếc lồng đèn, gìn giữ nếp sống quen thuộc để tuổi thơ của ai cũng có đủ vị đủ sắc màu Trung thu.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Gia đình 3 thế hệ giữ hồn nghề làm đầu lân truyền thống xứ Huế

Nằm ở miền Trung, mảnh đất cố đô Huế là cái nôi của nhiều sản phẩm thủ công truyền thống. Ẩn hiện trong từng sản phẩm là những đường nét mộc mạc, thanh thoát mang đậm dấu ấn tâm hồn người nơi đây. Tro...

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

in Văn Hóa

Khám phá tín ngưỡng thờ cá voi của cư dân làng chài qua Lễ hội Nghinh Ông

Cách phố biển Vũng Tàu sầm uất một đoạn không xa là sự bình đạm của thị trấn-làng chài Phước Hải.

in Văn Hóa

Làng chổi đót 'núp hẻm' cuối cùng tại Sài Gòn

Nằm trong con hẻm nhỏ tại đường Phạm Phú Thứ ở quận 6 là “làng” chổi đót cuối cùng của Sài Gòn.

in Văn Hóa

Một thoáng Nam Bộ qua Lễ Kỳ Yên của đình Phú Nhuận trăm tuổi

Diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 của tháng Giêng âm lịch, Lễ Kỳ Yên là lễ hội lớn nhất được tổ chức hàng năm tại đình Phú Nhuận.