Nằm trong con hẻm nhỏ tại đường Phạm Phú Thứ ở quận 6 là “làng” chổi đót cuối cùng của Sài Gòn.
Đi sâu vào con hẻm 180 Phạm Phú Thứ của quận 6, bạn sẽ thấy cả một đoạn đường được áo lên một màu vàng của cây đót. Tiếng lạo xạo của những bó đót va đập, tiếng búa đập và tiếng kéo sợi cước tạo nên một không gian lạ lẫm mà ngay cả người sống ở Sài Gòn lâu như tôi cũng chưa từng thấy.


Những đôi tay thoăn thoắt liên tục làm việc của các thợ làm chổi.
Theo lời kể, “ngôi làng” được những người di dân từ Quảng Ngãi thành lập từ nửa thế kỷ trước và phát triển đến ngày nay. Họ nhập cây đót, một loại cây cỏ hay mọc trên các triền núi và lưng đồi vùng cao, từ Quảng Ngãi hoặc Gia Lai, thường là thu mua từ những người dân tộc trên các bản làng.

Thời điểm đó, chổi đót rất thịnh hành vì tính tiện lợi và nhu cầu sử dụng cao. Những nhân công ở đây chia sẻ rằng họ thường nhận được các đơn đặt hàng xuất khẩu chổi tới nhiều quốc gia, tiêu biểu như Singapore và Mỹ.
Sự phát triển của công nghệ đã vô tình đẩy cuộc sống của những người làm chổi đót rơi vào cảnh bấp bênh. Giờ đây, việc mua một chiếc máy hút bụi không còn quá khó khăn, lại còn được bảo hành trong trường hợp hư hỏng. Nghề làm chổi vì vậy mà ngày càng thất thu trong khi giá một cây chổi chỉ vỏn vẹn 20.000–50.000VND một cây.


Một nhân công đang tước sợi đót, bụi đót rơi ám vàng cả con hẻm.
Để sản xuất ra một cây chổi cần rất nhiều công sức và giai đoạn. Đầu tiên, thợ phải chọn các bông đót chất lượng nhất để tước và cột thành từng bó nhỏ. Mỗi bó nhỏ này sẽ có một vài bông có cuống dài hơn, nhô ra hẳn để làm cán chổi.
Những người phụ nữ khéo tay sẽ đảm nhận công đoạn tước bông và cột lại thành bó.

Bàn chân lẫn đầy bụi đót và bụi đường của những thợ làm chổi.
Sau đó, tầm 20 bó nhỏ sẽ được quấn lại với nhau để tạo thành bó lớn, gọi là bó chổi thô. Những công đoạn sau sẽ là quấn băng quanh cán chổi để tạo thành tay cầm chắc chắn; dùng búa đập để các sợ đót dẹt; tề (cắt gọt) lại cho chổi có độ xòe đều.
Cô Trần Thị Thu Hồng, chủ xưởng chổi lớn nhất tại đây chia sẻ: “Có nhiều người cũng nghiên cứu các loại máy móc để dây chuyền hóa làm chổi nhưng mà cái đặc thù của công việc này là phải làm thủ công, mình cầm vào bó chổi mới biết nó chắc hay mỏng, chỗ nào nhiều chỗ nào ít, quấn chặt hay không chặt.”


Bên trái: Những người đàn ông có sức hơn sẽ được phân công đoạn tề chổi. Bên phải: Công đoạn quấn dây kẽm vào các bó chổi nhỏ.


Công đoạn đan từng bó chổi nhỏ lại với nhau vừa cần kỹ thuật và sự nhanh nhẹn để các bó buộc thật chặt.
Vì đặc tính thủ công của toàn bộ quy trình, công việc làm chổi rất cực và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhìn vào đôi tay nhuộm vàng cả móng cùng những vết chai chằn chéo hẳn ai cũng đoán được thâm niên của họ trong nghề. Một người thợ chia sẻ rằng: “Bụi vàng của đót bám vào móng tay lâu ngày kể cả khi cắt móng, móng mới vẫn còn ám váng.” Với các thợ phụ trách bện kẽm, đôi tay họ chi chít các vết hằn của sợi kẽm, ngón tay thậm chí bị nhiều thương tật.



Để làm ra những chiếc chổi chắc, đẹp, vàng ươm mắt là cả một quá trình cực khổ và đầy bụi bẩn của các thợ chổi.


Các chiếc chổi thành phẩm được cột thành bó, sẵn sàng đến tay người mua.
Các thợ ở đây tâm sự với tôi rằng vì cái cực cũng như cái nghèo này mà họ không muốn truyền nghề lại cho con cháu. Tôi hy vọng những tấm hình này sẽ lưu giữ được một phần ký về làng chổi đót cuối cùng tại Sài Gòn trước khi nó biến mất. Mách những bạn có dự định tìm đến những hộ làm chổi, hãy hỏi đường các cô chú trên đường do các hẻm trong khu này thông với nhau.

