Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Đi tìm 'tín hiệu vũ trụ' tại phố biển hiệu Lương Hữu Khánh

Đến “phố biển hiệu” ở Sài Gòn, bạn sẽ lập tức bị bao vây bởi một lô các địa chỉ không ai định đến, hầm bà lằng những thông báo ai cũng bỏ qua, và thông tin của các doanh nghiệp chẳng ai buồn ngó xem kinh doanh gì.

Khi khai trương một quán cà phê, người ta không thể nào bỏ qua những bước nhàm chán nhưng thiết yếu như sắm máy làm đá, lắp bóng đèn, và dán biển hiệu nhà vệ sinh. Một cặp đôi trong đêm động phòng hoa chúc nóng lòng đến mấy cũng phải ghé lễ tân, và lấy chìa khóa phòng khách sạn có móc ghi số phòng. Khi muốn biết mình có sắp phải “nhìn đời qua hai mảnh đít chai” hay không, ắt hẳn bạn phải đến hiệu kính để “tập đọc” ê a từ một cái biển sáng đèn. 

Có thế thấy, trong cuộc sống thường ngày, biển hiệu không có vai trò quá đỗi lớn lao, nhưng chúng hiện diện khắp nơi. Và như bao vật dụng khác, chúng là kế sinh nhai của nhiều người.

Vào thời Pháp thuộc, đường Lương Hữu Khánh từng là một đường ray xe lửa.

Liên kết hai đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Minh Khai, phố biển hiệu Lương Hữu Khánh có chiều dài gần 400m. Vào thời Pháp thuộc, con đường này không có tên mà chỉ được gọi là đường số 2. Đến năm 1920 con đường được đặt tên là Massoulard, từ năm 1955 đến nay thì mang tên vị danh nhân lịch sử Việt Nam.

Mỗi ngày, có vô số biển hiệu, móc khóa, cờ luân lưu và bảng tên được bày bán trên con đường này.

Trước năm 1989, đường Lương Hữu Khánh là một phần đường ray bỏ hoang, còn đường Phạm Hồng Thái gần đó là một con phố buôn bán tấp nập với nhiều cửa hàng và ki-ốt chuyên làm biển hiệu. Cũng trong thời gian này, thành phố có kế hoạch xây dựng một khách sạn lớn trên đường Phạm Hồng Thái, nên đã huy động người dân tạm thời di dời ki-ốt về con đường Lương Hữu Khánh vắng vẻ. Ban đầu, thời gian quy hoạch được dự tính sẽ kéo dài 3 đến 5 năm, nhưng rồi hơn 30 năm trôi qua mà người dân không nghe thông báo gì thêm. Họ cứ thế duy trì việc làm ăn rồi dần dần ổn định. Những cửa tiệm tương tự cũng mọc lên ngày một nhiều, con đường bỏ hoang năm nào đã trở thành “phố biển hiệu” như ngày nay.

Chú Huỳnh Ngọc Sang với chục năm kinh nghiệm làm biển hiệu.

Chú Huỳnh Ngọc Sang là chủ một cửa hàng biển hiệu trên đường Lương Hữu Khánh. Chú theo nghề từ năm 18 tuổi và là một trong những tiểu thương di dời từ đường Phạm Hồng Thái. Chú cho hay, nhu cầu làm biển hiệu của người Sài Gòn không có mấy thay đổi, chỉ khác là trang thiết ngày càng được được cải tiến hơn. Giờ đây, có nhiều chương trình và kỹ thuật mới hỗ trợ nên các công đoạn từ thiết kế, in ấn đến cắt dán và hoàn thiện đều trở nên chính xác và dễ dàng.

Nhìn chung, các biển hiệu đều có nội dung rất quen thuộc như số nhà, tên công ty, thẻ nhân viên, biển báo “không hút thuốc” hay “bàn đặt trước.” Tuy nhiên, lẫn trong số đó cũng là những dãy chữ khiến người ta phải nhướn mày tò mò — một loài hoa được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, hay kỷ niệm chương ăn mừng 40 năm hợp tác giữa Việt nam, Slovenia và Cộng Hòa Séc. Mặt tiền các cửa hiệu thường trưng bày rất nhiều hàng mẫu để khách xem thử.

Chú Sang cho biết, hàng trưng bày thường là do bị một lỗi gì đó — có thể là sai màu, sai chính tả, hoặc sai dấu cách — hoặc do khách đã "bỏ của chạy lấy người." Nghe thế, Saigoneer đã nghĩ ra một trò chơi rất thú vị, đó là thi nhau tìm xem các biển hiệu ấy sai ở chỗ nào. Chúng tôi cũng không quên chụp một ảnh cho các độc giả tinh mắt thử sức.

Saigoneer thắc mắc rằng giữa hàng chục cửa tiệm làm ra những sản phẩm giống nhau, điều gì khiến khách hàng chọn tiệm này mà không chọn tiệm khác. Về việc này, anh Phạm Thanh Lâm, một thợ làm biển hiệu khác đây, đã trả lời: “Do duyên.” Khách muốn làm biển hiệu nên đi đến con phố này, rồi do duyên mà bước chân vào tiệm này thay vì tiệm kia. Một chủ tiệm khác, chú Phương Anh Tú, nói thêm rằng từ khi chú cùng vợ mở tiệm vào năm 1996 đến nay, buôn bán đắt khách hay không phần lớn là nhờ hiệu ứng truyền miệng.

Chú Phương Anh Tú đang làm biển hiệu cho khách hàng.

Được hỏi về việc thiết kế biển hiệu, anh Phạm Thanh Lâm chia sẻ khách hàng sẽ chọn màu và font chữ mà họ thích, hoặc anh sẽ cho xem một vài kiểu mẫu để họ quyết định. Người làm biển hiệu, dù có nhiều hoa tay đến thế nào, cũng thường không có “đất dụng võ” vì thường phải hoàn toàn theo yêu cầu của khách. Ngoại lệ duy nhất là khi họ thiết kế bảng hiệu cho riêng mình — kết quả là những sản phẩm không phô trương, nhưng cũng không kém phần ấn tượng. Chú Sang nói trong hơn 30 năm qua chú đã làm hàng ngàn sản phẩm, nhưng chú xem bảng hiệu chú tự làm cho cửa tiệm của mình là một kiệt tác, vì chú hoàn toàn được tự do thiết kế và vận dụng tay nghề của mình.

Phố biển hiệu là nơi duy nhất ở Sài Gòn có Phó tổng giám đốc “đìu” hành ngồi chung với Nhân viên thu ngân và B. khám Hậu môn - Trực tràng.

Vì tính chất của công việc in-ấn-dán khá rõ ràng, chúng tôi không mong chuyến tham quan sẽ mang lại phát hiện mới lạ nào. Ấy vậy nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi cảm nhận được tâm huyết của người làm nghề. Các chủ cửa tiệm đều hào hứng dừng công việc đang làm để trò chuyện với chúng tôi, có lẽ là vì chẳng mấy khi họ có cơ hội nói về nghề này với người khác.

Dán sao cho ngay hàng thẳng lối cũng đã là một nghệ thuật.

Các cô chú tâm sự rằng họ thấy vui khi thấy sản phẩm của mình ở bất cứ nơi đâu. Điều đó chứng tỏ họ đã làm ra những biển hiệu có độ bền cao và được sử dụng lâu dài. Ấy nhưng, gương mặt tươi vui cũng thấp thoáng nỗi buồn khi nghĩ đến chuyện để lại cửa tiệm cho thế hệ sau. Chú Sang nói rằng “Ai muốn học là chú sẵn sàng dạy liền,” nhưng chú vẫn chưa tìm được người tiếp quản. Người trẻ hiện nay cảm thấy nghề này chỉ đủ sống qua ngày chứ không mang lại giá trị lớn lao gì cho cuộc sống. 

Sắp trẻ không mấy mặn mà với chuyện nối nghiệp gia đình. 

Dù nhiệt huyết của người làm biển hiệu có vơi, thì nghề này vẫn tương đối ổn định, vì luôn có nhu cầu làm biển hiệu giá rẻ để sử dụng lâu dài. Cứ như thế, con đường Lương Hữu Khánh sẽ mãi mang biệt danh thân thương là “phố biển hiệu” của thành phố. Trong hoàn cảnh kế hoạch di dời ki-ốt bị bỏ ngỏ suốt nhiều năm, các chủ tiệm vẫn chưa biết mình sẽ dời về chỗ nào hay được đền bù ra sao, các cô chú không còn màng mỗi khi có tin đồn di dời nữa. Một công việc thiết yếu cho xã hội như vậy, cũng chẳng thể nào nói bỏ là bỏ được.

Thay vì lật bài tarot, bạn cũng có thể chọn ngẫu nhiên một biển hiệu tại đây để xem sự nghiệp tương lại mình đi về đâu.

Đa phần người ta đến phố biển hiệu vì cần xử lý công chuyện, nên chẳng mấy ai đủ bận tâm dành thời gian để ngó nghiêng đó đây. Họ có bao giờ dừng lại và nghĩ, việc dành chút thì giờ để ngắm nhìn cảnh vật hiển nhiên quanh mình, cũng mang biết bao giá trị?

Biết đâu sau khi ghé thăm nơi đây, bạn sẽ dừng lại để đọc biển hiệu ở bãi giữ xe máy trong chung cư nhà mình, rồi mường tượng trong đầu quá trình thiết kế và gia công biển hiệu ấy. Hoặc bạn sẽ nhìn lên hệ thống ống nước phía trên đầu, thắc mắc rằng người ta đã làm ra nó như thế nào và ở đâu. Để rồi tự hỏi bản thân: trong vô số cái chạm thầm lặng được sinh ra tại thành phố này, trong ngày hôm nay, có bao nhiêu cái chạm mang dấu tay của mình? 

Phố biển hiệu là nơi duy nhất ở Sài Gòn có Phó Tổng Giám đốc “Đìu” hành ngồi chung với Nhân viên Thu ngân và Bác sĩ khám Hậu môn - Trực tràng. 

 

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Làng chổi đót 'núp hẻm' cuối cùng tại Sài Gòn

Nằm trong con hẻm nhỏ tại đường Phạm Phú Thứ ở quận 6 là “làng” chổi đót cuối cùng của Sài Gòn.

Linh Phạm

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

in Văn Hóa

Giữa lòng Sài Gòn, xóm lồng đèn truyền thống Phú Bình giữ hồn Trung thu Việt

Lồng đèn giấy kiếng, một nét đẹp truyền thống gắn liền với những mùa trăng tròn trong ký ức, vẫn còn được lưu giữ qua bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân tại làng nghề lồng đèn Phú Bình nổi tiế...

in Văn Hóa

Một thoáng Nam Bộ qua Lễ Kỳ Yên của đình Phú Nhuận trăm tuổi

Diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 của tháng Giêng âm lịch, Lễ Kỳ Yên là lễ hội lớn nhất được tổ chức hàng năm tại đình Phú Nhuận.

in Văn Hóa

Nghề làm thúng chai của nghệ nhân tỉnh Phú Yên

Nằm trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ nắng gió, Phú Yên là một trong những địa bàn trên cả nước có ngành ngư nghiệp phát triển lâu đời.

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...