Trong cái không khí chộn rộn vào những ngày giáp Tết, có muôn con đường được khoác lên tấm áo mới rực rỡ của dịp lễ hội, dệt nên bởi những nghệ nhân biểu diễn khéo léo và tài ba.
Chẳng phải tự dưng mà người ta vẫn hay truyền miệng nhau câu nói “nơi nào có người Hoa là có múa lân sư rồng.” Được trao tặng danh hiệu Di sản phi vật thể quốc gia, khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn từ lâu được xem như cái nôi nuôi dưỡng nhiều đoàn lân sư nổi tiếng xuyên suốt hàng chục năm qua.
Sài Gòn-Chợ Lớn là nơi nuôi dưỡng nghệ thuật múa lân sư rồng.
Trong văn hóa Trung Hoa, lân, sư và rồng là những linh vật biểu trưng cho sức mạnh, trí tuệ, và may mắn. Tiếng trống rộn ràng, cùng bước nhảy uyển chuyển của lân và rồng, được tin là có thể xua đuổi vận xui và đem lại tài lộc cho gia chủ. Biểu diễn lân sư rồng, do đó, thường xuất hiện trong các ngày lễ truyền thống, khai trương, động thổ hay những dấu mốc khởi đầu quan trọng khác.
Trước thềm Xuân Tiết (tương đương với Tết Nguyên đán), dịp lễ lớn nhất trong năm của cộng đồng người Hoa, những đoàn lân sư lại càng phải tăng tốc để chuẩn bị cho một mùa hoạt động bận rộn. Những bộ trang phục được chăm chút tỉ mỉ, những buổi tập luyện diễn ra ráo riết để từng kỹ thuật, bước nhảy được sống động. Nhưng nếu muốn một màn chào quân thuận lợi, các đoàn lân sư rồng trước hết phải thực hiện nghi thức “khai quang điểm nhãn.”
Khai quang điểm nhãn là truyền thống bắt nguồn từ niềm tin xưa rằng mọi vật đều có thể sở hữu linh hồn nếu được “đánh thức” đúng cách.
Chuyện kể, Lương Võ Đế, hoàng đế thời kỳ Nam Bắc triều ở Trung Quốc, là người rất sùng mộ thần linh nên hay mời nhiều danh họa về để trang hoàng đền chùa. Một lần, tại chùa An Lạc, họa sĩ Trương Tăng Dao đã vẽ bốn con rồng trắng trên tường nhưng quả quyết không vẽ mắt. Khi người dân gặng hỏi, ông mới hé lộ lý do: “Nếu vẽ mắt, rồng sẽ bay đi.”
Nghĩ rằng chỉ là chuyện hoang đường, mọi người nài nỉ ông hoàn thành bức vẽ để kiểm chứng. Cuối cùng, Trương Tăng Dao đồng mới ý chấm mắt cho hai con rồng. Ngay lập tức, sấm sét nổi lên, tường chùa bị phá vỡ, hai con rồng sống dậy rồi cưỡi mây bay lên trời. Hai con rồng chưa được vẽ mắt thì vẫn ở nguyên trên tường bất động.
Rồng bay lên trời.
Tích truyện cổ lưu truyền từ đời này sang đời khác, theo chân những người lữ hành tha hương khám phá miền đất mới, và dần trở thành một nét bản sắc trong tín ngưỡng thờ phụng. Từ đó, các vật lễ linh thiêng như tượng, tranh và tất nhiên, lân, sư, rồng thường được người Hoa thực hiện nghi khai quang điểm nhãn, tức “khơi mở, chấm mắt.”
Sau khi được “mở mắt sống dậy,” những linh vật lân sư rồng mới có thể xuất hành biểu diễn và đem niềm vui, may mắn đến cho mọi nhà. Còn đối với đoàn lân, nghi thức khai quang điểm nhãn như để cầu mong cho một mùa làm ăn phát đạt, thịnh vượng.
Chú rồng ngậm ngọc quý thường xuất hiện trong các công trình và sinh hoạt văn hóa Trung Hoa.
Viên ngọc mà rồng ngậm, hạt minh châu, là biểu tượng của sức mạnh siêu nhiên và tài lộc.
Trên khắp thế giới và Việt Nam, mỗi đoàn lân đều tuân theo những phong tục riêng biệt tùy vào vùng miền và lịch sử hoạt động của mình. Một số đoàn chọn ngày cố định hằng năm để làm lễ, trong khi những đoàn khác chọn ngày lành tháng tốt dựa trên nhiều yếu tố như tuổi tác, thiên can, địa chi và phong thủy. Người thực hiện nghi thức thường là trưởng đoàn, các nhà tài trợ hoặc khách mời danh dự.
Nghi thức thường gồm hai phần: tại tư gia và tại đền chùa. Trước tiên, tại tư gia, đoàn lân sẽ lập bàn cúng, bày biện lễ vật như trái cây, heo quay, để các thành viên thắp nhang kính nhớ tổ nghề. Sau đó, đoàn lân sư rồng sẽ diễu hành đến đền chùa và thực hiện nghi lễ xin phước từ thần linh.
Bàn cúng tổ nghề.
Cuối cùng, nghi thức khai quang điểm nhãn chính thức sẽ được tiến hành — tùy vào từng đoàn mà có thể tổ chức tại chùa hoặc một địa điểm riêng biệt. Trong nghi lễ này, người chủ trì sẽ dùng cọ chấm châu sa hoặc mực đỏ, lần lượt điểm vào các bộ phận trên thân lân: mắt, trán, miệng và tai. Mỗi điểm chạm mang một ý nghĩa riêng: khai mắt để thấy rõ phúc lành, khai trán để đón nhận trí tuệ, khai miệng để cầu lời chúc phúc, và khai tai để nghe thấu lòng dân.
Cũng như nhiều đoàn lân khác, những ngày này, Tinh Anh Đường cũng tất bật sửa soạn cho dịp lễ sắp tới. Vào một ngày tháng Chạp âm lịch, các vũ sư, bằng hữu thân tín, cũng như những vị khách tứ xứ yêu thích nghệ thuật lân sư rồng đã tề tựu tại tư gia của đoàn để tham dự nghi lễ khai quang điểm nhãn. Theo lời kể của một vũ sư, đoàn Tinh Anh Đường được ông Triệu Di Văn thành lập vào năm 1954. Năm 2003, ông qua đời, để lại cho con trai là ông Triệu Di Tài kế thừa và phát huy truyền thống của đoàn cho đến ngày nay.
Tư gia của Tinh Anh Đường tại Quận 11.
Dịp khai quang lần này cũng đặc biệt hơn khi trùng với sự kiện kỷ niệm hơn 70 năm thành lập của đoàn Tinh Anh Đường. Theo chân hơn 80 vũ sư lân sư rồng, hãy cùng Saigoneer dạo bước qua phố phường Chợ Lớn và khám phá một lát cắt thú vị của đời sống người Hoa qua loạt ảnh sau:
Các vũ sư háo hức trong ngày trọng đại.
Trống cái và chập cheng được dùng để tạo bầu không khí sôi động.
Bắt đầu buổi lễ, các vũ sư sẽ lần lượt vào thắp nhang, sau đó mặc trang phục lân sư rồng vào để bái tổ.
Sau đó tất cả sẽ cùng đồng loạt lạy tổ.
Từ tư gia, đoàn lân sư rồng sẽ diễu hành đến Chùa Bà Thiên Hậu.
Đoàn diễu hành thu hút nhiều sự chú ý của người đi đường. Nhiều phụ huynh đã dắt con em mình đi theo đoàn.
Quãng đường diễu hành dài gần 2km nên các vũ sư không khỏi nhễ nhại mồ hôi.
Rồng khi đi đường bộ vẫn phải dừng đèn đỏ.
Người Hoa tin rằng trước các sự kiện lớn như khai trương hay động thổ, họ nên đến chùa Bà Thiên Hậu, vị thần bảo hộ biển cả, để cầu bình an.
Trang phục múa lân được xếp ngay ngắn trong lúc chờ đợi.
Từng tốp lân sư rồng sẽ vào chánh điện để làm lễ.
Các vũ sư chuẩn bị những lá bùa ghi những ký tự may mắn.
Một số sư phụ được mời từ các đoàn lân sư rồng ở Singapore, Malaysia, v.v. để chủ trì nghi thức.



Bùa được dán lên lân sư rồng.
Sau khi cầu may, nghi thức khai quang điểm nhãn của Tinh Anh Đường sẽ được hoàn thành tại tiệc riêng của đoàn.