Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp thời gian.”

Chúng tôi bắt đầu hành trình tại đường Hải Thượng Lãn Ông vào một sáng đẹp trời, trong cái không khí nhộn nhịp của những ngày trước Tết. Một tuần trước đó, tôi đã ghi tên mình và anh bạn đồng hành vào danh sách những người tham gia buổi Bách Bộ lần thứ 6 của Tản Mạn Kiến Trúc.

Bách Bộ, như cái tên đã gợi ý, là một cuộc bộ hành qua các công trình kiến trúc tiêu biểu dưới sự dẫn dắt của những học giả có sự am hiểu về chúng. Đó vừa là một cuộc dạo chơi, vừa là một lớp học nơi những người tham gia được nghe về lịch sử, văn hóa, và cộng đồng đằng sau lớp di sản mà họ đang thưởng lãm.

Chương trình hôm ấy là một buổi du xuân Chợ Lớn, vùng đất lắng đọng nhiều trầm tích văn hóa của người Hoa. Hướng dẫn viên, anh Nghĩa, là một chàng kiến trúc sư với nụ cười xởi lởi. Anh rào trước với cả đoàn: “Thật ra mình chỉ có 1/10 gốc người Hoa thôi.” Tuy nhiên, lượng kiến thức anh dạy cho tôi hôm ấy có lẽ gấp 100 lần những gì tôi biết trước đó. Với một tâm thế cởi mở, chúng tôi theo gót chân anh trong 3 tiếng đồng hồ để hiểu hơn về 3 thế kỷ tồn tại của Chợ Lớn.

“Vùng đất mọi người đang đứng đã chứng kiến lịch sử hình thành của Sài Gòn trong vòng 300 năm qua,” Nghĩa mở lời với chúng tôi trong khuôn viên của Nhị Phủ Miếu, điểm khởi hành của hành trình. Anh kể, vào thế kỷ 18, những người Hoa đầu tiên, người Hoa Minh Hương, do không phục chế độ của nhà Thanh, đã xin phép chúa Nguyễn được di dân xuống phía Nam và định cư ở đàng trong. Họ theo chân các tướng lĩnh thời Minh, trong đó có Trần Thượng Xuyên, đi khai phá miền đất lạ. Vị tướng đã dẫn dắt những người Hoa đầu tiên đến xây dựng cuộc sống mới ở Đồng Nai, sau con cháu họ ngược dòng sông Đồng Nai để lập nghiệp ở Gia Định và thành lập nên đất Chợ Lớn. 

Qua năm tháng, Hoa Kiều Minh Hương lôi kéo được những nhóm người Hoa khác từ đại lục di dân — người Quảng Đông, Khách Gia, Triều Châu, Phước Kiến, Phước Châu, Hải Nam và Quỳnh Châu. Vì có mối liên kết mạnh mẽ với những người đồng hương, họ thành lập nhiều cơ sở để sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng như miếu và hội quán. Đến đầu thế kỷ 19, sử gia Trịnh Hoài Đức đã miêu tả vùng đất này là “phố chợ đông đúc, có những miếu của người Hoa xuất hiện.”

Sở dĩ chúng tôi bắt đầu tại đường Hải Thượng Lãn Ông vì đây từng là tuyến đường thủy huyết mạch, nơi tàu bè của người Hoa ra vào tấp nập để hội họp, giao thương. Nhị Phủ Miếu ngày xưa được xây dựng cạnh bên cũng vì lý do phong thủy. Khi người Pháp nắm được quyền kiểm soát khu vực, họ cho lấp đầy dòng nước để làm đại lộ, thế phong thủy cũng bị phá vỡ.

Đại chúng thường miêu tả cộng đồng người Hoa như một tổng thể hợp nhất, đồng nhất, trong khi mỗi dân tộc đều có những đặc điểm riêng biệt làm nên căn tính của họ. Mỗi công trình mà chúng tôi viếng thăm đều thể hiện những bản sắc riêng biệt như thế, từ kiến trúc đến tập tục cúng bái.

“Đa số miếu người Hoa đều thờ bà Thiên Hậu, vị thần bảo trợ ngư phủ và những người tha hương theo đường sông biển. Riêng người Phúc Kiến thì thờ vị thần căn bản nhất trong tất cả các thần, Phúc Đức Chính Thần, trong văn hóa Việt có thể hiểu như một vị thổ địa làng,” Nghĩa giải thích khi đưa chúng tôi đi tham quan Nhị Phủ Miếu. Chẳng ai rõ rằng ngôi miếu này được xây dựng từ khi nào, chỉ có thể ước đoán sớm nhất là năm 1765, con số được khắc trên hiện vật cổ xưa nhất của miếu là chiếc đại hồng chung (chuông).

“Phần mái của một ngôi miếu Phúc Kiến thường chẻ ra như đuôi chim yến, luôn đưa ra ngoài và võng lên khỏi bờ tường, và được trang trí bằng những họa tiết như đàn rồng và đóm lửa. Điều này xuất phát từ niềm tin rằng người Phúc Kiến thuộc mệnh hỏa. Chúng ta thấy họ trang trí bằng tông màu chủ đạo đỏ-vàng là vì vậy. Khung cửa sổ tròn hình mắt hổ cũng là đặc trưng chỉ cơ sở Phúc Kiến mới có,” Nghĩa lại kể tiếp.

Song song với không gian của miếu và hội quán thường có những dãy nhà được ban hội dùng để tạo ra lợi nhuận, gọi là lợi tức, để trang trải cho các chi phí hoạt động. Bên phải của Nhị Phủ Miếu là một trường học được ban hội Phúc Kiến xây dựng và quản lý trước năm 1975. Ngôi trường có kết cấu đặc biệt khi được xây dựng vào hai thời kỳ khác nhau — một tòa nhà chịu ảnh hưởng kiến trúc Đông Dương của Pháp, tòa còn lại thì mang đậm đường nét kiến trúc hiện đại (modernist), tạo nên một tam giác tương phản về ngoại hình lẫn công năng.

Sau nhiều năm tháng, tòa nhà hiện đại vẫn soi bóng ngôi miếu và hội quán.

Rời Nhị Phủ, chúng tôi mon men theo đường Nguyễn Trãi để viếng thăm một hội quán và miếu khác của người Phúc Kiến, mà theo Nghĩa, được mệnh danh là một trong những hội quán có nghệ thuật chạm trổ kỳ công nhất Chợ Lớn. Người dân còn tương truyền “Hà Chương hội quán ai bì, Ôn Lăng, Thất Phủ hạng nhì hạng ba” để ca ngợi kỹ nghệ bậc nhất của những người xây dựng nơi này.

Nhìn từ bên ngoài, nổi bật nhất có lẽ là các cụm hoạ tiết Lâu Thuyền màu sắc trên mái được dùng để khắc ghi những tích truyện của người Hoa. “Đáng tiếc rằng qua thời gian, những tích truyện này mòn dần đi, nên khó có thể nhìn ra được những nhân vật này là gì. Hỏi những người chăm lo hương khói trong miếu có thể cũng không biết,” Nghĩa nói.

Xen kẽ giữa những tạo tác nhuốm màu thời gian là bóng dáng của một kỷ nguyên hiện đại.

Không chỉ mưa nắng, các công trình ở Chợ Lớn còn chịu ảnh hưởng của thời cuộc. Nghĩa kể tiếp về những biến chuyển ly kỳ của Hà Chương: “Mọi người hãy nhìn cái trùng tu bi ký này.” Anh chỉ vào tấm bia đá dùng để ghi lại thông tin về người thực hiện, năm xây dựng, mục đích sử dụng, và những lần trùng tu của ngôi miếu.

“Khi còn chịu sự quản lý của nhà Nguyễn, người Hoa vẫn cho ghi niên hiệu vua Tự Đức trên bia. Nhưng khi người Pháp đóng chiếm, họ cảm thấy mình không còn thuộc sự cai quản của triều đình, họ muốn theo hoàng đế nhà Thanh. Những cột mốc thời gian sau đó được ghi lại bằng niên tự của [các vua Trung Hoa] như Quang Tự, Đồng Trị chứ không dùng năm Việt Nam nữa.”

Thế rồi khi chính quyền thuộc địa tiếp quản, họ mang những hiện vật trong ngôi miếu đi triển lãm ở phương Tây, trong đó có một cặp rồng dựng cột được chạm bằng đá nguyên khối. “Người Pháp gỡ chúng ra để mang đi triển lãm thuộc địa, rồi ‘quên’ trả về luôn nên giờ phải thay bằng cục gỗ.” Một mảnh lịch sử Hoa-Việt đã biến mất nhẹ tênh như thế.

Trái ngược với sự tĩnh lặng của hai ngôi miếu Phúc Kiến, Tuệ Thành Hội Quán — Chùa Bà Thiên Hậu của người Quảng Đông — mang bầu không khí rất náo nhiệt. Ngôi chùa được thường xuyên lui tới không chỉ bởi người Hoa, mà còn bởi những người Kinh tin vào sự linh thiêng của xá thần nơi đây. Nhưng tương tự như Nhị Phủ, thế phong thủy của Tuệ Thành cũng bị phá hủy khi người Pháp mở đường Nguyễn Trãi, con đường đã tách biệt hồ nước và bình phong nguyên thủy khỏi ngôi miếu.

Một cặp câu đối mới đang được treo lên cho năm mới.

Tuệ Thành mang kiến trúc Lĩnh Nam đặc trưng của cộng đồng Quảng Đông. Ở đây, không gian thuộc về những khung màu lạnh, phần tường để nguyên sắc xám của xi măng, còn gỗ thì chạm rất tinh vi nhưng vẫn để màu mộc, nâu gỗ chứ chẳng sơn quét nhiều. “Không gian ở đây ấm cúng, nhưng nhờ nhang đèn là chính,” Nghĩa đùa. 

Để phần nào tăng sắc tố cho công trình, người Quảng Đông dùng nghệ thuật gốm để tạo hình các bức tiểu tượng, sau đó ghép lại thành mô-đun và đặt trên mái. Loại tượng này ban đầu đem từ Thạch Loan, Quảng Đông. Song về sau, vì nhu cầu sản xuất tăng cao, nhiều xưởng gốm đã mọc lên dọc kênh, từ đó hình thành dòng gốm danh truyền là gốm Cây Mai. Gốm có giá trị cao vì kỹ nghệ tạo tác và màu gốm đặc biệt, nên không khỏi bị những kẻ xấu dòm ngó. Mặt tiền của ngôi miếu vì thế có nhiều khoảng trống từ những bức tượng đã bị mất trộm.

Tiểu tượng được dùng để kể những tích truyện của người Hoa.

Bước vào bên trong, chúng tôi ngay lập tức cảm nhận được thứ không khí nhộn nhịp của dịp Tết. Một cảnh tượng khó quên hiện ra trước mắt: những chú lân rực rỡ đang ngay ngắn xếp hàng để chờ được “khai quang điểm nhãn.” Chọn ngày lành tháng tốt, các đoàn múa lân sẽ đến chùa để làm nghi lễ cầu cúng, xin thân linh điểm lên mắt vía tốt để có một năm biểu diễn thành công. Cũng nhằm dịp này, trung môn, cánh cửa lửng ở giữa ngồi chùa được mở ra. Trong một năm, cửa chỉ được mở vào những ngày rằm và ngày vía bà để thần linh ra vào, người thường đi sẽ bị coi là phạm thánh.

"Sẵn sàng chưa anh em?"

Khách viếng thăm chỉ có thể đứng trước chứ không thể ngồi hay bước qua cánh cổng dành cho thần linh.

Cạnh khu vực cúng bái là gian nhà khách của hội quán, với bàn ghế điển hình của một phòng khách người Hoa — giữa hai ghế là một chiếc đôn. Nơi đây quy tụ rất nhiều bức họa của các họa sư nổi tiếng của Chợ Lớn, trong đó có chuỗi tranh 12 con giáp. Một chiếc nơ hồng được treo quanh tranh của năm con giáp đó. Gian phòng ngày nay chủ yếu được dùng để đón khách tứ phương đến thăm quan, còn việc hành chánh của ban hội đã được dời lên trên.

Từ Tuệ Thành, chúng tôi lại đi dọc xuống con đường Nguyễn Trãi để đến Chùa Ông, có lẽ là ngôi chùa người Hoa khang trang nhất khu vực Chợ Lớn và miền Nam. Công trình đặc biệt vì có sự phối hợp giữa người Triều Châu (người Tiều) và người Khách Gia (người Hẹ). Vì mối ban giao tốt đẹp, hai cộng đồng đã góp sức và tiền của để xây dựng miếu và đặt cả hai hội quán ở đây — Hội quán Sùng Chính của người Hẹ và Hội quán Nghĩa An của người Tiều. Cái tên Chùa Ông đến từ việc ngôi chùa thờ phụng vị tướng thời Tam Quốc, Quan Công.

Là cổ tích được sửa sang kỹ lưỡng nhất trong chuyến đi của chúng tôi, nhưng Chùa Ông được Nghĩa nhắc đến với một sự tiếc nuối. “Công trình được trùng tu ‘mạnh tay’ do nhận được khoản tài trợ lớn của các thương gia gốc Triều Châu. Nhưng có lẽ quá ‘mạnh tay’ nên cấu trúc đã hoàn toàn bị thay đổi, chỉ giữ được những hiện vật nhỏ.” Những hiện vật cũ như trùng tu bị ký, thiêu hương, đôi sư tử, v.v chỉ còn được trưng bày dọc bờ tường bên ngoài.

Tương tự như người Quảng Đông, miếu người Tiều cũng có thải môn quải bình, một vật may mắn treo trước cửa.  

Tuy không giữ được kết cấu lịch sử nhưng công trình vẫn mang nhiều giá trị kiến trúc khi thể hiện được đặc điểm của cộng đồng. Rõ rệt nhất là việc dùng những tông màu sặc sỡ, vui tươi cho phần khảm sứ, và dùng sơn thiếp vàng để viết chữ và tích truyện lên cấu kiện gỗ. Ấy là cái cách người Tiều thể hiện sự phồn hoa từ công việc kinh doanh phát đạt, Nghĩa nói.

Thay đổi vật liệu nhưng tổng thể vẫn giữ được kiến trúc của người Tiều.

Đã thấm mệt dưới cái nắng gắt ban trưa, cả đoàn bắt đầu ngược dòng về Nhị Phủ để kết thúc hành trình. Vừa đi, tôi vừa ngước nhìn những di sản kiến trúc lặng lẽ hơn khác — những ngôi nhà kiến trúc thuộc địa, tân cổ điển, modernist, đôi khi chỉ nằm cách nhau vài mét trên một con phố. Chúng tôi còn dành chút thời gian để nán lại dãy shophouse trên đường Phù Đổng Thiên Vương, nơi những thước phim nên thơ của Người Tình được quay, nay chỉ còn vài căn là còn trong tình trạng nguyên vẹn.

Một điểm dừng xuất hiện trong brochure giới thiệu nhưng chỉ được chúng tôi lướt qua — Đình Mình Hương Gia Thạnh, ngôi đình của những người Hoa đầu tiên. Ngôi đình được bảo tồn trong hiện trạng tốt, nhưng đoàn chúng tôi quá lớn để những người trông nôm có thể tiếp đón. “Các cô chú trong ban hội đã rất lớn tuổi, và lớp con cháu, người trẻ không quá mặn mà với việc tiếp quản. Có người trong hội đã 92 tuổi vẫn chạy xe mỗi cuối tuần xuống đây để trông coi đình.”

Không chỉ những ngôi miếu cổ, tôi bắt gặp những di sản kiến trúc của Chợ Lớn ở những dãy nhà dân, phường chợ.

Lòng tôi lại dấy lên những nỗi lo về tương lai của những công trình mà mình vừa viếng thăm, khi Nghĩa kể về những khó khăn: “Việc trùng tu bị ảnh hưởng bởi khả năng kinh tế của ban hội, tất cả đều được công nhận là di tích, nhưng mỗi năm chỉ được chi một khoản tiền bằng nhau khi còn đơn vị chủ quản. Rất nhiều nơi đang phải đợi mạnh thường quân để đại trùng tu.” Ngay cả những địa danh với ban hội tích cực vẫn cho thấy dấu hiệu xuống cấp, và ngay khi có cả một phương án khả thi, không có gì hứa hẹn việc trùng tu sẽ không làm thay đổi di tích, như đã thấy.

Nghĩ thế, tôi thầm cảm ơn cuộc Bách Bộ vì đã cho mình cơ hội được chứng kiến những di sản kiến trúc quý báu này khi chúng còn phần nào vẹn nguyên. Và biết ơn những thế hệ người đã trông coi, bảo tồn, và giữ ngọn đèn của những ngôi miếu cháy mãi mấy trăm năm đến tận bây giờ.

Bách Bộ là series những chuyến du ngoạn quy mô nhỏ được khởi xướng và soạn thảo nội dung bởi Tản Mạn Kiến Trúc, một nhóm những bạn trẻ yêu thích kiến trúc, lịch sử, văn hóa Việt Nam. Theo dõi Facebook của nhóm tại đây để nhận được thông tin về các buổi Bách Bộ trong tương lai.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 1

Đường Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là đại lộ Gaudot) ở trung tâm Chợ Lớn là nơi vẫn bảo tồn được vẻ cổ kính của nhiều cửa hiệu cũ từ thời thuộc địa. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải là tòa nhà s...

in Văn Hóa

Giao thoa văn hoá Ấn-Việt tại đền Mariamman, ngôi đền Ấn giáo trăm tuổi ở Sài Gòn

Nhắc đến kiến trúc Ấn Độ Giáo tại Việt Nam, ta thường nghĩ đến những tòa tháp nguy nga của người Chăm còn sót lại ở Nam Trung Bộ, hoặc những chùa Khmer rực rỡ tại Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, đó k...

Khôi Phạm

in Văn Hóa

Saigoneer ăn gì, chơi gì, ghé đâu trong 3 tiếng la cà ở Chợ Lớn?

Mỗi khi đặt chân đến một vùng đất mới, đối với tôi không gì vui hơn là chọn hú họa một khu phố nào đó rồi đi vòng vòng cho đến khi đôi chân mỏi nhừ.

Khôi Phạm

in Snack Attack

Tản mạn về trà đá, vị cứu tinh của người Việt trong những ngày hè oi ả

Nếu như cà phê sữa đá là thứ không thể thiếu vào những buổi sáng lười biếng, thì một bình trà đá mát lạnh chính là lời hứa hẹn cho những bữa ăn ngon hết sảy.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Từ New Orleans đến Sài Gòn: Lược sử kèn tây đám ma tại Việt Nam

Trong tất cả các thể loại âm nhạc đến từ đường phố Sài Gòn, những giai điệu đặc trưng của đội kèn tây đi kèm đám rước tang có lẽ là dễ nhận diện nhất.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.