Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Saigoneer ăn gì, chơi gì, ghé đâu trong 3 tiếng la cà ở Chợ Lớn?

Mỗi khi đặt chân đến một vùng đất mới, đối với tôi không gì vui hơn là chọn hú họa một khu phố nào đó rồi đi vòng vòng cho đến khi đôi chân mỏi nhừ.

Việc đi bộ cho tôi sự tự do quý giá để thăm thú với tốc độ phù hợp với mình, được thoải mái khám phá không gian cao rộng xung quanh, được ngước lên, nhìn xuống, ngó nghiêng khắp chốn, để các giác quan đắm chìm trong không khí đô thị đặc quánh những điều bất ngờ.

Người Sài Gòn chắc hẳn ai cũng tự nhận ra rằng khoảng thời gian ta có thể đi bộ làm vui thật ra khá ít ỏi, vì một khi ta đã đặt mông lên xe máy lần đầu, ít ai có đủ dũng khí rời xa cái tiện lợi của ngựa sắt để trở về với vỉa hè vừa hẹp vừa xô bồ. Tôi không đếm xuể mình đã chạy ngang Chợ Lớn bao nhiêu lần — khi đi làm, đi mua thức ăn cho mèo ở tiệm quen thuộc, hay cả những lúc đi ăn há cảo cho đỡ thèm — nhưng chưa bao giờ tôi đến đây chỉ để sống và trải nghiệm.

Năm nay, ngay trước dịp Tết Nguyên Tiêu, tôi đã quyết tâm lôi ban biên tập Saigoneer ra khỏi kén để ghé qua một loạt những địa điểm hay hay nhưng chưa có dịp đến ở quận 5. Trong vòng 3 tiếng đồng hồ, Saigoneer đã ăn “gần sập” quán há cảo và ngốn 6 loại chè khác nhau, nhưng quan trọng hơn hết, chúng tôi tự cảm thấy bớt mang tiếng là người Sài Gòn nhưng chưa từng đi chơi Chợ Lớn.

Để mở đầu series Saigoneer Stroll — “stroll” tiếng anh là đi dzòng dzòng — sau đây là vài gợi ý địa điểm thú vị ở Chợ Lớn để bạn đọc cũng có thể đi chơi “giải ngố.”

1. Miếu Nhị Phủ

Địa chỉ: 264 Hải Thượng Lãn Ông, phường 15, quận 5.

Cư dân quận 5 thăm miếu trước ngày Nguyên Tiêu.

Với khoảng sân rộng mênh mang, bãi giữ xe của Miếu Nhị Phủ sẽ là điểm tập trung đẹp để mọi người gửi xe trước khi đi bộ. Công trình kiến trúc cổ kính này được xây dựng bởi cộng đồng người nhập cư gốc Phúc Kiến vào đầu thế kỉ 18 để làm một cơ sở để sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng.

Có gì vui?

  • Không khí yên tĩnh và mùi nhang trầm ở đây giúp giải tỏa triệu chứng thoái hóa cuộc sống.
  • Thắp vài nén nhang để cầu sức khỏe cho gia đình, hoặc cầu để người ấy đừng ghost mình nữa.

Giá: 5.000VND tiền gửi xe
Nên: Mặc áo, quần, váy dài tay nếu muốn vào trong miếu, để đảm bảo sự tôn nghiêm.

Dòng xe tấp nập trên đường Trần Hưng Đạo B.

2. Thương xá Đồng Khánh / Chợ Soái Kình Lâm

Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo B giữa ngã tư Phùng Hưng và Học Lạc.

Thiên đường đủ sắc vải vóc.

Thương xá Đồng Khánh, chợ vải sỉ lớn bậc nhất Sài Gòn với ba thập kỷ bán buôn, là ngôi nhà của hằng hà sa số đủ kiểu hoa văn, màu sắc, hình dạng vải. Dân địa phương gọi khu chợ vải là chợ Soái Kình Lâm theo tên nhà hàng Hoa nổi tiếng ở ngã tư Phùng Hưng. Dù có yêu thích may mặc hay không, ta cũng không khỏi choáng ngợp vì không khí nhộn nhịp ở đây. Vải đủ màu! Tiểu thương lăn cuộn vải cao hơn đầu người! Áo dài hoạt tiết Pikachu!

Có gì hay?

  • Chợ vải Soái Kình Lâm nhiều màu hơn Crayola và nhiều texture hơn Photoshop.
  • Giữa cái nắng gắt Sài Gòn, được đặt tay lên vải vừa mịn vừa mát có nét thú vị rất riêng.

Giá: Miễn phí nếu không mua gì.
Nên: Muốn chụp hình vải thì nên khen vải đẹp ngọt ngọt một chút thì mấy cô chú ai cũng sẵn lòng cho chụp.

3. Nhà thờ Cha Tam

Địa chỉ: 25 Học Lạc, phường 14, quận 5.

Nhà thờ Cha Tam bình yên trong nắng chiều.

Những viên gạch đầu tiên xây nên nhà thờ Cha Tam được đặt ngày 3 tháng 12, năm 1900, nhằm đúng dịp lễ thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê (St. Francis Xavier), nên nhà thờ được đặt theo tên ngài. Tuy nhiên, người Việt vẫn quen gọi tên nhà thờ Cha Tam theo tên người đứng ra xây dựng nhà thờ và cũng là vị cha sở đầu tiên.

Có gì hay?

  • Nét kiến trúc đặc trưng của Chợ Lớn, được nhào nặn từ phong cách Gothic châu Âu, thuộc địa Pháp, và Hoa Việt.
  • Lễ tiếng Hoa.

Giá: Miễn phí

Cười cái coi!

4. Dimsum Học Lạc

Địa chỉ: 38B Học Lạc, phường 14, quận 5

Tới giờ ăn xế! Quán Dimsum Học Lạc nhỏ nhắn, ấm cúng, và hơi nóng, nhưng há cảo và xíu mại ở đây chắc vào hàng siêu to khổng lồ nhất thành phố. Mỗi viên ước chừng to như nắm tay em bé. Lúc ngồi được vào bàn, toàn bộ chúng tôi đều đói lả, nên quyết định “chơi lớn” bằng cách dõng dạc nói cô chủ quán mang lên mỗi thứ một dĩa. May mắn thay, cô chủ tinh ý nên chỉ đem lên một nửa rồi hỏi lại cho chắc, vì cô cho biết quán có những 22 món, và chưa bao giờ có khách nào ăn hết được tất cả thực đơn của cô.

Thực đơn món xế: há cảo và sữa đậu nành.

Món đỉnh nhất: Tất cả các món bọc rong biển.

Giá: 50.000–90.000VND mỗi người

Nên:

  • Đừng theo vết xe đổ của Saigoneer mà gọi tùm lum.
  • Hớp ngụm sữa đậu nành để nuốt cho dễ nếu lỡ gọi nhiều quá rồi ngán.
  • Chuẩn bị tiền mặt vì quán không nhận chuyển khoản hay app.

Xe bánh hẹ, bột chiên thơm nức mũi

5. Chè Lâm Thạnh

Địa chỉ: 486 Trần Hưng Đạo, phường 14, quận 5.

Vừa ăn chè vừa ngắm vòng xoay.

Nép ngay rìa vòng xoay Phùng Hưng, Chè Lâm Thạnh và Bánh Hỏi Đồng Khánh là bộ đôi thân thiết mời gọi hầu bao của thực khách đi ngang. Cũng như các quán chè khác trong thành phố, Lâm Thạnh đón khách đến với chiếc tủ kính sáng choang và hàng tô đựng topping chè hấp dẫn. Không có gì thích bằng được ngồi thong dong nhâm nhi chè lạnh ngắm xe cộ ở vòng xoay.

Hột gà trà cho bữa trà chiều.

Món đặc biệt nhất: Hột gà trà, thức quà kiểu Hoa làm từ trứng luộc chần trong nước trà và đủ loại gia vị. Chén hột gà lóng lánh màu cà phê đứng giữa ranh giới của món mặn và ngọt có lẽ sẽ không hợp khẩu vị nhiều người, nhưng là đặc sản rất nên thử khi ghé thăm Chợ Lớn.

Giá: 35.000VND mỗi người

Nên: Dũng cảm lên, gọi thử những món chè lạ lùng mà bình thường không bao giờ đụng đến.

Chiều hoàng hôn xuống cũng là lúc những chú lân đủng đỉnh ra khỏi hang.

6. Khổ Qua Cà Chớn

Địa chỉ: 202 Phùng Hưng, phường 14, quận 5.

Rau củ dồn chả cá là món gốc Hẹ đặc trưng.

Chợ Lớn là cái nôi của nhiều phong cách ẩm thực hòa trộn, biến hóa — một trong số đó là phong cách người Hẹ. Người Hẹ vốn có gốc gác từ miền Trung của Trung Quốc. Thưở xa xưa, họ bắt đầu di dân xuống miền Nam, rồi sau đó mới tìm đường đến những vùng đất mới khắp Đông Nam Á, bao gồm miền Nam Việt Nam, Singapore và cả Malaysia. Xe đẩy Khổ Qua Cà Chớn chuyên món khổ qua cà ớt, phiên bản đã Việt hóa của yong tau foo, món ăn kiểu Hẹ bao gồm khổ qua, ớt sừng, đậu hũ và nhiều loại rau củ khác dồn chả cá, ăn kèm sốt tương ngọt ngọt cay cay.

Có gì ngon?

  • Khổ qua cà ớt
  • Xôi mặn kiểu Hoa
  • Mì sườn kho

Giá: 45.000VND cho mỗi phần khổ qua cà ớt
Nên: Nhắn quán đổi topping khác nếu không ăn được khổ qua.

7. Rang Rang Coffee

Địa chỉ: 122 Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5.

Góc đường Châu Văn Liêm sáng đèn giữa đêm.

Sau hàng giờ loanh quanh trong cái nắng chiều Sài Gòn, chỉ có caffeine và máy lạnh mới có thể vực dậy tinh thần của đoàn chúng tôi. May mắn thay, Rang Rang Coffee có cả hai. Chuỗi cafe mới nổi này theo đuổi phong cách thiết kế khá gây chia rẽ — gam màu đen trắng, kim loại và kính giăng đầy không gian, ghế và bàn lạnh như bàn mổ — nên ai đã thích thì rất mê, còn không thích thì rất chê. Tuy nhiên, chi nhánh Rang Rang ở quận 5 tọa lạc trong một xác nhà phong cách khá cổ kính, cộng với dải ban công bao suốt mặt tiền quán đem đến góc nhìn bao quát đại lộ Châu Văn Liêm rất nên thơ. Dù không uống cà phê, ta có thể xem đây như trạm nghỉ để đi toilet.

Có gì vui?

  • Thực đơn với các món uống từ cà phê áp đảo.
  • Kim loại chiếm 80% quán, hợp với thực khách mạng thủy.
  • Vòi xịt đít áp lực mạnh nhất Sài Gòn, nên cẩn thận khi rửa ráy những bộ phận cơ thể nhạy cảm.

Giá: 65.000–85.000VND
Nên: Chọn chỗ ngồi ngoài ban công để ngắm đường phố về đêm.

Ảnh: Nguyễn Lương Cao Nhân, Alberto Prieto.
Thiết kế ảnh bìa: Mai Khanh.

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Bữa cơm món Hoa đầy đặn trong căn nhà cổ Chợ Lớn

Vượt ra khỏi hình ảnh quen thuộc của những quán Hoa gia đình thường thấy ở quận 5, An Duyên Chợ Lớn đem đến trải nghiệm ẩm thực vừa thuận mắt, vừa êm mông, và cũng không kém phần ngon miệng.

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 1

Đường Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là đại lộ Gaudot) ở trung tâm Chợ Lớn là nơi vẫn bảo tồn được vẻ cổ kính của nhiều cửa hiệu cũ từ thời thuộc địa. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải là tòa nhà s...

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 2

Những năm 1920, vị thương gia Quách Đàm đã nắm trong tay quyền sở hữu chợ Bình Tây cũ và phần lớn khu vực xung quanh. Từ đó, ông đề xuất với chính quyền thuộc địa phá bỏ những tòa nhà hiện c...

in Ăn

Hẻm Gems: Đến Tiệm Cơm Ninh Giang ngồi giữa hẻm ăn đồ người Hẹ

Tôi biết đến Tiệm Cơm Ninh Giang 寧江客家飯店 qua lời giới thiệu của vài chiến hữu người Hoa.

in Văn Hóa

Lòng vòng quanh Phùng Hưng, khu phố náo nhiệt mà hoài cổ của quận người Hoa

Tọa lạc tại vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử Chợ Lớn (quận 5), Phùng Hưng là con đường kết nối kênh Tàu Hũ với đường Hồng Bàng. Xuyên suốt chiều dài ấy, con đường mang trong mình hai sức sống song son...