Những năm 1920, vị thương gia Quách Đàm đã nắm trong tay quyền sở hữu chợ Bình Tây cũ và phần lớn khu vực xung quanh. Từ đó, ông đề xuất với chính quyền thuộc địa phá bỏ những tòa nhà hiện có “trên một khu đất có diện tích không dưới 9.000 m2” để xây dựng một ngôi chợ mới, rộng lớn hơn nhiều để làm chợ trung tâm của Chợ Lớn.
Đây là phần 2 trong chuỗi bài viết của Saigoneer về nguồn gốc Chợ Lớn. Đọc phần 1 tại đây.
Hội đồng Thuộc địa đã chấp thuận lời đề nghị này. Năm 1925, Quách Đàm đã hiến đất cho thành phố cũng như đóng góp 58.000 franc làm chi phí xây dựng chợ Bình Tây mới.
Chợ Bình Tây là một thành tựu nổi bật của Quách Đàm. Nhờ nó, ông đã nhận được sự khen ngợi và ngưỡng mộ của cả dân địa phương lẫn giới chức thuộc địa. Trong hai năm tiếp theo, Quách Đàm nhập tịch Pháp và nhận được hàng loạt các giải thưởng, bao gồm bậc Hiệp sĩ của các huân chương như Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) và Huân chương Hắc tinh (Chevalier de l'Étoile Noire) của Pháp, Huân chương Hoàng gia Campuchia (Chevalier de l'Ordre royal du Cambodge) cũng như Huân chương Gia hòa (Order of the Precious Brilliant Golden Grain) của Trung Hoa Dân Quốc.
Chợ Bình Tây được khởi công vào tháng 2 năm 1926 và hoàn thành vào tháng 9 năm 1928. Chợ được xây dựng bằng kỹ thuật bê tông cốt thép của phương Tây và gây nhiều sự chú ý bởi kiến trúc đậm nét Trung Hoa. Đáng tiếc, Quách Đàm không bao giờ thấy ngôi chợ được hoàn thành, vì ông đã mất vào ngày 14/5/1927, hưởng thọ 65 tuổi.
Tờ L'Écho Annamite đã đăng một bài báo dài tường thuật đám tang của ông vào Chủ nhật ngày 29/5/1927. Những chiếc xe điện và xe lửa đặc biệt được dùng để đưa đón những nhân vật quan trọng và có danh tiếng đến Chợ Lớn tham gia đám tang. Đoàn đưa tang khởi hành từ số 45 đại lộ Gaudot đến khu mộ của gia tộc ông tại nghĩa trang Phú Thọ.
Những người đưa viếng bao gồm: Các Đô trưởng Chợ Lớn và Sài Gòn cùng các quan chức cao cấp, trưởng phái đoàn người Hoa và phòng Thương Mại Trung Hoa, các giám đốc của Ngân hàng Đông Dương, Ngân hàng Pháp-Hoa, Hãng rượu Bình Tây, Công ty Thương mại Đông Dương của Pháp, Cửa hàng Courtinat, Cửa hàng Denis-Frères, Nhà máy Điện nước, Công ty Dịch vụ cảng, Bệnh viện Drouhet, Trường Trung học Pháp-Trung và Trường nữ sinh Chợ Lớn.
Hai chiếc chòi lớn được dựng bên ngoài trụ sở Thông Hiệp để tiếp khách và đặt quan tài với hơn 1.500 biểu ngữ và vòng hoa tưởng niệm được gửi từ khắp các vùng thuộc Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Campuchia và thậm chí cả Trung Hoa.
Một nhóm quay phim của hãng Indochine Films đã có mặt khi đoàn rước khởi hành. Đoàn rước được dẫn đầu bởi những người đưa tang cùng bản 'Funeral March' nổi tiếng của Chopin được chơi bởi “một số dàn nhạc xứ An Nam và Trung Hoa.” Phía sau xe tang, gia đình dựng một chiếc bục cao để trưng bày tất cả các huân chương, danh hiệu của ông lúc sinh thời trên một tấm lụa được trang trí bằng màu vàng, xanh lam. Theo sau xe tang là đoàn vệ binh danh dự gồm các tay súng của Đại đội Chợ Lớn (Compagnie de Cholon du 1er Tirailleurs).
Để nhiều người có thể bày tỏ lòng thành, đoàn rước đã đi một vòng quanh thành phố, bắt đầu từ phía đông Chợ Lớn: rue Lareynière (đường Lương Nhữ Học), rue des Marins (đường Trần Hưng Đạo B), rue Jaccaréo (đường Tản Đà), quai Mytho (Võ Văn Kiệt) và quay lại đại lộ Gaudot (Hải Thượng Lãn Ông), rồi quay lại quai Mytho và đi dọc theo Arroyo Chinois (lạch Bến Nghé) vào phía tây thành phố. Tại đây, đoàn rước rẽ qua rue de Paris (đường Phùng Hưng) và đi về phía bắc dọc theo đại lộ Tổng-Đốc-Phương (đường Châu Văn Liêm) và rue Thuận-Kiều (đường Thuận Kiều) về phía nghĩa trang ở Phú Thọ. Một phóng viên của tờ L'Écho Annamite kể với giọng cung kính rằng: “Suốt thời gian đưa tang, các biểu ngữ lung linh và sự ồn ào của thành phố bỗng nhường chỗ cho sự im lặng thành kính.”
Mười bốn tháng sau, vào ngày 28/9/1928, tờ Annales coloniales đưa tin khu chợ mới được khánh thành trước sự chứng kiến của Thống đốc Nam Kỳ cùng một loạt các lễ hội bao gồm diễu hành và bắn pháo hoa.
Sau khi Quách Đàm qua đời, con trai cả của ông là Quách Khôi trở thành giám đốc công ty Thông Hiệp. Thế nhưng, vào tháng 5 năm 1929, bi kịch ập đến khi Quách Khôi đột ngột qua đời và Chợ Lớn lại phải tổ chức một tang lễ trọng thể khác.
Cuối năm đó, được sự cho phép của Thành phố Chợ Lớn, gia đình Quách Đàm đã xây một đài phun nước bằng đá cẩm thạch bề thế tại sân trung tâm của chợ Bình Tây, xung quanh là tượng sư tử và rồng bằng đồng, trên đỉnh là tượng đồng Quách Đàm của nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp Dueuing.
Tượng Quách Đàm hiện nay được lưu giữ tại sân sau của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Pho tượng được khánh thành vào ngày 14/3/1930, là hình ảnh người đàn ông được các tờ báo Pháp mệnh danh là “bậc cư phú.” Trên tay trái của bức tượng là khế ước hiến tặng cho thành phố Chợ Lớn khu đất để xây dựng chợ Bình Tây mới, tay còn lại là cuộn giấy liệt kê các lĩnh vực mà ông đã đóng góp: trường học, chợ, điều hành, hỗ trợ. Lễ khánh thành đài phun nước “được ngài Eutrope - đại diện Thống đốc Nam Kỳ (vắng mặt tại Sài Gòn) và ngài Renault - Thị trưởng Thành phố Chợ Lớn chủ trì cùng sự hiện diện đông đảo của những người yêu quý ông đến từ châu Âu, Nam Kỳ và Trung Hoa.” Một người bạn của gia đình đã “đọc bài điếu văn khắc ghi những công lao cuộc đời của người quá cố.”
Sau năm 1975, bức tượng được tháo khỏi bệ và cất vào kho lưu trữ. Tuy nhiên, kể từ năm 1992, bức tượng được trưng bày lại cho công chúng tại sân sau của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
Những năm gần đây, một tượng bán thân của Quách Đàm được đặt ở phía trước chiếc bệ cũ. Phía sau có dòng chữ Hoa được viết vào năm 1930: “Ông Quách Đàm quê ở làng Long Khanh, quận Triều An, thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, đến Việt Nam khi còn trẻ để xây nhà dựng cửa bằng nghề buôn gạo. Ông đã trở nên giàu có, là một người tốt, có tấm lòng rộng lượng và chính trực. Ông đã xây dựng một ngôi chợ mới cho Dī Àn (Tai Ngon - Sài Gòn). Những đóng góp của ông đã được chính quyền công nhận và trao tặng bức tượng đồng này để tưởng nhớ đến ông. Ông Quách Đàm sinh năm 1863, mất năm 1927.” (bản dịch của Damian Harper).
Sau khi con trai ông là Quách Khôi qua đời, em trai ông là Quách Tiên lên nắm quyền quản lý công ty Thông Hiệp. Thế nhưng theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, việc ông Quách Tiên sẵn sàng hào phóng làm người bảo lãnh cho các khoản nợ của các thương nhân vỡ nợ trong những năm khủng hoảng kinh tế đã dần kéo Thông Hiệp vào cảnh nợ nần.
Sau năm 1933, cái tên Thông Hiệp biến mất khỏi các giao dịch thương mại, mặc dù vào năm 1937 và 1939, Quách Tiên có xuất hiện trở lại với tư cách chủ sở hữu của “đồn điền Quách Đàm” — một đồn điền cao su tại Biên Hòa, có trụ sở đăng ký vẫn ở số 45 Gaudot.
Tim Doling là tác giả của cẩm nang du lịch Exploring Huế (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2014), Exploring Saigon-Chợ Lớn (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2019), Exploring Quảng Nam (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2020) và The Railways and Tramways of Việt Nam (White Lotus Press, 2012). Để tìm hiểu thêm các thông tin về lịch sử Sài Gòn, độc giả có thể ghé thăm website của ông historicvietnam.com.