Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 1

Đường Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là đại lộ Gaudot) ở trung tâm Chợ Lớn là nơi vẫn bảo tồn được vẻ cổ kính của nhiều cửa hiệu cũ từ thời thuộc địa. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải là tòa nhà số 45, nơi từng là văn phòng trụ sở của Công ty Thông Hiệp thuộc sở hữu của thương gia Quách Đàm — nhà triệu phú hảo tâm người Quảng Đông.

Tượng của ông Quách Đàm đặt trước đài phun nước ở chợ Bình Tây, Chợ Lớn.

Ông Quách Đàm (tên tiếng Hoa: 郭琰; phiên âm: Guō Yǎn) sinh năm 1863 tại làng Long Khanh, quận Triều An, thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Giữa những năm 1880, ông rời quê hương để đến Nam Kỳ lập nghiệp. Khởi nghiệp bằng việc mua bán ve chai, ông dần tích góp rồi chuyển sang buôn da trâu và bong bóng cá. Đến những năm 1890, sau khi tái đầu tư nguồn vốn có được từ những thương vụ mạo hiểm ngày đầu, ông mua chiếc tàu hơi nước đầu tiên của mình và bắt đầu gây dựng sự nghiệp buôn gạo thịnh đạt tại Cần Thơ.

Vào giai đoạn 1906–1907, Quách Đàm chuyển về Chợ Lớn và thành lập công ty mới, lấy tên Thông Hiệp — phiên âm Hán Việt của tên gốc tiếng Trung xuất phát từ cặp câu đối "Thông thương sơn hải. Hiệp quán càn khôn."

Một kho thóc trên bến cảng.

Ban đầu, công ty thuê một căn hộ hai tầng làm nhà kho tại số 55 Gaudot, hướng thẳng ra con rạch chảy ngang trung tâm Chợ Lớn. Thế nhưng, một thầy phong thủy mách ông rằng vị trí đắc địa nhất tại khu vực bến cảng này là tòa nhà ba tầng nằm ở số 45, lúc bấy giờ là hai cửa hiệu xà bông Nam Thái và Trường Thành, chỉ cách đó vài căn về hướng đông. Thầy phong thủy nói rằng tòa nhà nằm ở vị trí đầu rồng với thân rồng hướng ra biển, người nào làm ăn ở đó sẽ được tiền vô như nước.

Đến năm 1910, Quách Đàm dời trụ sở về số 45 đại lộ Gaudot. Tuy nhiên, dù đã bỏ nhiều công sức thương thảo, chủ sở hữu vẫn từ chối bán căn nhà cho ông. Do vậy, Quách Đàm đành phải tiếp tục thuê cửa hiệu khiêm tốn để làm làm trụ sở cho công ty của mình. Hơn một thế kỷ sau, mặt tiền phía trước của tòa nhà vẫn còn biểu tượng "TH" (Thông Hiệp) mà ông đã yêu cầu thợ xây khắc lên chân mái.

Số 45 Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là số 45 Gaudot) tại Chợ Lớn từng là trụ sở Công ty Thông Hiệp Quách Đàm.

Những năm sau đó, ngoài nhà máy gạo tại Cần Thơ, Quách Đàm cho xây dựng thêm hai nhà máy gạo lớn tại Chánh Hưng (nay là khu vực Quận 8) và Lò Gốm (nay là khu vực Quận 6). Ông cũng thành lập công ty vận chuyển Quach-Dam et Cie ở Phnom Penh để quản lý bốn tàu hơi nước vận chuyển gạo của mình.

Một trong những nhà máy gạo ở Chợ Lớn thời thuộc địa.

Tuy nhiên, thương vụ làm nên khối tài sản khổng lồ của ông phải kể đến việc mua lại nhà máy gạo Di Xương vào khoảng năm 1915, thời đó là nhà máy gạo lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất tại Chợ Lớn. Một thống kê do Revue de la Pacifique vào năm 1923 cho hay cứ sau mỗi 24 giờ, lượng lúa gạo được tuốt trong các nhà máy của Quách Đàm lên tới 230 tấn ở Chánh Hưng, 250 tấn ở Lò Gốm và 1.000 tấn ở Di Xương, khẳng định vị thế nhà buôn gạo thành đạt nhất Nam Kỳ của mình.

Đồng tiền đi trước, kéo theo đó là uy tín và quyền lực. Ngay từ năm 1908, Quách Đàm là một trong số ít những thương nhân người Hoa là thành viên của Hội đồng Hành chánh Chợ Lớn. Ông trở thành Phó Đô trưởng thứ 3 của Chợ Lớn và giữ chức này trong nhiều năm với nhiều đóng góp tích cực trong việc quản lý. Ông đã cho xây một tư dinh rộng lớn cho gia đình tại số 114 Gaudot, nằm tại bờ bắc rạch Chợ Lớn. Người ta kể rằng ông thích được đưa đón trên con xe được báo chí Pháp gán cho biệt danh là “chiếc xế xinh xẻo.”

Cũng trong giai đoạn này, danh tiếng về lòng hảo tâm của ông bắt đầu được người đời lan truyền. Cáo phó của ông đăng trên tờ L'Echo Annamite đề rằng ông đã “trợ cấp định kỳ cho nhiều bệnh viện, trường học, công đoàn và chưa bao giờ thờ ơ trước những hoàn cảnh khó khăn.” Ông đặc biệt tích cực ủng hộ cho các bệnh viện, trường học dành cho người khiếm thị tại địa phương.

Trong khoảng mười năm cuối đời, mặc dù bị bệnh tật hành hạ và chứng bại liệt cục bộ dày vò, Quách Đàm vẫn tiếp tục đóng góp tích cực cho cộng đồng và thương nghiệp của Chợ Lớn. Ngày nay, ông vẫn được biết đến rộng rãi nhờ công lao then chốt trong việc gầy dựng Chợ Bình Tây.

Bản đồ thế kỷ 19 cho thấy kênh Phố Xếp (được đánh dấu bằng mực đỏ) nối rạch Chợ Lớn với chợ Tai-Ngon (chợ Sài Gòn).

Trước khi thực dân Pháp đặt chân đến đây, ngôi chợ chính trong khu dân cư của người Hoa được gọi bằng cái tên Dĩ Àn (堤岸) hoặc Tai-Ngon, có nghĩa đen là “bờ kè.” Cái tên còn mang hàm ý là “sự tái thiết” sau khi khu vực này bị phá hủy bởi cuộc đột kích của nghĩa quân Tây Sơn vào năm 1782. Vào thế kỷ 19, khu chợ xuất hiện trên một số bản đồ với cái tên “Sài Gòn” thay vì “Tai-Ngon” như được biết đến trước đó. “Sài Gòn” là cái tên được người Pháp sử dụng sau năm 1859 để đặt cho khu vực Bến Nghé cũ, biến nơi đây thành thủ phủ của thuộc địa mới.

 Chợ Bình Tây cũ, được chụp vào đầu những năm 1900.

Nằm gần bệnh viện Chợ Rẫy hiện đại, chợ Tai-Ngon ban đầu được nối với rạch Chợ Lớn bằng hệ thống đường thủy gọi là kênh Phố Xếp (nay là đường Châu Văn Liêm). Tuy nhiên, sau khi chiếm được Nam Kỳ, người Pháp đã thành lập một ngôi chợ mới ngay tại trung tâm Chợ Lớn, trên khu vực ngày nay là bưu điện thành phố. Từ đó, khu chợ cũ bị bỏ hoang và kênh Phố Xếp cũng dần biến mất.

Đến đầu thế kỷ 20, khi Chợ Lớn trở thành khu vực quan trọng về mặt kinh tế, các tờ báo Pháp thường xuyên kêu than rằng Marché central de Cholon (chợ trung tâm của Chợ Lớn) “đã trở nên quá chật hẹp so với lượng cư dân ngày càng tăng.” Tuy vậy, quyết định lấp rạch Chợ Lớn mới thực sự đặt dấu chấm hết cho số phận của ngôi chợ này. Quy trình lấp rạch Chợ Lớn và những tuyến đường thủy kết nối hoàn thành vào năm 1925 khiến thương nhân không thể đến buôn bán bằng thuyền.

Chợ Bình Tây mới, được chụp vào những năm 1930.

Trên thực tế, trong vài chục năm trước khi rạch Chợ Lớn bị lấp, số lượng thương nhân mở hàng buôn tại chợ Bình Tây cũ vẫn tăng không ngừng. Chợ Bình Tây cũ mở cửa vào cuối những năm 1870 và dần trở nên đông đúc sau năm 1891 nhờ sự xuất hiện của kênh Bonard (được người Việt biết đến với cái tên kênh Bãi Sậy). Kênh Bãi Sậy là tuyến đường thủy nối trung tâm Chợ Lớn với hạ lưu rạch Lò Gốm, nhờ chạy thẳng qua chợ Bình Tây mà cầu cảng lúc nào cũng tấp nập thuyền buôn.

Đọc phần 2 của bài viết tại đây

Tim Doling là tác giả của cẩm nang du lịch Exploring Huế (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2014), Exploring Saigon-Chợ Lớn (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2019), Exploring Quảng Nam (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2020) và The Railways and Tramways of Việt Nam (White Lotus Press, 2012). Để tìm hiểu thêm các thông tin về lịch sử Sài Gòn, độc giả có thể ghé thăm website của ông historicvietnam.com.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Từ đầm lầy lên biểu tượng: Lược sử Chợ Bến Thành qua các thời kì

Từ những thảo luận đầu tiên vào năm 1868 về một khu chợ mới, mãi đến năm 1914, chợ Bến Thành mới được hoàn thiện. Sự ra đời của chợ Bến Thành tựa như một giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ của gần năm...

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Di Sản

Ngược dòng lịch sử trăm năm Collège d'Adran — Ngôi trường lâu đời nhất Sài Gòn

Khi đi ngang qua Thảo Cầm Viên về hướng đường Nguyễn Hữu Cảnh, không nhiều người sẽ để ý đến sự hiện diện của THCS Võ Trường Toản và THPT Trưng Vương. Có lẽ càng ít người biết rằng, cả hai công trình ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

14 họa sĩ từ Đông Nam Bộ kể chuyện lịch sử quê mình bằng tranh

Trước điều kiện đi lại bị hạn chế, nhiều dự án minh họa gợi cảm hứng từ danh thắng trong nước ra đã ra đời, không chỉ tạo điều kiện cho mọi người "du lịch" qua màn ảnh nhỏ, mà qua đó còn mang tới nhiề...