Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Chuyện về Marie đệ nhất, tên gian hùng trở thành 'quốc vương' Tây Nguyên

Chuyện về Marie đệ nhất, tên gian hùng trở thành 'quốc vương' Tây Nguyên

Lịch sử thế giới ghi nhận không ít câu chuyện về những đức vua Tây Âu với vương triều ngắn ngủi ở Đông Á. Ta có thể kể đến James Brooke, quốc vương (rajah) da trắng đầu tiên của Ấn Độ — người đã sáng lập Vương quốc Sarawak vào thế kỷ 19; hay luật sư người Pháp Orélie-Antoine de Tounens — người “thành lập” Vương quốc Araucanía và Patagonia tại Bắc Mỹ vào năm 1860. Có lẽ ít người biết rằng ngay tại Việt Nam, đã từng có một vị vua “giả hành tôn” trị vì đến hai năm (1888–1890). Đây là câu chuyện về cách một người Pháp trở thành “Marie đệ nhất” của xứ Xơ Đăng Tây Nguyên.

Marie-Charles David de Mayréna sinh ngày 31/1/1842 tại Toulon, Pháp. Y lần đầu đặt chân đến Đông Dương vào năm 1863 và đóng quân cho hải quân Pháp tại Sài Gòn trong nhiều năm. Trong một lần tham chiến trong chiến tranh Pháp-Phổ, y bị thương và được truy tặng huân chương dũng cảm. Được nhận xét là “một người ưu nhìn, một tay thiện xạ thông minh và mạnh mẽ,” de Mayréna đã sắm vai một “kẻ gian hùng” trong suốt quãng đời còn lại.

Năm 1883, de Mayréna tháo chạy khỏi nước Pháp sau khi bị cáo buộc biển thủ. Y ẩn trốn gần một năm ở đảo Java (Indonesia) trước khi bị chính quyền Hà Lan trục xuất vào tháng 8/1884, lại vì một cáo buộc biển thủ khác. Sau đó, y trở lại Nam Kỳ và lập ra một đồn điền tại Bà Rịa. 

Trong thời kỳ này, nước Xiêm La bắt đầu bành trướng ảnh hưởng lên các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, lúc bấy giờ vẫn còn là một vùng lãnh thổ-biên giới chưa được phân định rõ ràng. Tháng 2/1888, nhà truyền giáo Dòng Tên người Pháp Jean-Baptiste Guerlach (1858–1912), dưới chỉ thị của chính quyền Pháp, đã thành lập Liên minh người Ba Na-Rơ Ngao tại Kon Tum. Tuy vậy, người Xơ Đăng và Gia Rai vẫn chưa bằng lòng khuất phục.

Một chiến binh dân tộc Xơ Đăng.

Nhận thấy cơ hội làm giàu tại đây, de Mayréna thuyết phục Thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ là Charles Le-Myre-de-Vilers rằng mình là người có khả năng lãnh đạo đội viễn chinh đi đàm phán hiệp ước với người Xơ Đăng-Gia Rai. Y đảm bảo sẽ đánh tan ảnh hưởng của Xiêm La tại vùng đất này và thuyết phục các dân tộc thiểu số về phe người Pháp. Lấy cớ thăm dò quặng khai thác vàng ở vùng Attapeu (vùng đất thuộc Lào, giáp tỉnh Kon Tum), một lực lượng viễn chinh đã được tập hợp và đặt dưới sự chỉ huy của de Mayréna. Linh mục Guerlach bằng lòng hỗ trợ y mặc dù có chút ngờ vực.

Mayréna được hộ tống bởi linh mục Guerlach và nhà thám hiểm người Pháp Mercurol. Trong bộ quân phục hào nhoáng, y đã gây ấn tượng mạnh với tù trưởng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thay vì phủ dụ họ quy phục chính quyền Pháp như lời hứa, y thuyết phục họ rằng giờ đây, họ có thể thành lập một quốc gia riêng dưới sự cai trị của y, bởi trước giờ họ chưa từng phục tùng quốc vương An Nam.

Marie-Charles David de Mayréna lấy “tước hiệu” “Quốc vương Marie đệ nhất của xứ Xơ Đăng.”

Ngày 3/6/1888, tại làng Kon Gung (nay thuộc xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), các tù trưởng người Xơ Đăng, Ba Na, Rơ Ngao đã quy phục Mayréna và tôn y là “Quốc vương Marie đệ Nhất của xứ Xơ Đăng.” Sau đó, họ cùng nhau ký kết một văn kiện gồm 11 điều gọi là “Constitution du Royaume Sedang” (Hiến pháp Vương quốc Xơ Đăng). Theo đó, Vương quốc Xơ Đăng là một quốc gia quân chủ chuyên chế, thế tập, có quốc kì riêng (nền xanh với dấu chữ thập màu trắng và ngôi sao đỏ chính giữa) và thủ đô đặt tại Kon Gung, còn lấy tên gọi là Pelei Agna hay “Thành phố vĩ đại.” Vương quốc Xơ Đăng nghiêm cấm hành vi hiến tế con người và thi hành chính sách tự do tôn giáo.

Quốc kỳ của vương quốc này.

Tháng 9/1888, sau khi củng cố liên minh với các dân tộc khác trong vùng, “Quốc vương Marie đệ nhất” đến Quy Nhơn, tiếp đó là Hải Phòng để theo dõi và đảm bảo Hiến pháp của vương quốc mà y vừa thành lập được đăng tải trên các tờ báo Pháp. Sau đó, y bắt đầu đàm phán với chính quyền Pháp, đề nghị đổi vương quốc mới của mình để lấy quyền độc quyền khai thác khoáng sản trong khu vực, đồng thời lan truyền tin đồn rằng quyền lãnh thổ của y đang được “trông nom” bởi các nhà truyền giáo “sẵn sàng cầm lấy vũ khí ngay khi nhận được mệnh lệnh từ y.” Khi lời đề nghị bị các quan chức Pháp từ chối, de Mayréna lật lọng và ám chỉ rằng nếu người Pháp không có hứng thú thì y sẽ đàm phán với người Phổ.

Đầu năm 1889, sau khi bị người Pháp xem như một gã hề, de Mayréna đến Hồng Kông và được chính quyền Anh tiếp nhận. Tuy không có cuộc đàm phán nào xảy ra sau đó, y nán lại đây và đặt hàng sản xuất nhiều loại biểu chương hoàng gia, bao gồm một bộ quốc ấn và nhiều huân chương bằng vàng, trong đó có “Ordre de Sainte Marguerite” để tuyên dương lòng dũng cảm và “Ordre du Mérite Sedang” để biểu dương sự cống hiến cho nhà vua.

Huân chương “sao vàng”  “Ordre du Mérite Sedang.”

Vài tháng sau đó, de Mayréna trở lại Pháp, nơi y được “phong tặng địa vị xã hội cao quý” và “là tâm điểm chú ý tại các quán cà phê sang trọng tại Paris.” Tại đây, y bắt đầu đối chác danh hiệu, huân chương và quyền khai thác mỏ quặng cho bất kỳ ai bằng lòng “chống lưng” cho y.

Tháng 7/1889, de Mayréna ngày càng dính vào nhiều cáo buộc pháp lý đến nỗi phải trốn khỏi Bỉ. Tại đây, y thuyết phục được nhà tư bản Somsy trả hết nợ thay mình và tài trợ kinh phí quay trở về Đông Dương. Sau đó, y rời Marseille với cái tên giả Comte de Mars, cùng với đội quân yểm trợ, 11 thùng vũ khí, đạn dược và nguồn tiếp tế dồi dào.

Một trong những quốc ấn của Vương quốc Xơ Đăng.

Tuy nhiên, khi dừng chân tại Singapore vào tháng 2/1890, số vũ khí trên đã bị cảnh sát địa phương thu giữ, còn de Mayréna được Lãnh sự Pháp thông báo rằng y không thể trở lại Đông Dương. Y đành xin phép được vào lại Tây Nguyên qua lãnh thổ Xiêm nhưng yêu cầu này cũng bị bác bỏ.

Lúc này, chính quyền Đông Dương đã không còn kiên nhẫn. Vào đầu tháng 3/1890, Khâm sứ Trung Kỳ Pierre Paul Rheinart chỉ thị cho Công sứ Quy Nhơn lãnh đạo quân đội tiến vào Tây Nguyên nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực này về tay chính quyền Pháp. Nhiệm vụ nhanh chóng thành công và ngay sau đó, người Pháp nắm quyền kiểm soát Liên minh Ba Na-Rơ Ngao, đồng thời thành lập Phái đoàn ngoại giao Kon Tum do các nhà truyền giáo điều hành.

Cùng tháng đó, de Mayréna chán nản rời Singapore, cùng một đồng nghiệp tên de Villenoy d’Augis đến lánh nạn tại Pulau Tioman — một hòn đảo nhỏ, không người tại Khu định cư Eo biển (vùng lãnh thổ thuộc Anh tại Đông Nam Á trước Thế Chiến II). Cả hai thiệt mạng một cách bí ẩn vào ngày 11/11/1890, một người bị đầu độc, người còn lại chết do trúng đạn. Thi thể được tìm thấy vào ngày hôm sau.

Tim Doling là tác giả của cẩm nang du lịch Exploring Hồ Chí Minh City (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2014). Tham gia nhóm Facebook Sài Gòn-Chợ Lớn Then & Now để ngắm thêm các ảnh lịch sử song song với các bức ảnh được chụp ngày nay tại cùng địa điểm, và nhóm Đài Quan Sát Di sản Sài Gòn để cập nhật thông tin về các vấn đề bảo tồn ở Sài Gòn và Chợ Lớn.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Di Sản

Cầu Long Biên: Từ biểu tượng sức mạnh đế quốc đến chứng nhân lịch sử thủ đô

Trải qua vòng đời hơn trăm năm, không ít dấu tích của thời gian đã phủ đầy cầu Long Biên. Nhưng chiếc cầu sắt qua sông Hồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng di sản Hà Nội. Hãy cùng Ti...

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 1

Đường Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là đại lộ Gaudot) ở trung tâm Chợ Lớn là nơi vẫn bảo tồn được vẻ cổ kính của nhiều cửa hiệu cũ từ thời thuộc địa. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải là tòa nhà s...

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 2

Những năm 1920, vị thương gia Quách Đàm đã nắm trong tay quyền sở hữu chợ Bình Tây cũ và phần lớn khu vực xung quanh. Từ đó, ông đề xuất với chính quyền thuộc địa phá bỏ những tòa nhà hiện c...

in Di Sản

Một Đông Dương cổ kính trong loạt ảnh và tranh minh họa thế kỷ 20

Trong một bộ sưu tầm hình ảnh hiếm hoi về Đông Dương vào năm 1903, cuộc sống của người dân các nước thuộc địa được tái hiện qua đôi mắt của người Pháp. Trong đó, các công trình kiến trúc thuộc địa nối...