Cách phố biển Vũng Tàu sầm uất một đoạn không xa là sự bình đạm của thị trấn-làng chài Phước Hải.
Rũ bỏ dáng vẻ bình dị quanh năm, ngôi làng Phước Hải lại khoác lên mình không khí linh đình vào mỗi dịp Lễ hội Nghinh Ông. Đây là một nét tín ngưỡng và văn hóa truyền thống lâu năm của người dân nơi đây nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với biển cả, cũng như thể hiện sự kính trọng với thần Nam Hải hay cá Ông — vị thần cá voi trong văn hóa dân gian.

Người tham gia đoàn lễ mặc phục trang truyền thống và tụ họp khấn bái để dâng lễ vật cho cá Ông.
Tục thờ phụng cá voi là một truyền thống lâu đời gắn liền với nếp sống của người dân xứ làng chài. Dân gian tương truyền, cá Ông thường tuần du biển cả để cứu ngư nhân khi họ gặp nạn. Ngài vừa che chở tàu bè ra khơi được thuận buồm xuôi gió, vừa ban phúc lành để ngư dân được bội thu, tôm cá đầy khoang. Có không ít câu chuyện được người đời kể lại về những lần người đi biển nhờ thần bảo hộ mà toàn mạng về đến đất liền, hay những lần người dân lập đàn thờ cúng và an táng xác những chú cá voi, cái heo không may mắn dạt bờ.

Thành viên của đoàn rước lễ đội vương miện đại diện cho thần Nam Hải, còn những người khác đại diện cho ngư dân.
Xuất phát từ nghi thức tế lễ và cầu cúng đơn giản, thực hành thờ phụng cá voi dần phát triển thành những phong tục và lễ hội được tổ chức công phu hơn như ngày nay. Nhiều đền thờ cá Ông được xây dựng trên khắp các tỉnh ven biển Việt Nam, nơi người dân có thể đến khấn vái và cầu phúc trước khi ra khơi. Cá voi, cá heo dạt vào bờ được chôn cất như người, còn hài cốt thì được lưu giữ và lập bàn thờ trong đền. Việc phục dựng xương cốt này không chỉ mang ý nghĩa về tâm linh mà có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học.

Một thành viên trong đoàn rước lễ mặc trang phục đại diện cho cung nữ của cá Ông.
Cùng với sự dịch chuyển dân số đến những thành phố lớn, ngày càng có ít người trẻ tham gia tu dưỡng đền thờ và duy trì niềm tin bao đời về vị thần biển cả. Tuy nhiên, truyền thống thờ phụng cá voi vẫn là một phần quan trọng trong văn hóa và bản sắc của các cộng đồng cư dân ven biển. Việc tổ chức lễ hội hàng năm không chỉ là cơ hội để người dân tạm dừng những lo âu, bươn chải để tướng nhớ vị thần, mà còn là dịp để những người con xa xứ trở về với quê nhà, chia sẻ những nét đẹp của phong tục này với du khách bốn phương.

Trái cây, rượu gạo, hoa và hương được dâng cho cá Ông.
Hãy cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh về Lễ hội Nghinh Ông vừa diễn ra tại Phước Hải vào tháng Ba năm nay:

Người dân tụ họp đông đúc để chuẩn bị thức ăn, phục vụ miễn phí cho người tham gia và khách viếng thăm.

Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn là dịp để cộng đồng vui chơi và giao lưu với nhau.

Sau khi dâng lễ vật, đoàn rước lễ ra khỏi đền bằng cổng chính.

Đoàn múa lân quen thuộc cũng xuất hiện.

Một bức tượng cá voi khắc thủ công được đoàn rước lễ diễu hành qua phố.

Lễ hội diễn ra với nhịp độ chậm rãi, các thành viên trong đoàn dành thời gian nghỉ chân trước những ngôi nhà ven đường dọc đường bãi biển.

Buổi lễ kết thúc bên những con sóng, tượng trưng cho cuộc tương ngộ giữa vị thần và đại dương.

Tiếng trống nhịp nhàng theo chân vị thần.

Vì là một dịp để nghỉ ngơi, lễ hội còn có những trò chơi và hoạt động tưng bừng để người dân thưởng thức.

Những mô hình thuyền tí hon và tỉ mỉ được đưa ra biển.

Cách sự nhộn nhịp của lễ hội không gia là nghĩa trang cá voi yên ắng và linh thiêng.
Là cư dân Việt Nam lâu năm, Adrien Jean đã thăm thú, chụp ảnh nhiều địa danh trên khắp đất nước, ghi lại hình ảnh của những lễ hội truyền thống và cuộc sống ở những nơi ít người biết đến. Tuy nhiên, niềm cảm hứng lớn nhất của anh trong nhiếp ảnh chính là phố phường Sài Gòn. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thêm qua website của anh tại đây.